Sài Gòn là trung tâm đô thị lớn nhất cả nước, thế nhưng có một nơi giữa lòng thành phố, người dân mong ngóng hàng chục năm về một cây cầu bắc qua sông để tiện đi lại. Giấc mơ đó chưa bao giờ thành hiện thực. Người dân tại đây buộc phải sử dụng bến đò An Phú Đông (P.An Phú Đông, Q.12) để qua sông đi làm – Ảnh: Phạm Hữu P.An Phú Đông (Q.12) được bao bọc bởi hệ thống sông Vàm Thuật và Sài Gòn. Trong đó, sông Vàm Thuật đi qua địa bàn phường và ngăn P.5, Q.Gò Vấp, sông chỉ rộng khoảng 120 m, nhưng đã hàng chục năm nay vẫn chưa có cây cầu nào bắc qua. Thay vì chấp nhận đi một quãng đường xa hơn chục km để vào trung tâm thành phố, người dân buộc phải chọn đò như một phương tiện di chuyển không thể thay thế. Người dân luôn mong ngóng về một cây cầu bắc qua sông Vàm Thuật – Ảnh: Phạm Hữu “Ở thành phố mà đi lại như thôn quê” Ghi nhận của phóng viên, trưa và chiều một ngày giữa tháng 3, tại phà An Phú Đông, người dân qua đò rất đông. Vào giờ cao điểm, bến đò phục vụ chủ yếu cho người lao động, học sinh đi học từ Q.12 qua Q.Gò Vấp và ngược lại. Qua quan sát, mỗi lần cập bến, người lên và xuống đò diễn ra cùng lúc. Đường dẫn từ mặt đò lên bờ có dốc cao, được lắp bằng những mảnh gỗ trơn trượt, một số người do tranh thủ lên đường đã phóng nhanh nên xảy ra quẹt xe, té ngã, nhưng được nhân viên đò kịp thời giúp đỡ. Muốn được qua bờ bên kia, người dân ở đây phải đợi ít nhất 3 – 5 phút tùy thời điểm. Do vậy, P.An Phú Đông trở thành ốc đảo cô lập một phần, người dân phải lệ thuộc vào từng chuyến đò chạy. Bà Đặng Thị Lài (58 tuổi, ngụ 495 Vườn Lài, KP.2, P.An Phú Đông) cho biết, gia đình bà sống ở đây từ xưa đến nay, phương tiện gia đình vào trung tâm thành phố chủ yếu là đò. Giờ thường đi còn dễ, chứ giờ cao điểm người đông, đò nhồi nhét khách dữ lắm, đi khó khăn. Có hôm thủy triều rút, mặt đò ở sát dưới lòng sông, từ trên đò lên mặt đường bằng những tấm ván trơn và ướt nên người yếu tay lái hay té xe. “Tôi và người dân ở đây rất mong chính quyền các cấp sớm có chính sách xây cầu bắc ngang sông Vàm Thuật để người dân trong phường đi lại thuận tiện. Nói ở thành phố, nhưng khu này giao thông hạ tầng chẳng khác gì thôn quê”, bà Lài mong muốn. Vào giờ cao điểm, bến đò An Phú Đông luôn chật kín người – Ảnh: Phạm Hữu Bà Trần Thị Hiệp (nhà số 6/10, đường Vườn Lài, P. An Phú Đông) cho biết, việc đi lại bằng đò cũng là chuyện bình thường nhưng những ai sống lâu tại đây mới thấy hết được những bất tiện của việc thiếu cầu gây ra. “Tiền qua lại đò rất tốn kém. Mọi người cứ cho mỗi lượt qua chỉ tốn 2.000 ngàn là rất ít. Nhưng nghĩ lại thì người dân sống lâu năm ở đây đâu phải đi qua lại một lần. Như nhà tôi có 3 người, trung bình một người mỗi ngày phải đi qua phà ít nhất 4 lần. Tính ra mỗi người phải mất 8.000 ngàn đồng cho mỗi ngày. Cộng lại một tháng tôi đã mất gần 300 ngàn đồng. Mà đường ở đây thì vắng, buôn bán một tháng chỉ được 3-4 triệu, vì vậy tiền đi lại cũng ngốn gần hết”, bà Hiệp tạm tính. Theo bà Hiệp, đò chỉ hoạt động tới 23 giờ 30 mỗi ngày. Nếu có việc gì gấp thì khá bất tiện cho gia đình: “Muốn vào khu vực trung tâm hay Gò Vấp vào giờ khuya chúng tôi phải chạy một đoạn vòng xa từ đường Vườn Lài ra quốc lộ 1 mới có thể đến nơi. Mỗi lần đi như vậy rất cực và tốn thêm tiền xăng nhớt”. Gia đình bà sống tại đây từ năm 1978, từ khi nó chỉ là con đò nhỏ đưa người dân sang sông đến khi thay thế bằng đò lớn thì cầu vẫn chưa có. Đa phần qua phà là người lao động, phụ huynh đưa đón con đi học từ Q.Gò Vấp về Q.12 – Ảnh: Phạm Hữu Còn theo ông Nguyễn Văn Thái (60 tuổi, ngụ tổ 29, P.An Phú Đông, Q.12), người dân trong địa bàn đi phà rất bất tiện. Buổi trưa phà đợi đủ khách mới chạy. Mái che trên phà quá nhỏ, không đủ chỗ cho khách trú mưa, nắng: “Giờ cao điểm sáng, người lớn thì trễ giờ làm, học sinh thì muộn vào lớp. Có hôm tôi phải đợi 3 chuyến mới được đi, do người có nhu cầu quá đông”. Đã nhiều lần kiến nghị xây cầu Ông Dương Xuân Quang (tổ phó tổ 26, khu phố 2, P.An Phú Đông, Q.12) cho biết, ông sống ở đây đã lâu, nghe người dân nêu chuyện xây cầu từ hàng chục năm, trải qua nhiều đời Chủ tịch nhưng vẫn chỉ là lời hứa, không thấy chuyển biến gì. Bên cạnh đó, ông Quang đã tiếp nhận rất nhiều ý kiến của người dân mỗi lần họp tổ dân phố và gửi lên chính quyền địa phương về việc xây cầu nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó. “Đa phần người dân ở đây làm nông, công nhân thu nhập rất thấp, mà mỗi lần qua đò đi làm thì phải trả phí. Có nhà một ngày đi không biết bao nhiêu lượt đò. Nào sáng đưa đứa này đi học, chiều thì rước đứa khác về, chưa kể đưa con đi học thêm, đi làm, đi chợ. Nhiêu đó thôi tính ra tốn biết bao nhiêu tiền”, ông Quang bức xúc. Việc đi chuyển bằng đò tốn nhiều thời gian của người dân – Ảnh : An Huy Ông Trung Quảng Hà, Chủ tịch UBND P.An Phú Đông, Q.12 cho biết, đã nhiều lần tiếp nhận ý kiến đề nghị của người dân sống tại phường. Qua đó ông cũng đã chuyển lên UBND Q.12 về nguyện vọng xây cầu và hàng năm UBND phường đều gửi văn bản lên cấp trên về vấn đề này. Ngoài ra, trong các hội nghị đảng bộ P.An Phú Đông cũng đã thông tin đến từng khu phố để người dân nắm bắt được tình hình. “Tiến độ hiện nay cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu triển khai dự án xây cầu. Trong đó có một tập đoàn lớn đến xin xây dựng khu dân cư, đầu tư vào tuyến đường Vườn Lài kết hợp xây cầu bắc qua sông Vàm Thuật. Nhưng cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu các phương án để xin trình lên UBND TP và quận về tính khả thi của dự án”, ông Hà thêm. Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ bến đò An Phú Đông cho biết, bến đò hoạt động từ 3 giờ 30 – 23 giờ 30. Hàng ngày có khoảng 1.500 khách qua đò. Doanh thu một ngày không mưa tầm 4 triệu đồng, trừ tất cả chi phí còn khoảng 700.000 – 800.000 đồng. Ngày mưa, khách qua phà ế ẩm, vì người dân từ trung tâm TP hạn chế qua đây để tới các điểm câu cá giải trí; người dân bên phường cũng ít qua Q.Gò Vấp đi chợ, thợ làm hồ cũng nghỉ. Được biết, phà An Phú Đông được phường giao cho ông đứng ra tổ chức hoạt động đã trên 20 năm, chủ yếu phục vụ bà con đi lại. Giá 1 người qua phà 1.000 đồng/chuyến; 1 người + xe máy là 2.000 đồng/ chuyến. Riêng học sinh, người cao tuổi, người già neo đơn, người bệnh được phục vụ miễn phí. Trên sông hiện có 3 chiếc phà hoạt động. Giờ bình thường hoạt động 1 chiếc, giờ cao điểm 2 chiếc, còn 1 chiếc dự phòng. Trong đó, giờ cao điểm phà chở được khoảng 80 khách (mức cho phép 90 khách/ chuyến), còn trung bình 30 – 40 khách/ chuyến. Theo Phạm Hữu – An Huy | Thanh Niên