Kính chào năm Đinh Dậu


Cuối cùng, tất cả những cơn lũ lụt của mùa đông khắc nghiệt cũng đã qua đi. Bầu trời trong xanh trở lại, nắng lụa ấm áp đẹp tuyệt vời, ngàn hoa vẫn nở. Mùa xuân đến.

Người Sài Gòn dạo Đường sách xuân Đinh Dậu

Ngắm đàn gà sẽ xuất hiện trên phố đi bộ Tết Đinh Dậu

xuan_QCWP

“Xin chào nhau giữa con đường/Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau” – đó là hai câu thơ mở đầu cho bài thơ Chào nguyên xuân của Bùi Giáng. “Nguyên xuân” có nghĩa là một mùa xuân mới hồn nhiên, thơ mộng, tròn trịa, viên mãn. Mỗi chúng ta đều đang có một nguyên xuân Đinh Dậu như vậy trong lòng mình, trong đời mình.

Người xưa tin rằng những ai sinh vào các tuổi có đứng chữ Đinh, Nhâm, Quý đều là những người nổi tiếng, thông minh, dĩnh ngộ, tấm lòng nhân hậu, có những đóng góp lớn lao làm đẹp cho cuộc sống. Tôn Hành Giả đi đến đâu cũng mong được gặp Lục Đinh (Đinh Sửu, Đinh Mẹo, Đinh Tỵ, Đinh Mùi, Đinh Dậu, Đinh Hợi) để hỏi chuyện vì Lục Đinh nắm khá vững tình hình, lại ăn nói gãy gọn, có nhiều kiến giải thông minh. Năm nay là Đinh Dậu được xem là năm xuất hiện những con gà vàng, linh vật đạt được những thành tích vàng rực rỡ trong tất cả mọi sinh hoạt của đời sống xã hội.

Sự biến đổi khí hậu đã và đang chứng minh sức mạnh hoang dã của nó. Miền Trung lại một lần nữa oằn mình hứng chịu và chống chọi với mưa lũ.

Tiếng gáy của con gà trống – tiếng gáy đón chào bình minh lên hay báo hiệu buổi trưa yên tĩnh, buổi chiều thanh bình được xem là âm thanh hòa bình, trung chính của đời sống. Tiếng gáy ấy được xem là biểu tượng của nguồn sống, sự sống. Tôi sinh ra giữa giai đoạn đất nước quá nghèo vì cuộc chiến tranh xâm lược của người Pháp; cả làng tôi ngày ấy chưa ai biết đến chiếc đồng hồ ra làm sao. Tiếng gáy của con gà trống báo hiệu giờ giấc một cách tương đối, giúp người ta làm việc theo giờ. Trong hương thôn hay vùng bưng biền xa xăm, tiếng gáy của con gà trống là chiếc đồng hồ công cộng hữu ích.

Hình ảnh con gà mái mẹ dẫn đàn con đi kiếm ăn trong vườn là biểu trưng của đời sống đoàn tụ, hạnh phúc, sẻ chia, đùm bọc, công bằng. Cái đời sống hồn nhiên, thơ mộng ấy đi vào trong âm nhạc của Phạm Duy: “Vườn rau, vườn rau xanh ngát một màu/Có đàn, có đàn gà con nương náu/Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều/ Nuôi một, nuôi một đàn con chíp chiu/Bà (bà) mẹ quê, gà gáy trên đầu ngọn tre…”.

Mùa xuân, trời dịu mát, ít gió. Lũ ó diều nghiêng cánh lượn trên bầu trời cao, ghé mắt nhìn xuống mặt đất rình bắt những chú gà con ham chơi, lạc đàn. Mẹ gà dưới đất nhìn lên bầu trời cao thấy bóng bọn ó diều, lên tiếng gọi cảnh giác nhắc nhở đàn con.

Mẹ xòe đôi cánh của mình ra, giữ đàn con lại trong “mái nhà” an toàn đó. Nếu ó diều táo tợn muốn nhào xuống bắt bọn trẻ thơ, mẹ sẵn sàng đánh trả bằng tất cả sức lực của mình để bảo vệ bầy con nguyên vẹn. Một con gà mái bình thường giữa làng quê bỗng trở thành tấm gương dũng cảm tiêu biểu cho tình yêu gia đình, yêu đất nước.

Tôi lớn lên giữa làng quê, được cận cảnh sinh hoạt của loài gà, nghĩ lại lòng không khỏi tràn lên niềm thương mến. Chúng đúng giờ một cách kỳ lạ, cứ bình minh là nhảy ra khỏi chuồng đi kiếm ăn, cứ chiều xuống nhá nhem là nhảy vào chuồng tìm giấc ngủ.

Chúng kiếm ăn một cách chăm chỉ. Gà mẹ bươi đống rơm hay vạt đất, thấy có con trùn con dế thì miệng liên tục gọi các con đến ăn. Không học qua một bài học đạo đức nào, gà mẹ chỉ cần bản năng cố hữu của giống loài, vẫn biết nhường cho con những miếng ngon, vật lạ. Đêm đông, gió mùa đông bắc thổi lạnh, mẹ gà úm bầy con vào lòng cho chúng được ngủ trọn giấc.

Mẹ gà cứ vậy nuôi các con lớn lên đến giai đoạn con ra lông đuôi, lông cánh mới cho đàn con “ra riêng” tự lập. Nhìn các hình ảnh ấy, không ai không thương mến loài gà.

Gần như người làng quê nuôi gà tốn rất ít thức ăn. Bầy gà nhảy ra khỏi chuồng biết mình sẽ đi kiếm ăn ở đâu. Căn bản, chúng ăn cái gì cũng được; từ con dế, con trùn, con ấu trùng dưới đất trong lùm bụi đến hạt lúa, hạt đậu rơi vãi đâu đó trên cánh đồng mới gặt xong hay trong nương rẫy mới được thu hoạch.

Những người chủ thi thoảng vãi cho chúng một nắm lúa, nắm bắp hay một cục cơm nguội. Con gà lớn lên tự kiếm ăn, tự nuôi mình, tự đẻ trứng, ấp nở ra con, đem lại ích lợi cho cuộc đời con người. Con gà ta có đời sống khác hẳn con gà công nghiệp giá áo túi cơm, chỉ đứng một chỗ chờ ăn chờ uống.

Trong những thứ thức ăn quen thuộc có nước trên đời, món thịt gà đứng đầu: mì gà, cháo vịt, phở bò, bún giò heo. Văn hóa ẩm thực Quảng Nam và miền Trung tạo ra món mì Quảng nổi tiếng, trong đó mì nấu với nhưn thịt gà ta là món phổ biến nhất.

Trong tất cả các món nấu vào ngày cúng giỗ, tiệc tùng thì cà ri gà, ra gu gà, gà rô ti, gỏi gà xé phay được xem là những món ngon, lành tính. Bữa cơm cúng tất niên hay tân niên luôn luôn có con gà luộc mới tỏ rõ lòng thành kính đối với gia tiên.

Trứng gà là thức ăn bổ dưỡng, cần thiết cho trẻ thơ, người già, người có thai và người bệnh. Chiếc chổi lông gà vừa đẹp, vừa nhẹ có giá trị giúp con người quét bụi, làm đẹp bàn ghế giường tủ. Nói sao cho hết những ích lợi mà con gà đã đem lại cho đời sống con người.

Kính chào năm mới Đinh Dậu, những con gà vàng Đinh Dậu sẽ ra đời, hứa hẹn một lớp người thông minh, dĩnh ngộ, có nhiều hoài bão, đóng góp thêm cho trí tuệ VN những tài hoa mới.

Kính chào năm Đinh Dậu, chúng ta kính chào một giai đoạn kinh tế phát triển, nhiều thành tựu mới làm đẹp, làm giàu cho đất nước thăng hoa.

Kính chào năm Đinh Dậu, chúng ta kính chúc tất cả các gia đình sum vầy, hạnh phúc, đầm ấm, vui tươi; không một đời nghèo nào bị lãng quên, không một con người nào thiếu cơm, thiếu áo hay bị bỏ sót.

Kính chào năm Đinh Dậu, chúng ta mong ước nông thôn sẽ bừng sáng, tiến kịp bước tiến của thị thành không phải với những công trình hình thức chủ nghĩa mà bằng chính sự phát huy nội lực của từng con người, từng nhà, từng làng, từng xã.

Con gà Việt cất tiếng gáy, âm thanh trung chính vang lừng sông núi. Con gà Việt kiên trì chiến đấu và tranh đấu để giữ gìn từng tấc đất, từng cụm đảo đá của đất nước trên biển Đông. Câu thơ thần trên sông Như Nguyệt năm xưa vẫn còn truyền tụng mãi trong lòng mỗi chúng ta “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” – Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời, nhắc nhở mỗi chúng ta bổn phận phải giữ gìn Tổ quốc vào mỗi bình minh thức dậy.

Theo TNO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: