Mưa quá, đường trắng xóa, xe cộ trắng xóa, nhà cửa trắng xóa… Tôi và bạn đành tấp đại vào một quán “Bún phở – Sinh tố” bên đường. Sài Gòn đêm không ngủ thì làm gì? Sài Gòn, người tình bao dung Chẳng ai bún phở vào lúc nửa trưa nửa chiều này. Quán hẹp, nông choèn, chẳng thấy toilet ở chỗ nào, giờ mà sinh tố có dễ “đời ra nước”. Đành gọi hai tách trà Dilmah, nhạt thếch nhưng có chút khói ấm. Đặt trong lòng tay dễ chịu đến mất hẳn cảm giác thèm smartphone. Bạn bảo xa quê rồi thấy cái gì từa tựa cũng nhớ, nhất là những cơn mưa ào ạt của Sài Gòn càng khiến lòng rưng rưng nhớ những ngày mưa ở nhà. Bạn kể về những cơn mưa quê nhà miền Trung, dầm dề, dai dẳng và buồn đứt ruột. Mưa ở đó khác mưa nơi này, trước khi mưa trời phải báo hiệu bằng tiếng sấm, bằng chớp. “Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy, cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi”, chứ không như mưa Sài Gòn, ào một cái, chợt đến chợt đi không hề báo trước. Rồi bạn miên man nhớ những ngày bé tí bạn đợi mưa mà tắm, có hôm cha mẹ không cho thế là bạn ngồi một góc, bịt tai rồi mở để nghe trong đầu vang tiếng oa oa mưa vỡ. Mưa rơi trên mái tranh xuống đất thành từng hàng bong bóng trôi đi lấp lánh, bạn ngồi ngắm mơ màng. Ngày mưa bạn nhớ chị. Thuở đó, mỗi khi mưa, chị bạn hay đứng tựa cửa, mắt chị thật buồn, nhìn xa xăm, còn miệng thì ngân nga câu hát của ca sĩ Phi Nhung hiu hắt: “Em đi lấy chồng về nơi xứ xa. Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu”. Rồi câu hát ấy như vận vào cuộc đời chị bạn. 20 tuổi chị lấy chồng xa xứ thật. Về miền Tây, cách miền Trung quê bạn hơn ngàn cây số. Ngày mưa bạn sợ nhất là cảnh nhà dột. Sợ cảnh cha lầm lũi trèo lên nóc chỉnh từng mái tranh, sợ cảnh mấy đứa con nheo nhóc chạy đi tìm xô chậu hứng nước. Cha bạn thì cười, bảo ai giàu ba họ ai khó ba đời đâu con. Bạn ngồi tính, đời ông khổ, đời cha cũng khổ, vậy là ước mơ dồn hết vào đời bạn. Ngày mưa bạn lại nhớ ông, nhớ bà. Mưa không ngớt bà ngồi giã trầu, ông ngồi hút thuốc lào rồi đánh tiếng: “Trời ni có nồi bánh ngào mà ăn thì tuyệt”. Cả nhà im lặng, mong ước của ông giản dị mà khó quá. Muốn có bánh ngào phải có bột nếp, phải có mật mía, rồi gừng… Mà thuở ấy hơi xa xỉ. Nhưng rồi có hôm bà ậm ừ, kêu bạn xuống nhà, lôi trong thùng phi cũ ra nào là bột, nào là mật. Ông cười tươi rói, cha mẹ cười, cả đám cháu cũng cười. Nồi bánh ngào năm đó cứ theo bạn suốt chặng đường đời, cứ ngày mưa là bạn nhớ! Rồi bạn thở dài, mưa Sài Gòn chán nhỉ, toàn mưa “một mặt” tức mưa chỉ thấy phía trước thôi, chứ hai bên, đằng sau nhà đã san sát. Không như mưa ở quê có “bốn mặt”, chung quanh đâu cũng nghe tiếng mưa, đâu cũng thấy cây cối nhảy múa. Rồi mưa Sài Gòn không thấy bong bóng vỡ tan, không còn nghe tiếng ù ù, lộp bộp nữa. Là bởi, sân đầy xi măng cứng ngắc, mưa chưa rớt xuống đã vỡ, đâu ra bong bóng to tròn như hồi ở quê sân bằng đất. Là bởi, nhà Sài Gòn mái tôn cao vút, mưa đâu thể “hạ cánh” nhẹ tênh như mái tranh ở quê. Rồi sau cơn mưa nơi đất khách này cũng không tìm đâu ra tiếng ếch gọi bạn, tiếng người ra đồng í ới gọi nhau. Bạn tự nhận mình là người nhạy cảm, nhạy cảm quá mức cần thiết. Cứ như ông thi sĩ ngàn năm trước ngồi ngắm trăng sáng mà nhớ cố hương, bạn thì chỉ cần nghe tiếng mưa rơi đã nhớ nhà, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ cả tuổi thơ. Còn tôi, gần một giờ quên biến smarphone bỗng thấy lòng như vừa qua một lần gột rửa. Theo Lao động