Cơn gió cuối năm đã bắt đầu mang theo chút hơi lạnh len về Sài Gòn những sớm tinh sương. Sớm mai, nhiều người có tuổi đi bộ dưới những hàng cây dọc đại lộ đã khoác thêm chiếc áo gió, gợi một mùa Giáng sinh sắp về. Gió se lạnh làm người ta nhớ nhung, xao xuyến. Có những nỗi nhớ vu vơ về một thời đã xa. Có những lời nhắn qua email, điện thoại từ bên kia nửa vòng trái đất hẹn hò sẽ về thăm, có khi ở lại quê nhà ăn tết Tây lẫn tết ta. Mong đợi gặp gỡ, mong chờ đoàn tụ. Nhất là với những người cao tuổi, thời gian và sức khỏe không cho phép nhiều lần đoàn tụ nữa. Ở Mỹ, tôi đã gặp những người già cô đơn khi sang đoàn tụ với con cháu. Mặc dù điều kiện vật chất đầy đủ nhưng họ thiếu tình làng nghĩa xóm, kể cả tình cảm của đám cháu sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ cũng rất hờ hững. Ở Việt Nam, dù công việc bận rộn thế nào, khi năm hết tết đến những người tha phương cũng tìm mọi cách về quê ăn tết. Còn vài tháng nữa mới đến tết mà vé tàu lửa, máy bay từ Sài Gòn về Trung, về Bắc đã khó đặt chỗ. Hầu hết đã mua vé từ tháng trước. Đặc biệt năm nay nhiều người có sáng kiến thay vì mua vé Sài Gòn – Hà Nội, thì họ mua vé đi Bangkok, Thái Lan, rồi từ Bangkok bay tiếp về Hà Nội. Không cần phải mua vé trước vài tháng, lại được đi “du lịch” Thái Lan mà tổng cộng hai lần vé lại rẻ hơn đi thẳng Sài Gòn – Hà Nội! Ai có điều kiện có thể ở lại Bangkok đi chơi, mua sắm vài ngày rồi về. Vậy bảo sao Thái Lan không thu hút khách du lịch? Ngành du lịch Việt bây giờ đừng nói chạy theo Sing, Thái, Mã mà đang chạy theo Lào, Campuchia không kịp, như lời một nữ đại biểu chất vấn ông bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Ông bộ trưởng nói rằng, nước ta có tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa thu hút được khách quốc tế là do nhiều thứ mà ông “không dám trả lời”, đành nhường lại cho người kế nhiệm. Hội trường quốc hội hôm ấy được một bữa cười no nê. Thật ra, ai cũng thấy sự yếu kém trong việc quảng bá, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành trong điều hành, khai thác của du lịch Việt. Đến đâu cũng gặp cảnh du khách quốc tế lúng túng một cách tội nghiệp khi bị những người bán hàng rong bám sát, bao vây, chèo kéo. Vậy mấy ai còn muốn quay trở lại, dẫu thắng cảnh hữu tình đến đâu, di sản văn hóa nhân loại có hấp dẫn cách mấy. Danh thắng nhiều, di sản nhiều nhưng không biết cách quảng bá hiệu quả. Trong khi đó chúng ta có hơn ba triệu người Việt Nam ở trên khắp thế giới, một tiềm năng quá lớn khi nhiều người vẫn thường về thăm quê nhà. Họ chính là những đại sứ du lịch tự nguyện tuyệt vời nếu ngành du lịch biết cách khơi gợi và tạo điều kiện cho bà con. Thấy tôi ngồi viết những dòng này, một anh bạn cùng ngồi cà phê liếc qua, bèn phán: “Ông lại cầm đèn chạy trước ô tô, ai nhờ mà tự nhiên góp ý kiến ý ruồi cho ngành du lịch? Có khi họ còn bĩu môi, bảo cái thằng cha nhà thơ, nhà báo đá lộn sân rồi”. Chợt nghĩ, bước sang tuổi Gió heo may đã về, có khi mình bắt đầu lẩm cẩm chăng? Nhạc sĩ họ Trịnh viết bài Nhìn những mùa thu đi có Gió heo may đã về/ Chiều tím loang vỉa hè … khi ông còn học ở trường Sư phạm Quy Nhơn. Thành phố nhỏ ven biển miền Trung vẫn có gió heo may len về từ những ngày cuối thu. Sài Gòn hai mùa mưa nắng, thỉnh thoảng may mắn có một mùa thu đi lạc dịp cuối năm mang chút hơi lạnh len về đã quá thú vị rồi. Ôi những cơn gió cuối năm ở Sài Gòn mới đáng yêu làm sao… Nguồn: Phạm Chu Sa