Người Sài Gòn và bùng binh Quách Thị Trang


Ngày 18.2, vòng xoay Quách Thị Trang được phá dỡ để xây dựng nhà ga ngầm trung tâm tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.

Phá bỏ vòng xoay Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành

Nhìn lại vòng xoay Quách Thị Trang xưa và nay trước ngày phá bỏ

Bùng binh chợ Bến Thành (Place Marché) năm 1932

Bùng binh chợ Bến Thành (Place Marché) năm 1932

Theo quy hoạch, sau khi hoàn thành ga ngầm metro Bến Thành vào năm 2020, khu vực vòng xoay Quách Thị Trang sẽ được xây dựng thành quảng trường hiện đại. Tuy nhiên, nếu chưa kịp thực hiện theo quy hoạch thì sẽ phục hồi nguyên trạng như hiện nay.

Cái vòng xoay này với hai chiều xe cộ xuôi ngược ôm trọn lấy công viên Quách Thị Trang như bóng với hình, gá nghĩa từ thuở khai sinh. Khi phá dỡ vòng xoay thì cái công viên đã gắn với dân Sài Gòn 104 năm cũng không còn lý do để tồn tại. Cuộc chia tay nào mà chẳng để lại vấn vương: “Cái bùng binh nó năm bảy ngã, bậu thương đó rồi đâu dễ nào quên…”.

Trong một số truyện dài của các nhà văn viết về trẻ bụi đời và giang hồ trước 1975 thì không thể thiếu những đoạn văn viết về chợ Bến Thành nhất là cái bùng binh to đùng, được gọi là bùng binh chợ Bến Thành – Diên Hồng hay Quách Thị Trang. Những đứa trẻ đánh giày, những tay anh chị thuộc loại “cắc ké” ngồi trên những băng ghế để chờ thu tiền thuế giang hồ. Những người yêu nhau hẹn gặp nhau tại bùng binh những buổi chiều hẹn hò, nơi nghỉ chân của những người tứ xứ đến ngồi nghỉ để chiêm ngưỡng chợ Bến Thành. Cũng có thể là họ ngồi đợi những chuyến xe lửa ở đường Hàm Nghi đi về hướng Gò Vấp, đường tàu điện chạy vào Chợ Lớn hay bến xe thổ mộ cuối chiều hè…

 Vòng xoay Quách Thị Trang đang được phá dỡ để xây dựng nhà ga ngầm ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Vòng xoay Quách Thị Trang đang được phá dỡ để xây dựng nhà ga ngầm
ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Biểu tượng được vinh danh

Cái bùng binh này gần như là một biểu tượng được vinh danh trong cuộc sống của người dân Sài Gòn chứ không cần nhà nước gắn huy chương hay sơn son thếp vàng cho nó bằng danh hiệu. Gần như là song sinh với chợ Bến Thành – ngôi chợ mới do Hãng thầu Brossard et Maupin – khởi công xây dựng từ năm 1912 đến tháng 3.1914 thì hoàn tất. Khu vực xây chợ, vốn là một cái ao sình lầy cũ, gọi là ao Bồ Rệt (Marais Boresse), được người Pháp cho lấp đi. Khuôn viên chợ quy hoạch bốn mặt bởi bốn con đường. Mặt bắc chợ là rue d’Espagne, phía đông là rue Viénot, và phía tây là rue Schroeder. Năm 1955 ba con đường này đổi tên thành đường Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Trước mặt cổng chính của chợ là quảng trường Eugène Cuniac (Place d’Eugène Cuniac) đặt theo tên vị thị trưởng người Pháp đầu tiên của thành phố là François Jean Baptiste Cuniac thường gọi thân mật là Eugène (1851 – 1916). Tên chính thức là quảng trường Cuniac, có thời được gọi là “Cộng Hòa” nhưng người Sài Gòn thường gọi là bùng binh chợ Bến Thành (Place Marché). Năm 1955, chính quyền Bảo Đại đổi tên quảng trường thành quảng trường (hay bùng binh công viên) Diên Hồng.

Theo một tài liệu của tác giả Minh Trí cho biết thì khu đất giữa quảng trường Cuniac trong những năm 1920 là nơi có lễ hội vui chơi buôn bán. Các gánh xiếc giải trí, cải lương, nhạc tài tử, múa, ca nhạc với đánh võ quyền anh đã được tổ chức tại đây. Trên báo Écho Annamite (ra ngày 9.6.1927) có đăng quảng cáo gánh xiếc Long Tiên ở Place de Cuniac, cho biết đoàn xiếc Long Tiên là đoàn thứ ba sau đoàn VN và Đại Nam của người Việt từ Bắc kỳ vào trình diễn. Nhưng thời gian sau này, do địa thế rộng rãi, dễ tập hợp và phân tán vì có nhiều con đường chung quanh nên bùng binh Bến Thành cũng gần như là nơi “huyết mạch” lan truyền thông tin cho những đợt tranh đấu chống chính quyền.

Ngày 19.3.1950, hàng vạn học sinh, sinh viên và đồng bào các giới xuống đường tuần hành, phản đối hai tàu chiến Mỹ cập cảng Sài Gòn. Trên đường tuần hành, họ đã tập trung tại bùng binh Bến Thành và trong cơn phấn khích nhìn chợ Bến Thành như là một công trình của Pháp, một số người phẫn nộ đã đốt một phần chợ Bến Thành để thị uy cho cuộc biểu tình. Sau này, những cuộc biểu tình cũng đến công viên Bến Thành để biểu dương thái độ chính trị vì nơi đây đối diện với tòa nhà Quốc hội (Nhà hát TP), Trung tâm thông tin báo chí (góc Lê Lợi – Đồng Khởi), những quán cà phê như Givral, Brodard, khách sạn Continental, ngã tư quốc tế (đường Bùi Viện, Đề Thám), các tòa soạn nhật báo ở đường Phạm Ngũ Lão… nơi các phóng viên quốc tế và trong nước thường tụ tập để săn tin buổi sáng.

Sau khi được đổi tên là công viên hay bùng binh Diên Hồng do chính quyền Bảo Đại đặt lại vào năm 1955, bùng binh này lại được đổi tên lần nữa. Ngày 25.8.1963, trong cuộc biểu tình của sinh viên – học sinh chống lệnh thiết quân luật, học sinh Quách Thị Trang, 15 tuổi, đã bị cảnh sát bót Lê Văn Keng, cạnh bên Bệnh viện Sài Gòn bắn chết. Năm 1964, sinh viên Vũ Quang Hùng đã vận động xây và được phép đặt tượng tại bùng binh Diên Hồng. Đây là tượng đầu tiên được đặt tại công viên này chứ trước đó thì nó là một cái bùng binh trống trơn. Thời gian đó, dân chúng gọi là công viên hay bùng binh Quách Thị Trang cho đến bây giờ. Đến năm 1965, chính quyền Sài Gòn đã xây dựng tượng Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa thả chim đại diện cho thánh tổ truyền tin đặt trên một bệ cao, rất uy nghi làm cho bùng binh này càng đẹp thêm chứ không trơ trọi như vào đầu năm 1960 (1).

Khoảng năm 1970, Tổng thống Thiệu và Phó vương Kỳ có xung đột về quyền lợi chính trị thì bỗng dưng xuất hiện một cái cầu bắc ngang – nghe nói là do Hãng Eiffel thiết kế, nối liền công viên Quách Thị Trang với bên phía mặt tiền chợ Bến Thành (giống cây cầu nối từ Bệnh viện Bình Dân qua đường Điện Biên Phủ) để cho người đi bộ.

Lúc đó, có tin rằng Tổng thống Thiệu nghe lời thầy bói, muốn trấn yểm Nguyễn Cao Kỳ nên phải xây cây cầu (kiều) bắc qua chợ (thị). Thị – Kiều nói lái lại là Thiệu – Kỳ nghĩa là Kỳ phải nối với Thiệu mới vững chắc. Nhưng sau một thời gian, bị báo chí chửi rủa cũng như bà con la ó vì sự xấu xí của nó (cũng như chính quyền) nên cây cầu cũng bị dẹp bỏ. Phải nói là sinh viên học sinh tranh đấu cũng đã đứng ở cây cầu này để rải truyền đơn chống chính quyền tưng bừng hoa lá cành mà chẳng ai bị bắt. Chưa nói là đã từng có những cuộc biểu tình chống chính quyền cũ vào năm 1971 mà điểm tập trung, liên lạc là công viên Quách Thị Trang.

Đối với người Sài Gòn – công viên Quách Thị Trang là tình cũ – làm sao quên?

Theo TNO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: