“Trời khuya trên khắp bên đường Catinat. Người đi còn dăm ba khách không nhà”… Bước đệm theo tiếng vĩ cầm một bản của Trần Văn Trạch đuổi theo sau lưng, từ ngón đàn của tay cao bồi già Trí Hải ngồi góc đại lộ Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế, khách bộ hành ở Sài Gòn đã chẳng còn “nghe được tiếng giày mình bị hè phố ném trả lại, như một nhắc nhở cay nghiệt của hoang vắng” như thi sĩ Du Tử Lê kể lại trong Những địa đạo của đêm Sài Gòn xưa. Hoài niệm về Sài Gòn xưa cũ, những quán cafe này vẫn âm thầm ‘nuôi nấng’ ký ức mỗi chúng ta Có một Sài Gòn xưa thật xưa Sài Gòn không ngủ, Sài Gòn có đêm trắng nhưng không như Bỉ Đắc Thành, Sài Gòn trắng đêm xả láng như Quả táo bự Nữu Ước trong ca từ của Frank Sinatra. Đêm không giới nghiêm, đêm nối từ ráng chiều tới bình minh không tì vết, đêm mất dấu phong lưu, đêm thở không sâu mà trằn trọc giấc hung miên cơ cực. Những khuôn mặt đầm đìa mồ hôi lao khổ ban ngày chưa tạnh, ngồi lơ láo chen chúc trên những yên xe chống dựng ngó mông lung tuyệt vọng ra đại công trường thành phố, tìm kiếm đến lạc thần một vệt dấu hoan ca của niềm vui tuổi trẻ đêm cuối tuần. Những mảnh rác thực phẩm bay trắng lộ, nhếch nhác trở mình theo một trận gió sông ngặt nghèo len lỏi qua hàng rao cao ốc lùa được tới đây. Tiếng gầm gừ của vạn vạn khối động cơ đang cuồng khấu trên mặt đường, dưới gầm xe, rung chuyển từ những khối tòa nhà gắn la liệt máy điều hòa. Tất thảy biến Sài Gòn về khuya hậm hực mệt mỏi như giấc ngủ không tròn của loài hoang thú, mà dư chấn cuộc sinh tồn hẵng còn rền rĩ nơi đốc họng khô rang. Giọng vĩ cầm Trí Hải vẫn đuổi theo, khi này chỉ còn là tưởng âm trong hoài vọng. Chỉ 2 phút trước còn là thanh âm hiển hiện tới gần như hữu hình, mà giờ chỉ còn là dư âm tiếp nối trong hoài tưởng của cuộc bách bộ độc hành, vậy mà chợt rõ hơn khi nào hết, như thể nghe được tiếng thở trong âm vực trầm tiếng ca Duy Trác. “Dây mơ trên lối đi không người Cung ngâm như đang đi tìm lối Lòng đàn còn mong chờ trăm mối Vì đàn còn nhớ bao tiếc thương…” Những mosaic của ngọc ngà cổ tích Sài Gòn bây giờ, ơi những Duy Trác, Trần Văn Trạch, những Du Tử Lê từng in dấu mến yêu cung đường cũ, tiệm sách phòng trà từ thuở Sài Gòn còn giữ đêm cho “sự thiếp ngủ, bằn bặt chiêm bao của những tiếng vỗ một bàn tay” (Du Tử Lê). Cuộc bách bộ lừng khừng nơi ngã tư, ngửa mặt bên dưới lan can toà lầu khách sạn Grand còn đó cái chóp tròn đã may mắn thoát khỏi cuộc thanh trừng kiến trúc trung tâm, lẻ loi bé mọn như ngọn tháp chuông thánh đường sót lại sau một trận càn, rụt rè lưỡng lự một hồi chuông bi thống câm lặng trong hoài niệm, chết nghẹt giữa điệp trùng những nóc, những mũi giáo xé rạch đường chân trời thành thị bởi những toà siêu tháp cứ ưỡn mình phóng vụt cuộc đại tiến hóa vào không gian. Bên dưới, trên vỉa hè, tay gardien trong bộ đồng phục quân nhân trắng lốp ngù vàng như phường tuồng dị hợm, như một cuộc phục chế luộm thuộm một dư vị hào hoa xưa cũ, đang gật gù nghiêng tai nghe ké một bản bolero quê hương vẳng ra từ buồng lái chiếc taxi đậu nhờ. Trong tòa sảnh hào phóng hắt ra vỉa hè thứ ánh sáng đèn vàng sang cả muộn màng, khoang thang máy thần thánh nguyên bản của tòa lầu vẫn còn giữ lại, nhưng hình như chỉnh dành cho du khách thưởng ngoạn trầm trồ như món dư tích của những vảy vàng nếp son còn đính hời hợt bên sườn di tích. “Những miếng ngà, ngọc mosaic hoặc, quý kim, khi ráp lại, thành những bức tranh, tựa được hoàn tất từ cổ tích”. Cổ tích thị thành giờ như cỗ tàng thư còn nhặt lại sau cơn hỏa hoạn, thoi thóp những trang đứt gãy chật vật cho những thị dân thừa nhiệm không may, chật vật cơn mộng mượn vay dĩ vãng, những dĩ vãng hữu hạn hữu kỳ. Sau nửa đầu thập niên 70, nơi này đã chỉ còn là phế tích, và về sau, chỉ còn là một-nửa-thi-thể giai nhân, với cánh nhà mới được đắp đổi thành một thực thể man rợ và u sầu, một quái vật Frankenstein riêng của Sài Gòn, với mảnh thân thể cũ đã gắn liền với phần kiến trúc hiện đại, lặc lìa hồi sinh trong tiếng thét câm nín của một mỹ nhân biến dạng. Người ta chỉ còn có thể nhận diện Nàng bằng cái âm thanh của trái tim nguyên vẹn trong một lồng ngực trừu tượng, mà phải lắng lòng lắng, phải mến yêu thân ái nhiều lắm, mới mong tìm nghe được giữa tiếng gầm gừ của thị thành không ngủ. Những địa đạo của cách mạng hồi dương Nếu xác thịt của thị thành là tòa lầu, hàng cây hay tiệm nhảy, thương xá, thì âm thanh tự tình của Nàng là làn hơi thoát len lỏi từ từng tế bào quả tim phập phồng nhịp xập xình của thanh âm đời sống văn nghệ về đêm, mà động mạch chủ nuôi sống quả tim ấy, như đã được ấn định trong quy hoạch đô thị tài tình, chính là đường 16, trên từng mét vuông in dấu phong lưu bao thế hệ thị thành xa hoa dưới những cái tên khác, mà tinh thần hồn cốt là duy nhất, Catinat như trên nẻo độc hành Trần Văn Trạch, như Tự Do, như Đồng Khởi đêm nay, theo bước độc hành lữ khách không may sinh muộn thời lỡ một trận vui. Con đường 16 này đã ba lần thay tên: Catinat, Tự Do, Đồng Khởi. Ảnh: TL Nơi đây, bắt đầu từ nốt chuông giáo đường Chính Toà, tỏa xuôi công viên Chi Lăng xưa, tới nơi chúng tôi vẫn từng nằm ngồi bên những bậc thềm nhà hát, ngửa mặt cười hắt lên vòm trời phố thị nghiêng ngả những đêm hè nhiệt đới, khi mà trôi qua trước mắt hoa niên là lũ lượt những hàng xe máy ghìm ga đổ dốc trong cuộc đua miên man tung hê tuổi trẻ những năm cuối thập niên 80. Những khiêu vũ trường được chính thức cấp phép mở lại, cùng phong trào nhảy đầm, thì Đồng Khởi, như cuống mạch chủ cũng rân lên bần bật nhịp hân hoan hưởng ứng. Caravelle hồi sinh với sàn nhảy mới, Hoàn Kiếm, Mỹ Mãn, Maxim’s… tiếp nối với cuộc tái chiếm của những cái tên một thời là những địa đạo văn nghệ vinh hiển ở khắp Sài Gòn – Chợ Lớn, Đêm Màu Hồng, Libery, Hải Vân, Arc en Ciel, Mini Rex… những giọng ca đã đổi khác, nhưng xen kẽ giữa những nhạc khúc quốc tế oldies but goodies gần gũi với tính giai điệu dân bản xứ, lại là cuộc hồi sinh lóng lánh của những bản tiền chiến tuyệt mỹ âm hưởng lưu vong. Sài Gòn hối hả gầy lại một trận vui. Thi thể mỹ nhân lại được tô điểm phấn sáp yêu kiều, ú ớ ngu ngơ bản nhạc sầu thời quá vãng, yêu điệu du dương vũ điệu khấp khểnh bằng những tàn phế phục hưng đã tê liệt suốt gần 2 thập niên. Khi này, dân chơi phân loại rõ ràng dẫu cùng một cung đường ngắn ngủi. Đám choai choai mới học nhảy tại các tụ điểm thì tập trung về Hoàn Kiếm, Mỹ Mãn, gần như sát vách, với đèn điệu slow tối hơn cho những vòng ôm tuổi hoa niên vồ vập vụng về, với thời lượng nhạc disco mà họ gọi là “giựt soul” dài hơn, đủ để đốt cháy lượng calories thừa thãi của những thanh xuân đang căng tức như những khối TNT. Sành sỏi hơn, và không thiếu những tên tuổi hippy kỳ cựu “sừng sỏ” của giới thượng lưu, văn nghệ sĩ trước 1975, dân chơi “cu lịch” lại thích trầm ngâm với tiếng hát Cẩm Vân ở Liberty, hay hàng loạt ngôi sao phòng trà mới và ban nhạc toàn hảo thủ của tiệm Maxim’s. Họ tới, quen thuộc thì đá ghế quầy bar kêu bồi khều chai rượu Tây dán nhãn chánh chủ, còn có cặp hay ngồi với tiếp viên thì chọn những dãy sofa riêng tư, thơm phức mùi nước hoa Pháp của mấy cô vũ nữ hạng sang, khói thuốc thơm quyện trong những giọng hát khơi gợi một kí ức những bà hoàng vũ trường một thuở. Tiếp nối là một cơn sốt rần rật lan khắp châu thân phố thị, từ những tụ điểm khiêu vũ cho giới sinh viên tại các nhà văn hóa, những sàn nhảy thượng hạng với dàn cavalliere bận sườn xám, sành ngoại ngữ cho giới thương gia ngoại kiều ở Chợ Lớn, và kết thúc bằng sự trở lại của sinh hoạt phòng trà cùng những tụ điểm ca nhạc tạp kỹ, nơi hồi sinh cho nền văn minh tình ca đặc thù của Sài Gòn, khép lại trọn vẹn thập kỷ ca khúc chính trị. Khi đó, người ta đổ xô đến mọi nơi mà Ngọc Bích thôi không còn hát Lời tỏ tình của mùa xuân để phà giọng khói với thứ tiếng Anh sành điệu trong những bản của Carpenter hay bản Happy New Year cho những đêm giao thừa Tết tây. Ở đó, Bảo Yến không ca Hương thầm mà trả lại cho Sài Gòn những bản tân nhạc cải cách theo một giọng thị thành sang cả và lối luyến chữ độc nhất vô nhị của làn hơi trầm xứ Huế, và Nhã Phương tung hê khán phóng lên tới nóc với những bản disco Boney M thay cho Mùa xuân trên những giếng dầu, và Cẩm Vân bước ra từ huyền thoại Bài ca không quên để dựng lại những Bài không tên sẽ không bao giờ quên. Sài Gòn nghiêng ngả hoan ca tình tứ, Sài Gòn đặt xuống bộ cánh lam lũ thời bao cấp và cập nhật những gì mới nhất, cùng lúc nương lực hồi sinh cho những thứ sẽ không bao giờ được phép mất đi trong cái hồn cốt u sầu kiểu cách của nó. Không ai trong chúng tôi, không ai trong những kẻ hoa niên hoa tai quá khổ phóng xe DD đỏ lột bửng trong dòng sông người đổ về Hoàn Kiếm, Mỹ Mãn năm đó, không một ai trong số những cô vũ nữ có thân thể Vệ nữ thần trong soiree kim tuyến, hay những tay chơi đời cũ bên điếu More sành điệu và ly cognac bên quầy bar vũ trường những ngày tháng ấy có thể ngờ, đó đã là những bước vũ cuối cùng trên nền mộ địa đất thánh, cú giãy hồi dương sau cùng của bản hoan ca thành thị trên phần thân mình kiệt quệ sắp rời bỏ hơi ấm để vào cuộc phân hủy buồn thảm nhất. Cuộc vui cuối cùng, tiếp nối tiếng vọng đứt hơi, rồi cũng khép lại. Nụ hôn cuối cùng đã đặt xuống trên hương thừa của thơm tho lồng ngực thị thành. Sài Gòn vĩnh biệt Kỷ Ngây Thơ, trong khi ngoài kia, cuộc đại phát triển đã manh nha gầm gừ tiếng động cơ của cỗ máy công nghiệp hoá hiện đại hóa khổng lồ. Kỷ Ô Trọc của bê tông, nhôm, và đại đồng hóa đã rập rình trên xác thịt, trên ngọc, trên hoa. Tiếng chuông cầu siêu ở cuối đường Đồng Khởi Cặp uyên ương Khắc Triệu – Cẩm Vân đã mang theo ký ức sau cuối của Liberty trước khi nơi này giờ lại thêm cho Sài Gòn một quán cà phê nhàn rỗi mới, dạt về giáp ranh quận 3, trên Phạm Ngọc Thạch, với một quần thể phòng trà, nhà hàng và vũ trường mới, thoi thóp giữ nhịp đập ngoài vùng tim thành phố. Danh hài Bảo Quốc bỏ cuộc kinh thương, mang tiếng cười của ngón hài hảo thủ theo mình ra hải ngoại. Khi mà chương trình Trong nhà ngoài phố trên truyền hình không còn tiếng nói nhừa nhựa ngòng ngọng không tiền khoáng hậu của ông thì nhà hàng Maxim’s cũng âm thầm đổi chủ. Hoàn Kiếm và Mỹ Mãn trẻ tuổi đã chết yểu trong lãng quên từ rất lâu trước khi đoạn khối nhà này mất dấu vĩnh viễn dưới nền một tòa đại lâu đầy bá khí bành trướng kiểu sơn son thếp vàng tân trưởng giả. Catinat của Trần Văn Trạch, và Đồng Khởi của chúng tôi, của ông cụ chơi vĩ cầm, chỉ còn giữ lại một ngôi đền nhỏ cuối cùng, vẫn còn cầm cự danh tánh của một thuở huy hoàng Maxim’s. Rời bước khỏi tay guardian khách sạn vẫn còn mê mẩn nhoài người nghe ké chương trình bolero đêm khuya vọng từ chiếc taxi đậu ké, bước bách bộ thong thả trôi theo tiếng giai điệu vĩ cầm còn âm ỉ trong đầu qua bên đường, nơi vũ trường Maxim’s – nay là khiêu vũ trường duy nhất còn lại trên cung đường số 16 đã vãn, mấy cô vũ nữ lục tục đổ về, hoặc leo vội vào chiếc xe hơi đỗ xịch, hay quàng vội chiếc khẩu trang ngang khuôn mặt trang điểm cầu kỳ bắt cuốc Grab bike khuya về một căn phòng trọ nào đó, hay một quán ăn khuya lót lòng. Vài tay nhạc công xách hộp đàn sau lưng phóng xe máy vọt ra từ bãi giữ xe, cái dáng khập khễnh không lẫn vào đâu được của gã Trương Chi phòng trà – ca sĩ, nhạc công Đức Minh, với đôi chân khập khiễng và giọng nam trầm trứ danh dúi dụi bước thấp bước cao bên cái vóc người mĩ miều của cô vợ, họ là những người gần như sau cuối rời vũ trường. Tôi không gọi giật tên anh, e cuộc hoan hỉ anh em bạn hữu làm kinh động một khoảng đường khuya hiếm vắng của lồng ngực Sài Gòn đêm nay. Tôi đứng chờ, chẳng biết chờ chi, và khi nào gặp lại. Tôi cứ mãi chờ, chẳng biết tới khi nào, một âm hưởng xa hoa của những vở nhạc cảnh Hoàng Thi Thơ nơi tiệm Maxim’s từng tưng bừng rộn rã dưới bước gõ cancan bản địa ban vũ Lưu Hồng. Nghe kể lại, có khi ban vũ Lưu Hồng ở gánh Hoàng Thi Thơ sút giảm chỉ còn 11 người. Nghệ sĩ nghỉ ca diễn sau cái chết bất ngờ nhiều ẩn ức của kỹ nữ tên Kim Lệ Thi. Về sau, gánh phải lập ban thờ thì mới phát vượng trở lại. Nhiều người thời đó đồ đoán Kim Lệ Thi chính là nhân vật đằng sau bản Chuyện tình người trinh nữ tên Thi của Hoàng Thi Thơ, mà chính ông là anh chàng nghệ sĩ “tình hỡi ơi tình, chàng đã có gia đình” ấy. Chẳng bao lâu sau, một giọng ca từng có thời khuynh đảo Sài thành sau 1975 với những bản ca khúc chính trị, cũng chính là người đệ tử ông để lại giữa lòng văn nghệ Sài Gòn sau giải phóng, nữ danh ca Hoạ Mi, cô vẫn khăng khăng bảo người thầy của mình hoàn toàn vô can trong kỳ án Kim Lệ Thi nọ. Không biết ma nữ có tìm về lạc lối vệt tích ẩn tình dương gian nơi đoạn cuối con lộ 16 này không, hay liệu trong kia, người ta còn giữ hay không, một cái bàn thờ cho chút hương khói vô danh. Tôi chờ, chẳng biết chờ chi và tới bao giờ, có thể cho bước chân kỹ nữ tên Thi, hay tìm nghe, biết đâu, từ một chiếc ban thờ cho một ẩn tình ca kỹ còn sót lại đâu đó trên mộ địa Tự Do, một sợi khói nhang cho tôi trọn một khuya trên đường Catinat. Lồng ngực Sài Gòn lại rên rỉ trong tiếng gầm khan hơi, đáp trả tiếng vọng yếu ớt của những phế tích vàng son, bằng tiếng động cơ không ngủ, bằng vạn vạn chiếc máy điều hoà trên những tân cư xá, bằng tưởng âm mãi vọng từ chỗ ông già Trí Hải tiễn tôi từ quá khứ về cuống mạch hiện sinh của trái tim hoá thạch. Tỉnh mê còn ai đang đứng bên lề Hồn tôi vi vút đi tìm hồn thơ Giờ xưa niệm đôi ba tiếng nơi giáo đường… Theo nguoidothi.