Anh Đực


đời tôi bôn ba, từng làm đủ thứ nghề để kiếm tiền và để… sống, nói vậy để hiểu hai mục đích khác nhau rõ nha, có những nghề mà chắc mấy bạn trẻ giờ không biết đâu, như nghề xếp hàng mướn thời bao cấp, hay mới đây là nghề chim mồi xe đò

nói nào ngay, thời cách đây hai chục năm, xe đò Sài Gòn đi miền tây tự phát lắm, có bến xe nhưng mà xe dù, xe khách đủ loại, chủ yếu tự sắp tài, tự bắt khách, nên giờ giấc chạy không đúng, dừng đón thả khách tùm lum. Bởi mới sinh tâm lý, khi bà con ra bắt xe thường chọn xe gần đủ khách ngồi, đặng chạy cho mau, mà muốn xe nhìn có vẻ “gần đủ khách” thì tài xế thường mướn mấy người lên ngồi sẵn, làm chim mồi để dụ những khách khác, xe sẽ chạy lòng vòng đón khách, khi nào đầy thiệt thì lúc đó chim mồi sẽ xuống ở cây xăng gần nhứt. Thường mỗi bận chim mồi tôi được trả 2~3~4 ngàn, tùy theo bắt khách nhanh hay chậm.

nghề này tưởng nhàn nhưng mà mệt lắm, ngồi suốt trên cái xe nóng nực nhanh thì 15 phút, lâu có khi cả tiếng, một bữa ngồi chim mồi có khi được hai chục, ba chục ngàn thôi, nhưng chủ yếu là vui, sống đời bến xe, đủ thứ chuyện. Nhờ nghề này mà quen nhiều tài xế miền tây, sau đến năm 96 tôi về Cần Thơ làm việc, cuối tuần thường bắt xe lên Sài Gòn thăm bạn Thắm, dễ lắm, chiều tan sở đi bộ lững thững ra bến phà, qua bên Bình Minh, ngoắc cái xe quen, cho khách lên đủ rồi mình ôm cái cửa, làm lơ xe. Bữa nào xe đủ khách thì tài xế hổng lấy tiền, bữa nào thiếu khách thì mình bù mười, hai chục ngàn, còn không cho tài xế gói mèo. Đi riết, tuyến Sài Gòn Cần Thơ tôi thuộc từng cái cây ngọn cỏ, nhắm mắt biết xe chạy tới khúc nào.

04.04.18

Tiếp chuyện hai chục năm xưa, hồi hay giao du ở bến xe miền tây, bến xe chợ lớn, tôi có quen anh Đực, còn kêu là Đực Nhỏ, là tài xế xe dù chạy tuyến miền tây. Tôi có ngồi làm chim mồi cho anh vài lần nhưng chủ yếu thường thích qua xe anh nói chuyện lúc chưa tới tài, hoặc phụ anh bắt khách ở cây xăng. Anh Đực lúc đó hơn tôi chục tuổi, tầm ba chục, anh khá cao ráo, đẹp trai và phong trần. Anh Đực có lối nói chuyện vui lắm, người lúc nào cũng tươi roi rói, nói gì cũng thẳng băng, mới đầu cảm giác hơi dội dội, nhưng mà nghe quen thì êm, nghe là biết con người thiệt bụng.

Bữa nọ, Sài Gòn cũng vào mùa gần Tết, lành lạnh, ngoài lộ đàn bà con gái đã lấm tấm áo len, khách miệt dưới lên thì nhiều mà khách Sài Gòn đi thì thưa, trưa trời trưa trợt mà tôi với Đực Nhỏ lòng vòng cả tiếng chỉ được có hai khách, Đực Nhỏ tấp vô cây xăng, sang lại hai khách cho xe khác rồi ngoặt qua tôi hỏi, Phú, mày uống được gụ hông? Được chớ. Ừ, vậy thôi về nhà tao nhậu đi. Thì đi. Đực Nhỏ bỏ xe ở cây xăng, lấy xe đạp đòn giông chở tôi về nhà, đâu trong một con hẻm gần đó, vô nhà là bày rượu ra, hai anh em lai rai.

Đực Nhỏ sống với má, một bà già rằn rặt nam bộ, như bước ra từ thời mở cõi, còn nguyên cái khăn rằn quấn đầu, nhai trầu bỏm bẻm và hút thuốc rê, bà nói, tụi bây ngồi đó đi, để tao đi kiếm cái gì dằn bụng, đi chừng năm phút đã thấy bà bưng về một tô xí quách bự chảng, nghi ngút khói. Lúc rượu đã xây vài tua, mới hỏi chuyện gia đình, lúc này Đực Nhỏ nói thiệt, má này là má nuôi, chớ hổng phải má ruột. Chuyện cũng dài dòng vòng vo tam quốc, đại khái là Đực Nhỏ vốn là con gia đình khác, má anh với bà già này có buôn bán với nhau mấy lần, năm chiến tranh biên giới Miên, ba Đực Nhỏ và một người anh trúng đạn pháo chết, má dắt anh lên Sài Gòn ở đậu nhờ nhà này, có cái sạp buôn bán ở chợ. Bà chủ nhà lúc đó cũng đương rầu, chồng thì bỏ theo vợ bé, nuôi ba đứa con, có một đứa trai, cũng hy sinh năm chiến tranh biên giới, lúc đó bà buồn quá nên nhận Đực Nhỏ làm con nuôi. Rồi má ruột Đực Nhỏ bị bịnh, chết mấy năm sau đó, Đực Nhỏ coi như thành con của bà già chủ nhà luôn, má má con con, người ngoài không hề biết là con nuôi.

Lại thêm vài tua rượu nữa, Đực Nhỏ mới kể chuyện tình duyên. Mấy năm trước đó, Đực Nhỏ bị một tai nạn ở Vĩnh Long, đang đi ngon trớn thì bị một cha nội say xỉn chạy xe máy băng ngang đường, lủi thẳng vô đầu xe bất tỉnh, chở vô bịnh viện chừng tiếng là chết. Nói thêm là hồi đó đường miền tây nhỏ lắm, chưa có con lươn (dải phân cách) và cũng chưa có ai đội mũ bảo hiểm như bây giờ. Vụ đó Đực Nhỏ bị giam xe, công an xử lên xử xuống mấy lần, cuối cùng cũng êm, do cha kia sai hoàn toàn, uống từ sáng tới chiều, chạy xe ngược chiều, băng qua đường, tự lủi vô xe khách. Nói vậy chứ Đực Nhỏ cũng tốn tiền ma chay cho nạn nhân, hỗ trợ gia đình này nọ.

Gia đình nạn nhân của Đực Nhỏ ở một cái quán lá, vùa quán café, vừa bán tạp hóa lại vừa là quán nhậu ngay bên đường, xeo xéo chỗ tai nạn chừng trăm thước. Hai vợ chồng bán quán sinh nhai, lúc anh chồng chết bỏ lại chị vợ với hai đứa con nhỏ, đứa lớn chừng gần ba tuổi, đứa nhỏ mới sanh mấy tháng. Chị vợ là dân miệt Đồng Tháp qua làm dâu bên này, thực ra sau này Đực Nhỏ mới biết là anh chồng kia cũng chẳng tốt lành gì, suốt ngày nhậu nhẹt, số đề, đánh vợ chửi con, nhưng dù sao đi làm dâu xứ lạ, chồng chết thành ra chị nọ bơ vơ, một thân nuôi con.

Thấy gia cảnh quá thảm nên dù không có trát của tòa, đều đặn hằng tuần Đực Nhỏ cũng tự giác phụ tiền cho chị vợ kia nuôi con, ngoài tiền bạc, thì hầu như cuốc xe nào Đực Nhỏ cũng ghé, khi gói bánh, khi hộp sữa, lúc thì xấp vải, chai dầu… Do chạy xe khách nên Đực Nhỏ không ghé lâu được, chỉ tấp vô một hai phút, nói một hai câu rồi đi. Chị vợ cũng biết điều, mấy lượt nói là thôi, người chết cũng chết rồi, Đực đừng lên xuống mất công, mà Đực Nhỏ không nghe.

Uống liền hai chung, Đực nhỏ tiếp, bữa đó tao lên khách trễ, ngang quán mười một giờ đêm thấy còn đèn nên tao ghé vô, thấy ba mẹ con ôm nhau khóc, thì ra đứa nhỏ bị sốt, tao đưa tiền mua thuốc chứ biết làm gì, còn một xe đầy nhóc khách đang chờ. Chạy lên tới Sài Gòn tao ngồi bần thần chừng một tiếng đồng hồ rồi xách xe không chạy xuống, gõ cửa quán lúc gà gáy sáng. Tao kêu chỉ ra, nắm tay chỉ nói một câu thôi, tui đền cho em ông chồng khác, ngon lành hơn, em chịu hôn? Hai năm sau tai nạn đó thì tao mới rước được chỉ về Sài Gòn, cái quán cho luôn con em chồng chỉ. Mày thấy tao hay không Phú, tự nhiên có vợ, có sẵn con luôn, Đực Nhỏ cười ha hả.

Rượu đã ngà ngà thì chị vợ Đực Nhỏ dọn hàng về, chị Vui. Chị Vui chắc lớn Đực Nhỏ vài tuổi, nhỏ người nhưng dễ nhìn, nhìn là biết người hiền. Chị Vui về thưa má, gật đầu chào tôi, rồi hỏi chúng tôi muốn ăn gì. Chị Vui có lối kêu chồng như một trăm năm trước, mình ơi, mình với chú em đây ăn gì để em mần. Nhìn mặt Đực Nhỏ lúc đó vui lắm, không dấu được, cười ngô nghê như trẻ nít, quên cả trả lời. Buổi chiều hai đứa nhỏ đi học về, đứa lớn lớp ba đứa nhỏ lớp một, trường kịch ngay ngoài hẻm nên hai anh em dắt nhau tay nhau về, thưa nội, thưa ba má, thưa chú hai qua chơi.

Nguồn: damhaphu.com


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: