Siêu thị đầu tiên tại Việt Nam


Năm 1971, anh Hai của tôi đang làm Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Tây Ninh được chuyển về Sài gòn. Là công chức nhà nước, anh được cấp một thẻ giảm giá của Siêu thị Nguyễn Du. Anh nói: “Có tiền vào đây mà tha hồ sắm Tết, giá rẻ hơn ngoài chợ !”. Má tôi mừng vì được mua hàng giảm giá Siêu thị là mơ ước của má, vì có thêm nguồn hàng giá rẻ để bán trong sạp của má ở chợ Ga. Lần đầu tiên, nghe từ “siêu thị’, thằng bé lên mười là tôi cảm thấy tò mò và thích thú chẳng khác nào lần đầu đọc truyện …siêu nhân.


Siêu thị Nguyễn Du, khu Siêu thị lần đầu tiên có ở Sài Gòn, và có thể nói là toàn cõi Việt Nam, mang đến cho nhiều gia đình công tư chức và cả quân nhân ở Sài Gòn những tiện lợi trong chuyện mua sắm mà trước đó không hề có. Với nhà tôi, đó là những hộp sữa đặc rẻ hơn nhiều so với ngoài chợ, là chai rượu Martel cho Ba nhâm nhi, là chai rượu chát hiệu Capri của Bồ Đào Nha bằng chai thủy tinh 5 lít bọc vỏ tre đan chung quanh, thơm nồng và ngọt ngào trong ngày Tết cho cả nhà. Một dịp sát Tết, tôi được đến siêu thị với anh, thấy nó giống một cửa hàng cực lớn, máy lạnh mát rượi và đầy những thứ món lạ lẫm. Qua cái cửa quay, tôi thấy khách mua hàng toàn những người lớn ăn bận lịch sự, nam với áo chemise bỏ vào quần, những người lính và nhiều phụ nữ bận áo dài. Đầu tháng Chạp, không khí mua bán ở đó rất sôi động. Do xe đẩy không có nhiều như bây giờ, khách mua hàng toát mồ hôi sắp hàng tính tiền dù trong không gian mát mẻ, tay lủ khủ hàng hóa trong những cái túi lưới.

sieu-thi-dau-tien-o-sai-gon

Các bà các cô là công tư chức với trang phục áo dài đến mua sắm tại Siêu thị Nguyễn Du sau giờ làm việc

Bố trí bên trong siêu thị không khác siêu thị ngày nay.

Bố trí bên trong siêu thị không khác siêu thị ngày nay.

Siêu thị Nguyễn Du được thiết lập ở góc đường Nguyễn Du và Chu Mạnh Trinh, Sài Gòn do Tổng cuộc Tiếp tế thành lập. Không có nhiều tài liệu có thể tìm được nói về siêu thị này ngoài tờ báo Thế giới Tự do tôi có trên tay. Theo đó, năm 1966, ông Trần Đỗ Cung, được chính quyền Sài gòn giao nhiệm vụ đứng ra thành lập Tổng cuộc Tiếp tế để quân bình thị trường. Ngoài việc cấp bách như giải quyết những việc cần thiết cho đời sống người dân như nhập xe gắn máy, điều hòa việc phân phối thịt heo, gạo, ông dự tính thiết lập tại Việt Nam các trung tâm bán lẻ để phục vụ đại chúng, nhất là những người có đồng lương ổn định như công tư chức và quân nhân thời đó.
Đầu tháng 2 năm 1967, một phái đoàn thuộc Tổng cuộc đã đến thăm chợ Mỹ (Commissary) ở đường Hùng Vương, Chợ Lớn để quan sát hoạt động cùng cách tổ chức của cơ sở này. Sau đó một tuần, ông Trần Đỗ Cung cùng một chuyên viên tài chính đã lên đường đi Philippines theo lời mời của Tập đòan Siêu thị Makati ở thủ đô Manila để nghiên cứu về quản lý, kiểm sóat, tổ chức và sản xuất thực phẩm. Họ còn tiếp tục đến Hongkong, Singapore để tham quan các Siêu thị ở đó. Sau đó là tổ chức đào tạo về cách vận hành siêu thị cho nhân viên.
Song song đó, Tổng cục tiếp tế đã tổ chức một khu chợ Tết vào tháng 1 năm 1967 vừa để phục vụ việc mua sắm Tết vừa tổ chức buôn bán theo hình thức mới để huấn luyện nhân viên của mình. Chợ Tết được thiết lập tại số 33 Nguyễn Du, cùng lúc đó khu nhà tôn số 12 Chu Mạnh Trinh được phá ra để xây cất siêu thị. Hàng hóa được dồn về bán tại khu nhà số 33 Nguyễn Du và ở đó, để khách hàng quen dần với cách mua bán sẽ áp dụng ở Siêu thị đầu tiên của Việt Nam này, đó là cách “tự dụng”, hiện nay gọi là tự chọn. Khách đến mua hàng tại khu chợ sẽ tự do chọn hàng không cần phải nhờ đến tay người bán lấy giúp. Tuy nhiên vẫn có các cô bán hàng đứng sẵn ở các quầy để hướng dẫn mua hàng theo phương cách mới.

sieu-thi-dau-tien-o-sai-gon 5

Quầy rau quả

Quầy rau quả

Theo hồi ký của ông Trần Đỗ Cung, một Kiến trúc sư người Đức tên là Meier đã được thuê vẽ họa đồ xây cất Siêu thị, phối hợp với công ty NCR về trang bị thiết bị bên trong. Ngày 16 tháng 10 năm 1967, Siêu thị đầu tiên ở Việt Nam đã chính thức ra đời, mở đầu một kỷ nguyên mới cho ngành bán lẻ. Từ cửa vào, khách đi tay không vô siêu thị bằng một cửa quay, tự lấy một giỏ xách hay xe đẩy và đi lựa chọn hàng đã ghi sẵn giá trên kệ. Chọn xong, họ đi tính tiền ở các quầy thu ngân có máy tính tự động. Siêu thị này có 6 quầy thu ngân ở cửa ra, trong đó có một “quầy hỏa tốc” dành cho những người mua ít hàng. Còn có một lối ra cho người không mua hàng. Cách thức không khác gì Siêu thị ngày nay, nhưng khi nó được áp dụng cách nay gần 50 năm thì là một sự ngạc nhiên và kỳ thú lớn đối với khách mua hàng Sài Gòn.

Nghệ sĩ Kiều Chinh đến mua sắm tại Siêu thị Nguyễn Du

Nghệ sĩ Kiều Chinh đến mua sắm tại Siêu thị Nguyễn Du

Trong Hồi ký xuất bản tại Mỹ năm 2011, Ông Trần Đỗ Cung kể về không khí lúc đó: “Siêu thị đã hoàn tất trên đường Nguyễn Du, có bãi đậu xe rộng rãi. Ngày khai trương cả đoàn xe Honda, Mobylette và Vespa rầm rập kéo đến chở vợ con hí hửng bước vào ngôi chợ tối tân mới mở cửa, phục dịch khách mua hàng một cách niềm nở va lịch sự.”
Sau khi khai trương hơn một tháng, Siêu thị đã tổ chức một sự kiện đánh dấu sự thành công của mình. Khi người khách thứ 100 ngàn đến đây và đặt tay vào cửa quay, loa phóng thanh đã phát to: “Hoan nghênh công dân siêu thị thứ 100 ngàn…”. Vị khách ấy, anh Lê Văn Sâm được bà Dương Kim Xuyến, phụ trách giao tế (nay là phụ trách quan hệ khách hàng) choàng băng kỷ niệm và được quản đốc Thái Văn Huyên trao tặng giải thưởng trị giá 10 ngàn đồng. Chỉ hơn một tháng tính từ ngày khai trương, Siêu thị Nguyễn Du lần đầu tiên có ở Việt Nam đã thu hút khách hàng rất mạnh mẽ.

Anh Lê Văn Sâm, vị khách thứ 100 ngàn của Siêu thị Nguyễn Du nhận quà tặng của Ban giám đốc siêu thị

Anh Lê Văn Sâm, vị khách thứ 100 ngàn của Siêu thị Nguyễn Du nhận quà tặng của Ban giám đốc siêu thị

Siêu thị Nguyễn Du nằm trên diện tích 30 ngàn mét vuông, nguyên là tư dinh của ông Lê Văn Tỵ, một tướng quân đội VNCH đã mất. Lúc đó, nơi đây là một khu phố vắng vẻ không phù hợp cho việc buôn bán lắm nhưng khi Siêu thị được lập ra, số khách hàng lui tới được đánh giá là “ngoài mức tưởng tượng”. Trung bình mỗi ngày có khoảng 2.500 người đến mua sắm và doanh thu mỗi ngày tối đa là 1,5 triệu đồng thời đó. Trong số 3 ngàn mét vuông, có 800 mét vuông là khu vực bán hàng, 1.000 mét vuông cho khu đậu xe. Về các kho châm hàng có: kho thường 500 mét khối, kho đông lạnh 200 mét khối nhiệt độ -20 độ C, kho lạnh 200 mét khối với 0 độ C. Về các kho dự trữ có: kho thường 10.000 mét khối, kho dự trữ đông lạnh 4.000 mét khối. Thiết kế quầy bên trong bao gồm: các quầy thường dài 150 mét, diện tích 300 mét vuông. Có 6 máy thu ngân NCR có bàn lăn tự động. Các quầy khác là: quầy thịt tươi, quầy thực phẩm đông lạnh, quầy rau trái cây, tủ lạnh đựng các sản phẩm từ sữa. Toàn siêu thị gắn máy điều hòa không khí và có hệ thống truyền hình hữu tuyến để kiểm soát. Ngoài ra còn trang bị máy phát điện 105 Kw.

sieu-thi-dau-tien-o-sai-gon 7

Khu xẻ thịt đóng gói theo loại

Khu xẻ thịt đóng gói theo loại

Trước khi Siêu thị được thành lập, trong giới doanh thương Sài Gòn, tuy rất nhanh nhạy với cái mới đã có nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm “không tưởng”. Tuy nhiên, Tổng cuộc Tiếp tế với ý định sẽ thiết lập các chuỗi dây chuyền Siêu thị tư nhân đã không chùn bước. Sau khi Siêu thị này hình thành ít lâu, họ nhận được nhiều thư tán thưởng và nhiều tư nhân tấp nập gửi đơn đến Tổng cuộc đề nghị cộng tác thiết lập Siêu thị tư nhân dưới hình thức này hay hình thức khác. Đến tháng 12, đã có hai Siêu thị tư nhân cỡ nhỏ là An Đông và Đoàn Thị Điểm đã mở ra. Siêu thị thứ 3 ở Biên Hòa được trang bị để mở vào Tết Mậu Thân năm 1968.

Một siêu thị mini xuất hiện sau siêu thị Nguyễn Du, khoảng đầu thập niên 1970, giống hình thức cửa hàng tiện lợi ngày nay

Một siêu thị mini xuất hiện sau siêu thị Nguyễn Du, khoảng đầu thập niên 1970, giống hình thức cửa hàng tiện lợi ngày nay

Sau khi siêu thị Nguyễn Du được thành lập không lâu, ông Cung được SMI (Viện Siêu thị – Super marketing Institute) mời qua Bangkok gặp các nhà buôn Thái để trình bày những kinh nghiệm khi hình thành Siêu thị đầu tiên này với những khó khăn, những nhược điểm và phản ứng của khách hàng…Ông kể: “Lúc đó, thương gia Thái vẫn buôn bán theo lối cổ truyền với những địa điểm nhỏ theo lối gia đình của người Tàu. Tôi thấy hãnh diện có dịp chia sẻ kinh nghiệm với người Thái và những khó khăn mà tôi đã khắc phục…”(Hồi ký).

Thẻ Hội viên Siêu thị của bà Nguyễn Thị Nam, một giáo chức ở Gia Định. Ảnh là tư liệu gia dình bà Nguyễn Thị Nam

Thẻ Hội viên Siêu thị của bà Nguyễn Thị Nam, một giáo chức ở Gia Định. Ảnh là tư liệu gia dình bà Nguyễn Thị Nam

Như vậy, dù đang trong hòan cảnh chiến tranh, Sài Gòn đã đi trước Bangkok, một thành phố lớn sống trong hoà bình về việc buôn bán lẻ qua hệ thống Siêu thị.
Để tiếp tục phát triển phương cách buôn bán này, ông Trần Đỗ Cung đã thành lập Trung tâm phát triển Siêu thị tại Việt Nam, có tính chất tư nhân ở Việt Nam và đồng thời ông được giao làm Chủ tịch Trung tâm phát triển Siêu thị Việt Nam. Trung tâm có nhiệm vụ là khuyến khích, phát triển hệ thống siêu thị và nghiên cứu những vấn đề liên quan đến tài sản và việc khai thác của siêu thị, ủng hộ các hoạt động liên quan đến việc phát triển hệ thống siêu thị trong VNCH.
Siêu thị này và những siêu thị nhỏ khác ở Sài Gòn và các vùng lân cận hoạt động đến 1975 thì chấm dứt. Sau đó, là khỏang thời gian vắng bóng Siêu thị cho đến gần 20 năm sau mới xuất hiện trở lại (khoảng 1993). Đến nay nhiều người vẫn cho rằng, Siêu thị ở Việt Nam bắt đầu quá muộn, mà không biết nó đã hình thành từ gần nửa thế kỷ nay và đã được tổ chức hoạt động rất tốt không khác gì các siêu thị bây giờ.

THEO PHẠM CÔNG LUẬN
(Trích sách SÀI GÒN CHUYỆN ĐỜI CỦA PHỐ TẬP 2)


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: