Một thoáng Sài Gòn


547453_695453933813464_984091703_n

Gần mười năm đã trôi qua, tính từng ngày. Tôi vẫn còn yêu.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn. Bầu trời màu xám chì cuối mùa mưa. Nhìn qua khung kính cửa sổ ở sân bay Tân Sơn Nhất. E ngại pha lẫn tò mò. Cách bài trí ở nhà ga, sân bay, nơi các nhân viên hải quan ngồi trên bọc vinyl kiểu thập kỷ 60, và du khách phải đi qua một sợi thừng bằng nhung đỏ căng trên hàng cọc bằng đồng thau – giống như thứ người ta vẫn thấy ở các nhà hát thế kỷ XIX. Tôi còn nhớ tiếng cười ròn rã, hào hứng của mấy người bạn Việt Nam ra đón chúng tôi – họ hàng của một người tôi quen ở Sydney. Sau một lượt chào hỏi, chúng tôi chen chúc lên một chiếc minibus đi về trung tâm thành phố, phía đường Đồng Khởi. Các con phố theo nhau chạy về phía sau xe trong ánh hòang hôn đỏ tía xen lẫn ánh vàng của đèn đường và ánh xanh của đèn neon. Đêm hôm đó, tôi thiếp đi vì mệt trong tiếng nhạc ru karaoke, vọng sang từ bên kia đường.

Đồng Khởi. Chắc chắn đó không phải là con đường lớn nhất, nhưng cho đến giờ nó vẫn là con đường đặc sắc nhất của Sài Gòn. Mười năm qua, kiến trúc Vinagothic đã biến thành kiến trúc sang trọng kiểu tân Đông Dương. Giữa thập kỷ 90, tôi chẳng có lý do nào khác để đi đến khu Đồng Khởi, ngọai trừ để hồi tưởng lại quang cảnh trước kia, con phố nơi các cư dân thanh lịch của thập kỷ 50 thường đi dạo trong bộ cánh bảnh nhất của họ, hoặc ở các quán café nhạc R&R vào thời chiến.

Bây giờ tôi vẫn còn có thể tìm thấy những ngôi nhà xây theo kiểu gothic, và khu phố trung tâm cũ mèm, nhưng tôi phải rất để ý tìm. Đây đó vẫn còn đu đưa những biển hiệu cổ kính, cong vênh theo thời gian, hoặc những lớp mạng nhện phủ đầy bụi suốt mấy thập kỷ giăng lặng lẽ ở lối vào của vài chung cư  cũ thời Pháp thuộc. Đó mới là khu Đồng Khởi mà tôi quen thuộc ngày đầu. Tôi vẫn thích viếng thăm khu ấy, trong những lần ghé vào nhà sách Fahasa hoặc đến các quán cafe sang trọng.

Nếu tôi có điều gì hối tiếc, thì đó là không lường trước những gì sẽ xảy ra, và đã không ghi lại thật nhiều hình ảnh của Sài Gòn xưa cũ, của từng tòa nhà cổ. Đáng lẽ tôi phải biết chuyện đó. Năm 1996-1997, một loạt các công trình xây dựng trước khi cuộc khủng hỏang châu Á xảy ra. Đột nhiên một số tòa nhà tôi yêu thích biến mất. Tôi chỉ còn lại hoài niệm về những gì đã mất để tự an ủi mình – khu chung cư Pháp thuộc cũ nát ở nơi hiện nay là Saigon Center hoặc những ngôi biệt thự kiểu Pháp, bóng ma kiến trúc Saigon Square.

Đồng Khởi biến thành công trình xây dựng và nơi ở trước kia của Gramham Greene trở thành cát bụi dưới những nhát búa máy. Tôi có những người bạn vẫn thích ngồi trên những chiếc ghế thấp lè tè ở quán Bố Già để nhấm nháp một ly cà phê vỉa hè. Để ngắm cái gì? Showroom xe máy của hãng Yamaha? Phải chi họ biết.

Đêm Giáng Sinh 1993, chúng tôi ngồi bên vỉa hè uống bia với một số khách trọ khác trong khách sạn. Một cặp vợ chồng Việt kiều, chủ một doanh nghiệp nhỏ, than phiền vì không tìm được nhân viên văn phòng phù hợp. Chẳng có người Việt nào đủ kỹ năng cần thiết. Họ sẵn lòng tuyển người ngọai quốc, nếu tìm được ai đó rành tiếng Việt.

Mới đây mà mọi chuyện đã khác. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều người Việt đủ kiến thức chuyên môn. Các công ty nước ngoài cũng không cần tuyển nhân viên quản lý cấp trung nữa. Dù sao cũng chẳng có mấy người nước ngoài biết nói tiếng Việt. Trong thập kỷ vừa qua, các công trình xây dựng ở khu trung tâm xuất hiện như nấm mọc sau mưa. Giờ đây chúng ta sống dưới bóng của các tòa nhà ấy, dù ở khu đô thị Nam Sài Gòn đang xây, hay ở các quán café trữ tình trên bán đảo Thanh Đa. Vật tổ của tôn giáo kinh doanh đang không ngừng biến chuyển thành phố này thành một trung tâm kinh tế vây quanh bởi các đô thị vệ tinh.

Trong tương lai, các dãy nhà cửa hàng dọc theo đường Lê Lợi sẽ bị san phẳng. Dân cư  sẽ không sống ở khu trung tâm nữa. Điều này có thể hình dung được, dù đó không phải là cung cách của người Việt Nam. Cùng với quá trình doanh nghiệp hóa thành phố là sự thay đổi tinh tế trong nhận thức về thời gian. Thời gian sẽ bị quản lý chặt chẽ bởi kế họach, lịch biểu chứ không còn tùy hứng. Con người sẽ sống và làm việc vì tương lai. Sớm muộn gì lối sống đó cũng sẽ lan truyền khắp thành phố, và thời gian ở Sài Gòn cũng sẽ giống như thời gian ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Một đêm tôi về nhà muộn sau chuyến đi Campuchia. Việc đầu tiên tôi làm theo sự thôi thúc là leo lên ban công tầng ba để tưới cây. Đã gần nửa đêm. Đâu đó trong hẻm vẳng lại tiếng lóc cóc của cậu bé bán mì xực tắc và tiếng lạch xạch của người đấm bóp dạo, âm thanh quyện vào nhau như trong một dàn nhạc gõ. Từ căn nhà gần đó vọng lại một giọng ca cải lương uể ỏai. Trời lặng gió và không khí lạnh dần. Tôi thấy được hạnh phúc vì được trở về nhà.

Tôi sống trong căn nhà này mới được một năm. Phải mất một thời gian tôi mới nhớ đường đi lối lại trong khu phố. Nhưng bây giờ tôi biết rõ khu phố cũng như biết rõ những ngừơi hàng xóm láng giềng. tôi biết những người bán dạo đạp xe qua con hẻm bao lần mỗi ngày. Mỗi tối lại có một cô bé với giọng rao ngọt như đường. Một ca sĩ hát khiêm nhường. Sau nhiều tháng, tôi mới hiểu được lời rao của cô qua giọng rao kéo dài và biết cô bán thứ gì. Giọng cô trở nên quen thuộc với tôi, như giọng nói bạn bè, mặc dù tôi chưa một lần nhìn thấy cô. Không xa nơi tôi ở, những căn nhà dọc theo con kênh đang bị giải tỏa để xây đường cao tốc. Tôi tự hỏi không biết thứ tiếng ồn ào và thứ ô nhiễm nào sẽ đếm cùng với con đường ấy, và hy vọng tiếng ca cải lương sẽ ở lại với tôi lâu hơn.

Những hậu quả của mười năm phát triển rầm rộ cuối cùng cũng đã lộ diện. Con rồng thịnh vượng bắt đầu gặm đuôi chính mình. Đáp lại cuộc khủng hỏang đô thị sẽ làm cả thành phố tê liệt nếu không được xử lý thích đáng là một lọat các con đường mới mở, các cây cầu mới xây, đường phố phân làn xe, luật giao thông mới, hạn chế xe gắn máy, và các panô quảng cáo xe bus công cộng. Hợp lý hóa. Kỷ luật. Đô thị sạch đẹp. Chúng ta đều biết điều đó là cần thiết.

Sài Gòn đang thay da đổi thịt. Đây không phải là lần đầu tiên điều này xảy ra, nhưng tôi có cảm giác chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi mang tính lịch sử. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra ở các làng hoa, các khu vườn trồng rau và cây trái. Con kênh nối liền Sài Gòn – Chợ Lớn với những kho hàng kiểu thế kỷ XIX, những xà lan lớn chở đầy cát, chuối, hoặc hàng chồng ghế nhựa đã không còn như xưa với sáu làn giao thông ầm ào.

Con kênh ấy sẽ không bao giờ như xưa nữa. Cùng với làn nước đen quánh như mực, việc vận tải buôn bán trên dòng kênh, những họat động đặc trưng của thành phố suốt ba trăm năm qua, cũng sẽ biến mất. Những người bán dạo sẽ bị cấm vào khu trung tâm thành phố mà phải tập trung ở những khu bán hàng rong để tránh làm mất trật tự cảnh quan đô thị. Lối sống tiền công nghiệp chẳng mấy chốc sẽ biến mất khi Sài Gòn tự ép mình vào thời gian và trật tự của một xã hội hậu công nghiệp. Và cuối cùng quá khứ sẽ lặng lẽ khép mình trong các bảo tàng, các văn khố lưu trữ và các bộ phim truyền hình.

Trong khi đó, tôi muốn thưởng thức trọn vẹn những gì Sài Gòn đang trao tặng. Tôi vẫn có thể thích thú ngắm nhìn những anh chàng điển trai trên những chiếc xe gắn máy với mái tóc đen dày cắt theo kiểu thập niên 30. Tôi vẫn có thể bước ra khỏi nhà bất cứ ngày nào trong tuần và được chào đón bởi một dàn hợp xướng lạc điệu của các giọng nói lanh lảnh. Ngôn từ kéo dài như kẹo cao su. Mềm ra. Tan chảy ra. Cái thứ giọng Sài Gòn đặc trưng với khuynh hướng biến mọi phụ âm thành bán nguyên âm y (Chúng ta đang sống ở đâu? “Yiệc Nam”).

Bất cứ buổi tối nào, mùa nào cũng vậy, tôi vẫn có thể đi ra đường với T-shirt và quần short, rồi lái xe trên đường Trần Hưng Đạo trong tiếng động cơ gầm gừ ở mỗi ngã tư có đèn xanh đỏ. Đó là con đường dạo mát yêu thích của tôi, con đường rộng đưa tôi đến thẳng trung tâm Chợ Lớn. Nơi đó tôi có thể khám phá những con hẻm nhỏ bí mật và những ngôi nhà cũ kỹ như trong chuyện cổ tích. Trên đường về nhà, tôi vẫn có thể nhăn mũi vì mùi sầu riêng bán trên vỉa hè, họăc nheo mắt vì ánh điện rực rỡ hắt ra từ các cửa hàng bán bánh Trung thu với những hộp bánh đỏ tươi in chữ mạ vàng.

Hoặc tôi có thể thả mình thóat khỏi mọi quy luật không gian và thời gian. Cứ thể lao lên xe máy mà chạy. Không định hướng. Ngắm các tòa nhà hai bên đường. Đi cho đến tận cùng một con phố chỉ để biết nó chạy đến đâu. Hoặc ngồi trong một quán sân vườn nhấm nháp cà phê suốt buổi sang, sau đó lững thững đi ăn trưa rồi làm một giấc ngủ dài suốt buổi chiều, như một kẻ vô công rỗi việc thực thụ. Rồi buổi tối, sao lại không tìm đến một quán bar trên đường Phạm Ngũ Lão để xem mấy cậu choai choai vặn vẹo cơ thể thao điệu nhạc, trong khi các khách du lịch đứng tuổi, không còn trẻ để mà quan tâm đến âm nhạc nữa, cũng vỗ tay tán thưởng trong tâm trạng phấn khích. Họ cùng chia sẻ bầu không khí vì ở đây không có thái độ thờ ơ, lãnh đạm. Ít ra là chưa.

Năm 1971, trong bản thảo cuốn Vietnam Inc, Philip Jones Griffiths có một nhận xét rất xác đáng về sinh lực tinh thần lưu truyền của người Việt Nam. Bất chấp giai đọan khó khăn kéo dài suôt 3 thập niên vừa qua, sức sống ấy vẫn còn đó, và tôi tin rằng sẽ mãi mãi tồn tại với Việt Nam. Sức sống đó khác với sức sống của bất kỳ thành phố lớn nào trong xã hội phương Tây, khác với sức sống ở bất cứ nơi nào trên lục địa châu Á.

Như những chiếc xe gắn máy chạy trong các mạch máu giao thông, sinh lực ất là nguồn nhựa sống của thành phố. Nó không ngừng sôi sục và mê hoặc những ai cảm nhận được vẻ đẹp của nó. Hơn bất cứ lý do nào khác, tôi tin rằng sức sống này chính là điều đã giữ chân tôi lại nơi này suốt mười mấy năm qua. Và chừng nào đó còn hiện diện trong cuộc sống quanh tôi, tôi sẽ còn ở lại đây. Không gì khác có thể thay đổi tình yêu của tôi dành cho thành phố này, bất kể những thay đổi diễn ra đối với diện mạo của nó cũng như lối sống của người dân mà sự phát triển và thịnh vượng kinh tế sẽ đem lại. Chúc Sài Gòn may mắn.

Sue Hajdu, 2003

Nguồn: Trích “Sài Gòn sau màn bụi – Nhiều tác giả”


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: