Thế giới du đãng Sài Gòn trước 1975 (kỳ 3): Huỳnh Tỳ và những ân oán với Năm Cam


Trùm xã hội đen Năm Cam từng làm mưa làm gió ở Sài Gòn và kết thúc bằng vụ án “Năm Cam và đồng bọn” năm 2003. Năm Cam cũng xuất thân từ du đãng Sài Gòn trước năm 1975. Người “dìu dắt” Năm Cam vào thế giới tội ác chính là “nhị ca” Huỳnh Tỳ trong “Tứ đại thiên vương” thống lĩnh giang hồ Sài Gòn khi ấy là Đại – Tỳ – Cái – Thế (Đại Cathay – Huỳnh Tỳ – Ngô Văn Cái – Nguyễn Kế Thế).

Thế giới du đãng Sài Gòn trước 1975 (kỳ 1): Đại Cathay, ‘bố già’ của Sài Gòn

Thế giới du đãng Sài Gòn trước 1975 (kỳ 2): Ngày tàn của Đại Cathay

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong khi nhiều “anh chị” đã chết, thân tàn ma dại vì ma túy và bệnh tật, thì Huỳnh Tỳ vẫn “gượng” lại được, trở thành “đồ đệ” của Năm Cam, mặc dù trước giải phóng là đàn anh của “ông trùm” này.

Trùm du đãng có học thức

Huỳnh Tỳ vào thập niên 1960.

Huỳnh Tỳ vào thập niên 1960.

Huỳnh Tỳ là trường hợp trùm du đãng hiếm hoi không xuất thân từ trẻ bụi đời, thất học. Huỳnh Tỳ tên thật là Nguyễn Thuận Lai, sinh năm 1944 tại quận 1, Sài Gòn, trong 1 gia đình yên ấm, được cha mẹ cho học hành đàng hoàng, đến hết lớp đệ tam (lớp 10).

Cậu học sinh Thuận Lai hiền lành, chăm chỉ, học giỏi đều các môn, đặc biệt yêu thích thơ văn. Năm 1960, khi học hết đệ tam, để nhường sự học cho các em, Thuận Lai rời mái trường lao vào cuộc mưu sinh phụ giúp gia đình. Lúc ấy cha của Thuận Lai làm nghề lái xe đò đường dài tuyến Sài Gòn – Pleiku, Thuận Lai theo cha học nghề lơ xe.

Nghề lơ xe tiếp xúc với đủ mọi thành phần trong xã hội, đã sớm làm cho cậu thư sinh hiền lành trở thành tay “anh chị” trên tuyến đường.

Tiếp thu nhanh ngõ ngách nghề đi xe đường dài từ cha, cộng với trình độ học vấn khá, Thuận Lai dần trở thành tay lơ xe bản lĩnh.

Đi xe đò đường dài, chuyện tranh giành khách giữa các xe, rồi “câu giờ” để rước thêm khách… xảy ra như cơm bữa. Các tài xế và lơ xe thường giải quyết nhau theo luật giang hồ, ai mạnh thì thắng, ai yếu phải chịu lép vế. Thuận Lai sẵn sàng tỉ thí với các lơ xe khác để giành khách.

Do cha bị bệnh không tiếp tục lái xe đường dài, Thuận Lai cũng chấm dứt 2 năm rong ruổi trên đường, trở về quận 1 tìm kế mưu sinh.

Thời ấy ở đường Lê Lai, quận 1 có một rạp hát nổi tiếng tên là Aristo. Năm 1955, gánh hát Kim Chung của ông bầu Long từ Hà Nội vào Sài Gòn đã lấy rạp Aristo làm “hậu cứ”.

Ăn theo gánh hát, nhiều quán ăn, quán nước trên đường Lê Lai mọc lên như nấm. Khu vực này trở nên náo nhiệt, đồng thời cũng kéo theo không ít dân trộm cắp, móc túi, trẻ bán báo, đánh giày từ các nơi tìm đến làm ăn.

Khu vực này lại nằm giữa một bên là chợ Bến Thành, một bên là ga xe lửa Sài Gòn, vì vậy mà sự náo nhiệt, phức tạp càng tăng lên theo đà sôi động của khu chợ và nhà ga. Nơi đây cũng ra đời các loại dịch vụ cho giới lưu manh trộm cắp như sòng bài, động chích, tiệm hút, đĩ điếm…

Thuận Lai nhờ có 2 năm “chinh chiến” bằng nghề lơ xe, đã tỏ rõ sự hơn trội so với các băng “tép riu”. Thuận Lai cùng với 2 tay anh chị khác tên Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế đứng ra nhận bảo kê toàn bộ các dịch vụ nhám nhúa này.

Lúc mới từ Hà Nội vào, bầu Long và gánh hát Kim Chung đã thu dụng một loạt các tay đao búa từng nổi tiếng một thời ngoài Hà Nội để làm chân bảo vệ.

Thời ấy, gánh hát nào cũng có lực lượng bảo vệ “đầu gấu” để đối phó với nạn côn đồ. Đám bảo vệ đầu gấu của gánh hát Kim Chung không chỉ giữ yên cho gánh hát, mà còn hay tụ tập tại quán Kiều Chánh cạnh rạp Aristo để giương oai. Nhiều trận hỗn chiến tóe lửa giữa nhóm của Thuận Lai với đám bảo vệ này đã xảy ra, cuối cùng phần thắng đã thuộc về Thuận Lai.

“Làm gỏi” được nhóm bảo vệ của bầu Long, Thuận Lai và đám chiến hữu kéo đến đập phá gánh hát Kim Chung. Để yên thân, bầu Long đã hạ mình đến gặp Thuận Lai xin lỗi về chuyện “thất lễ” đã qua, rồi mời băng của Thuận Lai làm bảo kê cho gánh hát Kim Chung.

Cứ thế, băng du đãng “Tam đầu chế” Thuận Lai, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế nổi lên khắp khu vực trung tâm Sài Gòn, lan ra cả quận 1, chúng thường tụ tập nhậu tại rạp hát Aristo, nên được giang hồ gọi luôn là băng Aristo.

Cách thức hoạt động của băng Aristo do Thuận Lai cầm đầu là cho đàn em đi quậy phá nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp nào đó trên địa bàn. Xong Thuận Lai tới đặt vấn đề bảo kê để không bị quấy phá. Cứ vậy, dần dần hầu hết giới làm ăn, buôn bán trong khu vực đều trở thành “tá điền”, hàng tuần phải “nộp tô” cho băng nhóm Thuận Lai.

Lúc này, để trốn không đi lính, Thuận Lai phải làm giấy cho nhỏ tuổi, thay đổi họ tên, từ Nguyễn Thuận Lai thành Huỳnh Tỳ. Cái tên Huỳnh Tỳ bắt đầu xuất hiện khoảng năm 1963 và nhanh chóng trở thành nỗi khiếp sợ đối với những người làm ăn lương thiện ở quận 1.

Bị Đại Cathay thu phục

Khoảng năm 1964, băng du đãng Đại Cathay sau khi thống lĩnh cả giới giang hồ quận 4, bắt đầu chồm sang quận 1, khu vực của Thuận Lai. Lãnh địa của 2 băng du đãng khét tiếng ở Sài Gòn bắt đầu “chồng lấn” lên nhau, đã xảy ra một vài vụ đụng chạm giữa đàn em của Huỳnh Tỳ và Đại Cathay.

Vừa bực tức vừa lo sợ, Huỳnh Tỳ bàn với hai phó tướng là Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế tìm cách loại Đại Cathay ra khỏi thế giới giang hồ Sài Gòn. Một buổi tối, Huỳnh Tỳ bày tiệc trên lầu rạp hát Aristo, mời Đại Cathay tới gặp gỡ để thông cảm cho những va chạm đã qua của bọn đàn em.

Lúc ấy, giới giang hồ Sài Gòn vẫn đánh giá cao trình độ học vấn của Huỳnh Tỳ, so với Đại Cathay không viết nổi tên mình. Thế nhưng, từ sau cuộc đụng độ giữa Huỳnh Tỳ và Đại Cathay, cách nhìn của giới giang hồ đã thay đổi, khi mà kẻ có học lại cư xử khá “vô học”, còn kẻ thất học lại rất “quân tử”.

Được Huỳnh Tỳ gửi thư mời tới dự tiệc giảng hòa, Đại Cathay không mảy may nghi ngờ, một mình từ quận 4 sang quận 1, vào rạp hát Aristo. Chỉ có sự may mắn và khả năng chịu đựng dao búa mới giúp cho Đại thoát chết. Chưa lên hết cầu thang, Đại cảm thấy chột dạ khi mà nụ cười đón khách của Huỳnh Tỳ có cái gì đó thâm hiểm chứ không đường hoàng, trong sáng của kẻ có học.

Chưa kịp chào hỏi, Đại bất ngờ bị Nguyễn Kế Thế đá lộn cổ xuống thang lầu. Cùng lúc 4 tên đàn em của Huỳnh Tỳ xông ra chém Đại tới tấp. Vừa đỡ đòn, Đại vừa đánh trả để mở đường máu. Khi lao được ra ngoài đường, mình mẩy máu me đầm đìa, Đại được đàn em cõng chạy về phía chợ cầu Ông Lãnh…

Khi những vết thương còn chưa kéo da non, Đại Cathay đã một mình lặng lẽ giắt dao đi sang quận 1 để giải quyết ân oán giang hồ. Đàn em đòi đi theo, Đại kiên quyết không cho, vì đây là chuyện cá nhân của Đại, để một mình Đại giải quyết.

Chính cách cư xử đầy bản lĩnh và anh hùng của Đại Cathay, so với cách đánh lén hèn hạ của Huỳnh Tỳ trước đó, đã làm cho Đại Cathay nổi lên như cồn sau vụ đụng độ này. Không biết bằng cách nào, mà cả Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế đều lần lượt nhận đúng 1 nhát dao của Đại vừa đủ để thẹo suốt đời.

Nhắm thế không thể đối đầu Đại Cathay, mà cũng thấy nhục trong giới giang hồ sau vụ đụng độ đầy tai tiếng này, Huỳnh Tỳ đành bắn tiếng cầu hòa, xin gia nhập vào băng của Đại Cathay. Để rồi sau đó, băng Aristo vĩnh viễn bị xóa sổ, quân tướng của Aristo về qui phục dưới quyền của một đại ca duy nhất là Đại Cathay.

Cuộc hợp nhất giang hồ vào cuối năm 1964 đã xóa sổ cái tên Aristo, đẻ ra danh xưng “Tứ đại thiên vương” Đại-Tỳ-Cái-Thế, cùng với việc danh tiếng của Đại Cathay càng lừng danh gấp bội khắp Sài Gòn.

Ân oán giang hồ với Năm Cam

Huỳnh Tỳ lớn hơn Năm Cam 3 tuổi. Vào đầu thập niên 1960, khi đã nổi danh trong “Tứ đại thiên vương”, Huỳnh Tỳ có thu nhận 1 đàn em tên là Năm Cam, cho làm bảo vệ trong các vũ trường.

Đàn em Năm Cam không giỏi về đánh đấm nhưng tỏ ra “mưu lược” nên được Huỳnh Tỳ tin dùng. Chính Huỳnh Tỳ đã cứu Năm Cam thoát nạn trong một vụ thanh toán bằng súng ngay trong vũ trường.

Sau ngày giải phóng, cả Huỳnh Tỳ và Năm Cam đều không từ bỏ “nghề” du đãng, nhiều lần vào tù ra khám. Năm Cam dần dần củng cố thế lực, đến đầu thập niên 1990 trở thành ông trùm của xã hội đen ở TPHCM.

Huỳnh Tỳ vốn nghiện nặng, thường xuyên đói thuốc, hoàn cảnh gia đình khó khăn khi vợ mất để lại cho 2 đứa con nhỏ dại. Không băng nhóm, không nghề nghiệp, Huỳnh Tỳ phải xoay sang mánh mung cò con như lắc bầu cua, chích dạo ma túy…

Đầu năm 1992, Huỳnh Tỳ lén lút mở sòng bạc tại một con hẻm trên đường Lê Lai. Biết chuyện, Năm Cam ra lệnh dẹp, vì chỉ có Năm Cam mới có cái quyền mở sòng bạc ở Sài Gòn. Huỳnh Tỳ không nghe, ngay lập tức, sòng bạc này liên tục bị khám xét. Biết là Năm Cam ra tay, Huỳnh Tỳ phải đến mời Năm Cam hùn vốn danh nghĩa, sòng bạc tiếp tục hoạt động. Đến cuối 1992 thì chấm dứt, tên tuổi của Năm Cam bị đưa lên một tờ báo ở Sài Gòn vì những hoạt động bảo kê.

Cho rằng Năm Cam sắp hết thời, Huỳnh Tỳ không chịu cống nộp tiếp. Đầu năm 1993, sòng bạc của Huỳnh Tỳ bị bắt quả tang, nhiều nhân viên của sòng phải tra tay vào còng. Huỳnh Tỳ may mắn thoát được, bị truy nã. Huỳnh Tỳ phải đến tạ tội với Năm Cam xin nghĩ tới ân tình cũ mà cứu giúp. Năm Cam dang tay đón nhận Huỳnh Tỳ, giao quản lý các sòng bạc khác ở quận 4, quận 8 và Biên Hòa.

Tháng 9.1995, Năm Cam lại bị báo chí phanh phui. Lần này, Huỳnh Tỳ lại trở mặt không cung phụng cho Năm Cam. Không lâu sau đó, Năm Cam bị bắt đi cải tạo. Khi đi cải tạo về, Năm Cam rất giận Huỳnh Tỳ là người có học mà cư xử “vô học”. Từ đó giữa Năm Cam và Huỳnh Tỳ không còn ân nghĩa anh em gì nữa.

Bị thất sủng, nhưng đó lại là điều may mắn cho Huỳnh Tỳ. Bởi nếu được Năm Cam tha thứ, thu nạp lại một lần nữa, chắc hẳn sau đó Huỳnh Tỳ không thoát khỏi là bị cáo trong chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” gây xôn xao cả nước.

Theo Báo Lao Động

Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: