Chỉ cần bỏ bức tường chắn giữa hai khu Sài Gòn Pearl và Vinhomes, TP.HCM sẽ có thêm phương án giảm ùn tắc giao thông khi sửa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Và sẽ có con đường ven sông chạy từ cầu Sài Gòn đến chân cầu Thủ Thiêm 1. Bức tường ngăn cách giữa Saigon Pearl và khu Vinhomes (quận Bình Thạnh) đang chắn con đường ven sông Sài Gòn – Ảnh: T.T.D. Cách đây mấy ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, Công an TP và UBND quận Bình Thạnh phối hợp với các sở ngành liên quan làm việc với chủ đầu tư dự án Vinhomes và dự án Sài Gòn Pearl về phương án tổ chức giao thông hiệu quả, tránh ùn tắc khu vực này trong thời gian sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Đường gần cứ phải đi vòng cho xa Từ chân cầu Sài Gòn đi theo đường nội bộ của dự án Vinhomes đến cuối đường Trần Trọng Kim nằm ven sông Sài Gòn có một bức tường cao 2,5m. Bức tường như ranh đất của hai dự án, có một cánh cổng nhỏ để học sinh của hai khu dân cư đi bộ qua lại khi học ở các trường trong hai dự án, chỉ mở trong khung giờ cố định. Xe cộ muốn qua lại hai khu dân cư buộc phải “đánh vòng” ra đường Nguyễn Hữu Cảnh rồi đi ngược lại. Mỗi ngày, chị Nguyễn Đăng Nguyệt Minh (ngụ ở Sài Gòn Pearl) đều phải băng qua vỉa hè đường Nguyễn Hữu Cảnh để sang công viên trong khu dân cư Vinhomes tập thể dục. “Tôi không ngại việc đi xa, chỉ ngại trên vỉa hè có hàng rong lấn chiếm, xe cộ đông nên việc đi bộ không an toàn. Tôi ủng hộ dỡ bức tường này. Tôi nghĩ khi xây dựng con đường nội bộ này chắc chủ đầu tư hai bên cũng có sự tính toán. Hai khu này cao cấp, cách âm tốt nên tôi tin bảo vệ của hai bên sẽ đảm bảo được an ninh cho khu vực”, chị Minh chia sẻ. Trong khi đó, nhiều người cho rằng dỡ bỏ bức tường, cho xe từ ngoài vào chỉ nên là giải pháp “tình thế” để giảm ùn tắc giao thông trong những ngày sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Khi việc sửa chữa hoàn tất, nên hạn chế xe cộ bên ngoài chạy vào để đảm bảo không gian riêng của người dân nơi đây. Thông đường ven sông để giảm ùn tắc Trước đó, Công an TP.HCM có công văn gửi chủ tịch UBND TP.HCM về việc bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian sửa chữa cầu. Công an TP cho biết hai dự án nằm liền kề nhau, có chung một tuyến đường nội bộ ven sông Sài Gòn ngăn cách bởi một vách tường. Nếu đường nội bộ của hai dự án kết nối với nhau thì sẽ tạo điều kiện cho người dân đi tắt qua các tuyến đường nội bộ để ra điểm mở dải phân cách trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, rẽ trái về trung tâm TP. Như vậy sẽ giảm áp lực giao thông lên tuyến đường Điện Biên Phủ. Tuyến đường ven này còn có thể ra thẳng đến chân cầu Thủ Thiêm 1 và cũng qua đường ven sông của các dự án lân cận. Các dự án cạnh chân cầu Thủ Thiêm 1 cũng đã hoàn thiện tuyến đường và phần công viên ven sông Sài Gòn, xe cộ có thể chạy thông suốt từ dự án Sài Gòn Pearl đến chân cầu Thủ Thiêm 1. Nếu không còn bức tường chắn giữa hai dự án, tuyến đường ven sông được kết nối, xe cộ có thể chạy từ chân cầu Sài Gòn đến chân cầu Thủ Thiêm 1 ra đường Nguyễn Hữu Cảnh hướng về trung tâm TP. Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, để khắc phục sự cố đứt cáp ngầm tại nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, TP đã cấm xe qua cầu này. Hướng vào trung tâm TP từ khu vực này phải qua các đường nội bộ trong khu đô thị Vinhomes để ra đường Nguyễn Hữu Cảnh, chạy ngược đến dạ cầu vượt mới có chỗ quay xe đi vô trung tâm TP. Đường ven sông là công trình công cộng Một cán bộ Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM khẳng định theo quy hoạch của các dự án thì con đường và dải công viên dọc sông Sài Gòn là công trình công cộng. Các chủ đầu tư dự án có phần đất này sau khi đầu tư xong sẽ nghiệm thu và bàn giao cho Nhà nước quản lý. Tuyến đường và dải công viên ven sông của hai dự án Vinhomes và Sài Gòn Pearl là hạ tầng công cộng cho cộng đồng sử dụng chung, chứ không phải là của riêng chủ đầu tư hay cư dân hai dự án. Vị cán bộ này khẳng định hai dự án trên đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chưa bàn giao đường và dải công viên ven sông cho cơ quan chức năng quản lý. “Việc chăm sóc, duy tu các hạng mục trên cũng rất tốn kém. Hiện chủ đầu tư đang quản lý, chăm sóc và duy tu tốt nên các cơ quan chức năng chưa yêu cầu bàn giao. Nhưng nếu UBND TP yêu cầu các chủ đầu tư dự án bàn giao các hạng mục trên hoặc dỡ bỏ bức tường để thông tuyến đường ven sông thì các chủ đầu tư phải chấp hành”. Vì lợi ích dài lâu Nhìn từ góc độ kiến trúc cảnh quan, ông Nguyễn Anh Tuấn, trưởng Phòng quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, cho rằng nếu tuyến đường ven sông Sài Gòn được thông suốt từ chân cầu Sài Gòn đến chân cầu Thủ Thiêm 1 không chỉ giải quyết được vấn đề giao thông của khu vực trước mắt mà về sau còn tạo được một đoạn đường đẹp ven sông Sài Gòn. Đoạn đường sẽ cải thiện khả năng tiếp cận dòng sông Sài Gòn của đông đảo người dân TP. Khi đó, ai cũng có thể tiếp cận bờ sông và tiện ích công cộng dọc sông và thưởng thức dòng sông. Theo ông Tuấn, cơ quan chức năng có thể bố trí một số tiện nghi ven sông như công viên, bãi đậu xe, ghế ngồi cũng như một số dịch vụ thu phí nhằm phục vụ việc duy tu bảo dưỡng các hạng mục. Điều này phù hợp với định hướng phát triển hướng ra sông của TP.HCM hiện nay. Theo Tuổi Trẻ Online