Tôi đến ngôi làng sạch nhất thế giới


Penglipuran không chỉ là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là biểu tượng về văn hóa và lối sống truyền thống của người Bali.

Penglipuran Bali anh 1

Ngôi làng sạch nhất

Cách trung tâm Denpasar khoảng 45 km, Penglipuran là một trong những ngôi làng truyền thống nổi bật nhất trên đảo Bali, nằm trên cao nguyên Bangli (Indonesia). Tôi là Nguyễn Ngọc Thiện (36 tuổi, ngụ TP.HCM) – một kỹ sư, thợ lặn và nhiếp ảnh gia đại dương. Những năm gần đây, tôi tập trung chụp ảnh các loài sinh vật dưới nước và từng chinh chiến qua nhiều cuộc thi tầm cỡ thế giới. Đến với làng vào giữa tháng 8, đây là cơ hội giúp tôi bấm máy về đời sống, con người trở lại. Với vẻ đẹp cổ kính và kiến trúc đặc trưng, Penglipuran chú trọng việc duy trì các phong tục và truyền thống văn hóa. Các lễ hội và nghi lễ truyền thống như Galungan, Kuningan, Nyepi, Saraswati, và Odalan… thường xuyên được tổ chức, thu hút nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm. 2 lần mỗi năm người dân sẽ phục dựng lễ hội Galungan theo lịch riêng tên là Pawukon. Người dân bản địa nơi đây tin rằng trong thời gian diễn ra lễ hội, các vị thần và linh hồn người thân đã khuất cũng sẽ đến tham gia. Vì vậy, họ thường mặc trang phục truyền thống và trang sức lộng lẫy để tham gia lễ hội. Vào thời điểm này, những cô gái sẽ diện trang phục cổ truyền và biểu diễn điệu múa Legong. Ngoài ra, bạn sẽ không dễ dàng tìm thấy một mảnh rác tại đây.

Penglipuran Bali anh 4

Nghề dệt vải kỳ công

Penglipuran có sự hiện diện của một cộng đồng người dân tộc Batik. Người Batik nổi tiếng với nghệ thuật làm vải Batik – một kỹ thuật nhuộm vải truyền thống của Indonesia. Nghệ nhân sử dụng các kỹ thuật phức tạp và sáp ong nóng chảy vẽ thủ công để tạo ra các họa tiết tinh xảo, đẹp mắt trên thớ vải, trong đó có những đường nét cầu kỳ nhất chỉ rộng một mm. Vải Batik thường được sử dụng trong các trang phục truyền thống và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Dạo quanh ngôi làng, tôi bắt gặp những động vật như chó, mèo thả dáng sõng soài trên đường phố và thân thiện với người lạ. Để vào thăm làng, du khách quốc tế phải chi trả số tiền khoảng 30.000 IDR (khoảng 48.000 đồng).

Tường Vi (ghi)

Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện

Theo: Zing news


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: