Ẩn sau vẻ ngoài sinh động và nhộn nhịp của Sài Gòn là khoảng không vô tận của những dồn nén đa gam màu, đa sắc tộc. Những triều đại điêu tàn, những tha nhân mặc khách, Sài Gòn nhớ những gì, chôn những gì? Ít ai yêu Sài Gòn vì sự mâu thuẫn nội tại của nó, người ta yêu nó vì nó đẹp mà quên mất là cái gì chả đẹp sau dăm ba chai Sài Gòn đỏ. Với không cần chai Sài Gòn đỏ thì Sài Gòn vẫn là nơi đẹp nhất để sống. Miên man như vậy, rồi chợt nghĩ nếu một ngày mình phải đi xa khỏi cái thành phố này, phải sống hay chết ở một nơi khác thì thế nào? Mình sẽ luyến tiếc những gì, nhớ nhung những gì? Nhiều quá thì không dám nghĩ, nhưng có 10 việc tôi sẽ rất tiếc nuối vì không còn được làm khi phải rời xa Sài Gòn. Biết đâu nếu bạn thử vài thứ mà tôi kể ra đây, để ‘khoe khoang’ về những cái thú vị của thành phố này, bạn cũng sẽ thấy lưu luyến với Sài Gòn như tôi vậy? THẢ DIỀU Ở ĐỒNG CỎ LAU Sài Gòn mùa này sáng nắng chiều mưa, trưa lại gió. Mùa gió về, cũng là mùa diều bay. Vào một buổi chiều chưa tắt nắng, chạy xuyên qua hầm Thủ Thiêm, hít thật sâu cái làn gió ẩm ướt khi vừa ra khỏi hầm để khi vừa thở ra 1 hơi dài sảng khoái sẽ thấy ngay trước mắt một bầu trời kì diệu đầy diều. Diều xanh diều trắng, diều đỏ diều vàng, diều cá mập, diều siêu nhân, cả một tuổi thơ gửi bay tràn trong những cánh diều. Gió nhẹ thì diều đảo đuôi, gió lớn thì diều chao đầu, nếu bỏ đủ sự yêu thương và tin tưởng, con diều sẽ sống, sẽ làm nũng, sẽ biến thành một người bạn đầy tự do, một người bạn nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng bầu trời cũng như cuộc đời, luôn rộng mở. Thả diều vốn là cái thú của trẻ em, nhưng càng ngày người lớn thả diều càng nhiều. Người lớn thả diều thì cũng không sao, nhưng những người lớn làm biếng đã làm mất đi cái thú vui thật sự của con nít. Thả diều, vốn vui nhất là khi thấy con diều mình tốn công tốn sức vuốt tre, uốn sườn, cắt báo, sên hồ (từ cơm nguội), dán khung rồi canh đuôi đón cơn gió đầu tiên lao vút lên bầu trời. Ngày xưa, niềm vui khi thả diều là xem con diều mình làm có đủ khéo, đủ mạnh để bay vào những đám mây trên trời hay không. Vì nếu sườn vuốt quá mỏng, thì khi lên cao sẽ gãy, còn vuốt quá dày thì khung sẽ nặng, diều sẽ bị chao đảo. Một con diều giấy chứa đựng trong nó những hy vọng và chờ mong mà một con diều nylon, dẫu nhiều màu, có đẹp đẽ đến đâu cũng khó mà có được. Vậy mà người lớn bây giờ đã không dạy trẻ con làm diều thì thôi, còn khuyến khích tụi nhỏ mua diều nylon cho tiện, thật là đáng đánh đòn. Ghi chú: Thả diều vốn không cần chỗ. Leo lên nóc nhà, lên sân thượng cũng có thể thả được. Chẳng còn gì vui hơn ganh đua với thằng nhóc hàng xóm coi diều ai bay cao hơn, diều ai lượn đẹp hơn. Còn nếu muốn ngắm một bầu trời đầy diều, thì ngoài đồng cỏ lau ở Thủ Thiêm, còn có thể ra đồng diều ở đường Nguyễn Hữu Thọ quận 7, đối diện Siêu thị Lotte hoặc bên kia cầu Sài Gòn, gần Metro. ĐẠP XE DỌC KÊNH NHIÊU LỘC Những người Sài Gòn hoài cổ thường hay nhắc đến hình ảnh thành phố đầy những tà áo dài trên những chiếc xe đạp có giỏ trước. Xin đừng nhầm lẫn đó là Sài Gòn những năm 70 hay lâu hơn, cái hình ảnh đó thật ra cách đây bốn, năm năm vẫn còn có thể thấy được vào những chiều tan trường. Còn bây giờ thì những tà áo dài lại được quấn ngang hông và tọa vị trên những chiếc Attila hay SH hoặc cánh én tân trang lộng lẫy. Thật ra cái gì cũng có nét đẹp riêng của nó, nhưng đối với tôi, áo dài đẹp nhất là với xe đạp, không gì thay thế được. Nói lan man như vậy là để thấy Sài Gòn vốn là một thành phố được thiết kế cho việc đạp xe. Với một người Sài Gòn yêu sông nước, bây giờ lộ tuyến tốt nhất để thẩn thơ đạp xe và nghêu ngao hát là dọc con kênh Nhiêu Lộc, để ngắm nhìn một sự hồi sinh đầy khắc khoải và đẹp đẽ, ngắm những đàn cá hồng đang rủ nhau khám phá một vùng nước mới, ngắm những lục bình trôi trên dòng nước dẫu vẫn xanh xao nhưng đã có sức sống, ngắm nhìn những cụ già nhàn tản đi dạo, những người trẻ yêu thương nhau chân thành. Niềm tin vào sự sống, vào những điều tốt đẹp dẫu đã chết cũng có thể được hồi sinh, có thể đến trong một chiều gió lộng đạp xe thẩn thơ như vậy. Nguồn: http://www.citypassguide.com/