Khách sạn Caravelle Sài gòn – nơi viết lên những phóng sự xuất sắc


Thật may mắn cho tôi khi biết Thoại Yến- Quản lý tiếp thị và truyền thông của khách sạn Caravelle Saigon, một con người đáng mến, điềm tĩnh. Trong một lần trò chuyện Yến cho tôi biết Caravelle Saigon là nhà của giới báo chí quốc tế trong thời chiến tranh Việt Nam. Quá bất ngờ với tôi nơi khách sạn sang trọng này là nơi truyền tin về chiến tranh Việt Nam, nơi phóng viên chiến trường xả hơi tại quán bar, bể bơi… sau những ngày tham dự vào các cuộc hành quân lửa đạn tàn khốc.

Thảo cầm viên Sài Gòn – những chuyện “thâm cung”: Vào chuồng đàn cho sư tử nghe

Căn phòng cho khách thuê nghỉ lại trong nhà cổ “Người tình”

Các nhà báo quốc tế tác nghiệp tại khách sạn Caravelle Sài Gòn do Khách sạn Caravelle Saigon cung cấp. (Ảnh tư liệu)

Các nhà báo quốc tế tác nghiệp tại khách sạn Caravelle Sài Gòn do Khách sạn Caravelle Saigon cung cấp. (Ảnh tư liệu)

Caravelle Saigon “ngôi nhà báo chí” thời chiến

Vào mùa hè năm 1961, một năm rưỡi sau khi Caravelle Saigon mở cửa đón khách, thế giới đã không còn dành nhiều mối quan tâm đến các mâu thuẫn bấy lâu trong cựu thuộc địa Pháp. Sự phân chia đất nước Nam – Bắc tạm thời và cũng là thời khắc cho cuộc chiến tranh  Việt Nam khốc liệt khi người Mỹ tham vọng đổ quân vào miền Nam Việt Nam với tham vọng “đẩy lùi người cộng sản”.  Rất nhiều phóng viên chiến trường vội vã  đến Sài Gòn và họ đã nhìn thấy sự sa lầy của quân đội Mỹ tại cuộc chiến này. Caravelle Saigon là nơi bản doanh của nhiều hãng tin danh tiếng.

Mùa hè năm ấy, chỉ có một số nhà báo đóng đô ở Saigon bao gồm các phóng viên đến từ 4 hãng thông tấn xã lớn: Associated Press, United Press International (UPI), Reuters và Agence France-Presse. Ngoài ra còn có cộng tác viên của Tạp chí Time và các phóng viên của The Times London và Le Figaro.

Tháng 11 năm 1961, phóng viên huyền thoại Malcom W. Browne của Liên đoàn Báo chí (Associated Press) đã đáp chuyến bay của hãng Pan Am đến phi trường Tân Sơn Nhất và hướng thẳng đến văn phòng Associated Press (AP) trên đường Rue Pasteur để tiếp nhận vai trò Trưởng nhóm AP.

Vài tháng sau, Peter Arnett đến cư ngụ tại Caravelle và tham gia đoàn báo chí Sài Gòn với tư cách là phóng viên của Associated Press. Sau đó Arnett đã đoạt giải thưởng danh giá Pulitzer Prize cho những bài báo của mình và ông càng nổi tiếng hơn khi chuyển sang làm thông tín viên cho đài truyền hình CNN. Ngày 26 tháng 6 năm 1962, nhà báo người New Zealand cũng tiến thẳng đến Caravelle ngay khi ông vừa đặt chân đến Sài Gòn bằng chuyến bay của Vietnam Air từ Vientiane.

Vào thời điểm đó, tin tức thu thập ở Sài Gòn khá thất thiệt. Tin đồn lan nhanh khắp nơi trong thành phố, từ quán Café Givral ở góc công trường đối diện với Caravelle cho đến Cheap Charlie phía sau lưng khách sạn hay đến quán cà phê sân thượng của KS Continental. Các phóng viên gọi đó là mạng lưới Radio Catinat phỏng theo tên con đường nổi tiếng nhất của thành phố lúc bấy giờ. Họ không tin Radio, nhưng họ không cũng thể làm ngơ nó. Cuộc trò chuyện và những tranh cãi gay gắt đã khiến Catinat trở nên không thể cưỡng lại được và sớm thu hút sự chú ý của thế giới.

Năm 1962, tờ New York Times đã đưa David Halberstam đến Sài Gòn để tăng tính cam kết của câu chuyện. Là một cựu sinh viên đại học Harvard và một phóng viên dày dạn kinh nghiệm trong phong trào Quyền Công dân Hoa Kỳ, Halberstam đã làm bầu không khí nóng lên với các bài báo về Việt Nam. Halberstam đã cư ngụ tại khách sạn Caravelle.

Là tòa nhà chọc trời Sài Gòn thời bấy giờ, Caravelle như dự tính được trước tương lai”, William Prochnau viết. “Khách sạn có những phòng nhỏ, giường nệm chắc chắn, trang trí hoa văn trang nhã theo phong cách Pháp và có điện thoại riêng trong mỗi phòng, những điều ấy khiến Caravelle trở thành nơi yêu thích cho những người Mỹ yêu thích công nghệ”. Đối với Halberstam, điện thoại là điểm cộng lớn của Caravelle nhưng ông lại quá thất vọng với chính phủ thời bấy giờ. Vô cùng “chán nản trước những tiếng lách cách của máy điện đàm cho đến những máy nghe lén của đội bảo vệ của ông Nhu”, cuối năm đó ông đã rời đi.

Không chỉ riêng Halberstam, nhiều phóng viên khác cũng trở nên thất vọng với sự bất lực của ông Diệm trong việc giành được vị thế của mình. Năm 1963, một số nhà báo người Mỹ – bao gồm Charles Mohr của tờ Time bắt đầu chỉ trích chính quyền miền Nam, phần lớn là do sự thất vọng của các nhà báo yêu nước. Mohr gặp ông Otto Fuerbringer – Trưởng ban Biên tập của tờ Time và một số bài báo không được hoan nghênh của ông đã được xuất bản, nhưng đến thời điểm đó Fuerbringer đã quyết định rằng các phóng viên tập trung thường trực tại quầy bar Caravelle đã nghiêng về phe chống Diệm cũng như chống chiến tranh.

Các phóng viên bị đe dọa từ các quan chức chính phủ

Theo chân Yến, tôi tới các tầng lầu của khách sạn sang trọng này. Nhiều phòng là nơi ngụ cư của các hãng thông tấn lớn giờ không còn hay bị biến dạng do nhu cầu kinh doanh và nhiều lý do khác. Nhưng cảm giác của tôi vẫn nhìn thấy hơi thở vội vã của phóng viên chiến trường, nơi họ bàn luận, rửa phim, gõ bài, tranh luận về trận đánh, chiến dịch, về cách truyền tin…Nhưng đôi giày đinh còn bết bùn hành quân, áo quần còn mùi thuốc súng, tất cả lao vào phòng như muốn giải phóng thông tin với toàn thế giới. Chiến tranh khốc liệt và sa lầy, chả có gì đẹp đẽ như hứa hẹn.

Nhưng không phải thông tin nào họ chia sẻ cũng được ủng hộ từ giới chính trị, họ coi truyền thông là nguyên nhân thất bại của người Mỹ tại chiến tranh Việt Nam, làm cho dân chúng mất niềm tin với chóp bu và hoài nghi “cuộc chiến chống cộng sản”.

Đoàn báo chí ở Washington và New York bị bị kẹt giữa lập trường chính trị của đất nước họ, và những sự kiện họ tìm được ở chiến trường Việt Nam. Tháng 9 năm 1963, tờ Time đã xuất bản một bài viết, gọi các phóng viên Mỹ ở Sài Gòn là những người ủng hộ Phật giáo và kẻ thù của chiến tranh. Cũng trong lúc đó, các phóng viên cũng đang bị đe doạ từ các nhà hoạch định chính sách và các quan chức chính phủ, những người đã đưa ra lời cáo buộc rằng phần lớn sự hiểu biết và quan điểm từ chiến trường Sài Gòn thực tế chỉ là câu chuyện được thêu dệt từ quầy bar Caravelle mà thôi.

Một trong những khía cạnh gây tò mò nhất trong câu chuyện chiến tranh Việt Nam là đoàn báo chí tại chiến trường đã làm tồi tệ thêm tình trạng hỗn loạn mà lẽ ra cần được gỡ rối. Đất nước này hoàn toàn xa lạ với kinh nghiệm của họ… Trong không khí thân mật của quán bar tầng tám khách sạn Caravelle, họ chia sẻ các lý lẽ, thông tin, dữ kiện sai lệch và những lời phàn nàn… Các báo cáo vậy có xu hướng bị biến thể/xuyên tạc”.

Các tranh luận tin rằng những phóng viên này đã tìm kiếm sự chấp nhận từ các đồng nghiệp của họ. Walt W. Rostow của chính quyền Johnson không dành một lời tốt đẹp nào cho giới báo chí Sài Gòn. “Họ viết về nhau và tự thêu dệt các câu chuyện tại quầy bar Caravelle”. Sự chỉ trích đã được lặp lại nhiều lần: Nếu không thích tin tức đó thì hãy giết chết kẻ đưa tin. Không hẳn là phóng viên nào cũng dính đến quầy bar, chỉ một số thôi.

Dù sao đi nữa thì thông tin đã đến, cuộc chiến kết thúc. Caravelle Saigon bây giờ khách nhiều, nhưng trên nhiều bức tường vẫn còn để ảnh các phóng viên chiến trường, nhiều người đã trở lại Caravelle Saigon để tìm thấy hồi niệm tuổi trẻ của mình, giữa sự chọn lựa: chết ở chiến trường và đưa tin.  Họ đã có mặt nơi trận đánh như người lính để chúng ta có được những thước phim chân thực nhất.

Ngôi lại nơi quầy bar cao nhất của khách sạn, nơi các phóng viên hay lên tán gẫu, uống bia, nhìn ra cữa sổ là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Tôi nghĩ, họ đã nguyện cầu Chúa, và Chúa đã che chở cho họ nhiều. Với họ, xông vào khói lửa đưa tin không phải là giải thưởng mà là sự thật cần được viết lên.

Caravelle Saigon chính thức khai trương vào Đêm Giáng sinh năm 1959 trong không khí ngập tràn lễ hội với canape và champagne. Trong suốt thập niên 1960, Caravelle là trụ sở chính của Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán New Zealand và là văn phòng của các kênh truyền hình nổi tiếng như NBC, ABC và CBS tại Sài Gòn. Caravelle được xem là một trong những nơi dạ vũ sang trọng mang đến không gian thư giãn nhất thành phố. Quán bar tầng thượng là trung tâm hoạt động của các đơn vị truyền thông quốc tế.

Theo baophapluat


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: