Hà Giang: Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì


Huyện Hoàng Su Phì đã mở các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm của người Dao đỏ giúp bảo tồn nghề thêu truyền thống, trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số và giúp người dân có thêm thu nhập.

Ha Giang: Giu gin nghe det tho cam cua nguoi Dao do o Hoang Su Phi hinh anh 1
Phụ nữ người Dao đỏ ở thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang tham gia lớp tập huấn, truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)

Với sự quan tâm hỗ trợ về trang thiết bị, cùng việc hàng trăm học viên được truyền dạy, nghề dệt thổ cẩm của người Dao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đang được gìn giữ và phát triển.

Hoàng Su Phì là huyện miền núi, biên giới phía Tây của tỉnh Hà Giang có 12 dân tộc cùng sinh sống với một kho tàng văn hóa truyền thống rất phong phú và độc đáo.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp ngành và huyện Hoàng Su Phì đã luôn chú trọng bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức.

Qua đó, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn; đồng thời, phục vụ phát triển du lịch và giúp nâng cao đời sống người dân.

Trong những năm gần đây, huyện Hoàng Su Phì được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến không chỉ bởi vẻ đẹp thiên nhiên với những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ mà còn là vùng đất đa sắc màu dân tộc thiểu số như: Nùng, Dao, Mông…; trong đó, rất nhiều dân tộc có nghề trồng bông dệt vải, thêu thổ cẩm mang đậm bản sắc của dân tộc mình.

[Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Lự ở Lai Châu]

Chúng tôi đến với làng văn hóa du lịch thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì vào một ngày đầu Xuân. Tại nhà văn hóa cộng đồng xã, khách nơi xa đến đây, ngoài vãn cảnh còn được hòa mình vào không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, trải nghiệm những sinh hoạt dân dã, ngắm những người phụ nữ Dao đỏ đang ngồi bên khung cửi, dệt các tấm thổ cẩm mang đậm sắc màu dân tộc.

Nghề dệt thổ cẩm gắn bó với người phụ nữ Dao đỏ từ lâu đời. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp may mặc, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Dao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì phần nào bị mai một.

Ha Giang: Giu gin nghe det tho cam cua nguoi Dao do o Hoang Su Phi hinh anh 2
Hoa văn, họa tiết cầu kỳ trên các sản phẩm thổ cẩm của người Dao đỏ. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)

Với mong muốn xây dựng và nhân rộng mô hình về bảo tồn nghề thêu, dệt thổ cẩm của người Dao đỏ gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch, tăng thu nhập cho người dân, cuối năm 2020, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Su Phì tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn thêu, dệt thổ cẩm của người Dao đỏ gắn với việc phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch; nhiều trang thiết bị, vật tư thêu, dệt được hỗ trợ.

Ông Triệu Vàn Khuân – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thông Nguyên cho biết đồng bào người dân tộc Dao chiếm 67% dân số trong xã. Do tác động của đời sống hiện đại và thói quen sinh hoạt, có một thời gian, đồng bào nơi đây chủ yếu mặc quần áo phổ thông. Vì thế, nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của người dân tộc Dao bị mai một.

“Từ khi đi được Nhà nước hỗ trợ làm nhà cộng đồng, xây dựng mô hình nghề thêu, dệt thổ cẩm của người Dao đỏ gắn với bảo tồn, phát huy sản phẩm phục vụ phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới, bước đầu nghề thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào đã được khôi phục. Đặc biệt, ngày càng nhiều người dân tộc Dao mặc trang phục của dân tộc mình, thay thế những bộ quần áo công nghiệp,” ông Khuân hồ hởi chia sẻ.

Chị Phùng Mùi Thu, ở thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên cho biết, từ khi 10 tuổi, chị đã được bà và mẹ truyền dạy nghề dệt vải, thêu những bộ trang phục của dân tộc mình. Học từ những cái đơn giản nhất cho đến cái khó. Đến nay, chị đã trở thành nghệ nhân thêu, dệt thổ cẩm, truyền dạy cho thế hệ trẻ trong xã.

Trước đây, các bà, các chị trong xã chủ yếu thêu, dệt ở nhà. Từ khi có nhà văn hóa cộng đồng, những người phụ nữ trong xã tập trung ra đây để làm. Do đó, hoạt động truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm cũng thuận lợi hơn.

Sản phẩm thủ công được trưng bày, giới thiệu tại nhà cộng đồng, khách đến cũng dễ thấy, dễ tìm. Tại đây, hàng trăm lượt học viên là người dân tộc Dao đỏ trên địa bàn xã Thông Nguyên được truyền dạy nghề.

Chị Lý Thị Hương, ở thôn Tân Phong, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì chia sẻ, từ khi Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà cộng đồng, trang thiết bị và mở các lớp tập huấn về thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, các chị em rất vui, vì không những giữ gìn được nghề mà còn có thu nhập từ việc bán các sản phẩm thổ cẩm.

Trong vài năm gần đây, du lịch cộng đồng ở Hoàng Su Phì rất phát triển, nhiều du khách nước ngoài ưa thích sản phẩm thổ cẩm. Vì vậy, việc tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo trên nền bản sắc của mỗi dân tộc là rất cần thiết.

Việc làm này không chỉ giúp bảo tồn nghề thêu, dệt truyền thống, trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số, mà còn giúp người dân có thêm thu nhập. Từ đó, họ yên tâm, gắn bó và có hướng phát triển kinh tế gắn với việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa qua các thế hệ.

Với hướng đi mới trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở huyện Hoàng Su Phì, không chỉ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra các sản phẩm đẹp có giá trị cao phục vụ khách du lịch, nâng cao đời sống tinh thần, mà còn tạo sự đoàn kết, tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương./.

Nguyễn Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Theo: vietnamplus.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: