Người Sài Gòn là vậy, hễ ai giúp họ, dù không gợi ý, đòi hỏi nhưng họ vẫn sẵn sàng giúp lại; họ không ganh ghét, không “dìm hàng”… Tính cách của người Sài Gòn Sài Gòn dạy tôi cách lớn lên sau những cuộc tình vụn vỡ Sài Gòn luôn là tiếng gọi tha thiết, cuốn hút, để những dòng chảy từ mọi miền lúc âm thầm lúc rộn rã tìm về, góp thêm tiếng nói trong tổ hợp lộng lẫy sắc màu của đất Gia Định xưa. Loạt bài Đây, thành phố tôi yêu là một góc nhìn, một phút trầm tư, một cái cúi đầu ơn nghĩa, một “khai quật” hào sảng và kiêu hãnh về đất và người phương Nam… của cư dân Sài Gòn, những người đã ở, đã đến và dấn thân, cống hiến hết mình để làm nên thành phố hôm nay, những người không thể rời xa âm giai quen thuộc: Đây Sài Gòn – thành phố tôi yêu. Sau này, đi nhiều nơi, tôi nhận ra rằng, Sài Gòn vẫn là nơi dễ sống nhất 1. Năm 1986, chùm thơ Hát với đất của tôi đoạt giải nhất trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập TNXP TP.HCM. Một sinh viên năm thứ ba đứng chung với những nhân vật tên tuổi mà đoạt giải “ngoại lệ” như Nguyễn Nhật Ánh với trường ca Hơi thở đất đai, truyện dài Sống giữa mùa hè; Bùi Chí Vinh với kịch thơ Thành Taberd… Tôi hết sức sung sướng, tiền giải thưởng giúp tôi sống thong dong thời gian dài. Cũng nhờ đó, sau này, tôi tìm việc, bước chân vào chốn “làng văn trận bút” thuận lợi hơn nhiều người khác. Tuy nhiên, lúc ấy, tôi vẫn chưa thể quen với Sài Gòn. Mỗi dịp tết, hè về quê nghỉ ngơi, đến ngày chen chân mua vé xe vào lại Sài Gòn, với tôi chẳng khác nào bắt đầu một chuyến lưu đày. Xứ sở gì đâu mà lúc nào cũng xe cộ ầm ầm, hàng xóm sát vách nhà nhưng chẳng ai chơi với ai… Rồi sống đâu quen đó. Riết một thời gian dài, tôi nhận ra, Sài Gòn là nơi dễ sống nhất. Bởi tình người nhẹ nhàng mà sâu nặng. Ân cần mà dung dị. Không hoa hòe, khách sáo, rào trước đón sau, “giữ kẽ”. 2. Còn nhớ, có những ngày từ “làng đại học” ở Thủ Đức, tôi cùng các bạn đạp xe về Sài Gòn xem sách cho thỏa nỗi mê sách, chứ làm gì có tiền mua. Đó cũng là dịp đi chơi cho biết đó đây. Trưa trời nắng gắt. Bụng đói cồn cào. Biết tìm nơi nào nghỉ ngơi hoặc ít ra cũng kiếm bữa ăn chực? Nói thật, chẳng ngại gì. Thời đó khốn khó, thương lắm, quý lắm, ruột thịt lắm người ta mới nhường cơm cho mình. Lần nọ, đói quá, chúng tôi quyết định vào chùa. Ăn mày lòng từ bi cửa Phật. Được bữa cơm no nê, lại có thêm phần oản đem về nữa. Có một điều lạ, tôi thấy nhà sư mặc áo rách, lòi cả khuỷu tay. Bèn hỏi, nguyên cớ vì sao. Thầy đáp: “Chùa nghèo, chung quanh đây bà con cũng nghèo, mình mặc áo lành xem sao đặng?”. Đó là bài học thứ nhất mà tôi đã lãnh hội. Thiên hạ sao, mình vậy, khoe khoang làm chi. Cứ sống hòa đồng là hơn. Lại những lần khác, vượt qua cầu Sài Gòn lên lại Thủ Đức, cổ họng khát đắng, chỉ cần tạt vào bất kỳ ngôi nhà ven đường là có thể xin nước uống ngon lành. Nếu thích, nằm võng giữa vườn đánh luôn một giấc, chủ nhà chẳng phàn nàn gì. Chà, người Sài Gòn sao mà dễ tính quá. Họ chẳng cảnh giác gì. Thấy người hoạn nạn thì thương. Đơn giản vậy thôi. Chỉ gặp nhau ngoài quán nhậu nhưng đã thân tình thì rất mực Sau khi ra trường, tôi quyết định ở lại Sài Gòn, chỉ vì nơi này… kiếm tiền dễ quá. Nhiều tờ báo, nhiều nhà xuất bản, nhiều cơ sở in ấn tha hồ múa bút. Nhiều đồng nghiệp trách tôi sao viết nhiều quá, cái danh đã có rồi, chẳng lẽ còn muốn thêm? Tham thế ư? Chẳng phải đâu. Thời mới ra trường, do mất xe đạp nên thỉnh thoảng tôi phải đi xích lô. Đi từ chợ Bến Thành về đến nhà thờ Ba Chuông, nơi tôi đang ở trọ chỉ tốn 30 ngàn đồng. Trong khi đó, chỉ ngoáy vài phút đã có nhuận bút cao hơn số tiền đó nhiều lần, vậy sao lại không viết? Chỉ đơn giản thế thôi. Nói cách khác, đừng làm biếng, ở Sài Gòn, với nghề viết (dù viết tự do hay thuộc cơ quan nhà nước), người ta vẫn đủ sống. Muốn sống được, phải có nhà cửa. An cư mới lập nghiệp. Có lần tôi hỏi “ông già đi bộ” Sơn Nam: “Làm cách nào để dễ dàng có tiền nhất?”. Sau một hồi phân tích, ông bảo nên làm “dịch vụ”. Nói nôm na là làm “cò “. Sau này, đọc lại Gia Định báo xuất bản từ năm 1885, tôi biết thời đó làm “dịch vụ” đã xuất hiện – nhất là những ai biết tiếng Pháp có thể viết đơn từ trong các vụ kiện tụng. Tôi đã làm “dịch vụ” như thế nào? Bấy giờ, đang là phóng viên báo Phụ Nữ, tôi nghĩ đến việc đi tìm hợp đồng quảng cáo. Vừa đúng chủ trương của cơ quan, lại vừa có tiền “hoa hồng”. Có hai việc khiến tôi nhớ mãi. Và qua đó, thể hiện rõ tính cách rất chịu chơi và khoan dung của người Sài Gòn. Lần nọ, tôi vào nhà máy bia Sài Gòn, người tiếp tôi bấy giờ, nếu tôi nhớ không nhầm chức danh đó là phó giám đốc, cô Vân. Sau khi nghe tôi trình bày, cô Vân đặt bút ký, tôi mừng rơn. Ngồi nấn ná thêm một chút, cô hỏi tôi về hoàn cảnh sống, tôi thú thật mới đi làm báo, đang ở trọ. Đột nhiên, cô hào phóng ký thêm vài kỳ quảng cáo nữa và bảo: “Cố gắng ở lại Sài Gòn làm việc cho tốt”. Chỉ có thế. Sau đó, tôi không có dịp gặp lại cô nữa. Lần thứ hai như thế này: thời đó, có một sản phẩm công nghệ mới ra là máy nhắn tin phonelink. Ai đeo máy, nghe tiếng kêu “bíp, bíp” là biết có tin nhắn đến. Theo phân công của ban biên tập, tôi đến bưu điện gặp giám đốc (phó giám đốc?) là chú Xuân để phỏng vấn về sản phẩm này. Sau khi báo in bài, tôi quay lại tặng tờ báo, chú Xuân vui vẻ tiếp chuyện. Chú hỏi tôi làm báo vất vả, đi đứng nhiều, đang đi xe gì? Tôi thành thật cho biết, đang đi xe đạp. Ngờ đâu, chú bảo, quay về tòa soạn lấy hợp đồng, ký cho vài kỳ quảng cáo. Người Sài Gòn là vậy, hễ ai giúp họ, dù không gợi ý, đòi hỏi nhưng họ vẫn sẵn sàng giúp lại; họ không ganh ghét, không “dìm hàng” mà chủ động giúp người khác nếu có khả năng. Sau này, đi nhiều nơi, tôi nhận ra rằng, Sài Gòn vẫn là nơi dễ sống nhất. Anh em, bầu bạn chơi với nhau, có thể cả đời chưa ai ghé thăm nhà ai, chỉ gặp nhau ngoài quán nhậu nhưng đã thân tình thì rất mực. Mà thật lạ, dù sinh ra ở vùng miền nào nhưng lập nghiệp ở Sài Gòn, hầu như ai ai cũng có được đức tính ấy. Nghĩa là tính cách địa phương bị bào mòn dần để “ai sao mình vậy”, chan hòa, thu hẹp khoảng cách. 3. Trong vài chục đầu sách đã viết, không phải ngẫu nhiên nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TP.HCM, tôi quyết định phải góp sức cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp làm cho bằng được quyển Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng (Lưu hành tại Nam Kỳ đầu thế kỷ XX); Hỏi đáp về 300 năm Sài Gòn – TP.HCM; viết tiểu thuyết lịch sử Nguyễn An Ninh – dấu ấn để lại; biên soạn Sơn Nam – hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê… Mà lúc viết, tôi ý thức làm thế nào để người đọc ngày càng hiểu hơn, yêu hơn, dù một chút ít về vùng đất, con người nơi này. Phần mình, trong vòng 10 năm tôi đã thực hiện bộ Kể chuyện danh nhân Việt Nam (10 tập) chừng 3.000 trang in, cũng là một góp sức nhỏ bé với vùng đất đã cưu mang mì nh từ thuở mới “chân ướt chân ráo” nhập cư. Ý thức là thế nhưng nếu không có sự giúp đỡ chu đáo về tài liệu của Thư viện Tổng hợp TP.HCM và nhất là cô Nga – thủ thư thì khó có thể nên “cơm cháo” gì. Tinh thần Lục Vân Tiên thể hiện rất rõ nét qua những con người Sài Gòn ở chỗ dù không quen biết, chỉ mới sơ ngộ nhưng vẫn giúp đỡ tận tình. Đến nay, nếu có làm được chút gì hữu ích cho cộng đồng, với tôi, chính từ “bệ phóng” từ Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh một vùng đất dễ sống và đáng sống. Theo Lê Minh Quốc