“Khi những tia nắng cuối cùng đã tắt, nhường lại phố phường cho những ánh đèn đêm, họ lại vội vàng khoác lên mình những tấm áo cũ bạc màu sương gió, ăn vội miếng cơm, mà có khi cũng chỉ đơn giản là một mẩu bánh nhỏ, một hớp nước nhạt, vội vàng, đơn giản như vậy thôi. Và họ lại lao vào bóng đêm. Cơm áo gạo tiền, sinh tồn ám ảnh… Đó là Sài Gòn đêm, là những con người, những cuộc đời, với hành trình tìm kiếm mưu sinh trong đêm tối…” Chuyện thứ 1: Chuyến xe ôm đêm và câu chuyện về ông lão gàn dở Dù nắng hay mưa, hàng ngày cô Mai vẫn đạp xe vượt gần 50km để đưa con gái đến trường và nhặt ve chai mưu sinh. Nếu ai sống tại khu vực đầu ngã 3 đường Thống Nhất – Nguyễn Văn Lượng ắt hẳn sẽ biết hoặc ít nhiều cũng đã từng gặp một ông già cỡ ngoài 60, cứ tối đến là đi chiếc Wave màu đỏ lại chỗ này, dựng xe lên góc vỉa hè gần đó và… ngủ. Và đây chính là nhân vật đầu tiên tôi muốn nói tới trong những ghi chép của mình về những người sống về đêm của Sài Gòn. Thực ra nếu chỉ định viết về một ông già chạy xe ôm đêm thì có lẽ là không cần thiết, bởi tại thành phố này, không biết có bao người chạy xe ôm đêm như vậy. Tuy nhiên điều khiến tôi hoàn toàn ấn tượng và quyết định viết về ông không chỉ đơn thuần là cái nghề chạy xe của ông lão, mà đằng sau đó là cả một câu chuyện, một số phận, và duyên nghề. Có ai lại mong muốn mình có giấc ngủ không trọn vẹn trong giá lạnh để tìm kiếm mưu sinh đâu… (Nguồn: Internet) Trong một lần có việc cần đi xe vào buổi tối, tôi vô tình gặp lão (xin phép được gọi ông là lão, bởi có lẽ gọi như vậy phần nào khắc họa rõ hơn về những người như ông). Cũng như bao lần đi xe khác, tôi cũng nói địa điểm, trả giá, cò kè và đi. Cái quy trình bắt xe này cũng không tốn khá nhiều thời gian cho lắm. Tuy nhiên chỉ ngay sau khi xe chạy được chừng mấy giây, lão bắt đầu “mở máy”. Thôi thì hỏi đủ thứ, nào đi đâu muộn vậy, rồi than xăng tăng, thời tiết lạnh… Vì lịch sự nên tôi cũng trả lời lão qua quýt cho xong. Được một lúc, dường như thấy tôi cũng không quá khó gần, lão bắt đầu đổi cách xưng hô sang “bố”, “con” và tâm sự. Không biết có nên gọi là “duyên” không nữa, khi vô tình địa chỉ mà tôi đến lại không có ai ở nhà. Giờ về thì sợ nhỡ việc, mà ngồi chờ thì cũng lo đêm hôm lát lấy xe đâu mà về. Thật may, dường như đoán được việc tôi đang lo lắng, ông lão liền gợi ý sang một quán cà phê cóc bên đường ngồi chờ một lúc, và đương nhiên tôi đồng ý liền. Lúc này câu chuyện giữa chúng tôi mới thực sự là bắt đầu. Lão nhớ ngày đó, lão cũng có vợ, có con như bao người… (Ảnh minh họa. Nguồn Internet) Tôi vẫn nhớ gương mặt lão khi đó, trầm ngâm, mắt nhìn xa xăm, kể chuyện đời mình, giọng nghèn nghẹn. Thì ra lão ngày còn trẻ cũng có một quá khứ khá ngang tàn, thậm chí lão đã từng bị đưa đi tập trung cải tạo vì bất hảo. Đó là quá khứ, tôi an ủi lão. Lão cười nhạt rồi bất ngờ hỏi tôi: “Con có biết vì sao bố lại chuyên chạy xe đêm không?”. Không muốn đoán nên tôi hỏi lại: “Tại sao?”. Lão liền nói, thì ra câu chuyện lão đi cải tạo xưa kia cũng chính là nguyên do khiến cho cuộc đời lão thành ra ngày hôm nay. Lão nhớ ngày đó, lão cũng có vợ, có con như bao người, rồi lão dính vào tù tội, pháp luật, đến ngày về, lão đã đau đớn nhận ra, mình mất hết. Vợ con lão không bỏ lão, không đuổi lão ra đường, nhưng dường như với lão thà bị đuổi còn hơn thực tại. Lão sống trong nhà như một bóng ma, không ai thèm quan tâm, không còn bất cứ ràng buộc nào hết với gia đình, ngoại trừ một góc nhà trú thân. Chưa hết, ngày xưa vì đi trại, lão bị tước quyền công dân, không chứng minh, hộ khẩu. Tuy nhiên ngày về, gia đình thì từ bỏ, nhà thì còn đó nhưng đâu có ai chứng hộ khẩu cho… Và cứ thế, ngót nghét cũng mấy chục năm nay, lão sống cuộc đời cô độc, ngoài vòng pháp luật. “Đến vợ con mình sống ngay cùng một mái nhà, còn không nhìn mình, tôi cần xã hội nhìn tôi làm chi?”… (Ảnh minh họa. Nguồn Internet) Nghe vậy, tôi liền hỏi: “Sao bố không đi lên phường xin làm lại chứng minh đi? Còn nhiều việc phải cần mà”. “Để làm gì? Đến vợ con mình sống ngay cùng một mái nhà, còn không nhìn mình, tôi cần xã hội nhìn tôi làm chi?”, lão chua chát nói. “Vậy mỗi khi người ta bắt xe chẳng hạn, hay kiểm tra hộ khẩu, bố làm sao?” – Tôi hỏi. “Thì nói tao không có, tao có mỗi cái mạng già sắp chết, cần chứng minh không?”, lão gằn giọng. Có lẽ câu hỏi của tôi đã khiến lão nhớ lại một chuyện không vui nào đó trong quá khứ. “Mà sao đêm rồi bố không ở nhà mà ngủ, ngày hẵng chạy xe cũng được mà?” – Tôi lái sang chuyện khác. “Con ơi, bao giờ già như bố đi, sẽ hiểu. Mà nói thật, bố nói câu này, con cứ đi hỏi, nếu sai bố làm mọi cho mày. Thực ra tất cả những lão già như bố mà chạy xe ôm đêm là đều có vấn đề hết đó. Không vô gia cư thì cũng con cháu nó đuổi, may có cái xe nên ra đường ngủ đêm hôm, ai gọi đi thì đi, kiếm một đồng. Chứ chạy ban ngày làm gì có bến bãi, mà tụi trẻ nó cũng tranh giành khách, sao dám chạy”– lão cho biết. … Không vô gia cư thì cũng con cháu nó đuổi, may có cái xe nên ra đường ngủ đêm hôm, ai gọi đi thì đi, kiếm một đồng. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet) Có lẽ cả tối, chuyện lão vừa nói khiến tôi tò mò nhất, tuy nhiên thấy lão nói có vẻ áp đặt, chủ quan quá, bởi tuy không thể thống kê hết độ tuổi của những người làm xe ôm đêm, nhưng tôi chắc chắn “đội ngũ” này không thể nào toàn người già như lão khẳng định. Hỏi lại cho rõ, lão cười giải thích: “Tất nhiên xe ôm đêm đâu phải toàn lão già như bố. Tụi trẻ cũng nhiều lắm, nhưng tụi nó thường tập trung ở bến xe, chợ đầu mối, hoặc mấy khu có ‘gà’ (gái gọi), khách sạn thôi. Còn nằm vật vờ một mình góc đường vắng như bố đây này, 10 thằng cả 10 thằng già hết, bị vợ con đuổi ra đường hết. Ai hỏi thì kêu già không ngủ được nên ra đường nằm cho mát, cho vui, chứ gia đình vẫn hạnh phúc lắm… Xạo, xạo hết”. Ai hỏi thì kêu già không ngủ được nên ra đường nằm cho mát, cho vui, chứ gia đình vẫn hạnh phúc lắm… (Ảnh minh họa. Nguồn Internet) Thì ra vậy, quả thật nếu đúng như lão nói, thì hóa ra mấy người già đêm hôm chạy xe ôm đến sáng, ngủ trên xe mà lâu lâu ta thường thấy ở những góc phố vắng kia, đều bất hạnh? Tôi không dám khẳng định, có lẽ đúng, mà cũng có thể không, mà đời này thì ai cũng có số phận riêng. Có lẽ câu chuyện sẽ hết đêm mất nếu như lão bỗng giật mình hỏi tôi giờ và đòi về bằng được. Hỏi ra thì lão nói, “nói con không tin, chứ từ ngày bố bị mất hết như vậy, bố ngẫm ra nhiều điều lắm. Bây giờ bố ăn chay trường, thậm chí không cà phê luôn, sáng về chỉ ngồi thiền đọc kinh, cầu đủ ăn miếng cơm chay là mãn nguyện rồi. Mà nhờ bố tin, cầu nguyện như vậy, nên ổng (Trời) mới thương, cho bố có được 2,3 mối quen chạy đêm gần chỗ nằm đó. Giờ phải về đón người ta đây này. Cho bố về đi, khi nào rảnh cứ ra chỗ hồi tối nói chuyện với bố cho vui. Giờ bố về”. Lời phân bua của lão bỗng dưng làm tôi nhớ đến một câu nói xưa kia đã từng được nghe: “Khi người ta mất hết niềm tin vào cuộc sống, thì họ sẽ tìm đến một đức tin thần thánh nào đó để bấu víu”, lẽ nào… Hi vọng ông lão tìm được niềm vui với đức tin của mình vậy. Và có một điều lão không hề hay biết, câu chuyện về cuộc đời của lão, cũng như những gì lão tiết lộ cho tôi về những người cũng đang chạy xe ôm đêm trên các vỉa hè của Sài Gòn kia, đã vô tình khiến tôi càng thêm thôi thúc, đau đáu tìm. Mong tìm một Sài Gòn Đêm Mưu Sinh… Theo Vân Phong/ SKCĐ