Bùng binh ở ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi (quận 1) xây năm 1920 là vòng xoay đầu tiên của cả Việt Nam và Sài Gòn. Người Sài Gòn và bùng binh Quách Thị Trang Công trường Quách Thị Trang: “Tình cũ làm sao quên” Nằm ở khu vực sầm uất nhất Sài Gòn xưa, bùng binh Bồn Kèn là nơi giao nhau giữa hai đại lộ lớn Charner (Nguyễn Huệ) và Bonard (Lê Lợi, quận 1) – nơi có nhiều khách sạn, cửa hàng kinh doanh thương hiệu lớn. Đường Charner vốn là con kênh dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định (còn gọi thành Bát Quái) do Nguyễn Ánh xây dựng năm 1790 – để thuyền bè từ sông Sài Gòn có thể cập vào tận thành. Kinh Lớn bắt đầu từ bến Bạch Đằng chạy thẳng đến trước cổng UBND thành phố hiện nay. Bùng binh Bồn Kèn được xây năm 1920. Ảnh tư liệu. Sau khi Pháp chiếm được Sài Gòn, năm 1861, Kinh Lớn được đổi tên thành kênh đào Charner. Năm 1887, người Pháp cho lấp kênh này, sáp nhập con đường ở hai bờ thành đại lộ Charner với một đầu là Dinh Đốc Lý (nay là trụ sở UBND thành phố) và đầu kia là sông Sài Gòn. Sau nhiều biến thiên lịch sử, năm 1956, đại lộ Charner được đổi tên thành Nguyễn Huệ – một trong những con đường sầm uất nhất của “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Nơi đây tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn và là tụ điểm ăn chơi của giới thượng lưu cùng binh lính Mỹ nên còn được mệnh danh là chốn “cực phẩm phong lưu” của Sài Gòn. Còn đường Lê Lợi là tuyến rộng nhất lúc bấy giờ, đại diện cho bộ mặt Sài Gòn. Lúc đầu đường mang tên số 13, năm 1865 nó mang tên Bonard – tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp. Đến năm 1955, đại lộ này được chính quyền Sài Gòn đổi tên thành Lê Lợi. Bắt đầu từ công trường Lam Sơn (trước Nhà hát thành phố), đường này kéo dài đến công trường Quách Thị Trang (vòng xoay trước chợ Bến Thành). Lòng đường có ba lối đi dành cho xe cộ, có hai tiểu đảo ngăn chia. Thời Pháp thuộc, chính quyền thuộc địa dự tính biến đường Bonard thành một Champs-Élysées thu nhỏ với hai bên đường là các cửa hàng, khách sạn và nhà hàng nhưng do những biến động của thế giới nên dự tính này không thực hiện được. Tuy nhiên, từ đó đến nay đường Lê Lợi vẫn được mệnh danh là tuyến đường thương mại của Sài Gòn. Bùng binh cây liễu bị phá bỏ ngày 27/10/2014. Ảnh: Hữu Công. Ngã tư giữa đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi thời Pháp thuộc có xây một bùng binh (còn gọi là bồn binh hoặc vòng xoay giao thông). Theo các nhà nghiên cứu, đây là hình thức bùng binh xuất hiện lần đầu tiên ở Sài Gòn. Ban đầu, nó là cái bệ cao hình bát giác. Mỗi chiều thứ bảy, một số người lính đến chơi nhạc Tây cho dân chúng nghe, nên nó được gọi bằng cái tên dân dã là Bùng binh Bồn Kèn. Sau đó, bùng binh được sửa thành một vòng xoay giao thông, có đài phun nước ở giữa, xung quanh trồng những cây liễu rủ nên còn gọi là Bùng binh cây liễu. Trong sách Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển viết: “Ngã tư Kinh Lấp đụng với con kinh về sau biến thành Đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi) hồi mồ ma thời Pháp, vẫn là xóm sang trọng nhất. Tại chỗ bồn nước ngay ngã tư này, hồi đó có xây một cái bệ cao hình bát giác, vào khoảng 1920 tôi lên học Sài Gòn còn thấy tận mắt. Mỗi chiều thứ Bảy, tại bệ này có mấy chú lính san đá trỗi nhạc Tây cho đồng bào ta thưởng thức”. “Ngày nay, nhạc Pháp, nhạc Mỹ nghe nhàm tai, các rạp chớp bóng, máy hát và máy radio ‘dọn ăn’ đến chán bứ ê chề, chớ thuở ấy làm gì mà được nghe nhạc ngoại quốc cho đã con ráy. Họa chăng tụi nào dám lết lại gần nhà hàng Continental dành cho khách Tây ăn (đường Đồng Khởi), nhà hàng Pancrazi trên đường Bonard (Lê Lợi) và chỗ ngã tư Bồn Kèn này mới được thưởng thức”. Phố đi bộ Nguyễn Huệ không còn dấu tích Bùng binh Bồn Kèn. Ảnh: Hữu Công. Nói về nguồn gốc cái tên Bùng binh Bồn Kèn, nhà nghiên cứu An Chi khẳng định “ở nước ta thời Tây thì cái bùng binh đầu tiên nằm ở Nam Kỳ; mà ở Nam Kỳ thì cái bùng binh đầu tiên nằm ở Sài Gòn; mà ở Sài Gòn thì cái bùng binh đầu tiên chỉ nằm ở ngã tư, chứ chẳng có ngã năm, ngã sáu gì cả. Đó là giao lộ Bonard – Charner trước kia, bây giờ là Lê Lợi – Nguyễn Huệ. Tên cúng cơm của cái bùng binh này là Bồn Kèn”. Theo học giả An Chi, hồi xưa, ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Huệ đã “ăn theo” tên của nó mà được gọi là Ngã tư Bồn Kèn. Cái Bồn Kèn này được dựng lên để mấy chú lính Tây đến thổi kèn, trỗi nhạc cho dân chúng nghe rồi chính dân chúng mới dần dần đổi tên cho nó thành Bồn Binh, hiểu là cái bồn nơi lính (binh) đến thổi kèn. “Hồi đó, chưa có cái bùng binh trước chợ Bến Thành nên Bồn Kèn độc quyền cái tên Bồn Binh làm danh từ riêng, mà không có cầu chứng tại tòa, nay ta gọi là đăng ký quyền sở hữu”, học giả An Chi viết. Năm 2014, để thi công tuyến tàu điện ngầm Bến Thành – Suối Tiên, TP HCM đã cho chặt nhiều cây xanh trước Nhà hát thành phố cũng như phá bỏ vòng xoay ở ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi. Sau đó, thương xá Tax nằm ngay ngã tư cũng được đập bỏ để xây dựng tòa cao ốc mới 30 tầng. Ngày nay, Bùng binh Bồn Kèn đã không còn dấu tích. Đại lộ Nguyễn Huệ đã được cải tạo thành phố đi bộ. Toàn bộ trục đường từ trụ sở UBND thành phố đến Bến Bạch Đằng được lát đá granite với hai đài phun nước và hệ thống cây xanh. Bên dưới quảng trường có hệ thống ngầm gồm trung tâm theo dõi, trung tâm điều khiển nhạc nước, ánh sáng, hệ thống nhà vệ sinh hiện đại. Theo vnexpress