Vốn là nông dân miền Tây, ông Nguyễn Văn Hảo lên Sài Gòn học việc, xây dựng được đế chế buôn bán khổng lồ và sở hữu căn nhà 4 mặt tiền độc nhất vô nhị. Ngôi biệt thự được đánh giá đặc biệt nhất Sài Gòn cách chợ Bến Thành (quận 1) 300 m, rộng khoảng 800 m2 mang hình dáng con tàu với phần đầu nhỏ, lớn dần ra phía sau. Căn nhà nằm ở vị trí đắc địa, được bao bọc bởi các đường Trần Hưng Đạo, Ký Con, Lê Thị Hồng Gấm và Yersin Dinh thự nằm ở vị trí đắc địa là của đại gia Nguyễn Văn Hảo (1890-1971), ông trùm buôn bán phụ tùng xe hơi và là chủ của rạp hát lớn nhất Sài Gòn xưa. Phần dưới biệt thự hiện được nhà nước quản lý, cho thuê; các tầng trên do con cháu của ông Hảo sinh sống. Cây xăng nằm ở ngã 5 này ngày trước vốn thuộc sở hữu của vị đại gia nhưng sau được một tổng công ty nhà nước quản lý, khai thác. Căn biệt thự hình con tàu ở trung tâm Sài Gòn.Ảnh: Sơn Hòa Ông Hảo sinh tại huyện Càng Long, Trà Vinh, trong gia đình có 3 anh em, nhiều đời làm nông và có cuộc sống khốn khó. Người anh đầu sớm lên Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề buôn bán, sửa chữa phụ tùng xe hơi. Do công việc tiến triển, cần thêm người nên Hảo xin cha mẹ theo anh lên phố. Tuy ít học, ở quê chỉ biết làm ruộng nhưng Hảo khá thông minh, lại chăm chỉ học nghề nên nhanh chóng trở thành thợ chính. Không chỉ học ở người anh, hễ biết ai giỏi Hảo lại nhờ chỉ dạy nên có thể sửa mọi vấn đề của xe hơi. Ổn định công việc anh đón vợ con quê lên Sài Gòn, dành dụm vốn xin người anh đứng ra mở tiệm riêng. Chàng thanh niên miền Tây thuê mặt bằng trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay làm nơi buôn bán phụ tùng xe hơi. Nhờ học nghề nhanh lại duy trì tốt mối quan hệ với khách nên công việc của Hảo thuận lợi. Tiệm dù “sinh sau đẻ muộn” so với các cửa hàng của người Pháp và những người Việt khác nhưng khách vẫn tìm đến rất đông. Sau đó ông mở thêm cây xăng ngay trước cửa hàng để bán thêm cho khách. Bí quyết giúp ông Hảo thành công là nhờ vào sự niềm nở, tận tình, luôn coi khách hàng là thượng đế. Ngoài ra, cánh tài xế lái thuê khi mang xe đến sửa, thay thế phụ tùng đều được vợ chồng ông “bồi dưỡng” ít tiền uống cà phê, ăn quà… nên rất thích. Không chỉ thành khách trung thành của ông, họ còn truyền tai đồng nghiệp đến tiệm ông mua đồ, đổ xăng… Chẳng bao lâu vợ chồng ông Hảo mua được miếng đất ở vị trí đắc địa với 4 mặt tiền. Năm 1933, ông khởi công xây dựng và kéo dài suốt 4 năm mới hoàn thành dinh thự 3 tầng, sân thượng được xây theo kiến trúc Pháp với nhiều vật liệu được mang về từ châu Âu. Các mặt tiền căn nhà được ông tận dụng tối đa để buôn bán. Hướng Trần Hưng Đạo dùng làm chỗ bán xăng, hướng đường Lê Thị Hồng Gấm là gara xe hơi. Hai hên hông nhà ông dùng để buôn bán phụ tùng và làm đại lý cho một hãng lốp xe nổi tiếng của Pháp thời bấy giờ. Căn biệt thự như một công xưởng thu nhỏ với nhiều ngành nghề xoay quanh chiếc ôtô. Tên ông Hảo xuất hiện nhiều chỗ trên 4 mặt tiền của ngôi nhà – là cách khẳng định thương hiệu của vị đại gia miền Tây.Ảnh: Sơn Hòa Công việc kinh doanh ngày càng phát triển, ông Hảo liên hệ với bạn hàng bên Pháp nhập ôtô nguyên chiếc về bán. Ông cho rằng người Việt bán xe cho đồng bào của mình sẽ được tư vấn kỹ, đảm bảo hơn. Với những triết lý kinh doanh của mình, cộng việc bảo hành tốt do có cửa hàng phụ tùng nên người Nam Kỳ thường chọn mua xe hơi do ông Hảo bán. Có thêm nhiều tiền, đại gia Hảo mua đất xây thêm 2 dãy nhà lầu hàng chục căn tại ngã 5 Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học (ngày nay) để cho thuê. Nhờ nằm vị trí thuận lợi nên mỗi năm việc cho thuê giúp ông thu về hàng nghìn đồng bạc Đông Dương. Ngoài những mảng kinh doanh trên, đại gia Hảo còn mở một rạp hát lớn mang tên ông ngay trên đường Trần Hưng Đạo có 3 tầng với 1.200 ghế chia ra các hạng để bán vé. Giai đoạn 1954-1960, đây là rạp hát đầu tiên và lớn nhất Sài Gòn, quy tụ những đoàn cải lương lớn nhất thời đó như Năm Châu, Hương Mùa Thu, Hoa Sen… Rạp hát được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm” vì sức chứa lớn, khác biệt hoàn toàn với những rạp nhỏ do các đoàn biểu diễn lập nên. Sau năm 1975, nơi này được đổi tên thành rạp Công nhân. Đại gia Nguyễn Văn Hảo có 2 vợ nhưng chỉ có một người con tên Nguyễn Tâm Thạnh. Những năm 60, ông Hảo trở về Trà Vinh xây chùa, sau này được gọi là “Chùa ông Hảo”. Đến năm 1966, người vợ cùng ông “chung lưng đấu cật” dựng cơ nghiệp qua đời, ông bỏ kinh doanh, giao hết tài sản cho con trai, giao lại cửa hàng xe hơi và cây xăng cho người cháu ruột rồi về quê sinh sống đến khi qua đời. Rạp hát của ông Nguyễn Văn Hảo trên đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: Life Ông Thạnh năm nay 87 tuổi, sống trong căn biệt thự 4 mặt tiền. Nhiều người đồn rằng ông này không thích kinh doanh nên tài sản cha mẹ để lại được bán để sống qua ngày. Sau năm 1975 biệt thự được nhà nước quản lý tầng trệt rồi cho thuê lại, ông Thạnh và con cháu chia nhau sống ở các tầng trên. Nhận định về nhân vật Nguyễn Văn Hảo, nhà văn Hứa Hoành cho rằng ông cùng với ông Trương Văn Bền, Nguyễn Hữu Hào, Lê Phát An, Trần Trinh Trạch… là thương nhân nổi bật ở Nam kỳ nửa đầu thế kỷ 20. Do lối sống khép kín, không xa hoa, đàn đúm nên cuộc đời của ông ít giai thoại hơn những người còn lại. Theo Sơn Hòa/vnexpress