Chuyện thú vị về tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam


Tờ báo viết về kinh tế đầu tiên của Việt Nam đã ra đời từ rất sớm, đó là tờ Nông cổ mín đàm xuất bản năm 1901 ở Sài Gòn.

Phong vị báo xuân xưa: Hồi ức tết và thơ xuân

Sài Gòn báo xưa và văn hóa xích lô “xuống xe qua cầu”

Cho đến nay, nền báo chí Việt Nam đã có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ rưỡi (lấy mốc từ tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định báo xuất bản lần đầu năm 1865 ở Sài Gòn) còn báo chí cách mạng thì vừa tròn 92 năm thành tựu (tính từ mốc tờ báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Trung Quốc vào ngày 21.6.1925). Đóng góp vào bề dày lịch sử đó, tờ báo viết về kinh tế đầu tiên của Việt Nam cũng đã ra đời từ rất sớm, đó là tờ Nông cổ mín đàm xuất bản năm 1901 ở Sài Gòn.

Nông cổ mín đàm (chữ Hán, có nghĩa là “uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn”), còn có tên tiếng Pháp là Causeries sur l’agriculture et le commerce, là tờ báo Quốc ngữ viết về kinh tế đầu tiên của Việt Nam, xuất bản lần đầu vào ngày 1/8/1901, theo một nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ban hành tại Sài Gòn ngày 14/2/1901. Báo có khổ 20×30 cm, tổng cộng 8 trang, ban đầu phát hành thứ năm hằng tuần, về sau tăng lên 3 số/tuần.

Nông cổ mín đàm - tờ báo kinh tế viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam (ảnh tư liệu)

Ông Lương Khắc Ninh là chủ bút đầu tiên của tờ Nông cổ mín đàm năm 1901. Đến năm 1902, ông đắc cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, năm 1906 ông được bổ nhiệm làm thành viên của Hội đồng Tư vấn Đông Dương và người thay thế ông làm chủ bút Nông cổ mín đàm là Trần Chánh Chiếu.

Thông qua mục Thương cổ luận trên Nông cổ mín đàm, Lương Khắc Ninh chủ trương cổ động mạnh mẽ cho việc phát triển nghề nông và kêu gọi thành lập những công ty thương nghiệp để thoát ra khỏi sự bóc lột trên thương trường của người Hoa kiều. Ông có cái nhìn khá sáng suốt về nguyên nhân nghèo khó của người Việt và của Việt Nam lúc đó. Một số học giả đánh giá lời kêu gọi của ông đến nay vẫn còn giá trị. Ngay từ số đầu tiên, mục Thương cổ luận đã tuyên chiến với quan niệm cũ bằng lời khẳng định: “Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường” (Kinh doanh thương mại là cách tốt nhất giúp cho dân giàu nước mạnh – PV).

Đi ngược lại truyền thống tự tôn của giới trí thức Nho học, Lương Khắc Ninh, một trí thức xuất thân từ Nho học và Tây học, đã không ngần ngại phơi bày và phân tích, mổ xẻ trên báo chí những thói hư tật xấu của người Việt, cả trong tư duy lẫn trong hành xử, không chỉ riêng trong lĩnh vực thương nghiệp như: tham lợi vô cớ, ham cờ bạc để mong giàu nhanh chóng, chỉ thích dùng hàng ngoại quốc, không giữ chữ tín, lãng phí thời gian, quanh năm chỉ biết một nghề làm nông, dễ làm khó bỏ, thiếu kiên nhẫn… Mục đích mổ xẻ của ông không phải để khinh miệt, chối bỏ, mà để chỉ ra những lực cản hữu hình và vô hình đã và đang ngăn trở dân tộc mình dấn bước trên con đường canh tân để cho dân phú quốc cường.

Trải qua 20 năm tồn tại, sau khi phát hành số ra ngày 4/11/1921 thì Nông cổ mín đàm bị đình bản. Theo các nhà nghiên cứu thì dù ra đời vào thời kỳ sơ khai của báo chí Việt Nam nhưng Nông cổ mín đàm hội tụ đầy đủ yếu tố của một tờ báo và sống được trong một khoảng thời gian khá dài. Điều đáng tiếc là cho đến nay, số người biết đến tờ báo này không nhiều. Lý do là công tác lưu chiểu không được chú trọng vào giai đoạn đó. Mặt khác, vì đây là tờ báo tư nhân nên chỉ được lưu giữ tại các gia đình và các cá nhân, do vậy không tránh khỏi bị tản mát và thất lạc.

Theo nguoiduatin


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: