Chợt nhớ lâu rồi tôi không ghé thăm anh Chiến – một nhân vật cũ. Vào đến đầu hẻm, gọi cho anh thì anh bảo: “Quẹo ngược ra đi em gái. Nhìn bên trái, đúng rồi, đúng rồi”. Sài Gòn dễ thương vì người ta cứ bận sống tử tế với nhau thôi Tình yêu cảm động của người chồng cụt chân bán vé số nuôi vợ mù Tôi quay lại, thấy hai vợ chồng anh chị đang đứng trước quán lẩu hình như mới mở, hãy còn vài lẵng hoa sắp héo, có dòng chữ “Chúc mừng khai trương”. Quán nhìn tuềnh toàng như bao quán bình dân khác, cũng bàn nhựa, ly nhựa và quạt máy phà phà ngày đêm, nhưng có vẻ đông khách. Hai vợ chồng tất bật nhắc người phục vụ mang thêm bánh tráng cho bàn này, châm thêm nước lẩu cho bàn kia. Gặp khách thì xưng em trai, em gái thân tình đúng chất Nam Bộ. Nhớ hồi xưa, khi còn là phóng viên tập sự, tôi hẹn mãi anh mới miễn cưỡng đồng ý gặp. Vậy mà hôm đến nhà, chúng tôi dường như quên mục đích chính. Anh ôm cây đàn guitar, biểu “Ngồi đây làm bải (bài) nghe chơi”. Anh đàn hát một chặp, liền tù tì cả chục bài. Chị Nhàn ngồi trong nhà khe khẽ hát theo. Tôi như bị thôi miên khi nhìn vào 6 dây đàn rung lên một cách điêu luyện. Sau đoạn intro cầu kỳ, anh lại hỏi vu vơ: “Biết bản này không?”. “L’amour c’est pour rien”, tôi thốt lên. Anh cười: “Đúng là bản đó, nhưng em gái phát âm sai bét. Ờ, mà ngày xưa đâu phải ai cũng được học tiếng Pháp đàng goàng (đàng hoàng) như… tui đây, hi hi. Ôi trời, ma xui quỷ khiến…”. Anh nói, giọng có chút gì đó hơi khoa trương. Nhưng từ câu nói đó, tôi mới bắt được nhịp để anh kể về câu chuyện của mình. Anh kể, từ nhỏ, anh đã ôm mộng trở thành một nghệ sĩ. Khi chuẩn bị thi đại học, một người bạn của anh dụ dỗ: “Mày phải chơi cái này vô nó mới phê, mới sáng tác được”. Đó là lần bắt đầu cho hành trình 20 năm trượt dài ma túy của anh. Má anh khóc ngất. Lựa lúc anh tỉnh táo, bà lại thủ thỉ “mai theo má xuống trại cai nghiện nha”. Bao nhiêu trại ở Sài Gòn, má đều đưa anh đi cả, nhưng cơn nghiện không dứt được. Trở về từ trại cai nghiện lần thứ 15, khi tuổi đời đã chớm 40, trong một đêm lang thang ngoài đường, anh tình cờ thấy chị đang dựa một gốc cây mà khóc. Nước mắt chan chứa gương mặt bôi đầy phấn son rẻ tiền. Trước đó, anh biết chị từng là một đứa trẻ bị bỏ rơi, sống lang thang các xó xỉnh ở Sài Gòn để mưu sinh. Nhưng đây là lần đầu tiên anh thấy chị phải “đi khách”. Sau nhiều đêm suy nghĩ kỹ, anh bảo chị: “Thôi, về sống với má tui, đừng đi khách nữa, đợi tui về rồi tính, nghen”. Hôm sau, anh khăn gói lên tận Bình Phước để cai. Lần này anh đi đến 3 năm, quyết tâm dứt hẳn cơn nghiện mới trở về. Chị giữ lời hứa, cũng đã “giải nghệ”, cùng má anh nấu xôi nếp cẩm bán. Hồi mới gặp tôi, anh bảo: “Ước chi mai mốt hai đứa đủ tiền mở quán lẩu làm ăn. Lẩu gia truyền chị làm ngon số dách”. Giờ ước mơ của anh chị đã thành hiện thực, tôi cũng vui lây. “Ở xóm lao động này, nhiều người biết quá khứ của anh chị. Nhưng họ vẫn ủng hộ và cho mình cơ hội sống tử tế”. Anh Chiến cười phớ lớ. Còn tôi, chợt nhận ra, cơ hội sống tử tế cho một con người đôi khi chỉ khẽ như một cú hích tình cờ từ lòng bao dung bình dị. Như má con anh bao dung chị, như người Sài Gòn từng bao dung anh. Sài Gòn hôm ấy nắng to, trời thật xanh và rộng.