Nếu xuất phát từ Sài Gòn, khoảng bảy tiếng đồng hồ sau, bạn đã có mặt ở TP. Châu Đốc (An Giang), thêm “cuốc” taxi hơn 20km nữa, rừng tràm Trà Sư xanh mướt hiện ra, bạn như lạc vào một thế giới khác, đặc biệt là khi bạn đi đúng vào mùa nước nổi. Lối vào rừng tràm Trà Sư xanh hun hút Xanh dâng trong mắt Vừa bước xuống chiếc xuồng tròng trành, tôi quá đỗi ngạc nhiên với màu xanh ngút mắt của rừng Trà Sư. Thuyền trôi nhẹ, hai bên là rừng tràm, dòng nước được phủ kín màu xanh bởi bèo cám. Vào mùa nước nổi, con nước dâng ở mức lý tưởng để màu xanh của bèo cám kết hợp màu xanh của những thân tràm tạo nên bức tranh xanh thẫm bao quanh thuyền (ảnh). Rừng tràm có diện tích 845 ha, là nơi sinh sống của hơn 140 loài thực vật, 11 loài thú, 23 loài cá (có một số loài cá quý hiếm như cá còm, cá trê trắng), 70 loài chim. Nhắc đến Trà Sư, người ta không thể quên hai loài chim nằm trong sách đỏ Việt Nam là giang sen và cò cổ rắn. Những cô gái chèo xuồng ở đây kiêm hướng dẫn viên du lịch, đưa xuồng đi rất chậm, lách qua những bụi tràm cổ thụ, xuyên vào rừng. Xuồng đi được năm phút, tôi bắt đầu nghe tiếng chim hót râm ran. Dưới cơn mưa lất phất, từng chú cò trắng co ro đậu hai bên lối đi. Xuồng dừng lại ở những tổ chim san sát để những người thành phố “biết thế nào là tổ chim trong rừng”. Những chú vạc bên cây bông điên điển soi bóng xuống mặt nước khiến du khách ngẩn ngơ. Cô chèo xuồng khẽ giới thiệu về những loài chim ở đây, cách sinh sống của chúng… “có lẽ, Trà Sư là một trong những nơi bình yên còn sót lại để đàn chim quý tìm về đây trú ngụ”, cô nói. Vào đây, lần lượt từng xuồng nhỏ, ít người, du khách cảm nhận thiên nhiên trong tĩnh lặng. Ngắm những bầy chim chao ngang thân tràm đỏ gạch chen lẫn với màu xanh thẫm, tôi ngỡ mình như đang lạc vào thế giới nào đó. Kết thúc một vòng khám phá, chúng tôi lên con đường đê để trở về. Cảm giác đi dạo giữa cánh rừng tràm rợp bóng, hai bên là hoa dại quấn quýt lấy đôi chân thật thú vị và đẹp đến khó tả. Ở Trà Sư có những con đường màu xanh rất lãng mạn Ngon tê lưỡi với cá lóc rừng, rau đắng đồng Mùa nước nổi thực sự là một món quà lớn mà tạo hóa ban cho người miền Tây. Vào rừng Trà Sư dịp đầu mùa nước nổi, tôi càng cảm nhận điều đó rõ hơn, khi những sản vật đặc trưng như cá linh, bông điên điển, kèo nèo sẵn sàng lên bếp. Dù chỉ là dịch vụ mang tính “dã chiến”, nhưng những đầu bếp ở đây chế biến món nào ra món đó. Trong chòi lá biệt lập, xung quanh mưa rừng bủa vây, tôi thực sự bị lôi cuốn ngay lập tức với món cá lóc rừng ghém rau đắng đồng. Ở những con suối chằng chịt trong rừng, người ta dễ dàng đánh bắt các loài cá quen thuộc như cá linh, trê, lóc, rô để phục vụ du khách. Vẽ một miếng cá lóc nóng hổi, thơm phức, kèm thêm vài cọng rau đắng, chấm muối hột giã chanh ớt ngon tê lưỡi. Cá ở đây sống trong điều kiện tự nhiên, thịt dai và ngọt. Riêng rau đắng đồng (thân nhỏ và đắng hơn rau đắng thông thường) ở Trà Sư cũng rất ngon vì có vị ngai ngái, giòn rụm. Món cá lóc rừng ghém rau đắng đồng khiến thực khách không cưỡng lại được Món lẩu cá rô bốc khói nghi ngút. Bông điên điển, đọt kèo nèo mùa nước nổi “hái đến đâu, bưng ra đến đó” khiến “tâm hồn ăn uống” của tôi như đi lạc. Kiểu ăn hoang dã, gần gũi với thiên nhiên như vậy quả là trải nghiệm mới mẻ. Nồi lẩu vơi, cá linh kho lạt được bưng ra, ăn kèm với bún khiến tôi không nhớ ra mình đã ăn món thứ ba. Xong bữa, tôi bước lên một vọng gác rất cao gần đó, đu đưa trên võng, chao đảo ngắm toàn cảnh rừng tràm. Gió hiu hiu, mắt lim dim, tôi rà soát lại cảm xúc để lưu lại những ký ức đẹp nhất về rừng tràm Trà Sư – ký ức của một lần được “lạc” vào nơi xanh trong, an nhiên này. Nguồn: Trần Triều