Quan điểm giáo dục tại nước ta năm 1926 qua một bài báo


Dưới đây là toàn văn bài báo “Một tin mừng cho nền sơ học xứ ta” được đăng trên tờ Trung Bắc Tân Văn, thứ ba ngày 7/9/1926, trong đó có nhận xét về việc giáo dục tại nước ta vào thời điểm đó, cũng như mong muốn và tầm nhìn của người làm giáo dục.

Vì sao TPHCM dừng triển khai chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại?

Bức tâm thư của một người thầy giáo cấp 3: “Kỳ thi đại học đã kết thúc rồi nhưng học tập là chuyện cả đời”

Trong bài diễn thuyết của quan Thống sứ Hobin đọc tại Bắc kỳ nhân dân đại biểu viện ngày 31 mới rồi, ngài có tỏ ý muốn sửa đổi nền sơ học ở xứ ta lại, chương trình sẽ sửa lại không phải chỉ ở mấy lớp dưới ở trong trường sơ học, mà cả nền sơ học cũng đều sửa đổi lại cả. Ngài có nói mục đích sơ học và cao đẳng tiểu học là cốt dạy dỗ cho trẻ con ngày sau có đủ học thức mà đối phó với đời, và ngày sau biết quyến luyến xứ sở và chức nghiệp của mình, chớ không phải là đào tạo một hạng người cứ tưởng mình là giỏi giang xa hẳn khác hẳn đồng bào, vì biết giăm bảy chữ tây, không nhớ cổ tục là gì và không có dây liên lạc với nòi giống nữa.

Cứ theo ý nghĩa, thì cái chương trình dạy ở các trường sơ học ở xứ ta là sai lầm, vì cứ bắt chước các phương pháp như bên Tây, toàn dùng chữ Pháp làm thứ chữ dạy phổ thông.

Quả thật như lời ngài nói, nói về đường tinh thần, thì học chữ Tây bây giờ, cũng như học chữ Nho xưa kia, tất phải theo học cho thật rộng thật sâu, thì mới hiểu được cái nghĩa lý tinh túy, kiến văn mới rộng rãi, tư tưởng mới mở mang, mới biết cách sửa mình, mới hiểu được tâm lý của người, mới có tư cách để giao thiếp với người và ứng phó với đời, thành ra người có học thức, trước là mong có bổ ích cho gia đình, sau là hết cái nghĩa vụ đối với nhân quần xã hội.

Nhưng những người nhờ sự học mà được đạt đức thành tài, thành được con người hữu dụng như thế, thì một trăm người chỉ được độ năm sáu người, còn thì hoặc là vì gia tư không có, không thể theo học được lâu dài, hoặc là vì tư chất không được thông minh, hoặc là khí lực không sung túc, đến nỗi nửa đường mà bỏ rẽ tắt rẽ ngang. Sự học vẫn hãy còn dở dang, thì kiến văn đã lấy gì làm rộng, tư tưởng nhờ đâu mà mở mang.

Những người thiên tính hiền lành, thì vì học vẫn ít, tri thức hẹp, thành ra đần độn nhút nhát, không có bổ ích gì cho đời. Những người tính khí ngông nghênh, cũng vì học vẫn ít mà sinh hư sinh dại, nói năng thì liến xảo, cử động thì khinh cuồng, bỏ cả luân lý, khinh cả lễ giáo, văn hóa mới của Âu châu chưa hấp thụ được, mà nền phong hóa cũ ở Á đông đã phá tan đi, tây chẳng ra tây, ta chẳng ra ta, thật là ngang tai chướng mắt. Hạng người ấy ở xã hội ta bây giờ tưởng cũng đã nhiều, nếu không tìm phương cứu chữa ngay, thì hại để về sau, còn chưa biết đến đâu là cùng cực.

Nói về đường thực nghiệp. Sự dạy dỗ trẻ con, trước là rèn đức lấy phẩm hạnh, mở mang lấy tri thức, tức là học để làm người, như lời của các bậc hiền triết đời xưa thường nói, rồi lại phải học lấy một nghề để làm cách mưu sinh. Hiện nay học trò đỗ bằng sơ học Pháp Việt được tuyển vào trường cao đẳng tiểu học, và các trường khác chỉ được một số nhỏ, những người theo học ở các trường cao đẳng tiểu học có đủ tư cách mà theo đuổi nghiệp học cho thật đến nơi đến chốn, thì phỏng bao nhiêu người. Hạng người ấy đã mất bao nhiêu ngày tháng dùng bao nhiêu công phu, mà lĩnh được cái bằng sơ học tốt nghiệp đến khi nghiệp học không theo được, muốn xoay ra để tìm nghề, khi tuổi đã quá rồi cách mưu sinh rất là khốn khó. Than ôi! Một hạng người dở ông dở thằng, muốn theo học thì không đủ sức, muốn kiếm ăn thì không có nghề, thật là một cái hiểm tượng to cho xã hội Việt Nam sau này đó (số người ấy lại cứ một ngày một thêm mãi ra).

Bây giờ nếu chương trình nền sơ học sửa đổi lại cả, toàn dùng quốc ngữ làm thứ chữ dạy phổ thông, trẻ con học các môn học, đã được nhớ chữ quốc ngữ là tiếng mẹ đẻ mà dễ hiểu dễ thông, lại cái thì giờ học chữ Tây cũng rút bớt đi, thì cái niên hạn học chắc cũng có thể rút ngắn lại được (hiện nay trường sơ học gồm có sáu lớp, trẻ con bắt đầu đi học từ năm bảy tuổi, chỉ có một số rất ít có thông minh hơn người mà công học lại không gián đoạn, thì đến năm mười ba tuổi mới mong có được bằng sơ học Pháp Việt, còn ra thì cứ từ mười bốn, mười lăm tuổi trở lên, nếu dạy toàn bằng chữ quốc ngữ, thì nên hạn học có thể rút lại độ năm năm, mà người đúng niên hạn mà thi đỗ chắc là phần nhiều).

Rồi ra, người ở thành thị cũng như người ở thôn quê, nơi nào cũng sẵn có trường học, cách thức học lại tiện, niên hạn học lại mau; đến khi lĩnh được bằng sơ học, thì tuổi hãy còn trẻ, người có thể theo học được lâu dài, thì thêm vài năm học chữ Tây, cũng không lấy gì làm chậm trễ, còn những người không thể theo đuổi được nghiệp học, thì cũng kịp thì giờ mà xoay làm nghề nọ nghề kia; chẳng hơn những người dở dang bây giờ tuy nói bập bẹ được giăm bảy tiếng Tây, mà trong tay một nghề không có, gây nên một bọn du thủ du thực trước làm hại cho gia đình, sau lại làm lây cho xã hội nữa. Vậy sự sửa đổi nền sơ học sau này, thật có ích lợi cho sự học phổ thông của con trẻ Việt Nam mà hợp với cái lòng ước vọng chung của bao nhiêu người lưu tâm đến việc học.

Theo Trithucvn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: