Metro số 2 tăng tốc


Trong khi tuyến số 1 đã ở ngay sát vạch đích, TP.HCM đang dồn lực chuẩn bị khởi công những hạng mục chính của tuyến metro số 2 để nối liền trục đường sắt đô thị Đông – Tây xuyên tâm.

Xuyên đêm dọn mặt bằng

20 giờ ngày 9.5, đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng ban Phụ trách Ban Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), xuất phát từ vị trí ga Phạm Văn Bạch (số 682A đường Trường Chinh, P.15, Q.Tân Bình), bắt đầu buổi kiểm tra công trường thi công di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).

Sơ đồ hướng tuyến và các ga metro số 2

TRG.T.NHI

Ga Phạm Văn Bạch thuộc đoạn thi công số 1 hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật. Cuối giờ chiều, TP.HCM chuyển mưa, bầu trời âm u kéo theo mây đen và sấm đùng đoàng. Song, khi được hỏi trường hợp trời mưa thì buổi kiểm tra có diễn ra theo lịch hay không, lãnh đạo MAUR vẫn khẳng định: “Mưa cũng đi chứ! Anh em ngoài công trường mưa vẫn phải làm mà!”. Sở dĩ phải kiểm tra buổi tối là bởi theo giấy phép của Sở GTVT, thời gian thi công chủ yếu vào ban đêm (từ 20 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau). Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án đã được triển khai đồng loạt từ cuối tháng 3 năm nay.

TP.HCM dự kiến làm 10 tuyến metro 35 tỉ USD

Sáng 9.5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM (Đề án metro) theo kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị. Đề án sẽ đề xuất định hướng phát triển, xây dựng lộ trình, kế hoạch, hình thức đầu tư, phương án huy động nguồn vốn và các cơ chế, chính sách đặc thù trong đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn TP đến năm 2035. Đồng thời có đề cập các tuyến mới dự kiến bổ sung trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Cụ thể, đến năm 2035, dự kiến TP xây dựng hoàn thành khoảng 183 km metro gồm các tuyến số 1 (tiếp tục hoàn thiện và tăng chiều dài so với tuyến đang xây dựng), 2, 3, 4, 5, 6. Đến năm 2045, TP xây dựng thêm khoảng 168,36 km để hoàn thiện các tuyến, nâng tổng chiều dài lên khoảng hơn 351 km (có thêm tuyến số 7). Đến năm 2060, xây dựng hoàn thành các tuyến số 8, 9, 10, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510,02 km. Cụ thể, tuyến số 8 (42,8 km); số 9 (28,31 km); số 10 (87,84 km). Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng hơn 824.000 tỉ đồng (khoảng 34,39 tỉ USD) cho 10 tuyến.

Sau khi nghe các ý kiến góp ý, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Giám đốc Sở GTVT TP và các thành viên Tổ công tác cùng các sở ngành góp ý cụ thể bằng văn bản gửi về Sở GTVT, chậm nhất chiều thứ hai tuần tới (13.5). Sở GTVT TP tiếp thu cập nhật những ý kiến góp ý vào đề án, ngày 15.5 sẽ trình UBND TP để TP gửi Bộ GTVT.

Theo báo cáo từ phía nhà thầu, đến nay, hạng mục cấp nước nhánh phải hướng Bến Thành – Tham Lương tại ga Phạm Văn Bạch đã đạt 44,5%, dự kiến hoàn thành thi công lắp đặt ống cấp nước vào tháng 6. Phần lắp cống hộp cũng đạt 46,84%, dự kiến hoàn thành vào tháng 11. Tại ga Tao Đàn, hạng mục điện cao thế 100 kV đã hoàn tất thi công hầm nối cáp 1, hầm kéo cáp 1 và hầm kéo cáp 2, đang triển khai đào thăm dò để chuẩn bị triển khai thi công mương cáp. Dự kiến trong tháng 6 sẽ hoàn tất công tác kéo cáp của hạng mục này. Về hạng mục thoát nước, nhánh phải hướng Bến Thành – Tham Lương đã đạt 17%, dự kiến hoàn tất thi công vào tháng 10; nhánh trái hướng Bến Thành – Tham Lương sẽ hoàn thành vào tháng 7.2025 do phối hợp thi công với các hạng mục cấp nước và điện.

Tại ga Dân Chủ, công tác đào thăm dò đường ống cấp nước D1050 mm bắt đầu triển khai trong tháng 5, dự kiến xong phần công đường ống cấp nước sau 1 năm. Còn các hạng mục thoát nước nhánh trái hướng Bến Thành – Tham Lương (phía Q.10) tại 2 ga Hòa Hưng và Lê Thị Riêng cũng đều sẽ hoàn thành trước tháng 12 năm nay. Riêng hạng mục thoát nước nhánh phải (phía Q.3) tại 2 nhà ga này sẽ triển khai thi công ngay sau khi Q.3 hoàn thành công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Ga Phạm Văn Hai hiện đang tiến hành công tác khảo sát trước khi triển khai thi công.

Phía đoạn 2 từ ga Bảy Hiền đến ga Tân Bình thì hạng mục thoát nước nhánh trái hướng Bến Thành – Tham Lương (đoạn đào hở Bà Quẹo – Phạm Văn Bạch) đã thi công được 22/88 đốt cống đạt 25%.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, các công trình hạ tầng kỹ thuật đa số nằm ngầm dưới mặt đất nên rất khó khăn trong quá trình thi công, đặc biệt ở những vị trí giao chéo, giao cắt nhiều hạng mục hạ tầng với nhau. Ngoài ra, việc thi công hạ tầng kỹ thuật trong đô thị chật hẹp với mặt bằng đủ để bố trí các hạng mục trong phạm vi 5 m (bố trí tất cả hạng mục hạ tầng kỹ thuật điện, cấp nước, thoát nước…) là điều rất khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ như mất nước, mất điện… “Hiện nay, TP đang sắp vào mùa mưa, khả năng thi công gây sụt lún, sạt, ngập nước trong khu vực thi công là điều khó tránh khỏi”, lãnh đạo MAUR lo ngại.

Tránh vừa chạy vừa gỡ như tuyến 1

Nhận thức đánh giá vấn đề này từ sớm, MAUR đã luôn nhắc nhở, kiểm tra, đôn đốc nhà thầu, tư vấn giám sát tăng cường đảm bảo biện pháp an toàn trong quá trình thi công, tránh các nguy cơ có thể xảy ra. Đồng thời trong quá trình thi công luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan như chủ đầu tư, các nhà thầu di dời (điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông…) và đặc biệt là sự phối hợp của các chủ sở hữu công trình (điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông…) trong việc thống nhất phương án, giải pháp xử lý nhằm tối ưu hóa công tác thi công, hạn chế tối đa các nguy cơ có thể xảy ra, đồng thời đảm bảo tính an toàn trong suốt quá trình thi công.


Lãnh đạo MAUR kiểm tra công tác thi công di dời hạ tầng kỹ thuật cho dự án

N.Ngọc

Việc tách riêng các hạng mục dọn dẹp hạ tầng kỹ thuật “sạch” 100% trước khi thi công các dự án chính của tuyến metro số 2 cũng chính là một trong những cách làm mới, bước cải tiến rất khác so với tuyến số 1. Từ tháng 6.2023, chủ đầu tư đã khởi công xây dựng và tái bố trí hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hệ thống điện, thoát nước, cấp nước và viễn thông thuộc dự án tuyến tàu điện ngầm số 2, làm tiền đề cho việc chuẩn bị mặt bằng sạch, cả trên mặt đất và cả không gian ngầm. Việc chuẩn bị một mặt bằng và không gian ngầm thông thoáng được đánh giá sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ khi dự án chính thức thi công các hạng mục nhà ga, tuyến chính vào năm 2025, đảm bảo đưa tuyến metro số 2 vào khai thác năm 2030 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, đại diện MAUR cho biết tuyến metro số 2 sẽ được chuẩn bị thật kỹ về các thủ tục pháp lý cũng như nguồn vốn. Quá trình làm tuyến metro số 1 có nhiều thay đổi về quy định pháp luật, mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh pháp lý. Vì thế, tuyến metro số 2 sẽ chú trọng chuẩn bị rất kỹ các yếu tố này. Tuyến số 2 được chia thành nhiều gói thầu hơn tuyến số 1 nên ngay từ đầu, MAUR đã xây dựng một phương án điều phối giao diện để hạn chế tối đa sự giẫm chân giữa các nhà thầu trong quá trình thi công, đảm bảo tiến độ dự án. Đây cũng là công trình đầu tiên của TP ứng dụng mô hình thông tin công trình từ khảo sát, thiết kế cho tới giám sát, triển khai thi công; được áp dụng những công nghệ tiên tiến trong quá trình triển khai thi công như khoan kích ngầm, hệ thống điện ngầm, hệ thống cấp nước ngầm…

“Tư duy thay đổi, cách tiếp cận thay đổi, chỉ cần được trao cơ chế phù hợp, có đủ hành lang pháp lý thì chắc chắn TP.HCM sẽ nhanh chóng hiện thực hóa giấc mơ metro, không chỉ là 200 km như theo quy hoạch mà còn phải nối metro dài hơn nữa, kết nối sâu hơn nữa, không phụ lòng mong mỏi của người dân TP”, lãnh đạo MAUR nhấn mạnh.

Tạo trục xuyên tâm, khai mở không gian ngầm

Tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) là một phần của tuyến đường sắt đô thị số 2, khu đô thị Tây Bắc – Củ Chi. Theo quy hoạch, 9,4 km đường sắt đô thị này sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 tại nhà ga trung tâm Bến Thành và tương lai là tuyến số 5, 3b, 4 và 6, tạo thành hệ thống đường sắt đô thị thuận lợi trung chuyển hành khách dọc theo trục đông – tây vào trung tâm TP. Để dễ hình dung, sau khi tuyến metro Bến Thành – Tham Lương đưa vào sử dụng thì chỉ mất khoảng 10 phút để người dân có thể đi từ ga Tham Lương về ga Bến Thành.


Ga S6 Phạm Văn Hai nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình)

Nhật Thịnh

Ông Nguyễn Quốc Hiển nhấn mạnh đường sắt đô thị hoạt động theo nguyên lý mạng lưới. Nó chỉ phát huy tốt khi có sự nối kết thuận tiện, không chỉ các tuyến với nhau mà còn cả với hệ thống xe buýt. Đơn cử, đi từ TP.Thủ Đức tới Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (Q.10), nếu đi tuyến metro số 1 đến ga Bến Thành, sau đó phải bắt xe tới Q.10 thì khá khó khăn, ít người sử dụng. Nhưng nếu có thêm tuyến metro số 2 thì chỉ cần chuyển tàu 1 lần là có thể đến nơi.

“Theo tính toán, tuyến số 1 hoàn thành mới chỉ giải quyết được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân từ phía đông (khu vực TP.Thủ Đức) về phía trung tâm TP. Sau khi tuyến số 2 và các tuyến tiếp theo hoàn thành thì tác động sẽ tăng lên rất nhiều. Mạng lưới metro hoàn thiện theo quy hoạch, kết hợp cùng hệ thống xe buýt, đường sắt trên cao… có thể đáp ứng 30 – 40% nhu cầu đi lại của người dân TP”, ông Hiển thông tin.

Bên cạnh đó, tuyến đường sắt đô thị số 1 chạy song song với xa lộ Hà Nội, nếu hoàn thành một tuyến chỉ có thể giải quyết ùn tắc dọc tuyến xa lộ Hà Nội và đường Nguyễn Hữu Cảnh, các phạm vi khác của TP chưa có nhiều tác động. Thêm tuyến số 2, sau khi hoàn thành trọn vẹn cả 3 giai đoạn sẽ kéo dài theo hướng tuyến từ Đô thị Tây Bắc (H.Củ Chi) – QL22 – Bến xe Tây Ninh – Trường Chinh – Tham Lương – Cách Mạng Tháng Tám – Phạm Hồng Thái – Lê Lai – Bến Thành – Thủ Thiêm. Tuyến đường sắt đô thị này sẽ tạo điều kiện phát triển đồng bộ với tuyến đường sắt TP.HCM – Tây Ninh (trong quy hoạch), đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài nhằm xây dựng hệ thống giao thông vận tải liên hoàn, đa phương thức kết hợp việc đẩy mạnh phát triển các khu đô thị dọc tuyến cũng như kết nối với các tỉnh lân cận Tây Ninh, Long An.

Ngoài ra, trong nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch metro do MAUR đang thực hiện, tuyến Bến Thành – Tham Lương kéo dài đang được định hướng “nắn dòng” đi vào các quỹ đất công phía Củ Chi, thay vì chỉ đi trong khu vực đô thị và chịu chi phí đền bù giải phóng mặt bằng làm nhà ga rất lớn. Nếu điều chỉnh được sẽ rất dễ để hình thành những khu đô thị mới dọc tuyến.

Không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt giao thông kết nối, với tổng cộng 10 ga đi ngầm, tuyến metro số 2 chính thức đặt nền móng cho giai đoạn phát triển mới về không gian ngầm của TP.HCM. Theo đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, định hướng phát triển giao thông của TP đang triển khai theo Quyết định số 24 ngày 6.1.2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025. Trong đó, giao thông ngầm là một phần của hệ thống giao thông tổng thể của TP. Việc xác định phương án giao thông đi ngầm, đi trên mặt đất hay đi trên cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kiến trúc cảnh quan khu vực, các đường dây, đường ống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu, tính khả thi về chi phí, hiệu quả dự án… Theo các quy hoạch hiện hành, giao thông ngầm chủ yếu tập trung vào tuyến đường sắt đô thị; đường đi bộ ngầm kết nối các nhà ga đường sắt và tòa nhà kế cận, trung tâm thương mại ngầm; đường giao thông ngầm; một số vị trí nút giao thông phức tạp có kết hợp hầm chui; những bãi đậu xe ngầm trong các tòa nhà và một số khu vực công cộng.

Hiện nay, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM đang phối hợp đơn vị tư vấn lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 nghiên cứu điều chỉnh hệ thống giao thông đã được quy hoạch, cập nhật đề xuất mới. Hệ thống giao thông ngầm cũng đang được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cùng với quy hoạch không gian ngầm của TP. Trong đó, dự kiến nâng cao năng lực của mạng lưới đường sắt đô thị dựa trên nền tảng tuyến số 1, số 2, đồng thời bổ sung một số tuyến giao thông nhanh kết nối các đầu mối giao thông và cửa ngõ của TP.HCM.

Khi bắt đầu vận hành, với 10 đoàn tàu 3 toa, tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương có khả năng chuyên chở đáp ứng dự báo nhu cầu lên đến 170.000 hành khách/ngày. Vào giai đoạn sau 10 năm với 14 đoàn tàu 6 toa, số lượng hành khách chuyên chở có thể đáp ứng dự báo lên đến hơn 480.000 hành khách/ngày.

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: