Người phụ nữ lủi thủi trên chiếc thuyền ở TP.HCM


Không nhà cửa, không người thân bên cạnh, suốt nhiều tháng liền bà Hồng sống lủi thủi trên chiếc thuyền trong nỗi nhớ gia đình và niềm mong mỏi hết giãn cách.

Dòng tin đứt đoạn, xen lẫn tiếng rè rè phát ra từ chiếc radio cũ: “Bản tin buổi tối. Ngày 13/9, TP.HCM đang xây dựng gói…trợ Covid-19…đợt 3 cho…gặp khó khăn do dịch bệnh trong 2 tháng”.

Với tay tắt chiếc đài, bà Hồng xoay người qua một bên, co ro giữa bốn bề tĩnh lặng. Đây không phải lần đầu đài phát tin người khó khăn sẽ được hỗ trợ. Nhưng vì lý do nào đó, người phụ nữ này vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ của thành phố.

Neo cuộc đời trên kênh Tẻ

“Dì Bảy ơi! Lên nhận gạo từ thiện!”

Nghe tiếng gọi, bà Trần Thị Hồng nhanh chóng mang khẩu trang, đội nón lá đi lên bờ nhận đồ cứu trợ. Thủy triều dâng cao khiến chiếc ván gỗ đong đưa liên hồi. Chật vật một lúc, người đàn bà 59 tuổi mới rời khỏi thuyền.

“Đáng lẽ có thêm bó rau mà phải chia cho mấy chỗ nữa nên chỉ còn gạo thôi”, cô gái trẻ phân bua trong lúc gửi cho bà Hồng 10 kg gạo. Thỉnh thoảng có đoàn thiện nguyện ghé qua, đôi khi họ gửi ít gạo, có khi thì vài chai nước tương hay bó rau. Bà Hồng chắt chiu từng chút để trang trải suốt mấy tháng giãn cách.


Con thuyền trên dòng kênh Tẻ (quận 7) là nơi tá túc của bà Hồng suốt mấy tháng TP.HCM giãn cách xã hội. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Từ ngày thành phố thực hiện giãn cách, bà Hồng sống lủi thủi một mình trên thuyền. Hơn 10 năm trước, chiếc thuyền này đã đưa vợ chồng bà từ Bến Tre lên TP.HCM, mang theo giấc mơ đổi đời.

“Người ta nói TP.HCM dễ sống lắm. Vợ chồng tôi mượn tiền mua chiếc ghe này, rồi lên đây bán trái cây”, bà Hồng kể về việc nối gót những người dân miền sông nước neo cuộc đời trên dòng kênh Tẻ.

Thời gian đầu khi buôn bán thuận lợi, vợ chồng bà thường xuyên gửi tiền về quê cho các con ăn học. Nhưng từ ngày người chồng lâm bệnh nặng phải về quê, công việc bị đình trệ. Bà Hồng một mình ở lại thành phố, làm giúp việc cho tiệm hủ tiếu trên đường Trần Xuân Soạn.

Trước đây, đều đặn mỗi tháng, bà Hồng lại xin nghỉ vài ngày để về quê thăm gia đình. Tuy nhiên, từ đầu năm năm nay, kinh tế khó khăn hơn, bà ít về quê. Người phụ nữ dành thời gian đi làm để kiếm tiền lo học phí cho con gái út.

Giấc mơ đại học

Bà Hồng nhớ mãi cái ngày Hân (bé Tư) chạy về báo tin đậu đại học. Trái ngược với niềm vui của cô con gái, cả nhà ai cũng buồn thiu. “Tiền đâu mà đi học. Thôi, bỏ đi Tư”, người anh trai ngập ngừng nói.

“Nhà người ta chắc đãi tiệc ăn mừng. Nhà tôi thì không dám cho con đi học”, bà Hồng buồn rầu.

Bà Hồng đã quen với cuộc sống tạm bợ trên thuyền. Trước đây có tiền, bà mua bình về phát điện. Giờ chỉ còn chiếc đèn chạy bằng pin thắp sáng mỗi đêm. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Không đành lòng để giấc mơ của con dang dở, sau mấy ngày suy nghĩ, bà Hồng quyết định ủng hộ Hân tiếp tục việc học. “Dẫu sao cả nhà cũng chỉ có bé Tư đậu đại học. Tôi ráng đi làm buổi sáng, chiều lượm ve chai, để dành tiền đóng học phí. Còn bé Tư thì vừa đi học vừa đi làm, phụ thêm”, bà kể.

Trở thành sinh viên ngành quản trị kinh doanh Đại học Công nghiệp TP.HCM, ngoài giờ lên giảng đường, Hân làm phục vụ tại một quán trà sữa ở quận Gò Vấp. Tiền lương mỗi tháng đủ để cô trang trải chi phí nhà trọ và ăn uống.

Nhưng cuối tháng 5, khi thành phố bắt đầu thực hiện giãn xã hội, các trường đại học lần lượt cho sinh viên học trực tuyến. Nơi làm việc của Hân ở Gò Vấp tạm đóng cửa, cô phải về quê.

Lênh đênh giữa đại dịch

Suốt nhiều tháng giãn cách, nghe trên đài phát tin người thất nghiệp vì Covid-19 sẽ nhận được tiền trợ cấp từ thành phố, bà Hồng cố gắng hỏi han nhiều nơi nhưng không có kết quả.

“Chú công an khu vực nói rằng phải có tổ trưởng đi ghi danh sách thì mới nhận được tiền hỗ trợ”, bà Hồng tâm sự trong lúc đổ mấy kg gạo vừa được tặng vào thùng. Hạt gạo nào rơi ra ngoài đều được bà tỉ mỉ nhặt. Bà coi số gạo đó là nguồn sống trong chuỗi ngày sắp tới.

Suốt 3 tháng, qua bà Hồng được các nhà hảo tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm và một ít tiền để trang trải cuộc sống. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Ngoài gạo, tài sản quý giá nhất mà bà Hồng luôn nâng niu là mớ giấy vụn xin được từ một tiệm thuốc tây trên đường Trần Xuân Soạn. Như con kiến tha mồi về tổ, bà cứ tích góp từng ngày.

“Sau 15/9 nếu được nới lỏng giãn cách thì tôi đem đi bán, kiếm tiền trang trải cuộc sống”, người phụ nữ lật tờ lịch ra đếm ngược.

Bên trên tấm lịch treo tường là chi chít hình ảnh của chồng, con trai, con gái. Bà Hồng nói nhớ quê lắm. Nếu tính từ tháng 4 thì đã 5 tháng rồi bà chưa được về nhà. Điện thoại chẳng còn tiền để gọi về hỏi thăm thường xuyên. Nhiều đêm nằm trằn trọc, tự nhiên nước mắt bà chảy.


Bà Hồng mừng rỡ khi mượn được điện thoại gọi về cho người thân sau nhiều tháng không gặp. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Đầu tháng 9, trong khi cả nước nô nức khai giảng năm học mới trên các nền tảng online, con gái út gọi lên thông báo đã xin bảo lưu việc học ở trường để giảm gánh nặng cho mẹ. Áp lực tiền nong tạm được trút bỏ, nhưng lòng người mẹ thấy nặng nề.

Sức khỏe ngày một yếu, hôm rồi mới phải mua thêm ít thuốc xương khớp, bà Hồng thở dài: “Không biết qua dịch còn sức làm việc không!”.

Lặng thinh giây lát, bà nói tiếp: “Mà phải ráng chứ, nghỉ thì tiền đâu cho bé Tư đi học!”

Hôm nay, giống như mọi buổi chiều, bà Hồng lên mui thuyền ngồi hóng mát. Nhìn thấy dòng người tất bật trên đường, nỗi cô đơn trong lòng bà phần nào được khỏa lấp.

Zing đã liên hệ với chính quyền địa phương để giải đáp vấn đề của bà Hồng, cũng như một số hộ dân tại khu vực kênh Tẻ chưa tiếp cận được gói hỗ trợ Covid-19. Ngày 15/9, Chủ tịch UBND phường Tân Thuận Tây (quận 7) cho biết: “Nội dung này phường tiếp nhận thông tin và đã giao cho cảnh sát khu vực cùng khu phố để lập danh sách chuẩn bị gói hỗ trợ lần 3 của thành phố”.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: