Kinh tế thị trường, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, là chúng ta sản xuất cái gì, hình thức mẫu mã như thế nào, bán ở đâu, giá cả ra sao là do người tiêu dùng quyết định. Một nền kinh tế như thế đã có mặt ở Sài Gòn hơn 250 năm trước. Lý giải mỹ danh ‘Hòn ngọc Viễn Đông’ của Sài Gòn xưa Nhìn ảnh Sài Gòn xưa mà lòng rưng rưng Cho dù còn rất nhiều điều chưa hài lòng nhưng phải thừa nhận cho đến nay TP.HCM đã có được nền kinh tế thị trường ít méo mó nhất. Phải đối mặt với vô vàn thách thức trong tiến trình phát triển nhưng rốt cục nó vẫn vượt qua để giữ được cái bản chất nhất của thị trường tự do. Ra đời muộn, tăng tốc nhanh Nền kinh tế hàng hóa ở Sài Gòn ra đời khá muộn nhưng rất mau chóng vượt qua được giai đoạn nguyên thủy, lướt qua rào cản của nền kinh tế “tự cung, tự cấp, tự tiêu, tự sản” và hình thành rất nhanh kinh tế hàng hóa vùng, khu vực và rất sớm khẳng định tầm mức quốc tế vượt trội so với các nước láng giềng vào cùng thời điểm. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi nên sớm thúc đẩy sự hình thành hàng hóa ở quy mô lớn. Miền Đông Nam bộ nhiều lâm sản, gỗ quý, vật liệu xây dựng, còn vùng đồng bằng sông Cửu Long nhiều lúa, cá tôm, cây trái, vùng ven biển nhiều hải sản và sản phẩm chế biến từ hải sản như nước mắm, các loại cá khô, mắm… Vậy là phải có sự trao đổi, mua bán từ vùng này đến vùng khác. Nhu cầu mua bán được hỗ trợ đắc lực bởi một hệ thống sông ngòi liên thông chằng chịt khiến việc mua bán thật thuận tiện vô cùng. Từ miền Tây hàng hóa được chở lên Sài Gòn, sau đó theo sông Sài Gòn, sông Đồng Nai người bán hàng có thể đi đến các tỉnh miền Đông như Tây Ninh, Đồng Nai, Sông Bé. Từ Sài Gòn người ta có thể mang hàng hóa bằng đường thủy xuống tất cả tỉnh miền Tây và sang cả Campuchia. Có một thời người Bắc và Trung không coi trọng buôn bán thì ngược lại, người dân Nam bộ lại coi đó là niềm tự hào, bởi vậy mới có câu: Đạo nào vui bằng đạo đi buôn/ Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông. Chợ đầu mối: Trung tâm và điểm xuất phát của kinh tế hàng hóa Trong nền kinh tế hàng hóa thuở sơ khai thì chợ đầu mối đóng vai trò sống còn, bởi vì chúng chính là nơi tập kết hàng hóa lớn nhất sau khi sản xuất và sau đó phân phối đi các vùng, miền khác nhau bằng một hệ thống bán hàng chân rết tới hang cùng ngõ hẻm. Các chợ đầu mối là nơi quyết định việc mua bán lớn giữa các bạn hàng với nhau, là nơi quyết định giá cả, mẫu mã, chất lượng, hình thức của mặt hàng và số phận của loại hàng hóa đó có nên tiếp tục sản xuất nữa hay không. Chợ đầu mối được coi là nơi tập kết hàng gốc và giá gốc cho nên nó thường có giá rẻ nhất (giá bán sỉ) và dường như số lượng hàng hóa là vô tận. Loại chợ này không có ở miền Bắc cho đến tận năm 1990. Những chợ kiểu như thế may mắn đã sớm xuất hiện ở đất Sài Gòn. Ngoài chợ đầu mối bán theo “chuyên ngành”, Sài Gòn còn có những chợ đầu mối tổng hợp, nơi đây bán nhiều thứ hàng. Trong số đó phải kể đến chợ Bình Tây. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã viết: “Kể từ năm 1772, Sài Gòn là một thành phố đúng nghĩa từ nguyên của thành và phố. Riêng việc buôn bán tập trung thóc gạo và các nông sản khác đã thu hút tàu bè tứ xứ. Các phố xá và chợ ngày càng nhiều và đông đúc” (Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh: 300 năm địa chính). Chợ đầu mối có hai loại, một là chợ chuyên chỉ một loại mặt hàng như chợ gạo có Trần Chánh Chiếu, vải có Soái Kình Lâm, trái cây tươi có chợ Cầu Ông Lãnh, muối và rau củ có chợ Cầu Muối, cá có chợ Trần Quốc Toản… Còn một loại chợ đầu mối khác là chợ tổng hợp, nơi đây bán nhiều thứ nhưng cũng là đầu mối, số đó phải kể đến như chợ Bến Thành, Bình Tây, Tân Định, An Đông, Bà Chiểu… Từ khi có ngôi chợ đầu tiên là chợ Điều Khiển cho đến trước năm 1975 thì TP này có 179 chợ lớn nhỏ, trong đó ở nội thành có 145 chợ và ngoại thành có 34 chợ, trong số đó 95 chợ có xây nhà lồng chiếm diện tích 638.500 m2. Thương nhân đông đảo và có thực lực Một yếu tố cực kỳ quan trọng là nền kinh tế thị trường không thể ra đời nếu không có một tầng lớp doanh nhân. Tầng lớp doanh nhân đúng nghĩa ở Việt Nam được bắt đầu hình thành từ chính đất Nam bộ – vùng đất của những con người “ăn lớn, làm lớn” và nó là một tiền đề quan trọng nhất để có được đội ngũ doanh nhân tiềm năng ngày hôm nay. Trong đó phải kể đến hai nhóm người là tác giả của nền kinh tế thị trường Nam bộ là người Hoa và người Việt di cư. Người Hoa khi đến TP Sài Gòn đã mang theo truyền thống kinh doanh từ cố quốc và góp phần tạo ra diện mạo thương mại của TP này, trước hết là ở khu vực Chợ Lớn. Chợ Lớn được ghi trên bản đồ của Le Brun vẽ năm 1795 với cái tên “Cửa hàng bách hóa Trung Hoa” (Bazar Chinois). Ông John White, một du khách đến Chợ Lớn vào năm 1824, đã nhận xét: “Nó là trung tâm thương mại của cái tỉnh phì nhiêu này. Người Hoa nhập cư làm thương mại trên một quy mô rộng lớn”. Có thể nói chính người Hoa là một trong số những tác nhân chính tạo nên chợ đầu mối, chợ chuyên doanh và các dãy phố chuyên doanh mà sau này xuất hiện rất nhiều ở miền Nam. Chính các doanh nhân người Hoa đã hình thành nên nền tảng căn bản của các cách thức làm ăn quan trọng của kinh tế thị trường tự do vào thời kỳ đầu ở TP này. Đó là cách thức giao dịch, kiểm soát và điều tiết thị trường. Họ là những người đầu tiên tạo ra sự phân khúc độc lập giữa sản xuất và phân phối (tiêu thụ sản phẩm), cũng như cơ chế tự điều chỉnh giữa hai khâu này trong chuỗi hoạt động kinh tế. Có một nhóm người chuyên sản xuất và một nhóm khác (không sản xuất) đến lấy hàng mang đi bán sỉ hoặc bán lẻ. Không chỉ gắn kết sản xuất với buôn bán mà họ còn sớm nhận biết các quy luật vận hành của kinh tế thị trường như quy luật cạnh tranh và hợp tác, quy luật tích tụ tập trung và phân tán, cũng như các nghệ thuật, thủ thuật buôn bán như đề cao chữ tín, lời ít bền hơn lời xổi, tận tâm với khách hàng, hậu mãi… Kiểu bán hàng gối đầu còn thịnh hành cho đến ngày nay là từ người Hoa. Đây là một kiểu buôn bán khá đặc biệt bởi ai cũng là con nợ của nhau từ người sản xuất (nợ người đặt hàng), người mua hàng (nợ người sản xuất), người bán lẻ nợ người bán sỉ, người tiêu dùng nợ người bán lẻ (mua chịu hay mua trả góp). Một sự kiện liên quan đến sự phát triển nền kinh tế thị trường của TP thương mại cần nhắc đến là việc di cư của hơn một triệu người từ Bắc vào Nam. Năm 1954, gần một triệu người đến định cư ở Sài Gòn, hàng trăm ngàn người trong số đó lập tức tham gia buôn bán. Họ cùng với người miền Trung đã hình thành nên trung tâm buôn bán lớn thứ hai ở Sài Gòn sau người Hoa ở Chợ Lớn. Nếu người Hoa buôn bán và làm chủ vùng đất Chợ Lớn, bao gồm quận 5, 6, 8, 11 thì người Việt tạo dựng nên một Sài Gòn thương mại sầm uất mà hạt nhân của nó là quận 1 và quận 3. Chính người Việt đã làm thay đổi diện mạo của Sài Gòn từ chỗ hầu như chỉ là trung tâm chính trị, hành chính, ngoại giao, văn hóa, giáo dục từ thời khai thiên lập địa thì nay trở thành trung tâm thương mại có quy mô bề rộng lớn hơn Chợ Lớn. Bắt đầu từ giai đoạn này bức tranh kinh tế của TP đã có màu sắc và bố cục khác với sự có mặt của người Việt trong kinh doanh và họ cùng nhau tạo ra một nền thương mại phát triển mạnh nhất, năng động nhất trong cả nước qua mọi thời kỳ lịch sử. Doanh nhân người Việt tuy sinh sau đẻ muộn nhưng cũng có những đóng góp đáng kể cho kinh tế nước nhà và có những khuôn mặt sáng giá. Trong số đó phải kể đến nhà kinh doanh bất động sản Lê Phát Đạt, các nhà kinh doanh trong ngành in là Đinh Thái Sơn, Nguyễn Văn Viết, Nguyễn Văn Của, nhà kinh doanh chất tẩy rửa Trương Văn Bền, dệt lụa của Lê Phát Vĩnh, xay xát gạo của Lê Văn Tiết, nước nắm Liên Thành nổi tiếng đến tận ngày hôm nay… Tuy nhiên, các nhà doanh nghiệp Việt Nam trong những năm đầu khởi nghiệp của TP còn ít, chưa hình thành nên được một giai tầng xã hội mạnh mẽ. Bằng chứng cho thấy trong niên giám Nam Kỳ năm 1865 có danh sách tất thảy 70 doanh nhân lớn ở đất Nam bộ thì có 65 người Âu và năm người Hoa chứ tuyệt nhiên không có người Việt Nam nào. Có thể có sự kỳ thị hay thiên vị nào đó ở đây trong việc quảng bá nhưng nó cũng phản ánh một thực tế cho thấy người Việt không mặn mà lắm trong việc kinh doanh. Theo nguoidothi