Không ai biết phong tục này có từ bao giờ, chỉ biết là rất lâu rồi, mừng tuổi – hay còn gọi là lì xì đã trở thành thông lệ mỗi dịp đầu năm mới và là nét văn hóa độc đáo, bản sắc truyền thống của người Việt. Tôi mái đầu điểm bạc, cháu nội, cháu ngoại đề huề vẫn được má lì xì… Người Việt háo hức làm quen với lì xì online Bao lì xì cách tân: khi truyền thống… trẻ trung, gần gũi Tuổi thơ tôi, ngoài vui niềm vui được mặc quần áo mới, được nghe tiếng pháo giao thừa… thì sức hấp dẫn diệu kỳ của Tết còn ở những phong bao đo đỏ đựng bên trong nó những tờ tiền lẻ phẳng phiu. Năm nào cũng vậy, sáng mùng một Tết, chị em tôi thường được ba má dắt đi chúc Tết ông bà, họ hàng. Trong khi người lớn thắp nhang trên bàn thờ rồi cùng uống trà, ăn bánh, hỏi han, nói cười xởi lởi với nhau thì đám con nít chúng tôi tụm lại đùa giỡn có khi đuổi nhau chạy vòng quanh sân – mảnh sân con ngày Tết đầy những hoa là hoa. Đùa là đùa thế thôi chứ con mắt lúc nào cũng liếc vào nhà, tai căng lên chờ nghe tiếng gọi còn lòng dạ thì háo hức bồi hồi. Chỉ cần nghe người lớn ới một tiếng “Vào mừng tuổi ông bà, các cô bác nè” là tức thì cả bọn ngưng ngay mọi trò chơi dù đang vào hồi gay cấn, kịch liệt. Năm tháng dần trôi qua, tôi lớn lên, niềm vui được mặc quần áo mới cũng vơi dần, sự thích thú với các âm thanh đì đùng của phong pháo đỏ cũng bớt đi cho đến khi pháo bị cấm hẳn. Chỉ có sự quyến rũ của những phong bao lì xì là luôn luôn tinh khôi, tinh khôi cả khi tôi có thể kiếm được một tháng gấp mấy chục lần số tiền mừng tuổi mỗi Tết, tinh khôi cả khi tôi không còn trẻ nữa mà mỗi Tết vẫn được má lì xì. Ngày nay, phong tục này rải rác ở một số nơi xem ra đã bị biến tướng không còn giữ được ý nghĩa tốt đẹp như xưa, gây bao cảnh dở khóc dở cười cho “phụ huynh”. Bây giờ, nhiều trẻ em không còn xem tiền lì xì là lộc may mắn đầu năm, mà coi đó như những “phi vụ làm ăn”, gây cho người lớn nhiều áp lực, lo lắng. Cho dù như thế, tôi vẫn “lạy trời” đừng ai hô hào bỏ tục lì xì. Mọi gia đình hãy giáo dục cho con em mình biết ý nghĩa tốt đẹp của phong tục này. Kể cả người lớn cũng đừng lợi dụng tục lì xì để phục vụ ý đồ không tốt của mình. Bởi vì tôi vẫn muốn được nhận phong bao lì xì của má tôi thêm nhiều lần nữa. Gia đình tôi vốn là một đại gia đình gồm bốn thế hệ sống quây quần trong một khu nhà nằm chung trong một cổng rào. Đã mấy mươi năm chị em tôi sống bên cạnh nhau và bên cạnh ba má. Cũng ngần ấy năm, mỗi bận Tết về, bên mâm cỗ cúng giao thừa, trong lung linh ánh nến và nghi ngút khói hương, là thời khắc tất cả các con cháu trong nhà tôi lần lượt cùng nhau kính cẩn mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Năm nào cũng vậy, ngày ba mươi tết, từ chiều ba má tôi đã diện sẵn bộ quần áo đẹp nhất, ngồi bên nhau trên chiếc ghế sopha, giữa một không gian tràn ngập sắc hoa, nôn nao chờ đợi phút giao thừa để được con cháu mừng tuổi. Như thể bao nhiêu hạnh phúc trên thế gian này đều hiện diện hết nơi đây, hạnh phúc đong đầy trong ánh mắt của ba, tràn trề trong nụ cười rạng ngời của má. Những lời chúc Tết “cha truyền con nối” năm nào cũng được chúng tôi lặp đi lặp lại nhưng chưa bao giờ xưa cũ, chưa bao giờ thiếu đi vẻ tôn nghiêm và ý nghĩa nhân văn của nó. Con cháu mừng tuổi xong, tới má đọc thơ chúc tết cả nhà, sau đó tới “màn” phát phong bao lì xì. Ôi! Bên cạnh những phong bao đỏ kia là những nụ cười không thể nào rạng rỡ hơn. Niềm vui không ngôn từ nào diễn tả được. Tôi rưng rưng nhận phong bao lì xì của má. Tết này, không còn ba, má một mình ngồi trên chiếc ghế dựa kê giữa nhà, đơn độc, chông chênh. Chúng tôi xếp hàng vòng quanh má mừng tuổi và nhận lì xì. Tôi mái đầu điểm bạc, cháu nội, cháu ngoại đề huề vẫn được má lì xì. Những phong bao lì xì có giá trị vật chất ngang bằng nhau, bình đẳng cho người già sáu mươi là tôi và đứa bé năm tuổi là cháu ngoại của cô em tôi. “Tình thương của má chia đều cho tất cả con cháu. Đứa nào má cũng thương như nhau”, má nói vậy. Có nghĩa là chứa đựng bên trong mỗi cái phong bao đỏ thắm kia là tình thương của má. Đó là giá trị lớn lao mà chúng tôi nhận được từ má mỗi giao thừa. Năm nay, cầm phong bao lì xì của má trên tay, trong tôi buồn vui lẫn lộn, niềm vui thì thơ trẻ mà nỗi buồn lại già nua. Má tôi năm nay đã bước sang tuổi tám hai. Không biết tôi sẽ còn được má lì xì bao nhiêu lần nữa. Ý nghĩ ấy làm tôi ứa nước mắt. Ngoài kia, mùa xuân vẫn đang cần mẫn mang niềm vui phân phát cho thế gian. Theo thegioitiepthi