NSND Kim Cương kể về 3 vụ bắt cóc rúng động Sài Gòn


NSND Kim Cương nhớ lại sau khi Toro (tên gọi ở nhà của Trần Trọng Gia Vinh) được về với gia đình, cơ quan công an vẫn nhờ gia đình hợp tác phá án.

Đại úy Võ Tấn Thành - Ảnh tư liệu.

Đại úy Võ Tấn Thành – Ảnh tư liệu.

Mỗi tháng thường 2 – 3 lần, đội trưởng đội SBC Công an TP lúc bấy giờ là ông Hai Thành (đại úy Võ Tấn Thành) đến để đưa Toro “đi chơi”.

Thường những chuyến đi như vậy có hai xe chở đầy đồ chơi, có trang bị máy bộ đàm để tiện liên lạc. Trong lúc “đi chơi”, các trinh sát vừa trò chuyện vừa tìm cách gợi lại trong trí nhớ Toro các chi tiết về người bắt cóc, nơi giam giữ…

Để Toro khỏi nghi ngờ, Kim Cương cho biết chị phải “giao” ông Hai Thành là cha nuôi của Toro.

Phần Kim Cương, những đêm về ôm con, chị cũng giả vờ thủ thỉ để “dụ” Toro kể về những ngày “đi chơi” đó, Toro ở đâu?

Cậu bé hồn nhiên kể đó là một nơi xa, phải đi bằng một chiếc ghe to mới tới. Ở trong nhà có bà nội, có cối xay lúa, có những người múa lân bị lộn xuống sông…

Cậu bé còn trách mẹ: “Ở dưới đó con được ăn cơm trộn với khoai mì, ngon lắm! Sao má không cho con ăn cơm trộn với khoai mì cho ngon?”.

Vụ bắt cóc con trai Nghệ Sĩ Thanh Nga và Bác Sĩ Nguyễn Lã Hỷ

Vụ bắt cóc Toro chưa tìm ra thủ phạm thì gần một năm sau, Sài Gòn lại xảy ra vụ bắt cóc con trai Cúc Cu của nghệ sĩ Thanh Nga, sau đó là vụ bắt cóc con của bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ.

NSND Kim Cương kể lại: “Lúc đó chị Bích – vợ anh Hỷ – ở gần nhà nên hớt hải đến nhờ tôi giúp đỡ vì biết gia đình tôi cũng có con bị bắt cóc trước đó. Tôi bày cho chị cách đàm phán qua điện thoại với bọn bắt cóc.

Chị Bích cũng không báo công an, nhưng tôi là người đứng ra làm trung gian liên lạc giữa gia đình chị và anh Hai Thành!”.

Hôm đem tiền nộp cho bọn bắt cóc, chính đại úy Hai Thành giả dạng làm người đạp xích lô chở bà Bích đi. Khi tới đường Hàn Thuyên, đại úy Hai Thành phát hiện một thanh niên khả nghi đợi sẵn, đằng xa là một thanh niên khác trên xe Honda 67.

Gã thanh niên nhào đến giật lấy giỏ vàng của bà Bích, còn gã chạy Honda 67 cũng lao xe đến nhằm giúp đồng bọn tẩu thoát. Lúc đó Hai Thành và đồng đội nổ súng truy bắt, nhưng chỉ làm tên ngồi sau xe bị thương.

Biết là tên này bị thương nặng, công an yêu cầu tất cả bệnh viện phải thông báo về những ca bị thương tương tự. Hai ngày sau có tin báo từ Bệnh viện Chợ Rẫy, công an ập đến bắt Nguyễn Văn Hóa.

Kẻ chủ mưu là Nguyễn Thanh Tân (36 tuổi, quê Hậu Giang) cũng bị bắt sau đó tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật từ lời khai của đồng bọn.

Trong chuyến xuống nhà em trai Nguyễn Thanh Tân ở Ngăn Rô (Sóc Trăng) đón con bác sĩ Hỷ về, công an có đưa Toro theo.

Sự xác nhận của Toro về nơi từng bị giam giữ khiến Tân và Hóa phải thừa nhận đã bắt cóc con trai nghệ sĩ Kim Cương trước đây. Nhưng về vụ án Thanh Nga thì cả hai lắc đầu không biết.

NSND Kim Cương kể tiếp: “Theo tôi biết thì lúc đó mấy anh công an nghĩ ra cách là hỏi: khẩu súng mà các anh đe dọa cô giáo khi bắt cóc Toro ở đâu? Tân mới khai là vứt xuống sông chỗ cầu Bình Lợi rồi.

Hôm đi mò khẩu súng ở cầu Bình Lợi có tới 12 người, nhưng 2 người bên PCCC bị vướng mìn chết. Sau đó thì từ một lá thư Tân gửi cho vợ có đoạn nhắn nhủ rằng: “Hãy ráng nuôi con! Nhớ đừng cho con chó nhà đến gần cái quạt điện. Nó hay giật dây điện ra lắm!”, bên công an nghi nên xuống nhà Tân lật cái chân quạt điện lên, đúng là có khẩu súng (chó lửa) ở dưới đó. Đo đầu đạn thì họ thấy trùng với đầu đạn đã bắn vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga”.

Ba vụ án bắt cóc nổi tiếng dừng lại đó, thủ phạm Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Thanh Tân bị tuyên án tử hình.

Phần NSND Kim Cương, chị cho biết: “Lúc đó mấy anh bên công an có hỏi ý tôi thế nào. Tôi mới nói vàng thì tôi cũng không đòi lại, còn chuyện phán xét hung thủ ra sao cũng là chuyện của xã hội. Đối với tôi, vụ án đã kết thúc từ lúc con trai tôi trở về nhà rồi”.

Vụ án bắt cóc Toro – con trai nghệ sĩ Kim Cương – là một trong ba vụ án bắt cóc nổi tiếng nhất Sài Gòn sau khi đất nước thống nhất. Gần một năm sau vụ bắt cóc con trai nghệ sĩ Kim Cương, đêm 26-11-1978 Sài Gòn một lần nữa chấn động bởi vụ bắt cóc con trai nghệ sĩ Thanh Nga, mà hậu quả thảm khốc là vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn chết khi đang cố giành lại đứa con nhỏ của mình. Không lâu sau, ngày 6-2-1979 là vụ bắt cóc con của bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ. Thủ phạm ba vụ bắt cóc là một.

Theo Q.Thi / Tuổi Trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: