Cuộc sống về đêm ở TP.HCM, Hà Nội ngày càng đắt đỏ


Để bù đắp chi phí thuê người lao động và nguyên liệu tăng cao thời bão giá, nhiều chủ quán bar, pub, cà phê mở xuyên đêm buộc phải tăng giá dịch vụ hoặc cắt giảm nhân sự.

Đời sống

Cuoc song ve dem ngay cang dat do anh 1

Hai tuần vừa qua là những ngày khó khăn với anh Sơn, chủ quán Chạng Vạng Rooftop (trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TP.HCM) vì phần lớn các nguyên liệu, mặt hàng cần thiết đều đồng loạt tăng giá.

Trong đó, giá bia chai nhập khẩu leo thang liên tục từ khi mở cửa trở lại. Điều này ảnh hưởng lớn đến vấn đề nhập hàng của quán anh.

Chia sẻ với Zing, anh Sơn cho biết hiện tại anh đang có kế hoạch điều chỉnh giá menu đồ uống lên khoảng 5-10% để cân bằng chi phí vận hành.

“Có khả năng trong tháng sau, menu tại quán sẽ thay đổi một chút. Tuy nhiên, việc này cần bàn tính kỹ nên chưa có gì chắc chắn. Đang trong lúc thị trường bão giá nên tôi cũng chưa trở tay kịp thời. Tình hình này cộng với vấn đề nhập khẩu hàng hóa khó khăn thì việc tăng giá bán chỉ là chuyện sớm muộn”, anh nói.

Cuoc song ve dem ngay cang dat do anh 2
Nhiều chủ quán phải xoay xở liên tục trước tình hình bão giá và dịch bệnh.

Xăng dầu cùng nhiều nhu yếu phẩm tăng giá đột ngột khiến nhiều cơ sở kinh doanh chật vật trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng. Giữa làn sóng đó, cuộc sống về đêm ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội đang bị ảnh hưởng.

Để bù đắp chi phí thuê người lao động và nguyên liệu cao, nhiều chủ quán bar, pub buộc phải tăng giá sản phẩm hoặc có biện pháp khác ứng phó. Tuy nhiên, một số lại cố gắng bình ổn giá, chấp nhận gồng gánh lỗ để tránh mất khách hàng.

Tăng giá menu, giảm số lần nhập hàng

Khi tăng giá menu, anh Sơn dự tính điều chỉnh mức lương của nhân viên để mọi người có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Ngoài ra, anh cũng thực hiện nhiều phương án khác nhau để nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng vẫn tối ưu hóa lợi nhuận trong thời gian tới.

Theo chủ quán đánh giá, sau dịch, tình hình kinh doanh tại Chạng Vạng vẫn chưa phục hồi như trước đây.

“Dịch bệnh ảnh hưởng đến nguồn thu nhập và sức khỏe của khách hàng. Vì thế, nhiều người vẫn chưa sẵn sàng bỏ tiền để vui chơi hoặc ngại đến những nơi đông đúc.

Lượng khách giảm đi khiến doanh thu của quán cũng bị kéo xuống. Đây là tình hình chung của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”, anh nói thêm.

Cuối tháng 10/2021, quán bar Vivu Rooftop (quận Bình Thạnh) của anh Lê Quang Đại (sinh năm 1995) bắt đầu kinh doanh trở lại.

Theo ước tính, nơi này đã hồi phục khoảng 70-80% so với trước dịch. Lượng khách đến quán khá ổn định, có tăng nhẹ nhưng không bằng như xưa.

Anh Đại cho hay tình hình vật giá leo thang cũng ảnh hưởng nhiều đến việc nhập hàng. Anh và nhân viên phải tính toán lại số lượng nguyên liệu để tối ưu hóa kho chứa hàng và cân bằng các yếu tố chi phí.

“Đa phần ai kinh doanh đều sẽ gặp khó khăn dù không có dịch xảy ra hay không. Cái cốt lõi vẫn là sự linh hoạt và chủ động thích nghi với tình huống xảy ra. Từ đó sẽ đưa ra được phương án giải quyết”, anh Đại chia sẻ.

Ngoài ra, theo anh, khó khăn khác của ngành nightlife hiện tại là vấn đề nhân sự. Do nhiều nhân viên đã về quê và hiện vẫn chưa thể trở lại thành phố. Đôi khi, nếu thiếu người làm, anh phải kiêm luôn công việc của bồi bàn, phục vụ.

Gồng gánh lỗ

Khoảng một tháng nay, anh Đào Xuân Trường, quản lý quán Puku Café and Sports Bar mở xuyên đêm trên phố Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đau đầu khi giá xăng dầu đắt đỏ dẫn đến các mặt hàng thực phẩm, đồ ăn, uống, pha chế đều tăng theo.

Theo anh, các nhà cung cấp báo giá có nguyên liệu tăng 10%, thậm chí 50-60%.

“Ví dụ, giá rượu mạnh thay đổi theo tháng. Trước đây, một chai rượu chúng tôi nhập 330.000 đồng thì giờ tăng lên 380.000-400.000 đồng. Dầu ăn, đồ pha chế, hoa quả như cam, chanh rồi sả, quất tăng giá liên tục. Mỗi thứ nhích lên 10.000-20.000 đồng, cộng dồn vào chi phí bị đội lên khá nhiều. Không mua cũng không được”, nam quản lý nói.

Giữa cơn bão giá, anh Trường hỏi ý kiến chủ quán về việc tăng giá sản phẩm. Nhận định tình hình hiện tại là khó khăn chung, người chủ quyết định theo dõi thêm các biến động.

“Ít nhất tới tháng 7, quán sẽ giữ nguyên giá đồ ăn, uống trong menu. Tuy nhiên, nếu mọi thứ vẫn tăng giá vùn vụt hay xăng lên 50.000 đồng/lít, chúng tôi buộc phải tăng giá, có thể thêm khoảng 10%, để gánh tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân viên và chi phí vật tư, điều hành”, anh chia sẻ.

Sau khi quy định hàng, quán phải đóng cửa trước 21h được gỡ bỏ, anh Trường cho hay lượng khách dần đông lên, bằng khoảng 70% trước đây. Do đó, bên anh cần tuyển thêm nhân viên.

“Từ khi được mở xuyên đêm, quán đông khách đến chơi và ăn uống hơn. Tuy nhiên, giá nhập nguyên liệu vẫn cao nên điều này chỉ giúp bù đắp một phần chi phí không đáng kể”.

Làm quản lý 8 năm nay, anh Trường cho hay quán ít khi tăng giá vì nhiều lý do như sợ mất khách, tốn kém chi phí làm lại toàn bộ menu. Hiện tại, anh được biết không ít cơ sở kinh doanh về đêm ở phố Tống Duy Tân và khu vực hồ Tây buộc phải tăng giá sản phẩm.

“Tôi chỉ mong tình hình ổn hơn, giá xăng dầu giảm đi một chút để mọi thứ nhẹ nhàng hơn và không phải tăng giá”, anh nói.

Khi giá xăng dầu kéo theo chi phí vận chuyển leo thang, anh Chí Cường, quản lý quán Aroi Dessert Cafe mở 24/24 trên phố Tống Duy Tân, cho hay tất cả mặt hàng đều lên giá, từ hoa quả đến trà, thậm chí đá lạnh. Tùy sản phẩm, mức tăng nhẹ khoảng 10-20%, mạnh là gấp 2,5 lần. Anh lấy ví dụ dầu chiên từ 300.000-400.000 đồng/thùng giờ lên tới hơn 1 triệu đồng.

Anh Cường cho hay trước tình hình này, quán phải gồng gánh chịu lỗ vì không thể tăng giá sản phẩm.

“Việc tăng giá ảnh hưởng đến nhiều vấn đề liên quan tới khách hàng. Tâm lý mọi người nói chung thường không thích hàng tăng giá. Chúng tôi kinh doanh nhà hàng ăn uống, không phải như siêu thị đồ có tăng thì vẫn cần vẫn phải mua. Với hàng dịch vụ, không ăn ở đây thì đi chỗ khác nên tính đến cạnh tranh thì bắt buộc ai duy trì giá tốt hơn, chịu lỗ tốt hơn thì thắng”, anh lý giải.

Tiền thuê mặt bằng không được bớt, cộng với giá nguyên liệu tăng, anh Cường cho hay lợi nhuận thu về giảm đi, thậm chí thua lỗ.

Cuoc song ve dem ngay cang dat do anh 7
Anh Cường cho hay quán phải gồng gánh chịu lỗ vì không thể tăng giá sản phẩm.

Không thể tăng giá, quán cố gắng điều chỉnh về nhân sự. Trong thời gian đông khách (21h-4h), nhân viên phải được sắp xếp đủ vị trí, từ 4 đến 7 người. Còn giờ khác vắng hơn, quản lý có thể làm thay công việc của cấp dưới.

“Có lúc, quản lý một mình đứng trông cửa hàng. Chính tôi từng phải xin nghỉ vài ngày để giảm công vì cao quá. Đợt trước quán hoạt động cầm chừng, may mắn thì doanh thu đủ trả tiền nhà, không thì lỗ. Từ khi được mở sau 21h, khách đến đông hơn một chút, giúp bù lại tương đối chi phí”, anh nói.

Theo anh Cường, trong vòng 3 tháng tới, nếu giá cả tiếp tục leo thang, quán bắt buộc phải có biện pháp như tăng giá sản phẩm và gửi lời xin lỗi, giải thích với khách hàng để phù hợp với tình hình kinh doanh.

“Hiện nay, các quán phải tự bình ổn, hạn chế tăng giá bất thường tránh ảnh hưởng đến tệp khách hàng của chính họ. Có lỗ thì phải bù vì tăng giá đợt này chẳng khác nào tự làm khó mình.

Trong bối cảnh dịch bệnh và bão giá, giữ khách hàng quen đã khó chứ chưa nói đến thu hút người mới. Hai năm nay, chúng tôi chưa dám tăng giá ngày nào. Tổng kết thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng cũng phải chịu. Bởi lỗ có thể bù chứ mất khách là mất tất”, anh Cường nói.

Theo: Zing news


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: