Ngành du lịch của các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương được các chuyên gia đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023. Các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ đón lượng khách quốc tế lớn trong năm nay. Ảnh: Borders of Adventure. Việc các nước mở cửa trở lại sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi du lịch. Tuy nhiên, Trung Quốc, một thị trường lớn đối với ngành du lịch của nhiều quốc gia, vẫn duy trì chính sách “Zero Covid” đến đầu năm nay. Đây cũng là một trong số nhiều lý do để các chuyên gia nhận định thị trường du lịch châu Á – Thái Bình Dương sẽ còn tiếp tục hồi phục và tăng trường trong năm nay. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn Sự trở lại của khách Trung Quốc tại các điểm du lịch trên thế giới được dự báo là rất mạnh mẽ. Các chuyên gia cho rằng nhu cầu du lịch nước ngoài của người dân nước này sẽ tăng nhanh trong khoảng thời gian nửa cuối năm. Viện Nghiên cứu Du lịch nước ngoài Trung Quốc (COTRI) ước tính vào năm 2025, số chuyến đi nước ngoài của người dân Trung Quốc đạt 179 triệu chuyến, vượt qua thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Đến năm 2028, Trung Quốc sẽ đạt 200 triệu chuyến đi du lịch quốc tế. Tốc độ phát triển này được các chuyên gia trong ngành đánh giá khá cao. Việc Trung Quốc mở cửa du lịch trở lại không chỉ đóng vai trò quan trọng với quốc gia này mà còn có ý nghĩa đối với nền kinh tế du lịch của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Asia Media Centre nhận định. Ngành du lịch châu Á – Thái Bình Dương dần phục hồi từ năm 2022. Ảnh: China Daily. Một thống kê cho thấy năm 2019, du khách Trung Quốc là thị trường số một của Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở Đông Nam Á, đây cũng là thị trường quan trọng đối với ngành du lịch của Campuchia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam và giữ vị trí thứ hai với 5 quốc gia khác trong khu vực. Có thể thấy, ngành du lịch châu Á – Thái Bình Dương đã dần phục hồi trong năm 2022. Tuy nhiên, kết quả giữa các điểm đến chưa đồng đều. Báo cáo số lượng du khách của một số quốc gia không thật sự ấn tượng. Bên cạnh đó, với dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ nghiêm trọng trong quý II năm nay, ngành du lịch châu Á rất cần động lực để phục hồi mạnh mẽ. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), hơn 900 triệu khách đã đi du lịch quốc tế vào năm 2022, chiếm 63% so với năm 2019. Tuy nhiên, châu Á – Thái Bình Dương chỉ đạt mức phục hồi 23% so với năm 2019, thấp hơn 79% so với châu Âu và 65% so với châu Mỹ. Những thách thức mới Năm nay, các điểm đến trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ quảng bá mạnh mẽ để thu hút khách du lịch từ khắp thế giới, không chỉ từ Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có sự cạnh tranh giữa các điểm đến. Thái Lan và Nhật Bản đều đang hướng đến kế hoạch trở thành điểm du lịch hàng đầu của khu vực trong năm nay. Cả hai quốc gia này đều được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, đặc biệt là khi Nhật Bản đã gỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc. Nhật Bản và Thái Lan cũng đã đón lượng khách quốc tế kỷ lục vào năm 2019. Cụ thể, Nhật Bản đón 31,9 triệu khách và Thái Lan đón 39,9 triệu khách. Nhật Bản mong muốn trở thành điểm du lịch hàng đầu châu Á. Ảnh: The Japan Times. Trong năm 2023, hai quốc gia này có thể không đạt được lượng khách như trên nhưng đều được dự báo sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng. Xứ sở chùa Vàng có thể sẽ tăng gấp đôi so với con số 11,2 triệu du khách vào năm 2022. Nhật Bản tuy chỉ mới mở cửa trở lại vào tháng 10/2022 nhưng cũng sẽ vượt con số 20 triệu khách quốc tế trong năm nay. Bên cạnh những dự đoán tích cực, đà phục hồi của ngành du lịch trên khắp châu Á – Thái Bình Dương vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Sau thời gian dài đóng cửa, nguồn lực nhân sự tại các sân bay, giao thông, dịch vụ du lịch sẽ khó đáp ứng được lượng khách tăng đột biến. Song, ngành du lịch của các quốc gia này còn phải đối mặt với câu hỏi về biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững. Vấn đề về chất lượng và số lượng du khách sẽ lại nổi lên ở một số điểm đến, đặc biệt là những nơi du lịch có tác động lớn đến môi trường và cộng đồng. Theo: Zing news