Chuyện chưa kể về ngôi mộ bằng đá cẩm thạch đẹp nhất Sài Gòn


Bên cạnh những nét độc đáo về kiến trúc, ngôi mộ cổ còn là một di tích lịch sử quan trọng.  

ngoi-mo-da-1

Ngôi mộ cổ nằm cách ngã tư Thoại Ngọc Hầu – Lũy Bán Bích khoảng 200 mét. Ngôi mộ tọa lạc trên khu đất rộng gần 1000 mét vuông. Phía Tây Bắc giáp đường Thoại Ngọc Hầu, phía Bắc giáp đường Nguyễn Sơn, mộ xây theo hướng Đông Nam và là mộ song táng. Xung quanh khuôn viên ngôi mộ có tường rào bằng gạch cao hơn 2 mét và trên tường gạch có hàng rào kẽm gai cao khoảng 1m. Nhà mồ hình bát giác khá cao và có rào sắt bao bọc chung quanh, trên tường đính nhiều hoa văn trang trí.

ngoi-mo-da-2

Theo quan sát của chúng tôi, hai ngôi mộ bằng đá cẩm thạch được mài bóng láng các mặt. Mỗi mộ dài gần 2,5 mét và rộng khoảng 1 mét, hai mộ cách nhau trên 1 mét. Trên nắp mỗi ngôi mộ có khắc 3 hoa văn hình tròn, thành mộ ốp đá cẩm thạch, đá có chạm khắc ốp viền xung quanh như những chiếc đai ôm cứng cho phần mộ. Phía sau 2 mộ xây một bàn hương án bằng đá mài, trên bàn hương án đặt một lư hương và bình hoa cùng bài vị thờ bà họ Lý. Trên bài vị khắc chữ “Nơi an giấc nghìn thu của bà Lý Thu Liên sinh năm 1888, qua đời ngày 02 tháng 05 năm Giáp Ngọ (02/06/1954) tại Chợ Lớn”. Trên vách tường sau có gắn một tấm bia đá cẩm thạch cao lớn, khắc chữ Quốc ngữ ghi lại thân thế và công đức người quá cố.

ngoi-mo-da-3

Hai ngôi mộ được xây cách nhau một khoảng thời gian khá dài. Ngôi mộ phía bên phải là mộ của ông Nguyễn Quý Anh được xây dựng năm 1938, ngôi mộ bên trái là của bà Lý Thu Liên xây dựng vào năm 1954. Toàn bộ đá cẩm thạch xây mộ đều được vận chuyển từ nước ngoài về. Theo tôi biết, vào năm đó các con của ông bà ở Pháp mua đá cẩm thạch đóng gói gửi về và các thợ ở Việt Nam lắp ráp thành ngôi mộ.

ngoi-mo-da-4

Những vết nứt trên ngôi mộ phía bên phải là do bom đạn của những năm kháng chiến chống Mỹ tạo ra. Tôi còn nhớ, giai đoạn ấy khoảng vào năm 1968, quân địch mang súng, pháo xuống bắn để tiêu diệt quân ta. Trong lúc giao tranh, đạn quân địch nã vào trúng nhà mồ khiến cho một số góc của nhà mồ bị vỡ. Mặt mộ bằng đá cẩm thạch cũng bị bắn vỡ, chỉ mới được dán lại cách đây khoảng 10 năm.

ngoi-mo-da-5

Bà là Phạm Thị Loan (73 tuổi, ngụ khu phố 1, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú), người trông coi ngôi mộ này cho biết, bà trông coi ngôi mộ này từ khi bà mới trưởng thành, trước đó, mẹ bà đã làm công việc này. Bà là cháu của bà Lý Thu Liên – người nằm trong mộ. Để chúng tôi mở mang tầm mắt, bà Loan mở cửa dẫn chúng tôi vào bên trong ngôi nhà mồ, nơi có hai ngôi mộ bằng đá cẩm thạch được đặt song song với nhau.

ngoi-mo-da-6

Ngôi mộ cổ năm nay đã có 77 năm tuổi. Đây là hai ngôi mộ cổ làm bằng đá cẩm thạch hiếm hoi còn sót lại. Nên ngôi mộ này được xếp vào hạng mộ cổ bằng đá cẩm thạch đẹp bậc nhất ở Sài Gòn.

ngoi-mo-da-7

Ông Nguyễn Quý Anh là một nhà yêu nước cùng thời với các sĩ phu: Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tá Bang, Ngô Đức Kế, Trần Đình Phiên, Huỳnh Đình Điển… Ông đã có nhiều cống hiến cho công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Ông là người trực tiếp giúp đỡ thầy Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) khi thầy đến dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) và giúp đỡ Bác Hồ rất nhiều trước khi Bác ra đi tìm đường cứu nước.

ngoi-mo-da-8

Ngày 17 tháng 02 năm 2011, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 697/QĐ-UBND về xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố đối với di tích lịch sử Mộ ông Nguyễn Quý Anh và bà Lý Thu Liên. Khi nói về nhân vật Nguyễn Quý Anh, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã ghi: “Ngôi mộ cổ ở Tân Bình (nay là Tân Phú – PV) không chỉ là di tích của riêng con cháu ông Nguyễn Quý Anh, mà còn là di tích lịch sử có liên quan đến các tổ chức Cách mạng và liên quan đến Bác Hồ”, “Năm 1985 đồng chí Nguyễn Văn Linh và các đồng chí: Trần Văn Trà, Tô Ký, Phạm Văn Chiêu… có cả Ban nghiên cứu lịch sử Đảng đã đến viếng mộ”.

Nguồn: http://phunuonline.com.vn/


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: