Sài Gòn giản đơn


Hôm qua ông anh rể tôi tới nhà chơi, anh chính là người kêu tôi vào Sài Gòn, hay đúng hơn là người nói với tôi về Sài Gòn như cách mà tôi nói với bạn bây giờ, để tôi đi và ở đến hôm nay, sau hai mươi hai năm, ngày tôi vào Sài Gòn thằng con đầu của anh mới sinh, bây giờ nó vừa tốt nghiệp Đại Học.

1.

Mười bảy tuổi, đêm đầu tiên tôi có mặt ở Sài Gòn, tôi thật sự choáng ngợp, thành phố lớn quá, nhà san sát, hẻm chằng chịt, xe cộ ngùn ngụt. Ông anh rể tôi, lúc ấy là một thủy thủ viễn dương đang nghỉ phép, chở tôi trên chiếc xe máy đi dạo Sài Gòn, lúc hết đường Đồng Khởi anh hỏi tôi, em thấy Sài Gòn đẹp không? Tôi nói tôi không biết, tôi đang ngợp mà. Thực tâm mà nói Sài Gòn không hẳn đẹp, Sài Gòn không có vịnh biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn không uy linh cổ kính như Huế, Sài Gòn không thâm trầm lịch lãm như Hà Nội, Hội An… vậy Sài Gòn có gì đẹp, Sài Gòn đâu có gì đẹp. Nếu bạn kêu tôi chỉ một chỗ nào đẹp ở Sài Gòn thì tôi chịu, không lẽ tôi chỉ bạn ra bến Bình Đông nơi con kênh Tàu Hủ thúi um, hay vào Chợ Dân Sinh ken đặc người và hàng hóa, hay luồn trong những con hẻm chằng chịt đầy những gã xăm mình ở quận tư… chỉ có người yêu Sài Gòn mới thấy nó đẹp, đối với tôi ở những nơi đó Sài Gòn mới đẹp, thật đẹp.

2.

Hồi mới vào Sài Gòn tôi ở đậu nhà anh chị tôi, đó là một căn nhà nhỏ, nằm trong một căn hẻm cụt, cuối hẻm là nhà một anh nọ đạp xích lô, anh Bằng, anh sống với mẹ già, vợ và một đứa con gái nhỏ. Anh chị tôi hay vắng nhà nên tôi thường ăn cơm nhà anh, buổi chiều thường làm xị rượu với anh, chơi với con anh và nói chuyện với bà Chín, mẹ anh. Bà Chín nói bà đã ở Sài Gòn hơn nửa thế kỷ, bà làm vợ bé cho một ông cò, ông cò không có con trai nên khi bà sanh được anh Bằng thì ông cò mừng lắm, mua cho bà nguyên miếng đất lớn này, sau đó bà sanh thêm một cô con gái nữa, đặt là Bình, Bình Bằng. Ý bà Chín là sống đừng có bon chen quá, ai sao mình vậy, phải biết bằng lòng với cuộc đời. Ông cò chết, rồi giải phóng, bà Chín cắt đất bán ăn dần, cho đến khi không còn đất để bán thì anh Bằng phải đạp xích lô nuôi bà. Một hôm chị tôi nói thằng Phú hay ăn cơm nhà anh Bằng, nên gửi ảnh tiền chợ chứ, anh Bằng khoát tay nói, thêm đũa thêm chén thôi mà, bỏ đi. Có lần tôi đánh ba thằng ba trợn ở quán café đầu hẻm vì chúng đã trêu chọc một bà già bán vé số, ba thằng đó quay lại hẻm kiếm tôi, anh Bằng bảo vệ tôi như một người anh ruột, còn lấy xích lô chở tôi qua tận quận 10, ở đậu nhà một đứa bạn.

bui-vien-co-gi-16

3.

Anh tôi đi tàu về có mang về một cái đèn rất đẹp, nó được treo trên trần và bật tắt bằng một sợi dây, nhưng lúc gắn cây đèn thì anh tôi phát hiện thiếu mất sợi dây, anh bảo Phú đi kiếm sợi dây gắn vô. Tôi được dịp trổ tài, tôi lục thong kho tìm được một cái áo len dạ cũ, bung sợi len ra tôi tỉ mỉ dành cả buổi chiều ngồi tết một sợi dây thật đẹp, phần cuối của sợi dây tôi còn bện một quả trám để cầm cho vừa tay nữa, hý hửng về khoe. Anh chị tôi đều khen sợi dây đẹp. Mãi sau, trong một bữa rượu, anh rể tôi hỏi, Phú có muốn ở lại Sài Gòn, làm người Sài Gòn không? Tôi dĩ nhiên nói có. Anh tiếp, người Sài Gòn đơn giản lắm, ví dụ như việc sợi dây công tắc đèn, nếu anh bảo một đứa Sài Gòn kiếm sợi dây, nó sẽ chạy ra mua một mét dây dù 2 ngàn về cột vô, xong. Anh không nói đẹp-xấu, hay-dở, nhanh-chậm, anh chỉ nói rằng cái suy nghĩ đơn giản làm nên Sài Gòn vĩ đại này.

4.

Một lần khác, tôi đi làm bốc xếp ở cảng, tôi chủ yếu vác hàng quần áo sida, lô hàng cuối cùng, tôi được tặng thêm vài cái quần jeans, tôi bán hết chỉ chừa một cái, vì cái đó tôi mặc thấy thích, nó bạc bạc, ôm ôm, bụi bụi. Đó là cái quần jeans ngoại đầu tiên tôi có nếu không kể một cái quần jeans quốc doanh mà tôi mua được từ tiền công đi làm rẫy. Tôi thích cái quần ấy vô cùng, mặc suốt, thậm chí khi giặt nó tôi đành bỏ học ngồi đợi quần khô để mặc. Lần nọ tôi bị té xe, cái quần rách bươm, tôi tiếc lắm, chị tôi bảo đừng tiếc, đó chỉ là một cái quần jeans nữ, tôi hỏi sao chị biết, chị nói quần jeans nữ kiểu thế này, thế này, và đơn giản nhất là nhìn hai cái túi sau có đáy hình trái tim thì biết. Khỏi phải nói là tôi mắc cỡ lắm, cứ nghĩ bao lâu nay mình đã mặc một cái quần jeans nữ ra đường, nhưng chị tôi nói, đừng lo, không giống như ở quê, ở Sài Gòn không ai quan tâm chuyện đó đâu, người Sài Gòn họ quan tâm mày sống ra sao chứ chẳng thèm để ý mày từ đâu, làm gì, ăn gì, mặc gì… đâu,  thôi bỏ đi.

5.

Sáng nay trời Sài Gòn đẹp, trong lúc ngồi café, chúng tôi nói chuyện về Sài Gòn, tôi nói Sài Gòn hay lắm, ở đây có đủ người tứ xứ, chủ yếu là người tứ xứ, người Hoa, người miền tây, miền bắc, miền trung, cao nguyên… ai cũng sống được, ai cũng sống thoải mái với cách sống và tư duy nguyên bản của mình hay của quê hương mình mà không ngại đụng chạm, không cần phải nhập gia tùy tục gì cả, vậy mà ai cũng dần dà thay đổi, cái thay đổi lớn nhất là mình sẽ yêu Sài Gòn, bằng một cách nào đó, dần dà dần dà mỗi ngày.

Theo Đàm Hà Phú


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: