Bà Dung nhận chăn bông và một ít tiền từ tay Hiền, rồi người đàn bà xúc động nói: “Hôm qua lạnh quá, bà mặc áo mưa ngủ. Vậy là tối nay ấm rồi”. 22h, ở ngã tư Châu Văn Liêm – Trần Hưng Đạo (quận 5), người đàn ông trung niên nằm ngủ cạnh chiếc xe đạp cũ. Diệu Hiền bước đến, thật khẽ, tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ của ông. Cô đặt chiếc bánh mì và một ít sữa vào giỏ xe đạp, rồi chầm chậm rời đi. Sáng mai, hoặc chút nữa thôi, khi bị đánh thức, người đàn ông sẽ an lòng vì có thêm một bữa no giữa tháng ngày chông chênh. “Bà đợi nãy giờ” Hơn 2 tháng nay, kể từ lúc dịch bệnh tái bùng phát tại TP.HCM, nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn với hàng chục tình nguyện viên vẫn miệt mài hỗ trợ những suất ăn đêm cho người vô gia cư ở thành phố. Từ khi tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp, TP.HCM yêu cầu người dân hạn chế ra đường sau 18h mỗi ngày, hoạt động của nhóm có phần hạn chế. Giờ đây, mỗi đêm chỉ có 2 thành viên đảm nhiệm công việc phát quà, vừa tuân thủ công tác phòng dịch, vừa đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”. Từ đầu tháng 6, các thành viên của Đêm Sài Gòn đã hỗ trợ hàng nghìn phần quà cho người vô gia cư ở TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Toàn. Buổi tối đầu tháng 8, sau khi kết thúc công việc, Diệu Hiền – cô nhân viên Bệnh viện Mắt Sài Gòn sửa soạn đồ bảo hộ rồi cùng anh bạn Trường Thành chạy sang kho tập kết của nhóm ở Phú Nhuận, chuẩn bị cho buổi phát quà. “Hôm nay có bánh mì hoa cúc, ngon lắm tụi em”, một thành viên khoe. Ai nấy đều vui, bánh mì luôn là món được ưu tiên vì người nhận có thể dự trữ nhiều ngày. Hôm qua lạnh quá, bà mặc áo mưa ngủ. Vậy là, tối nay ấm rồi. Bà Dung Ngoài bánh mì, nhóm chuẩn bị thêm sữa tươi, khẩu trang y tế và một ít chăn bông để gửi đến người khó khăn. 20h, khi chiếc xe không thể treo thêm bất cứ thứ gì, Thành và Hiền rời đi. Lần nào cũng vậy, họ luôn nỗ lực chở nhiều nhất trong khả năng, bởi ngoài kia không ít hoàn cảnh cần giúp đỡ. Những ngã đường thành phố chìm vào thinh lặng, Thành và Hiền chạy về hướng trạm xe buýt Bến Thành, nơi họ có lời hẹn với cụ bà neo đơn. “Hai đứa tới rồi, bà ngồi đợi nãy giờ”, người đàn bà 86 tuổi reo lên khi nhìn thấy hai tình nguyện viên. Trạm xe buýt có mái che lại có ghế rộng rãi vừa trở thành nơi nghỉ tạm của những người không nhà. Bà Dung rời Đồng Nai lên TP.HCM làm tạp vụ cho tiệm bánh trên đường Hàm Nghi (quận 1) đã nhiều năm nay. Đầu tháng 7, khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, tiệm cho nhân viên nghỉ việc. Mọi người về quê, riêng bà Dung không còn người thân, bà chọn ở lại thành phố, sống tạm bợ đợi ngày qua dịch. Tình hình dịch bênh phức tạp, vì vậy 2 tình nguyện viên luôn bảo hộ kỹ lưỡng khi tham gia phát quà. Ảnh: Nguyễn Toàn. “Hôm qua nghe bà kể vừa bị ngã, nên con đem cho bà chai dầu xoa bóp. À, bà còn khẩu trang không?”, Hiền hỏi thăm, ân cần chỉnh lại khẩu trang cho bà Dung, trong lúc Thành đem bánh và sữa phát cho những người khác ở trạm. Người đàn bà nheo mắt cười, không giấu được niềm hạnh phúc khi được quan tâm giữa tháng ngày côi cút. Bà vốn không phải người vô gia cư, nhưng hiện tại bà không có nơi để về. Hiền đại diện nhóm gửi cho bà Dung chăn bông và một ít tiền để trang trải những ngày sắp tới. Người đàn bà xúc động nói: “Hôm qua lạnh quá, bà mặc áo mưa ngủ. Vậy là, tối nay ấm rồi”. Không ai bị bỏ lại phía sau Rời trạm xe buýt, Thành và Hiền di chuyển sang quận 5. Đến các chốt kiểm dịch, cả hai xuất trình giấy thông hành để được tiếp tục hành trình. Thời gian đầu, gia đình của Thành và Hiền đều không đồng ý để họ tham gia hoạt động này, phần vì dịch bệnh phức tạp, phần vì đường đêm vắng vẻ, nhiều rủi ro. Người không nhà cửa, không thân nhân, nhiều khi thèm được chia sẻ, thèm được quan tâm lắm. Trường Thành “Tôi sống một mình ở TP.HCM, vì vậy bố mẹ ở quê lo lắng là có lý do. Nhưng mỗi lần gặp gỡ, trò chuyện với các cô chú, tôi không đành lòng bỏ ngang”, Hiền cho biết từ khi trang bị bảo hộ kỹ lưỡng, gia đình phần nào an tâm hơn. Hiền kể lần cô đem quà đến tặng cho một người đàn ông đang cặm cụi tìm đồ. Nhìn thấy có người đến tặng quà, ông này mừng rỡ chạy ra, trên tay cầm con dao. Theo phản xạ, Hiền vội quay đầu chạy, cô càng chạy ông càng đuổi theo. Lúc sau, người đàn ông mới sực nhớ mà ném con dao xuống đất, lúc đó cả hai mới đứng lại, bật cười. Các tình nguyện viên nhẹ nhàng đặt quà, đồ ăn. Ảnh: Nguyễn Toàn. Những người mà Hiền và Thành gặp trên đường, bất kể lần đầu hay thân quen đều được thăm hỏi chu đáo. Thành nói: “Người không nhà cửa, không người thân, nhiều khi thèm được chia sẻ, thèm được quan tâm lắm”. Họ, có người rời quê hương vào thành phố bán vé số, làm phụ hồ, giúp việc, có người nhặt nhạnh từng chai nhựa để nuôi con vào đại học… tất cả bị dịch bệnh đánh gục, bất đắc dĩ phải chọn vỉa hè làm chỗ nghỉ tạm bợ. “Cũng may là có các con giúp, cả ngày nay chú chưa ăn gì”, ông Hùng vừa mừng vừa tủi. Trước đây ông sống bằng nghề ve chai, từ ngày vựa thu mua ngừng hoạt động, cuộc sống của ông thêm phần bấp bênh. Trời về khuya, Hiền cố gắng bước thật khẽ để tránh ảnh hưởng giấc ngủ của mọi người. Cô nói giấc ngủ của người vô gia cư ngắn lắm, đôi khi chỉ được nằm một tí rồi lại đi nơi khác. Người vô gia cư thuộc nhóm nguy cơ chịu tổn thương lớn cả về sức khỏe lẫn mưu sinh khi dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Nguyễn Toàn. Quá nửa đêm, hai người dừng lại trên con đường Hậu Giang (quận 6), Hiền trao phần quà cuối cùng cho một người đàn ông đạp xích lô. Bất ngờ, ông quỳ xuống, giọng rung lên: “Chú mừng quá! Chú cảm ơn! Chú mừng quá! Chú cảm ơn!”. Không kiềm được cảm xúc, Hiền bật khóc. Cô vội cúi đầu tạm biệt, rồi rời đi. Theo Zing News