(2SaiGon) – “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt/ Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa/ Anh lạy trời mưa phong kín đường về…”. Cái ông Ngô Thụy Miên đáng yêu lạ lùng. Từ thuở còn cắp sách đến trường, tôi đã thầm thương trộm nhớ ông ấy bằng một tình yêu vời vợi, mông lung nhưng ngời ngời sự sáng sủa, minh bạch, thanh lịch và bất cầu báo. Sau những cơn mưa, Sài Gòn mờ ảo như Đà Lạt Sài Gòn tháng Tư xanh miền ký ức Tôi yêu Miên vì tôi vốn yêu tiếng mưa trong bài hát của Miên. Mưa của Miên không lê thê buồn bã mà khắc khoải, giằng xé và vô cùng… thực tế (thực tế là tôi đang bị “phong kín đường về” vì… mưa và đang cực kỳ lo lắng không biết hồi nữa có về nhà được không với tình trạng nước ngập và nỗi ám ảnh cây đổ ngã, dây điện đung đưa…). Nhưng dầu sao, mưa vẫn luôn mang đến cho tôi nhiều cảm xúc không thể gọi tên, những cảm xúc luôn luôn mới mẻ, tinh khôi, mỗi lần mỗi khác. Thế nên nỗi lo nước, cây và dây điện… ngập, đổ ngã và đung đưa… vẫn không hề làm vơi bớt tình yêu tôi dành cho mưa và cho thành phố này – Sài Gòn của tôi. Bây giờ, tôi không còn đủ trẻ để có thể phong phanh áo xống, loanh quanh dọc dài các con phố dưới hai hàng cây xanh lá giữa cơn mưa, để được say đắm ngắm nhìn thành phố nhạt nhòa, mờ ảo, mông lung trong màn mưa trắng xóa, để được nghe “bản giao hưởng tiếng mưa” sang trọng, dặt dìu hòa trong những âm thanh khép nép của phố phường. Bây giờ, tôi đã đủ già để chỉ có thể ngồi tại văn phòng cơ quan, ngắm mưa qua khung kính của ô cửa sổ trong một buổi chiều mưa tháng Sáu như thế này. Lạ thay, chiều nay ngồi ngắm mưa qua ô cửa, tự dưng tôi không còn nhớ Miên mà tôi bỗng nhớ… một con đường. Tôi đồ rằng đó là con đường ngắn nhất Sài Gòn, ngắn hơn cả lời chia tay bịn rịn của đôi tình nhân sau mỗi bận hẹn hò. Con đường nằm vắt vẻo một đầu về phía phố thị văn minh, phồn hoa, náo nhiệt, một đầu về phía ngoại ô trầm mặc,đơn sơ và yên ả… Con đường có cái tên không hề gợi lên một chút gì thơ mộng: đường Liên Tỉnh, nhưng nó gắn liền với tuổi thơ tôi, nó cho tôi những cung bậc cảm xúc thật khác biệt và tôi tin chắc rằng, ai đã từng đi qua nó cũng đều có những cảm xúc như thế. Dọc dài bên này đường là những cái ao sen liên tiếp nối nhau.Tháng Sáu vào mùa, sen nở rộ. Hoa sen sắc hồng thanh sạch, dịu dàng và nền nã. Lá sen biêng biếc mơn mởn non xanh. Sắc màu của lá, của hoa, quyện vào hương sen thoang thoảng trong những buổi sớm tinh mơ luôn đem đến cho tôi một cảm giác an nhiên, khiến cho mọi phiền muộn, lo toan dường như tan biến. Dọc phía bên kia là hàng phượng vĩ với những tán cây xòa bóng, rợp mát cả mặt đường, chồm qua tận phía ao sen. Cứ mỗi bận tháng Sáu về, những bông hoa phượng đỏ thắm lại bắt đầu nở rộ điểm xuyết cho bầu trời xanh thêm lộng lẫy. Hoa phượng nhắc nhớ tuổi học trò, gợi lên niềm vui rộn rã vào hè, cộng với nỗi lo lắng mùa thi, xen lẫn một thoáng buồn man mác của buổi chia tay. Một bên là sen dịu dàng thanh khiết, một bên là phượng thắp lửa chói chang. Con đường vì thế mang nét hồn nhiên mà đỉnh đạc, xưa cũ rong rêu mà trinh bạch tinh khôi. Đó là con đường trong ký ức ngập tràn nỗi nhớ của tôi. Sau hai mươi bảy năm, tôi trở lại Sài Gòn giữa tầm tã cơn mưa chiều tháng Sáu, ngơ ngác như một người lạc thời nhìn con đường xa lạ… Con đường bây giờ được nhập vào Quốc lộ nối dài đến tận thành phố Mỹ Tho. Trên những cái ao sen mọc lên một dãy phố lừng lững khiến con đường như hẹp lại, không gian căng cứng, chật chội. Hàng phượng vĩ cụt ngọn, trụi cành, tật nguyền đứng nép mình bên những cái trụ bê tông cao sừng sững làm chỗ cho đường điện cao thế chạy qua. Tôi xót xa nhìn con đường, thấy mình vừa chịu thêm một niềm đau phản bội. Phản bội không chỉ là bỏ rơi, không chỉ là quay lưng, ngoảnh mặt. Phản bội có khi chỉ là đánh mất chính mình. Tôi lơ ngơ nhìn dòng xe cộ hối hả đuổi nhau trong màn mưa. Tần ngần mãi vẫn không làm sao băng được qua bên kia đường. Nhận ra hình như lá gan mình nhỏ lại. Nỗi sợ hãi sự già nua lại ùa về. Lần đầu tiên nhận ra mái tóc mình đã “phai xanh” (tôi không đủ “dũng khí” gọi là “điểm bạc”), tôi cố dửng dưng với ý nghĩ, đời người như một con tàu, rời ga là cứ thế lao đi không ngoảnh lại được, mỗi người một cuộc hành trình nhưng tất thảy đều về chung sân ga cuối. Giờ mới biết mình phĩnh phờ thế thôi, chứ khi nhìn tới trước mặt, thấy cõi lòng an nhiên tự tại, ngoảnh lại sau lưng, nghe nỗi nhớ bủa vây, tôi biết chắc mình đã già (mặc dù tôi luôn giả vờ phủ nhận). Người ta hay có thói quen độ lượng với chính mình và khắc khe với người khác. Tôi cũng vậy… Khi tôi băng qua được tới phía bên kia đường thì cơn mưa chiều đã tạnh. Mưa tạnh cũng vừa khi đêm đến. Trước mặt tôi, con đường rực rỡ ánh điện, những ngọn đèn cao áp, những tấm bảng hiệu ở hai bên dãy phố nhấp nháy chong xuống mặt đường loang loáng nước… một thứ ánh sáng đẹp lung linh huyền ảo. Con đường trở nên nhộn nhịp với những thanh âm rộn ràng và sắc màu rực rỡ. Tôi chợt phát hiện, có một ngày khác của Sài Gòn bắt đầu khi phố lên đèn trên con đường này. Tôi thấy mình được an ủi khi nhận ra con đường bỗng dưng trẻ trung, mạnh mẽ và đầy nội lực. Sự trẻ hóa cần thiết cho một thành phố năng động sánh vai cùng bè bạn năm châu. Sự đổi mới cần thiết để một ngày không xa có thể trả lại cho Sài Gòn cái danh xưng mỹ miều “Hòn ngọc viễn đông”. Trái đất không bao giờ ngừng quay, càng không thể quay ngược lại.Chúng ta không quên quá khứ nhưng không thể ngồi gặm mãi quá khứ dù là để hả hê hay tiếc nhớ. Thế là, tôi quệt ngang nước mắt mỉm cười. Lần đầu tiên, tôi không chỉ biết độ lượng với mình, tôi đã biết độ lượng với người khác, ít nhất là độ lượng với sự thay đổi của con đường. Ý nghĩ ấy, làm tôi vơi hết buồn (mặc dù cho đến tận bây giờ, mỗi bận tháng Sáu về, ngang qua con đường, nhắm mắt lại, tôi vẫn còn nghe vời vợi hương sen, vẫn thấy sắc phượng đỏ lung linh trong nắng ấm…). Bây giờ là tháng Sáu, tròn mười năm tính từ ngày tôi trở lại Sài Gòn. Thằng nhóc con (cũng được sinh ra vào tháng Sáu) năm xưa lẽo đẽo theo số phận long đong của mẹ , giờ đã trở thành một thanh niên trưởng thành chững chạc và giỏi giang. Phải đến mười năm sau, nó mới thố lộ với mẹ, “hồi đó đêm nào nằm nghe mưa con cũng chảy nước mắt, con nhớ nhà, nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn… con không dám khóc ra tiếng sợ mẹ nghe thấy mẹ buồn”. Tôi hỏi “vậy con có nhớ bố không?”. Nó nhìn tôi ngập ngừng hồi lâu rồi gật đầu. Nó đâu biết, tôi đã trải qua những ngày tháng ấy còn khủng khiếp hơn như thế bởi tôi có nhiều nỗi nhớ hơn, nỗi nhớ nào cũng đầy đặn, cũng riết róng. Nhưng tôi không khóc. Tôi ơn Sài Gòn đã nuôi nấng tuổi thơ tôi, nay lại dang tay đón nhận tôi trở về và cho tôi một điểm tựa bình yên. Tôi ơn Sài Gòn vì những cơn mưa, những cơn mưa mà không có nó Sài Gòn sẽ không còn là Sài Gòn nữa: bất chợt, ngẫu hứng, ầm ào và dứt khoát. Tôi yêu Sài Gòn vì những đổi thay cũng ngẫu hứng, bất chợt, ào ạt và dứt khoát như thế. Tôi vẫn hằng tin sự đổi mới nào cũng xuất phát từ lòng yêu thương, quý trọng dành cho Sài Gòn. Tôi cũng hằng tin nó sẽ được đón nhận bằng những tấm lòng độ lượng, khoan dung. Và tôi sẽ mãi mãi hằng tin rằng: tháng Sáu và mưa và con đường với sen hồng, phượng thắm và một thời thanh xuân đã bỏ lại phía bên kia con sông Tiền xa lắc là một phần đời không dễ nhạt phai của tôi ở thành phố này. Mưa bắt đầu ngớt hạt, ngoài kia nắng đã ửng một màu vàng phai của mật, hàng me già sau cơn tắm mát đứng lặng yên nghe tiếng gió thì thầm cùng lá. Chiều buông xuống sau cơn mưa, lành lạnh, buồn buồn. Tôi lại nhớ đến Miên, nhớ đến những cơn mưa tháng Sáu của anh. “Tháng sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em … Anh muốn cùng mây giăng kín đường về … Mình yêu nhau, mình yêu nhau Dù trời mưa bay, mưa bay…” NGÔ THỊ THU VÂN