“Mới lên Sài Gòn làm gì đây?” – Kỹ năng sống sót của SV qua con mắt nhà văn Khải Đơn


Lúc chưa đặt chân đến Sài Gòn, sinh viên ngoại tỉnh thường nghĩ Sài Gòn có biết bao nhiêu điều tốt đẹp, được học, được đi làm, và trở thành sinh viên là sắp được… đổi đời…

Người trẻ, ai cũng mơ ước một lần mình trở thành sinh viên đại học, được ngồi trên chiếc ghế giảng đường của một miền đất nhộn nhịp, vui tươi – Sài Gòn.

Lúc chưa đặt chân đến Sài Gòn, sinh viên ngoại tỉnh thường nghĩ Sài Gòn có biết bao nhiêu điều tốt đẹp, được học, được đi làm, và lúc nào cũng cho rằng được trở thành sinh viên tức là “đổi đời”. Thế nhưng do thiếu kỹ năng nên khi vừa xa rời sự bao bọc của cha mẹ, một vài lần va vấp, các bạn đã vội đầu hàng, lại quay về bên ba mẹ. Những bạn được ba mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng, thì cố gắng ở lại “chịu đấm ăn xôi”, cuối cùng sợ hãi, mãi lay hoay với cuộc sống bế tắc tại Sài Gòn.

Cách đây không lâu, CLB Nguồn Nhân Lực của trường Đại học KHXH&NV TP. HCM mời nhà văn trẻ Khải Đơn (tên thật là Phạm Lan Phương, SN 1987) nói về mảng “sống thực” trong chủ đề “Sống thực bắt đầu từ học thực”. Chị Khải Đơn quyết định chọn nội dung “Mới lên Sài Gòn àm gì? đây” để mổ xẻ những góc cạnh như: tâm lý, sự mất cân bằng, sự tổn thương, những thứ dễ bị đe dọa, tận hưởng cuộc sống mới, trải nghiệm thành phố, vài kỹ năng và địa điểm thú vị để dành cho các bạn sinh viên.

Khải Đơn là một người viết tự do từng cộng tác cho nhiều tờ báo lớn với các bài phóng sự, bài viết phân tích, nhận định rất xuất sắc. Bạn đọc thường bị thu hút bởi cách chị Khải Đơn nêu lên quan điểm trước những vấn đề xã hội, người đọc bắt gặp chính bản thân mình đâu đó trong tác phẩm của chị để ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm. Chị cũng được nhiều bạn sinh viên nhờ tư vấn về các vấn đề mà các bạn gặp phải khi đi học ở Sài Gòn.

Chia sẻ của chị cũng chính là mối quan tâm của rất nhiều bạn trẻ bây giờ, khi mãi chật vật với công việc, với lòng người ở Sài Gòn. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện, lắng nghe những chia sẻ đầy thú vị của chị sau cuộc giao lưu vừa qua.

ky-nang-song-1

Chị Khải Đơn có rất nhiều chia sẻ về cuộc sống mà các bạn trẻ đặc biệt quan tâm – (Ảnh NVCC).

Xin chào chị Khải Đơn, thời gian qua những chia sẻ của chị về nội dung “Mới lên Sài Gòn thì làm gì?” đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều các bạn trẻ. Vì sao chị lại chọn nội dung này?

Trong quá trình tôi viết báo, viết Facebook, nhiều em sinh viên cũng hỏi tôi vấn đề các em gặp phải khi vào học, khi tốt nghiệp. Khi CLB Nguồn Nhân lực mời tôi trò chuyện với các bạn sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, tôi nghĩ dịp này là lúc để mình nói với các em, khi còn… chưa muộn, và các em có thể làm nhiều việc để yêu thành phố và những năm tháng tuổi trẻ của mình hơn.

ky-nang-song-2

Buổi nói chuyện “Mới lên Sài Gòn làm gì đây?”, với những chia sẻ về các vấn đề tưởng chừng như nan giải trở nên nhẹ nhàng (Ảnh NVCC).

Chị có thể chia sẻ một vài câu chuyện mà chị ấn tượng trong buổi trò chuyện đó?

Các sinh viên đến buổi nói chuyện chỉ hỏi chứ không chia sẻ. Tôi đã kể cho các em nghe là một bạn sinh viên gây tai nạn làm một phụ nữ gãy chân. Gia đình bạn đã lo trả tiền viện phí và giải quyết các thủ tục với nạn nhân xong xuôi. Nhưng hàng tháng, nạn nhân vẫn gọi điện riêng cho bạn, hù dọa sẽ cho bạn đi tù này nọ, và bắt bạn phải bỏ hết tiền ra để đưa cho bà ta tiếp. Bạn không nói với cha mẹ mà nhịn ăn nhịn mặc để cống nạp số tiền này hàng tháng vì sợ “đi tù”. Đến khi ba mẹ biết, là lúc bạn tự khai ra vì quá sợ, do không có đủ tiền nộp cho bà ta nữa.

Hoặc như trường hợp bạn trẻ ở quê lên thành phố, thuê nhà trọ, nộp tiền cọc trước 2 -3 tháng, nhưng không có kinh nghiệm xem nhà, đêm ngủ nước ngập dâng vào nhà, hay bị trộm đồ liên tiếp, sợ quá phá hợp đồng dọn đi, cứ 1 lần dọn là 1 lần mất sạch tiền cọc. Xảy ra nhiều lần, bạn đâm ra sợ thành phố và ghét việc đi học xa nhà. Tất cả sinh ra vì không có kỹ năng.

Vậy chị cảm thấy họ đáng thương hay đáng trách?

Đáng thương ở chỗ là “tai nạn” đã xảy ra với các bạn vào giai đoạn mới mẻ của cuộc đời. Mấy thứ rắc rối  này có thể sẽ hóa thành những cú đấm làm tổn thương người trẻ rất nhiều. Bị lừa liên tục dẫn đến suy nghĩ cay đắng vào mọi thứ. Đi làm không được trả tiền khiến bạn cảm thấy không còn tin vào ai và không coi trọng giá trị của việc đặt niềm tin vào người thuê mình lao động nữa. Hoặc bị bạn bè bỏ rơi hay tẩy chay khiến người trẻ không thể thích nghi tiếp hoặc đơn giản là không trọng tình bạn nữa.

Tôi chỉ thấy đáng trách trước trường hợp sinh viên va vấp phải chuyện tai nạn trong đời sống rồi không đứng dậy luôn, thu kín mình vào, trốn về quê sau khi học xong, rúc vào sự che chở của cha mẹ hệt như thời trẻ con.

Sau 18 tuổi, chúng ta phải học cách chịu trách nhiệm về thứ mình gây ra, chứ không phải chạy trốn và quàng lên vai bố mẹ mọi trách nhiệm mà họ đã dành cho chúng ta trước đó. Nếu chúng ta không khám phá thế giới, vậy ai sẽ sống dùm chúng ta? Hay nếu chưa gì ta đã sợ đau, thì ai sẽ đưa lưng ra cho cuộc đời chịu đòn dùm chúng ta? Không thể lớn lên bằng cách chạy trốn được.

ky-nang-song-3

Khải Đơn đến tận nơi để giải thích, giải đáp những thắc mắc, khó khăn của nhiều bạn trẻ (Ảnh NVCC)

Theo chia sẻ của chị, chị cũng từng là một sinh viên từ tỉnh lên thành phố, cũng lay hoay giữa chốn thị thành, vậy  chị có thấy mình trong những chia sẻ đó? Riêng chị, chị đã trải qua những gì tại Sài Gòn, có được sự giúp đỡ, hay sự cố nào mà chị nhớ nhất?

Tôi trải qua cảm giác không còn gia đình “chống lưng” cho mình. Cảm giác đó kéo dài trong nhiều tháng ròng, và thực sự gây ảnh hưởng tới cảm giác của tôi về sự an toàn của mình, sự vững chãi của tinh thần. Tôi bỏ về nhà liên tục vì muốn ăn đồ ăn mẹ nấu, muốn ngừng gặp người lạ, muốn không phải đối phó với cuộc sống ở nơi xa lạ. Nhưng tôi cố gắng vượt qua, vì nghĩ rằng mình đã lớn, và mình sẽ từng bước trải nghiệm cũng như tự tay xây dựng cuộc sống của mình. Tôi không thể nào cứ mãi dựa dẫm vào ai đó.

Khi ở Sài Gòn, tôi được rất nhiều người giúp đỡ. Có một bác lớn tuổi, làm thư ký ở 1 tờ báo giáo dục nhỏ, bác cho tôi việc chạy tin, kiếm vài chục ngàn/tin. Có một cô giáo, hàng tuần cho tôi ăn trưa (cảm giác như được trở lại gia đình), và dạy tôi thêm về nghề nghiệp. Có rất nhiều bạn bè trong lớp sẵn sàng giúp khi tôi nói tôi hết tiền xe bus, hay tôi đi làm việc mà sợ người ta bắt nạt, có bạn sẽ tình nguyện nhận đưa đi. Người tốt ở đây nhiều lắm, và tôi may mắn cũng như biết ơn họ đã dành cho mình một cơ hội, để mình không quá tuyệt vọng.

Chị có cảm nhận thế nào về sinh viên ngày nay? Sinh viên thời nay khác với ngày xưa ở điểm nào, họ năng động, nhiệt huyết, hay còn sợ sệt vì khi ở nhà đã được bao bọc quá kỹ?

Tôi thích đời sống sinh viên bây giờ hơn. Đầu tiên là họ tự chủ hơn về khả năng tiếp cận những nguồn học liệu, tri thức, người giảng dạy. Họ cũng tự chủ hơn về tư duy vì nói chung nguồn sách, và tri thức đã tốt hơn rất nhiều so với 5 năm trước của tôi. Ngày trước cần tìm tài liệu sẽ phải xài ngoại ngữ, nhờ bạn dịch, giờ tôi thấy các nhóm sinh viên tự phân công nhau dịch thuật luôn, vậy là tăng cơ hội tiếp cận.

Thứ hai là họ có nhiều cách giải trí hơn. Thời của tôi, muốn giải trí chỉ có xem phim, nằm nhà nghe nhạc, hoặc đi sinh hoạt câu lạc bộ gì đó trong trường. Giờ có các bạn chơi các môn X-game, chơi cosplay, các nhóm dịch truyện, đọc truyện, các bạn đi trekking, đi phượt, đi bộ, đạp xe, chạy motor, đồ hand- made, quay video… Sự giải trí này rất quan trọng đấy, nó giúp bạn trẻ phát triển cả thể chất và tinh thần, khiến họ mạnh mẽ hơn và không đơn độc, dù ở hoàn cảnh nào.

Giải trí tốt, lành mạnh, tốt cho sức khỏe và phát triển nhân cách cũng khiến các bạn nhìn xung quanh bao dung hơn vì tiếp xúc  và thực hành nhiều thứ họ ít làm, ví dụ thay vì kì thị bạn bè thuộc giới LGBT, giờ vì cùng sinh hoạt trong các CLB nghệ thuật, họ sẽ biết bạn bè mình dù có giới tính khác, nhưng lại rất giỏi. Việc có nhiều hoạt động khiến người ta độ lượng hơn khi nhìn người khác xung quanh.

ky-nang-song-4

Nhờ đó, phần nào các sinh viên đã có thể tự tin hơn trong việc học, cũng như những khó khăn phía trước tại Sài Gòn (Ảnh NVCC)

Vậy có hơi quá không khi chị có chia sẻ rằng những sinh viên sau 4 năm đại học không quen ai ngoài 2 người bạn ở phòng trọ kế bên, thậm chí không biết đi đến đâu mới hết Thủ Đức?

Đó là tùy kinh nghiệm của chúng ta trong gặp gỡ sinh viên. Tôi quen những bạn sinh viên học ở Thủ Đức và 3 năm không bước lên quận 1 để xem “nó có gì” vì bạn sợ. Tôi cũng từng phỏng vấn 1 nữ sinh, em bảo khi nhóm bạn 4 người trong lớp nghỉ chơi em vì mâu thuẫn, em tuyệt vọng đến mức muốn tự tử vì không có bạn nào ở thành phố cả. 4 người bạn kia đều là bạn cùng quê của em.

Tôi nhận thấy ngày nay công nghệ phát triển, có nhiều nhóm bạn, tình nguyện viên, tổ chức,… giúp đỡ khá nhiều cho các bạn từ khi lên thành phố đi thi (về tư vấn, tìm nhà trọ giá rẻ, tiện nghi, chở đi thi,..), cho đến sự hỗ trợ các tân sinh viên. Vậy do đâu các bạn ấy vẫn còn bỡ ngỡ?

Tất cả những thứ bạn nói là hỗ trợ và nỗ lực từ cộng đồng. Mức độ hiệu quả nó đạt được sẽ đo đếm bằng việc bạn trẻ có tìm được nhà trọ không, có được chở đi thi mấy buổi… nhưng không thể đo đếm được những yếu tố sau: Sợ sệt môi trường lại, co mình và không thích nghi, không đủ can đảm để trải nghiệm đời sống mới, mất kỹ năng…

Những cái đó, tự sinh viên phải đi tìm cho chính mình, rất ít sự tư vấn hỗ trợ được.

Theo chị, sinh viên lên thành phố đi làm, đi học thì có quá thiệt thòi so với sinh viên thành phố hay không?

Không, tôi không thấy ranh giới thiệt thòi nào ở đây cả. Rõ ràng đa phần sinh viên – không kể các bạn từ gia đình khó khăn (là đã thiệt thòi so với tất cả mọi người rồi) – đều được gia đình lo chuyện tiền bạc khi đi học đại học. Đi làm ở đây nghĩa là kiếm thêm tiền… để chơi, hoặc học thêm kỹ năng, học thêm nghề…  Sinh viên thành phố cũng đi làm như bất cứ ai. Tôi quen những bạn ở thành phố đi làm từ năm đầu đại học, và họ chọn từng nghề làm thêm để bổ túc kiến thức cho họ trong nghề tương lai.

ky-nang-song-5

Ngoài ra, Khải Đơn cũng là cây viết gắn liền với thực tiễn, chính vì vậy chị nhận được rất nhiều tình cảm của đọc giả trẻ (Ảnh NVCC)

Mọi người biết đến Khải Đơn không chỉ qua những bài viết cho các tờ báo lớn, mà còn là cây bút chiêm nghiệm rất thực về cuộc sống, những câu chuyện gần gũi rất đời thường nhưng lại lấy được tình cảm, thậm chí là nước mắt của người đọc. Vậy từ đâu chị lại có nhiều cảm xúc đến vậy trong bài viết của mình?

Tôi phỏng vấn nhiều bạn, và từ đó tôi có câu chuyện có thể dùng để kể về một trải nghiệm nào đó trong đời, như một cách chia sẻ những thứ tôi và bạn bè trải qua, để mọi người cùng nhìn thấy ta có thể điều chỉnh hay đi một hướng nào đó, khiến mọi thứ tốt hơn.

Một chút cảm nhận của chị về Sài Gòn?

Tôi yêu Sài Gòn. Nó là thành phố của sự hỗn loạn. Nó khiến chúng ta không hề biết mặt nhau nhưng lại sẵn sàng dang tay giúp đỡ một ai đó. Sự bất an của nó khiến chúng ta muốn “cưu mang” và giúp đỡ người khác, cũng sẵn lòng cởi mở để gặp gỡ người khác – đó là nỗi sợ cô đơn nó tạo ra, nhưng vì thế nó tạo ra những con người với hành xử tốt.

Cảm ơn chị về những chia sẻ trên. Chúc chị sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc trong công việc cũng như cuộc sống.

Nguồn: Theo Phạm An / Trí Thức Trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: