Bánh mì không chỉ là món ăn rẻ, nhanh và tiện lợi đủ đường; bánh mì còn là món quà ấp iu nhiều ký ức, và đi vào những câu thơ gợi nhớ Sài Gòn xưa… Tiệm bánh mì 5.000 đồng tại Sài Gòn giúp nhiều người lấp đầy cơn đói Xe bánh mì phá lấu 60 năm tại góc phố Sài Gòn Một quầy bán bánh mì Sài Gòn năm 1950 – Ảnh tư liệu Ngày trước, bên cạnh lực lượng bán báo, đánh giày, Sài Gòn có một “lực lượng” đông đảo không kém là đội ngũ bán bánh mì dạo. Đó là những thiếu niên quảy trên lưng các túi vải bồng bột, màu mỡ gà, bên trong lồng thêm vài lớp bao bằng giấy dầu để giữ cho bánh mì nóng lâu, vừa chạy lúp xúp vừa rao: “Bánh mì nóng đê ê ê ê …”; hoặc những ông bán bánh mì bằng xe đạp, sau yên xe chở một giỏ cần xé, phủ kín bằng bao bố. Hình ảnh đó đã gợi nên niềm xúc động cho nhà thơ Linh Châu: Bánh mì đây – bánh mì đây/Em bán bánh từ ngày còn thơ nhỏ/Nặng thúng bánh trong phố phường đông đảo/Để nuôi mãi cuộc đời thơ dại em ơi… (Phổ Thông – 1959). .Bánh mì Sài Gòn trên báo Life Ôm ổ bánh mì làm gối nhỏ Dù bài thơ của Linh Châu được viết năm 1959 nhưng chắc chắn không phải là bài thơ đầu tiên viết về bánh mì. Ta biết rằng, bánh mì là thực phẩm đi theo gót viễn chinh của quân đội Pháp và sau này cách làm bánh mì được người Hoa tiếp thu, sản xuất bán ra thị trường. Những người được nếm cái loại bánh dài, giòn và thơm mùi bột ấy có lẽ là những người giàu có và những người làm việc cho bộ máy của chính quyền Pháp rồi dần dần phổ biến trong tầng lớp Tây học, thị dân và sau một thời gian đã trở thành món ăn phổ biến khắp thành thị và nông thôn. Và bánh mì, thời kỳ này, trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Nguyễn Đình Chiểu năm 1861, ta thấy có hai câu: Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn/ Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ. Sau này, bánh mì trở thành món quà của người đi xa mang về cho người thân. Ngay bến xe Petrus Ký (Lê Hồng Phong bây giờ), trước giờ xe lăn bánh, một đội ngũ bán bánh mì rong, ôm những rổ bánh mì còn nóng đi dọc theo thân xe mời khách mua đem về làm quà cho con cháu. Hoặc khi xe chạy đến đường vào Tân An, người ta thấy những người bán đựng trong cần xé những ổ bánh mì to bằng cái gối ôm. Dân trong Nam không gọi bánh mì là “cái” như người miền Bắc mà gọi bánh mì là “ổ”. Trước đó, ngoài Bắc gọi bánh mì là bánh tây, thì miền Nam lúc đó đã gọi nó là ổ bánh mì như nhà thơ Kiên Giang khi về quê Rạch Giá ăn tết đã viết: Đáp tàu khói, về quê ăn tết Gió bấc đầu mùa gợn sóng đêm Ôm ổ bánh mì làm gối nhỏ Đem về cho mẹ với cho em. Một tiệm bánh mì Sài Gòn Bánh mì Sài Gòn “Năm bờ Uon” Đã là người Sài Gòn chắc là không ai không biết ăn bánh mì kiểu Sài Gòn (nói về cách ăn bánh mì vì ở Hà Nội lúc trước không có bánh mì kẹp đủ thứ mà chỉ có bánh mì trét pa-tê). Những người Việt Nam xa xứ, hiện đang định cư ở đất nước là cha đẻ của bánh mì nhưng khổ thay lại có khẩu vị của bánh mì Sài Gòn từ ngày để chỏm, nên ngợi ca cái bánh mì Sài Gòn như thế này: Ai bảo bánh mì Paris ngon Chắc gì hơn bánh mì Sài Gòn! Bánh mì Sài Gòn Năm bờ Uon Nóng, thơm, bùi, béo, lại vàng ròn. (Công Tử Hà Đông) Cũng không quá khi đề cao bánh mì Sài Gòn khi ta biết rằng người Mỹ gọi tắt là bánh mì. Tiệm bánh mì Lee’ với kiểu bánh mì Sài Gòn đã làm hài lòng người Việt vùng quận Cam cũng như người Sài Gòn sang California du lịch hay thăm người thân. Quận 13, Paris; các vùng người Việt tại Úc không thiếu những tiệm bánh mì Sài Gòn. Vào tháng 3-2012, chuyên trang du lịch của The Guardian, một tờ báo nổi tiếng của Vương quốc Anh, đã bình chọn bánh mì Sài Gòn thuộc 10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn du khách nhất thế giới. Bởi vậy, nhà thơ Công Tử Hà Đông có quyền làm thơ ca ngợi: Bánh mì ăn không cũng ngon Ta đi trăm núi, ngàn sông biển Không đâu bánh mì ngon Bằng bánh mì Saigon. Thật ra bánh mì Sài Gòn đâu chỉ ăn bằng hình thức, mùi vị, mà chính là vì loại thực phẩm ăn nhanh này gợi nhớ đến quê hương của thời thơ ấu với hình ảnh những đứa trẻ vừa ôm cặp vừa gặm bánh mì đến trường… Bánh mì Sài Gòn trên tạp chí Life – Ảnh: tư liệu Theo TTO