Những ngày qua, nhiều địa phương ở TP HCM rà soát từng khu phố, con hẻm tìm người dân khó khăn để kịp thời hỗ trợ, giúp ổn định cuộc sống tại thành phố. “Hẻm 258 Hồ Học Lãm đã gỡ phong tỏa nhưng còn nhiều người cần được giúp đỡ thực phẩm. Ở đây có 30 em bé, 5 bà bầu, đề nghị ưu tiên sữa”. Tin nhắn được anh Lê Hoàng Danh, Khu đội trưởng khu phố 3 gửi lên nhóm chát Ban chỉ huy quân sự phường An Lạc, quận Bình Tân. Thông tin nhanh chóng chuyển lên cấp trên kịp thời xử lý. Sáng hôm sau hơn 300 phần quà, mỗi phần 10 kg gạo, trứng, rau củ, sữa được Ủy ban MTTQ Việt Nam quận điều phối, đưa xuống tận nơi. Anh Lê Hoàng Danh đưa thực phẩm cho người dân khó khăn trong khu phong tỏa. Ảnh: An Phương. Cùng với tổ trưởng khu phố, những ngày này, anh Danh đang là đầu mối ở cơ sở rà soát, cung cấp thông tin người dân gặp khó khăn trên địa bàn lên cấp trên. Trước đó, giữa tháng 6 hẻm 258 Hồ Học Lãm bị phong toả do phát hiện nhiều ca nhiễm. Gần 2 tháng qua, hơn 200 phòng trọ ở đây, với khoảng 700 người, chủ yếu là công nhân ở các nhà máy, lao động tự do mất việc, đời sống gặp nhiều khó khăn. Mấy ngày qua, UBND phường đã vận động được một nhà hảo tâm, ngày hai lần trưa, chiều cung cấp 300 suất ăn miễn phí đến lao động nghèo. Anh Danh là một trong gần 1.800 cán bộ, khu đội trưởng, dân quân tại chỗ thuộc Ban chỉ huy quân sự quận Bình Tân ngoài tham gia công tác phòng chống dịch trên địa bàn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tìm danh sách người cần giúp đỡ để có phương án hỗ trợ phù hợp. Thượng tá Nguyễn Hoàng Phương, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự quận Bình Tân cho hay, địa bàn có gần 800.000 dân, trong đó khoảng 250.000 công nhân, lao động, đa phần là dân nhập cư, sống ở các khu nhà trọ, việc nắm bắt thông tin nhanh để hỗ trợ sớm sẽ giúp họ an tâm. Khi chính quyền thành phố đề nghị người dân “ở đâu yên đó”, Bộ Tư lệnh TP HCM mở chiến dịch tìm, hỗ trợ 100.000 lao động, sinh viên thuê trọ “mắc kẹt” ở thành phố, đơn vị đã huy động được 5.000 suất quà gồm gạo, trứng, mì để giúp dân. Trong lúc anh Lê Hoàng Danh đi phát cơm trưa cho người dân thì cách đó 7 km các cán bộ công đoàn huyện Bình Chánh đang bốc dỡ 2 tấn thanh long vừa được chuyển từ Tiền Giang lên. Việc vừa xong, xe tải chở một tấn gạo từ Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn TP HCM về tới. Chưa kịp ăn trưa, nhóm tiếp tục xuống hàng để kịp thời chuyển xuống cơ sở, gửi tặng xóm trọ công nhân ở xã Lê Minh Xuân ngay trong chiều. Cán bộ công đoàn huyện Bình Chánh nhận thanh long từ một đơn vị hỗ trợ. Ảnh: An Phương. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động huyện cho biết trong 2 tuần qua công đoàn huyện đã nhận được hơn 15 tấn gạo, rau củ quả, cá hộp, trứng từ các đơn vị để hỗ trợ lao động gặp khó khăn do dịch. Để thực phẩm đến được với những nơi cần, đơn vị phối hợp công đoàn cơ sở cơ quan UBND xã, thị trấn để nắm thông tin nhà trọ cần giúp đỡ từ các trưởng ấp. “Trưởng ấp là người gần dân nhất. Họ đến từng nhà trọ để khảo sát nhu cầu của người lao động, đảm bảo thực phẩm được phân bổ đều”, ông Bảo nói và cho biết ngoài ra người dân khó khăn có thể gọi điện trực tiếp, nhắn tin qua các tài khoản mạng xã hội của liên đoàn, sẽ có một đội vận chuyển đưa hàng hóa đến tận nơi. Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Trần Thị Diệu Thúy cho hay những ngày qua, công đoàn thành phố đã tiếp nhận hơn 230 tấn gạo, rau củ, 20.000 hộp cá, 50.000 quả trứng, 164.000 thùng mì từ các tổ chức, doanh nghiệp, 150.000 phần quà của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, để gửi đến lao động gặp khó khăn bởi dịch. Tính đến ngày 30/7, khoảng 370.000 công nhân được giúp đỡ với kinh phí hơn 34 tỷ đồng. Ngoài hỗ trợ thực phẩm, các cấp công đoàn tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ cho công nhân, lao động sống trong các khu phong tỏa có hoàn cảnh khó khăn, các trường hợp là F0, F1 với mức từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng. Vừa qua, ngành lao động TP HCM đề xuất chính quyền trích ngân sách và các nguồn vận động hỗ trợ đợt 2 cho hơn 344.000 lao động tự do, mỗi người 1,5 triệu đồng. 90.000 hộ nghèo, cận nghèo và 170.000 lao động gặp khó khăn, do địa phương xác nhận sống ở nhà trọ, khu vực bị phong tỏa mỗi hộ nhận một triệu đồng. Tổng kinh phí của lần hỗ trợ này hơn 760 tỷ đồng. Cán bộ công đoàn TP HCM mang thực phẩm đến người dân khó khăn. Ảnh: An Phương. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM Lê Minh Tấn nói thời điểm này tất cả lao động nghèo đang có mặt ở thành phố sẽ được xem xét hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay thường trú. “Đây là trường hợp cấp thiết, không thể chậm trễ”, ông Tấn nói và cho biết đã kiến nghị lãnh đạo thành phố giao Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, quận, huyện, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm rà soát, xác định số lượng để việc giúp đỡ diễn ra nhanh nhất. Trước đó, trong công điện yêu cầu 19 tỉnh thành phía Nam kéo dài thêm 14 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hôm 31/7, Thủ tướng đề nghị các địa phương, trong đó có TP HCM phải sớm đưa ra giải pháp hỗ trợ đời sống, y tế để người dân yên tâm ở lại thành phố, không tự phát về quê khi dịch bùng phát. Tại cuộc họp về công tác an sinh xã hội diễn ra chiều 2/8, Phó bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Hồ Hải nói việc hỗ trợ người nghèo nếu làm hiệu quả sẽ phần nào hạn chế tình trạng người dân các tỉnh về quê tự phát. Từ trước đến nay cùng với chính sách hỗ trợ, thành phố vẫn khuyên người lao động cố gắng ở lại. Bởi việc tự phát về quê có thể làm lây lan dịch cho địa phương, gây ra tình trạng thiếu lao động, đứt gãy chuỗi sản xuất sau dịch… Thành phố đang hoàn thiện các bước thủ tục pháp lý để thành lập, vận hành Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ cấp phát nhu yếu phẩm ở 3 cấp (thành phố, quận huyện và phường xã) nhằm giúp người nghèo, công nhân khó khăn trong dịch. Trung tâm này sẽ theo dõi sát số liệu, đảm bảo nguồn nhu yếu phẩm, hỗ trợ xuyên suốt, không để xảy ra thiếu hàng hóa, bỏ sót người gặp khó khăn. Theo Vnexpress