Hoạt động chèo SUP, kayak, môtô nước, leo núi, cưỡi ngựa, cắm trại, trekking… đang thu hút giới trẻ thời gian gần đây. Theo Hiệp hội Thương mại Du lịch Mạo hiểm (Adventure Travel Trade Association) (ATTA), du lịch mạo hiểm bao gồm các yếu tố như hoạt động thể chất, môi trường tự nhiên hoặc trải nghiệm văn hóa. Loại hình du lịch này có mức độ đa dạng từ dễ đến khó. Bạn không cần phải tham gia base jumping hoặc lặn biển với cá mập để trở thành một khách du lịch mạo hiểm. Du lịch mạo hiểm không có nghĩa là vượt qua ranh giới bản thân. Du khách cần biết và tôn trọng giới hạn của mình khi đến một khu vực xa lạ. Camping Địa điểm gợi ý: Núi Hàm Lợn (Hà Nội), Tà Đùng (Đắk Nông), hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt, Lâm Đồng), vườn Quốc Gia Nam Cát Tiên… Camping là hoạt động du lịch, dã ngoại qua đêm ngoài trời. Địa điểm được chọn thường là nơi xa trung tâm thành phố như trong rừng, núi, ven sông, biển… Nói cách khác, du khách tham gia camping thường có nhu cầu tận hưởng khung cảnh thiên nhiên yên tĩnh, không xô bồ. Ảnh: Josh Hild. Do thiếu thốn các yếu tố tiện ích như cuộc sống thành thị, du khách cần lên kế hoạch điểm đến, nên mang gì trước chuyến đi. Lều, túi ngủ, thức ăn, đồ uống là những thứ không thể thiếu trong các chuyến đi này. Chèo SUP Địa điểm gợi ý: Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), Bãi Sau (Bà Rịa – Vũng Tàu), Sông Sài Gòn (TP.HCM), Biển Phú Quý (Bình Thuận) Vài năm gần đây, bộ môn chèo thuyền ván đứng (SUP) dần phổ biến ở Việt Nam và được nhiều bạn trẻ yêu thích. Bên cạnh những vị khách tò mò, thích trải nghiệm cái mới, bộ môn này còn xây dựng được một cộng đồng những người chơi say mê, đầu tư lâu dài. Ảnh: Krzysztof Kowalik. Khác với chèo kayak hay thuyền, SUP là bộ môn thể thao mang tính cá nhân. Vì thế, các dụng cụ và thiết bị chơi đều chỉ có một. Người chơi sẽ đứng trên một tấm ván lớn và sử dụng mái chèo để di chuyển trên mặt nước. Thực tế, SUP phù hợp với nhiều loại địa hình như sông, suối, rạch, hồ, nhưng lý tưởng nhất vẫn là khi chơi ở vùng nước mở như biển. Với mức giá từ 350.000 đồng, du khách có thể trải nghiệm chèo SUP tại các TP.HCM hay các điểm du lịch lân cận như Đà Lạt, Đồng Nai, Vũng Tàu… Lặn biển Địa điểm gợi ý: Biển Phú Quốc (Kiên Giang), Quy Nhơn (Bình Định), Phú Quý (Bình Thuận)… Nếu đã quá chán với hoạt động du lịch tắm biển bình thường, muốn tìm kiếm điều mới mẻ, lặn biển là sự lựa chọn phù hợp dành cho bạn. Hoạt động lặn biển khá đa dạng về hình thức và mức độ trải nghiệm. Bạn có thể tham gia lặn ống thở (snokerling), đi bộ dưới biển (sea walking) hoặc lặn với bình dưỡng khí (scuba diving), lặn tự do (free diving)… Ảnh: Mo.dilac. Lặn biển với ống thở, đi bộ dưới biển là loại hình tương đối đơn giản, không cần kinh nghiệm. Du khách trải nghiệm ở những khu vực biển nước nông, thường có nhiều san hô có thể ngắm ở cự li gần. Trong khi đó, ở cấp độ khó hơn là lặn tự do, các khóa học lặn thường kéo dài khoảng 3 ngày. Học phí ở mức 6 triệu đồng/người. Học viên sẽ có một ngày đầu học lý thuyết và thực hành tại hồ bơi. Hai buổi học sau thực hành tại biển Nha Trang, Phú Quốc hoặc Đà Nẵng để hoàn thành khóa học và lấy chứng chỉ. Những người thích lặn với bình dưỡng khí (scuba diving) sẽ cần đầu tư nhiều thiết bị hơn. Trekking Địa điểm gợi ý: Núi Bà Đen (Tây Ninh), Tà Năng – Phan Dũng (Bình Thuận – Lâm Đồng), núi Đá Đỏ (Ninh Thuận), Bidoup (Lâm Đồng)… Trekking là hoạt động du lịch dã ngoại. Người tham gia đi bộ đường dài, leo núi, băng qua nhiều loại địa hình hiểm trở, tương tác nhiều với tự nhiên. Hành trình dài, người trải nghiệm chịu ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện tự nhiên như địa hình, thời tiết… Người mới bắt đầu bộ môn này cần chú ý lựa chọn cung đường phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân thay vì chạy theo các điểm đến hot. Ảnh: Cristina.bracken. Người dẫn đoàn cần nghiên cứu kỹ bản đồ, đồng thời có kỹ năng định hướng, định vị tìm đường và kỹ năng sinh tồn nhất định. Bên cạnh những vật dụng cồng kềnh được đơn vị tour hỗ trợ khuân vác, người tham gia phải tự mang đồ đạc của mình. Bạn cần có tình trạng sức khỏe ổn định, thường xuyên rèn luyện độ bền trước chuyến đi. Lượn dù Địa điểm gợi ý: Đèo Khau Phạ, Mù Cang Chải (Yên Bái), Đà Nẵng, Nha Trang, Hoành Bồ (Quảng Ninh), Lâm Đồng… Dù lượn (tiếng Anh gọi là paragliding) là hình thức bay tự do không có động cơ. Phi công khởi động bằng cách chạy và lấy lực nâng. Ghế ngồi của hình thức trải nghiệm này được may bằng dây đai bền chắc. Đây là bộ môn không thể bỏ qua đối với du khách có niềm đam mê cảm giác mạnh. Hoạt động thường diễn ra tại một số địa điểm nổi tiếng, thời gian nhất định để bạn tận hưởng khung cảnh hùng vĩ, độc đáo từ góc nhìn trên cao. Ảnh: Hồng Quang. Với đặc điểm địa hình nhiều đồi núi, biển, Việt Nam luôn là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước khi muốn thử thách bản thân mình. Du khách lượn dù có cơ hội được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên ấn tượng tại Mù Cang Chải, Đà Nẵng, Hòa Bình… Cũng giống như các hình thức bay khác, du khách tham gia trải nghiệm dù lượn cần có thời gian tìm hiểu và rèn luyện thành thạo các kỹ năng để giải quyết nguy hiểm liên quan tới mất kiểm soát, thay đổi thời tiết đột ngột… Khám phá hang động Địa điểm gợi ý: Sơn Đoòng (Quảng Bình), quần thể hang động Tràng An (Ninh Bình), Tam Cốc Bích Động (Ninh Bình), Hang Đầu Gỗ (Quảng Ninh)… Những hành trình khám phá bí mật bên trong các hang động luôn có sức hút với du khách thích khám phá, chinh phục điều mới mẻ. Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên, Việt Nam sở hữu nhiều hang động đẹp, độc đáo và được nhiều phương tiện truyền thông thế giới ca ngợi. Ảnh: Kenly Trương. Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, được tạo ra do sự xói mòn trong hàng triệu năm. Hang Sơn Đoòng được phát hiện từ năm 1991 nhưng mãi tới 2009 mới được khám phá đầy đủ. Hang động này nằm trong quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam, khu vực gần biên giới với Lào. Du khách phải chi khoảng 60 triệu đồng/người và đặt chỗ sớm nếu muốn chinh phục địa danh này. Theo: Zing news