Nhắc đến nghề xe ôm, ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh những người đàn ông lớn tuổi ngồi ở góc đường chờ khách. Thế nhưng hiện nay, nhiều bạn sinh viên cũng có thể kiếm được bạc triệu nhờ nhận chạy những cuốc xe ôm qua ứng dụng GrabBike. Xe ôm thời công nghệ Ngoài giờ học, hầu hết sinh viên đều làm thêm với những nghề như gia sư, phục vụ quán cà phê, tiếp thị… Thế nhưng do những nghề này phải làm theo giờ cố định, có khi tối muộn mới có thể về đến nhà khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp lịch học. Vậy nên hiện nay, sinh viên tại Sài Gòn bắt đầu rộ lên phong trào chạy xe ôm thông qua ứng dụng GrabBike để có thể kiếm bạc triệu mỗi tháng, mà thời gian linh hoạt, tiện lợi hơn. Đây là dịch vụ gọi xe ôm trên ứng dụng điện thoại smartphone vừa được GrabTaxi triển khai được vài tháng qua. Giá cước xe ôm gọi qua ứng dụng GrabBike này là 9.000 đồng cho 3km đầu tiên, từ km thứ 4 là 3.000 đồng/km. Tương tự những ứng dụng đặt taxi khác đang vận hành ở Việt Nam như Uber, Easy…, hành khách sẽ biết được thông tin tài xế xe ôm (tên, hình ảnh nhận diện, biển số xe, số điện thoại) trước khi lên xe. GrabTaxi Việt Nam cho biết muốn trở thành tài xế xe ôm GrabBike, các ứng viên cần có xe máy, smartphone Android tích hợp 3G và GPS (tính năng định vị). Ngoài ra, ứng viên còn phải chuẩn bị các loại giấy tờ tùy thân như CMND, bản sao hộ khẩu có công chứng, bản sao bằng lái xe/giấy đăng ký xe máy. Bên cạnh đó, công ty sẽ hỗ trợ thêm nón bảo hiểm, áo mưa, áo đồng phục và dịch vụ 3G tháng đầu tiên “hành nghề”. Đa số những sinh viên làm nghề xe ôm thông qua ứng dụng này rất thích thú, vì khi đi học, hay về nhà các bạn dễ dàng có thêm bạn đồng hành, từ đó tiết kiệm được tiền xăng. Tuy nhiên, nếu làm nghiêm túc, sẽ kiếm được vài triệu mỗi tháng. Bạn Phan Lưu Nhật Quang (SN 1995, SV năm 3 ĐH Công nghiệp) chia sẻ: “Sau khi kết thúc vài học phần trên lớp, mình có một khoảng thời gian rảnh rỗi nên lên mạng tìm việc. Lúc gặp công ty tuyển xe ôm thông qua ứng dụng, mình thấy lạ nên làm thử. Công việc chỉ đòi hỏi tài xế có xe và điện thoại thông minh, còn thời gian được chủ động nên tiện cho mình khi vừa học, vừa làm”. Quang cho biết lái xe ôm của GrabBike giúp bạn chủ động nhận được khách một cách chủ động, dễ dàng. Theo Quang, cái khó để làm tài xế là phải thông thuộc nhiều đường đi tại Sài Gòn, sao cho quãng đường nhận, trả khách là gần nhất sẽ tiết kiệm được tiền xăng xe. Bạn vui vẻ cho biết nghề này giống như mình cho người ta đi nhờ xe rồi chia tiền xăng, vì trên đường đến trường, đi về nhà, hay đi chơi cũng dễ dàng bắt khách. Thế nên mỗi ngày bạn chở được khoảng 7 khách, thu nhập hơn 100.000 đồng. Quang nhớ có lần bạn chở một khách nước ngoài từ đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) đến đường Lê Văn Sỹ (quận 3), do lúc đó là giờ cao điểm, đường khá đông nên bạn quyết định chọn đường vòng. Vị khách Tây có vẻ lo lắng không hiểu sao tài xế của mình cứ chạy vòng quanh. Khi đến nơi, nghe bạn giải thích, vị khách này mỉm cười: “Cảm ơn bạn nhiều lắm, đây cũng là chuyến xe dài nhất từ khi tôi đến Việt Nam”. Hay một lần chở khách lớn tuổi, Quang không biết đường thì được bác này chỉ luôn cho những con đường tắt, để lần sau tiết kiệm xăng hơn. Nhờ chạy xe ôm, Quang làm quen được khá nhiều người, từ đó dạn dĩ hẳn ra. Bằng ứng dụng này, khách có thể an tâm khi biết được thông tin khách hàng, có giá hiển thị trên điện thoại. Các tài xế chẳng những không bị quỵt tiền mà còn được “bo”. Thu nhập cả chục triệu/tháng Còn đối với Nhâm Nhã Tiên (SN 1995, SV năm 4 Trường ĐH Mở) thì sau vài lần gọi xe ôm bằng ứng dụng, thấy hay và rẻ nên bạn xin luôn vào làm tài xế. Chạy xe ôm với Tiên ngoài việc kiếm thêm thu nhập, bạn còn có những trải nghiệm thú vị. Ngay ngày đầu tiên chạy xe ôm, sau khi có tín hiệu nhận được khách, Tiên gọi điện thoại thông báo và đến rước. Đến địa điểm trên Tiên gặp một người bạn của mình đứng đó thì hỏi: “Mày đứng đây làm gì vậy?”, người bạn ấy trả lời: “Tao chờ mày”. Tiên cho rằng con gái làm nghề này có chút bất tiện nhưng cũng có những lợi thế riêng, nhất là khoản… tám chuyện, nhờ vậy bạn có khá nhiều “mối”. Bạn còn có cả một danh sách để xử lý tình huống, hoặc từ chối khéo những khách mà bạn cảm thấy “có vấn đề”. Tiên vui vẻ: “Đừng nghĩ chỉ có con trai mới có thể chạy xe ôm, con gái chạy cũng ổn mà, có ngày mình chạy đến 16 cuốc xe, mà hầu hết đều được tặng tiền thừa. Những khách hàng sử dụng xe ôm qua dịch vụ đa phần lịch sự, và tôn trọng phái yếu. Nhưng nếu mình có linh cảm không hay về khách mình cũng có thể từ chối khéo, hoặc điện thoại về công ty nhờ giúp đỡ. Thu nhập từ việc chạy xe ôm khá ổn, mà chủ động được thời gian, nên mình chọn luôn nghề này vừa trải nghiệm, vừa có tiền”. Với Tiên, điều thú vị từ việc chạy xe ôm là bạn có thể bắt được những vị khách rất tình cờ như: bạn bè, người quen,… nhưng điều làm bạn xúc động nhất là họ tin tưởng mình, nhiều khách đi xe của Tiên như “mối ruột”. Anh Linh (SN 1991, bị khiếm thị) là khách “có duyên” nhất với Tiên, vì đặt xe, nhận khách bất kỳ qua điện thoại. Nhưng Tiên đã chở anh gần 10 lần. Một việc làm Tiên cảm động đó là lần Tiên nhận cuốc xe mà không thấy hiển thị thông tin khách hàng, số điện thoại cũng không có. Nhưng vì đã lỡ nhận, nên Tiên vẫn chạy đến chỗ hẹn. Đến nơi đợi lâu không thấy ai, lại không thể liên lạc, Tiên bèn gọi về công ty xin giúp đỡ. Khi được hướng dẫn đến vị trí chính xác của khách, Tiên bất ngờ khi thấy khách hàng của mình là một nam sinh học cấp 3, bị khiếm thị nên anh ta không biết Tiên đến để gọi, Tiên mỉm cười: “May mà hôm đó anh ấy không trễ học, có thể mình và anh ấy có duyên, nên dù bắt khách qua điện thoại, vẫn nhận được lịch đặt của anh ấy gần mười lần. Mình xúc động khi nghe anh ấy nói, anh ấy tin vào tay lái của mình”. Tiên chỉ mới chạy xe ôm không lâu nhưng đã được nhiều trải nghiệm, xen lẫn xúc động. Nhất là khi khách tin tưởng ngồi phía sau xe mình. Làm tài xế cho GrabBike, nếu chạy được trên 7 lượt một ngày bất kể đoạn đường dài hay ngắn, thì tiền bỏ túi của các tài xế mặc sức “rủng rỉnh”. Nếu ít hơn con số đó, công ty sẽ thu 20% trên tổng số tiền chạy được trong ngày. Nhưng hầu hết sinh viên chọn nghề này vì theo họ ngoài việc có thêm nguồn thu nhập, khi chở một người, lại được thêm một mối quan hệ. Mỗi khách là một tính cách, một kinh nghiệm, câu chuyện lý thú, sự đồng cảm và tin tưởng… khi vừa học, vừa làm ở Sài Gòn không còn là quá khá. Anh Nguyễn Trọng Đan (Đại diện GrabTaxi Việt Nam) cho biết, Việt Nam là một nước sử dụng phương tiện xe máy rất nhiều, thay vì mỗi người đi một xe, thì thông qua ứng dụng GrabBike, họ có thể chở người đi cùng đường về chung, vừa tiết kiệm chi phí, mà khói bụi từ phương tiện cũng được hạn chế. Tùy theo cấp bậc tài xế mà mức ưu đãi của họ cũng sẽ khác nhau, thông thường sẽ có hai loại chuyên và không chuyên. Trung bình một ngày, tài xế nào chạy trên 7 cuốc xe trở lên được xét vào dạng chuyên nghiệp, dưới con số này là những người chở khách theo hình thức… tiện đường cho “quá giang” với giá rẻ. Anh Đan chia sẻ: “Trung bình tài xế chạy GrabBike có thể kiếm từ 5 đến 7 triệu một tháng, tài xế chuyên thu nhập trên 10 triệu đồng, chạy giỏi hơn còn có những khoản thưởng nóng, tri ân tài xế,… Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho các tài xế, chúng tôi sẽ cùng đồng hành, hỗ trợ ngay khi họ gặp sự cố. Đây là một hình thức mà những cá nhân ở mọi ngành nghề đều có thể làm, vì họ tự mình linh động thời gian, nhất là các bạn sinh viên”. Theo Phạm An / Trí Thức Trẻ