Sau 2 năm đưa vào khai thác, Bến xe Miền Đông mới rơi vào cảnh ế khách. Các chuyên gia cho rằng kết nối giao thông, tạo mạng lưới trung chuyển sẽ giúp thu hút nhiều khách đến bến. “Đơn vị quản lý nên tạo hệ sinh thái xung quanh bến mới. Không nên nghĩ chỉ cần chuyển xe khách từ bến cũ ra bến mới, hành khách sẽ đi theo được luôn”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, nói về điều Bến xe Miền Đông mới cần làm trong thời gian tới để thoát cảnh vắng khách. Sau hai năm vận hành, Bến xe Miền Đông mới được kỳ vọng hoạt động với hơn 500 chuyến, tương ứng đón 5.000-5.500 khách/ngày. Tuy nhiên, thực tế bến thống kê mỗi ngày hụt gần 300 chuyến so với khi còn ở địa điểm cũ. Chuyên gia cho rằng nhiều vấn đề tồn đọng xung quanh Bến xe Miền Đông mới cần sớm khắc phục để giúp bến xe đạt hiệu quả vận chuyển hành khách tốt nhất. Mạng lưới trung chuyển hành khách Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, khi chuyển từ bến xe cũ (quận Bình Thạnh) sang bến xe mới (TP Thủ Đức), vấn đề cần quan tâm nhất là kết nối. Có ba kết nối quan trọng cần sớm hoàn thành, gồm: Kết nối với metro số 1, kết nối với xe buýt và kết nối hạ tầng giao thông đường bộ. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng những kết nối trên chưa đáp ứng nhu cầu và thiếu sự đồng bộ nên bến xe mới vắng khách. Để giải quyết vấn đề này, cần tạo được mạng lưới trung chuyển hành khách. Cụ thể, cần có tuyến xe buýt trung chuyển miễn phí từ bến cũ sang bến mới, và theo chiều ngược lại, trong ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, xe buýt phải là loại xe chuyên dụng cho việc trung chuyển. Xe cần nhiều khoảng trống để hành lý, đồng thời chạy qua các tuyến đường lớn để người dân dễ bắt chuyến. Chuyên gia đề xuất cần tạo mạng lưới xe trung chuyển sao cho thuận tiện, chi phí rẻ với hành khách. Ảnh: Vân Trang. Đồng quan điểm, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô khách du lịch TP.HCM, cho rằng bến xe mới cần làm tốt việc trung chuyển khách. Bến xe đang cung cấp các tuyến xe buýt trung chuyển miễn phí, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được nhu cầu thực tế như thưa chuyến, thời gian đợi lâu. “Quãng đường đi từ trục quốc lộ 1 hay trục xa lộ Hà Nội đến bến xe còn xa. Nếu xe buýt chạy ngang qua thì chỉ mang ý nghĩa lấp mạng lưới, không giải quyết được nhu cầu thực tế”, ông Trung Tính nói. Ông cho rằng tuyến xe buýt trung chuyển phải đảm bảo yếu tố thuận tiện, chi phí rẻ, số chuyến nhiều hơn. Bên cạnh trung chuyển giữa hai bến xe cũ và mới, chủ đầu tư cần quan tâm đến việc trung chuyển sang các bến khác như An Sương, Bến xe Miền Tây… Ngoài ra, ông Tính cho rằng nên nghiên cứu thêm loại hình phương tiện khác như taxi, xe ôm công nghệ… để đa dạng hình thức, giúp rút ngắn thời gian đi xuống bến mới. “Ngoài việc trung chuyển hành khách, đơn vị quản lý cũng như Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cần giải quyết triệt để tình trạng xe dù bến cóc. Khi giải quyết được bài toán này, người dân mới đi xuống bến mới, thay vì bắt xe dọc trong nội đô”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô khách du lịch TP.HCM đề xuất. Tạo hệ sinh thái ở bến mới Khi thay đổi vị trí của bến xe, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng về lâu dài, bến xe mới cần có hệ sinh thái gồm tiện ích dịch vụ dọc bến. Theo KTS Sơn, nhà quản lý đô thị nên dự trù dịch vụ thương mại, dãy nhà trọ, chỗ ăn uống, trạm xăng… trong hoặc dọc bên ngoài Bến xe Miền Đông mới. Điều này cần sự phối hợp đa ngành giữa Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng để chuyển hẳn hệ sinh thái từ bến cũ sang bến mới. Bến xe Miền Đông mới vắng vẻ khách. Ảnh: Quỳnh Danh. Trong khi đó, ông Lê Trung Tính đề xuất có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian đầu. Điều này sẽ tạo động lực cho nhà xe tiếp tục duy trì hoạt động tại bến mới. “Chủ đầu tư có thể tính đến phương án giảm lệ phí cho nhà xe trong thời gian đầu khi lưu lượng khách đến bến không quá nhiều, doanh nghiệp bị giảm doanh thu. Sau khi bến xe hoạt động ổn định, tình hình giao thông kết nối, lượng khách tăng nhiều hơn thì sẽ thu lại mức lệ phí bến như cũ”, ông Tính đề xuất. Trước đó, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) Phan Công Bằng cho biết ngành giao thông đã đưa ra hàng loạt giải pháp hỗ trợ Bến xe Miền Đông mới. Điều này giúp dẹp tình trạng xe dù bến cóc, đồng thời cải thiện số lượng phương tiện trung chuyển giữa 2 bến cũ và mới. Cụ thể, lực lượng thanh tra phối hợp với CSGT TP.HCM (PC08) tăng cường kiểm tra vị trí xe khách thường xuyên dừng, đón trả khách không đúng quy định; đồng thời, rà soát, triển khai lắp đặt biển báo cấm dừng, đỗ trên những đoạn đường có hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở, bãi xe trên địa bàn. Ngành giao thông cũng nghiên cứu đề xuất hạn chế xe trên 16 chỗ lưu thông tại các tuyến đường thường có xe đón trả khách hiện nay tại khu vực trung tâm. Sở GTVT sẽ điều chỉnh, bổ sung vị trí lắp đặt camera giám sát tại những đoạn đường thường xuyên có xe đón trả khách sai quy định để xử phạt qua hình ảnh. Ngoài ra, Sở GTVT TP.HCM phối hợp với sở GTVT các tỉnh, thành phố liên quan chấn chỉnh, chế tài trường hợp xe khách liên tỉnh hoạt động theo hợp đồng hoặc du lịch nhưng chạy như xe tuyến cố định, đón trả khách sai quy định. Vị trí Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: Google Maps. Theo Zing News