Rời quê hương đi học tập, lao động tại một đất nước khác, đến Tết Nguyên đán, nhiều người Việt xa xứ vẫn phải tất tả lo toan công việc. Thế nhưng, dường như trong lòng những người Việt xa quê, “vị” Tết quê nhà đã ăn sâu vào máu thịt. Nhiều Việt kiều chia sẻ rằng khoảnh khắc Giao thừa là thời điểm khiến họ sợ nhất, bởi giây phút đó trái tim họ lại khắc khoải nhớ về mùa xuân trên quê hương. Giá lạnh nước Mỹ càng làm tôi nhớ tết Việt Nam Những phiên chợ tết xưa trong nỗi nhớ của một người Sài Gòn Những mùa Tết xưa trong ký ức một người Sài Gòn Phút Giao thừa lặng lẽ Tết Nguyên đán là dịp để mọi người, mọi nhà quây quần cùng nhau đón năm mới, thưởng thức các món ăn đặc trưng của ngày Tết và cùng gửi đến nhau những lời chúc mừng may mắn, an lành. Khoảnh khắc đêm Giao thừa luôn là thời khắc thiêng liêng với người dân Việt. Tuy nhiên, ở bên kia bán cầu vẫn có những người Việt họ không thể về sum họp nên khi nhắc đến Tết là cảm xúc của họ lại nghẹn ngào. Trong những ngày đầu xuân, PV báo Người Đưa Tin đã được lắng nghe nhiều câu chuyện xúc động của những người con xa xứ tại Mỹ, Canada. Chị Lê Thị Thiên Nga (tên thường gọi Nga Jones, SN 1983, quê Sài Gòn) hiện đang sinh sống tại Edmonton (một thành phố thuộc bang Alberta, Canada). Đã 4 năm, chị Nga không được đón Tết bên gia đình. Chị tâm sự: “Tôi sang Canada sinh sống cùng chồng ngoại quốc. Từ đó đến nay không năm nào tôi được đón Giao thừa cùng bố mẹ, anh em, bạn bè tại Việt Nam. Vì thế, mỗi khi Tết đến xuân về là lòng tôi lại bồi hồi một cảm xúc rất khó tả”. Chị Nga 4 năm ăn Tết xa quê. Đối với chị Nga, giờ chị mới thấm thía câu nói “không đâu tốt bằng nhà, không đâu nhớ bằng việc phải xa quê hương”. Ở nước ngoài những ngày Tết Nguyên đán cũng không có gì đặc biệt vì họ đã ăn tết Tây. Chị Nga bảo: “Người ta nói “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Chồng ở đâu thì mình phải theo đó thôi, nhưng hễ đến thời điểm Tết Nguyên đán, nhất là vào khoảnh khắc Giao thừa là tôi lại nhớ nhà da diết, người thân và những bữa cơm gia đình. 4 năm đón Giao thừa lặng lẽ ở xứ người, không năm nào là tôi không rơi nước mắt”. Cũng “khăn gói” sang xứ người theo tiếng gọi của tình yêu, chị Đỗ Thị Hằng (33 tuổi, quê Quảng Trị) cho biết tính đến nay chị đã sinh sống tại Edmonton được 3 năm rưỡi. May mắn hơn nhiều người, năm đầu tiên chị được về Việt Nam đón Tết cùng gia đình, hai cái Tết sau đó chị đón Giao thừa nơi xứ người. “Mặc dù ông xã tôi cũng là người Việt Nam nhưng anh ấy sinh sống tại Canada từ nhỏ nên không am hiểu nhiều về Tết cổ truyền của dân tộc. Còn nhớ, năm đầu tiên đón Tết ở Canada, vào đêm Giao thừa khi gọi điện về nhà tôi nói chuyện với mọi người ríu rít, vui vẻ chúc mừng năm mới, nhưng đến khi tắt máy là khóc như một đứa trẻ”, chị Hằng cho biết. Gia đình chị Hằng đón Tết cùng nhau. Chị Hằng giãi bầy cứ gần đến Tết là cảm giác nhớ nhà, nhớ quê hương lại dâng trào, “Tôi nhớ lắm, thèm lắm cái cảm giác gần Tết được đi mua sắm quần áo đẹp, cả nhà cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa, nấu bánh chưng, bánh tét. Tôi cũng nhớ được đi từng nhà bà con ăn tất niên, ăn đến phát ngán ấy vậy mà ai mời cũng vẫn ăn. Sáng mùng 1 mấy chị em lại xếp hàng để được bố mẹ lì xì, sau đó đi chúc Tết từng nhà”. Không chỉ có những người phụ nữ xa quê mới nao lòng mỗi khi Tết đến xuân về, anh Nguyễn Đình Minh Trị (SN 1990, quê Sài Gòn), định cư tại Mỹ cho hay, năm nay là năm thứ 9 anh ăn Tết nơi xứ người. Anh chia sẻ: “Đã 9 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn luôn nhớ tới không khí Tết ở Việt Nam. Vì thế cứ mỗi khi đến thời khắc quan trọng bước sang một năm mới là tôi lại lâng lâng cảm xúc và khi ấy tôi gọi giây phút giao thời thiêng liêng với tên “Phút giao thừa lặng lẽ”. Lặng lẽ bởi chỉ có tôi và các thành viên khác trong gia đình hưởng ứng không khí Tết Việt trên đất Mỹ”. Gìn giữ Tết cổ truyền! Anh Minh Trị kể: “Ở các nước khác tôi không rõ ngày Tết họ làm những gì nhưng ở Mỹ, riêng tại tiểu bang Virginia – nơi tôi đang sinh sống cộng đồng người Việt rất đông. Vì thế chúng tôi còn giữ được nhiều nét văn hóa như: Tổ chức hội chợ Tết, bán bánh chưng, dưa muối… Dù đi đâu thì mình vẫn là người Việt Nam, vì thế ngày Tết mẹ tôi thường làm cả bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu, thịt kho… Còn gì vui hơn khi những đứa con của tôi sinh ra ở Mỹ nhưng vẫn ăn ngon lành đồ ăn Việt và nói tiếng mẹ đẻ. Chúng tôi vẫn ăn Tết rất Việt Nam. Nhưng dẫu sao thì Tết xa quê cũng chẳng bao giờ bằng không khí thật sự trên đất mẹ cả” Gia đình anh Minh Trị quây quần cùng nhau. Tết Việt trên đất Mỹ có cộng đồng người Việt tổ chức thì tại Canada, cộng đồng người Việt tại đây cũng tổ chức lễ hội Tết Nguyên đán, với mục đích để những người Việt xa xứ giao lưu. Chị Hằng cho biết: “Tuy không được rộn ràng, háo hức như ở Việt Nam, thế nhưng tôi vẫn chuẩn bị những món ăn truyền thống. Tôi tự gói bánh chưng, làm dưa muối, làm giò heo ngâm nước mắm, mứt dừa, làm cả cành hoa mai để đón Tết. Còn đến đêm Giao thừa, tôi vẫn mua mâm ngũ quả, bánh trái để tạo cảm giác như mình đang ở Việt Nam”. Dù sống xa quê nhưng các gia đình vẫn thường gói bánh chưng. Vì chồng chị không sinh sống ở Việt Nam nên khi thấy vợ làm những món ăn truyền thống của người Việt anh rất tò mò, hào hứng phụ giúp. “Khi thấy tôi làm các món ăn cho ngày Tết, ông xã tôi hỏi món này ăn thế nào? Cái đó dùng để làm gì?… Khi, tôi gói bánh thì anh hỗ trợ tôi lau chùi lá chuối và tôi cũng từ từ giải thích cho anh hiểu”, chị Hằng kể. Nói thêm về phong tục tập quán ngày Tết ở trời Tây, chị Hằng bật mí: “Ở Canada, sáng mùng 1 Tết không đi xông nhà như ở Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn giữ được phong tục chúc Tết, tặng bao lì xì may mắn đầu năm. Các con của tôi còn rất nhỏ nhưng tôi vẫn muốn dạy cho các con biết về Tết cổ truyền, để lớn lên chúng hiểu và gìn giữ nét văn hóa của người Việt”. Các thành viên nhí trong gia đình chị Hằng được diện những trang phục truyền thống. Còn đối với gia đình chị Nga, ngày trước khi hai vợ chồng chưa có con, chị không mấy bận tâm về việc nấu nướng các món ăn truyền thống. Tuy nhiên, khi nhà có thêm thành viên nhí, chị bắt đầu lưu tâm hơn đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt: “Tôi thường nấu món ăn truyền thống của người Việt, tôi cũng sẽ mặc cho con những bộ đồ truyền thống và dẫn con đi chơi Tết trong lễ hội Tết Nguyên đán để gợi nhớ quê hương”. Các món ăn truyền thống trong ngày Tết. Trong không khí của những ngày xuân, cũng như bao người con đất Việt đang sinh sống trên khắp mọi miền trên thế giới, anh Minh Trị, chị Hằng và chị Nga đều bày tỏ một ước nguyện lớn nhất đó là thấy bố mẹ, gia đình luôn mạnh khỏe. Trong sâu thẳm trái tim, những Việt kiều xa quê hương này, họ vẫn mong có một ngày gần nhất được trở về quê đón cái Tết sum vầy bên đại gia đình thân yêu. Theo nguoiduatin