Nếu không rộng lượng, bao dung, dám chơi dám chịu, thì thiên hạ không điên mà đổ về Sài Gòn. Dù ở đó không phải là quê xứ của họ, nhưng nơi đó cho họ áo cơm, một chỗ nằm… Đó là một buổi trưa nắng tróc mặt năm 1999. Tôi vừa dính tai nạn nghề nghiệp, bỏ việc và đang rảnh, không biết đi đâu, bèn đi… Sài Gòn. Không phải để chơi, mà để cho biết Sài Gòn – TP.HCM, và coi có cách chi để thoát khỏi cái đói đang rình rập. Ngó bộ dạng như chuột trụng nước của tôi, anh nói: “Chờ tau làm cho xong chút chuyện”. Hình như cũng chẳng phải chờ, anh kéo tôi ra vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa uống bia. Người xe như thác, khiến thằng nhà quê là tôi bị ngợp. Ngoài quê tôi đâu có xe lắm thế này, và cũng chính vậy, mặc cảm và nỗi lo sợ tỉnh lẻ cứ chồm lên, rằng chẳng có kẽ hở nào cho mình chen đâu. Như vô tình, chẳng cần đếm xỉa đến nỗi ảo não đang cày xới trong đầu tôi, anh nói nhẹ nhàng: “Chẳng có ai gặp thuận lợi từ lúc sinh đến chết, mi cứ coi chuyện đó bình thường. Vô được đây sống thì vô, mi sẽ biết, hồi mới vô tau cũng ngu ngơ như bò đội nón…”. Tôi không biết, bởi tôi không vô được. Và chiều đó, bài học vỡ lòng của tôi về “sinh, tử” Sài Gòn là từ một ông vá xe máy. Tôi muốn qua đường nhưng đường Điện Biên Phủ một chiều, tan tầm, đứng chôn chân một chỗ, tôi nghĩ phen này tôi chết ở đây, bởi tối tàu về Đà Nẵng sẽ chạy và tiền trong túi sạch sẽ rồi. Thấy tôi cứ nhấp nhổ m, ông vá xe thản nhiên: “Mày xông ra đi, đứng đó đến sáng mai cũng chưa qua được, cứ đi, không chết đâu”. Tôi đang dần chết đây và trước sau gì cũng chết, thì xông, tim lúc ngừng lúc đập, không ai tông vào, và tôi qua đường. Sau này, tôi vỡ ra một điều, Sài Gòn – TP.HCM, chẳng ai nhường ai và cũng chẳng ai cản ai. Biệt đi hơn 10 năm, tôi trở lại. Lần này thì gắn bó với Sài Gòn rồi, nhưng… nửa vời, bởi chỗ lãnh lương là ở trong này, còn tôi thì làm ở ngoài kia. Lần đó, năm 2010, xẹt tới tòa soạn, tôi đi miền Tây rồi quay về. Bạn đón tôi về bên Q.9 ngủ lại. Mưa ướt nhèm và lội triều cường. Tôi lạ chi màn lội nước lụt ở quê, nhưng thứ nước đen thủm này thì lần đầu tiên tôi được… hưởng. Nó táp vô người, ngứa tổ cha, xộc lên mũi như mình đang đi trong cống ngầm. Ngó qua bạn cứ cười hề hề, rằng không sao, ông sẽ quen, Sài Gòn là thế, chút nữa hết mưa, rút nhanh à, lội nhanh đi, tụi nó đang chờ. Tụi nó là đám phóng viên đồ ng nghiệ p, vô cụng ly rồi mới biết cũng là dân tứ xứ, ngó xuống dưới chân cũng sũng ướt vì nước thúi, nhưng rượu vào thì tôi thấy quái lạ: không ai nhắc chuyện ngộp thở lội nước mà chỉ nói chuyện làm ăn và chuyện trên… trời. Sài Gòn là thế, ông đừng lạ. Lời bạn năm đó khiến tôi nhớ lại, khi năm ngoái đọc bản tin kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè được đưa vào hoạt động du lịch nội đô, là đột phá đầu tiên về loại hình du lịch sông nước giữa lòng thành phố và cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam. Bữa tôi ngang qua đó, thấy thuyền hình con phụng, quy và những cô gái áo dài màu xanh phất phơ trong gió chèo thuyền chở khách đi. Dòng nước đen như rịt vào chân buổi chạng vạng năm nào quay về. Kênh đó, rồi kênh Tân Hóa-Lò Gốm… những con kênh một thời chưa xa, là chứng nhân của cái thuở đói nghèo xám xịt buồn thiu và không thiếu tuyệt vọng. Sao tôi nhớ về Sài Gòn thuở chưa đặt chân đến, là những con kênh, có lẽ là do phim ảnh, những câu chuyện truyền miệng, sách vở, và từ những căn nhà nát chống đỡ chằng chịt giữa ngổn ngang rác thải nước bẩn đó; những phận người rầy rạc do đói, do ô nhiễm, do rách nát cuộc đời; những tay cộm cán giang hồ số má giẫm đạp số phận mình mà vọt lên từ dòng nước đen, làm nên những huyền thoại đường phố rất… Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Xuân Thanh Sơn Tôi đọc báo thấy bao người thốt lên khi kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè trở lại trong xanh: không ngờ, như một giấc mơ! Dòng nước mà một thời chỉ có thứ chi đó sống được chứ không phải cá, nhưng nghiệt thay, là nơi tá túc cho những phận người đen như nước, phóng cái nhìn ảm đạm và đầy hoài nghi, rằng biết đến bao giờ cá mới bơi lội. Những cái bóng gọi là người mới bớt dặt dẹo, rách bươm, để một chiều ngỡ ngàng nhìn những người đàn ông như đánh cắp chút nhàn của gió, chen và tạo ra một khoảng hở giữa dòng thời gian và dòng thác người như từ trên trời rớt xuống, thong thả ngồi câu cá. Rồi từ những chiếc thuyền như thiên nga, khách thả hồn nhìn Sài Gòn, một Sài Gòn quen lắm, nhưng bây giờ sao lại thấy lạ. Tôi đứng nhìn người đàn ông câu cá mà như không, thả cái cần xuống nước mà như đang vẽ ra cảm xúc mong manh. Chỉ cần mong manh như tơ trời thôi, là đủ, như nét vờn trong tranh thủy mặc, biến phố xá người xe kia thành một khung trời khác. Hôm kia thấy lãnh đạo thành phố quyết liệt giải quyết ô nhiễm và tái định cư cho dân sống dọc kênh Tẻ, kênh Đôi để trả lại màu xanh cho nguồn nước, để những dân nhập cư của thành phố có một chỗ hít thở không sặc mùi hôi thối, nghĩ đến một chiều kích thứ ba ở chốn này. Sài Gòn trên cao, dưới thấp, và còn có một Sài Gòn thăm thẳm sâu, không phân biệt từ đâu mọc lên, ùn tới. Hễ đã ở đây, thì mặc nhiên là con dân thành phố và trong điều kiện có thể, đất này gieo cho anh, cho bạn, cho ai đó, một hạt mầm mơ ước. Quê tôi nắng rát mưa lụt mù trời, nên hay nói muốn kiếm ăn thì đi miền Nam. Khái niệm miền Nam là Sài Gòn – TP.HCM, thế thôi. Rồi tôi cũng biết, cả nước đổ về chứ thà nh phố nà y đâu phải của riêng ai. Giờ mà ra đường hỏi dân Sài Gòn gốc ở đâu, hình như không dễ. Nhiều khi có bạn nói, thôi, ông ở đó, tôi đi Sài Gòn kiếm ăn đây, sững lại câu hỏi Sài Gòn – TP.HCM lấy chi mà dung nạp không ngừng nghỉ? Bao người đã nói với tôi, đất Sài Gòn không có tiền thì chết! Nhưng tôi chưa nghe ai nói chết vì không có tiền ở Sài Gòn. Ở thời buổi mà cái ăn chà xiết đến rỏ máu, ai nấy lao như thiêu thân trên đường phố để mưu sinh, thì tôi nhớ bữa đi qua đường một chiều ấy. Thiên hạ ngó thấy tôi và nhường đường, chẳng cần biết tôi là đứa nào quê quán nơi đâu. Giữa dòng người ùn ùn đó, ai hơi đâu mà đi hỏi lý lịch, khi họ quá nhọc nhằn áo cơm, nhìn mặt nhau coi bộ làm quen và làm ăn với nhau được không, hành xử ra sao. Thế là xáp vô, chấm hết, chịu hết. Nếu không rộng lượng, bao dung, dám chơi dám chịu, thì thiên hạ không điên mà đổ về Sài Gòn. Dù ở đó không phải là quê xứ của họ, nhưng nơi đó cho họ áo cơm, một chỗ nằm, cho họ hơi thở để họ thấy mình tồn tại như bao người, cho họ chốn nương thân khi số mệnh gấp gãy, cho họ cả giấc mơ mà cũng có thể họ leo đến đỉnh cao danh vọng. Nhưng cũng không loại trừ cho nếm đòn gãy lưng khi chơi trái luật hoặc không hiểu hết đối thủ. Tôi cũng nghe chính bạn bè, người quen, rằng ở xứ này chết sớm thôi, cực kinh khủng, nhưng nghe hỏi sao không về quê đi, ngay tắp lự họ lắc đầu liền bởi họ cần miếng cơm. Và hình như không chỉ có vậy. Tiếng còi xe vang lên lúc 2g sáng, nghẹt đường, ngập nước lúc chiều tà, trộm cướp, ô nhiễm, cạnh tranh tàn khốc, bất trắc rập rình. Nhưng cũng Sài Gòn sáng thật sớm là cà phê vỉa hè, là tờ báo gói trên tay kèm theo ổ bánh mì, là con đường hoa dầu bay mà thuở rất lâu tôi đã nghe “cánh hoa dầu xoay tít bay bay, nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày”, mà một bữa ngang qua, thấy hoa như trẻ nhỏ chơi cù trên không. Bừng biết rằng, cái ồn ào cuồng nhiệt đến ngột thở kia, giấu trong lòng sự sâu sắc và mộng mơ biết chừng nào, là lá hát trên cao như câu hát Trịnh Công Sơn. Là những người bạn trẻ ngồi ca hát say mê trên thảm cỏ xanh ở công viên. Là nghĩa hiệp cứu người, là ân cần chỉ bảo, là san sẻ yêu thương. Là hỏi han như thân tình lâu lắm, hỏi thiệt thà chứ không đãi bôi giả bộ tử tế mà âm thầm sắp xếp âm mưu. Là sẵn sàng bày ngay một bàn nhậu chào đón để bạn lâu ngày “đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”. Là lắm chuyện tức cười mà chỉ Sài Gòn mới có… Thử hỏi đất nước này chỗ nào có được, thì sao họ ra đi, từ bỏ được. Tình yêu đó, tôi không dự phần hết, nhưng mỗi lần ghé qua, lại nhớ, như nhớ ông bà chủ quán cà phê vỉa hè ở đường Lê Hồng Phong, Q.10 gần Bệnh viện Vạn Hạnh. Vài ba tháng tôi mới vô một lần, tá túc gần đó, ngó thấy mặt họ hỏi ngay: “Lâu nay không vô hay sao mà không ghé uống cà phê hả con?”. Nhìn ông bà cười thân thiện, rót thêm cho tôi chút cà phê và thêm ly trà đá nữa, thấy bụi bặm đường xa mỏi mệt rời bỏ tự bao giờ. “Ông không biết Sài Gòn bằng tôi đâu”. Thiệt lòng, mỗi lần nghe câu đó, nghĩ hình như nó không đi ra từ miệng người Sài Gòn – TP.HCM chính gốc, hoặc những ai đó gốc gác quê người nhưng cả đời hít thở chốn này. Bởi họ sinh ra ở đây, lớn lên ở đây và sống ở đây, họ thuộc thành phố như bàn tay mình, như ngôi nhà mình, và sâu xa hơn, thói kệch cỡm ba hoa không có tên trong bộ nhớ của họ. Sài Gòn không có đất để cho mầm mố ng lên gân nứt mọc. Bởi, biết rồi thì sao nữa? Biết nhưng có làm không? Bao nhiêu điều mới mẻ từ đây mà đi ra, khởi phát và tạo dựng làm hình mẫu, từ làm ăn đến thiện nguyện, từ sáng tạo đến thực hiện. Khi quỹ thời gian không có chỗ cho thuyết giảng dài dòng, khi đòi hỏi đổi thay truy bức đêm ngày, để kiến tạo một Sài Gòn – TP.HCM ngày càng khác đi, thì sẽ không lấy làm lạ. Dẫu không giấu được tiếng ồ, khi một ngày nào đó, bạn quay lại chốn này, và thấy mình trong mình đã khác khi gặp lại chính mình nơi chốn từng qua, thấy những đổi thay ngùn ngụt thay lời muốn nói. “Mới vô hả?”, “Bao giờ về?”. Mấy năm đi về chốn này, chưa từng nghe câu “Bao giờ vô lại?”. Chẳng phải bạn bè thiếu tình, mà hỏi chuyện xa xôi đó là không cần thiết. Bởi điểm đầu và điểm cuối của hành trình chớp nhoáng kia, là tôi được chìm trong ấm áp, đủ để xôn xao mơ một ngày trở lại. Theo Trung Việt/phunuonline