Khách sạn ‘0 đồng’ ở TP.HCM


Với mong muốn hỗ trợ nơi ăn, chốn ở tiện nghi cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, một khách sạn 12 tầng ở TP.HCM đã trở thành ngôi nhà cộng đồng giữa mùa dịch.

Tối 7/7, sau khi hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại phường 7 quận Bình Thạnh, TP.HCM, nhóm tình nguyện viên loay hoay tìm phương án để tá túc qua đêm. Nhật Quyên (27 tuổi) cho biết nhóm đã đi tình nguyện suốt 1 tuần qua, tiếp xúc với rất nhiều người dân, nên muốn tự cách ly với gia đình một thời gian.

Biết thông tin của “Khách sạn cộng đồng”, Nhật Quyên lập tức liên hệ đăng ký chỗ ở. Không may, vào thời điểm đó khách sạn vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động. Cả nhóm nhóm đành trải chiếu ngủ qua đêm tại điểm lấy mẫu.

Sáng hôm sau, trong lúc trăn trở tìm nơi tá túc cho thời gian tới, nhóm bạn nhận được thông báo của “Khách sạn cộng đồng”, họ trở thành những vị khách đầu tiên của ngôi nhà ấm áp này.

“Nhà chung” của những chiến sĩ quả cảm

Con đường Bùi Thị Xuân (quận 1) im lìm giữa những ngày dịch bệnh, hàng loạt khách sạn sang trọng đóng cửa cài then, một số treo bảng sang nhượng, cho thuê mặt bằng. Sự náo nhiệt của tuyến đường nổi tiếng về dịch vụ lưu trú nay đã xa vắng.

“Hơn một năm nay khối khách sạn điêu đứng, người kinh doanh như tôi đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng nếu để khách sạn trống, trong khi nhiều người không có chỗ nghỉ ngơi thì thật lãng phí. Vì vậy chúng tôi đã nghĩ ra ý tưởng Khách sạn cộng đồng”, anh Đinh Quốc Huy chủ khách sạn Ambassador Saigon chia sẻ về khởi nguồn của hoạt động.


Dù công việc kinh doanh không thuận lợi, anh Huy vẫn quyết định đồng hành cùng cuộc chiến chống dịch của thành phố. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trong một lần tình cờ trò chuyện cùng các thành viên của Foodbank Việt Nam, anh Huy đã đồng ý sử dụng khách sạn của mình để làm nơi lưu trú cho những người lao động và lực lượng tuyến đầu chống dịch gặp khó khăn về chỗ ở.

Tuy nhiên, vì số lượng phòng có hạn, khách sạn chỉ có 61 phòng, tối đa chỉ có thể đón 150 khách, nên mọi người đã cân nhắc ưu tiên cho lực lượng y, bác sĩ và chiến sĩ đang thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Để khách sạn trống, trong khi nhiều người không có chỗ nghỉ ngơi thì thật lãng phí – Quốc Huy

Anh Nguyễn Văn Lưu (đại diện Foodbank Việt Nam) chia sẻ: “Một số y bác sĩ, chiến sĩ, các bạn tình nguyện viên hỗ trợ tại điểm phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm phải làm việc đêm khuya, nên gặp không ít trở ngại trong việc lưu trú. Phần vì mọi người sợ về nhà sẽ ảnh hưởng đến gia đình, phần vì chủ nhà trọ lo ngại người đang công tác tại tâm dịch”.

“Một nơi ăn, chốn ở tiện nghi phần nào giúp các chiến sĩ hồi phục lại sức khỏe, cũng như an tâm trong công tác của mình”, anh Lưu nói thêm. Bên cạnh đó, việc đón tiếp những vị khách đặc biệt này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, bởi đa phần họ thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân. Chính vì thế, ngoài các tiện ích về sinh hoạt, khách sạn còn luôn phải đảm bảo các quy định nghiêm ngặt về phòng dịch.

“Mỗi ngày đội khử khuẩn lưu động của Thành Đoàn sẽ đến khử khuẩn toàn bộ khách sạn. Quan trọng là phải luôn kỹ lưỡng và cẩn trọng để bảo vệ cho chính mình và khách”, Quốc Huy chia sẻ.

Mình cũng là một phần của thành phố

Ngày 8/7, khách sạn đón những vị khách đầu tiên, nhóm tình nguyện viên hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm ở Bình Thạnh. Anh Tuấn (39 tuổi) cho biết: “Chúng tôi tham gia hỗ trợ từ ngày 1-7/7 thì kết thúc công việc. Mặc dù đã được xét nghiệm âm tính, nhưng vì an toàn cho gia đình và những người xung quanh, chúng tôi quyết định tự cách ly 14 ngày”.

Các y bác, sĩ và lực lượng chống dịch được hỗ trợ nơi ăn, chốn ở miễn phí. Ảnh: Phạm Ngôn.

Liên tiếp những ngày sau đó, khách sạn đón các đoàn y, bác sĩ đến từ bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh viện Trưng Vương.

Trở về từ ca trực đêm, Thùy Duyên (Bệnh viện Nhi đồng 1) tranh thủ đến khách sạn để đăng ký 1 chỗ nghỉ ngơi. Lượng công việc dày đặc từ khi số ca nhiễm tăng cao khiến bác sĩ trẻ không khỏi mệt mỏi.

Là người kinh doanh, ai cũng mong muốn lợi nhuận. Nhưng ở thời điểm hiện tại, mình cũng là một phần của thành phố – Quốc Huy

Cô cho biết bản thân rất trân trọng sự hỗ trợ này, bởi hiện tại cơ sở lưu trú cho y, bác sĩ còn nhiều hạn chế.

Hiện tại ngoài hỗ trợ nơi ở, khách sạn còn chuẩn bị các suất ăn cho khách. Anh Huy cho biết: “Điểm vướng mắc là chưa tìm được đơn vị giặt ủi, vì hiện tại dịch vụ này đã đóng cửa. Chi phí và nhân lực để duy trì hoạt động cũng không nhỏ. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ cho chương trình”.


Trong thời gian tá túc tại đây, các tình nguyện viên cũng hỗ trợ khách sạn công tác lau dọn phòng, giúp giảm chi phí trong mùa dịch. Ảnh: Phạm Ngôn.

Hơn một năm qua, việc kinh doanh điêu đứng, Quốc Huy đã mất trắng một khách sạn và tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách. Dẫu vậy khi thành phố đang gồng mình với dịch bệnh, anh không đứng ngoài cuộc.

Ông chủ trẻ tâm sự: “Tôi rất mong ý tưởng này được nhân rộng và triển khai ở nhiều nơi, trước mắt là thành phố mình. Là người kinh doanh, ai cũng mong muốn lợi nhuận. Nhưng ở thời điểm hiện tại, mình cũng là một phần của thành phố”.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: