Những ông thợ già nhất cũng không biết cái nghề sửa khóa tại TP.HCM được hình thành từ khi nào, chỉ biết nghề này được ông bà xưa truyền lại. Không như nghề thợ may, thợ bạc, thợ dệt, hát cải lương… đều có ông tổ nghề, có ngày giỗ cùng các nghi thức cúng bái long trọng, riêng nghề sửa khóa, mỗi buổi sáng được người làm nghề cúng bằng một ly cà phê, một điếu thuốc lá để cầu một ngày làm ăn suôn sẻ. Video: Làng nghề đan lát hơn 100 tuổi ở Sài Gòn Làng nghề mành trúc xuất khẩu tồn tại hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn Sài Gòn và nghề sửa khóa, làm chìa Có lẽ TP.HCM là nơi tập trung nhiều thợ khóa có tay nghề cao vì đây là nơi tập trung đông dân cư từ khắp mọi miền đất nước đến ở. Để đáp ứng điều này người thợ khóa cũng phải liên tục học hỏi, trau dồi tay nghề, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thì mới mong bám trụ được với nghề. Tại TP.HCM một đoạn đường Phùng Hưng thuộc địa bàn quận 5 tập trung rất nhiều thợ làm khóa và được người dân đặt cho cái tên là “Phố làm chìa khóa”. Nói vậy nhưng không phải ai cũng biết, mặc dù con đường làm chìa khóa này đã tồn tại hơn 50 năm. Theo một số “cao thủ” có thâm niên trong nghề thì thợ khóa nơi đây có thể mở tất cả các loại khóa mới nhất trên thị trường. “Ở đây, thợ khóa người Việt và người Hoa có đủ. Có người mới vào nghề được 5 năm, nhưng cũng có người hành nghề sửa khóa đã hơn 40 năm” – ông Tâm Ký (75 tuổi, ngụ Q.5) cho biết. Thời gian trước đây, thợ khóa phân bố rải rác khắp con đường Phùng Hưng. Người có nhu cầu làm chìa khóa, sửa ổ khóa đến đây khỏi mất thời gian tìm kiếm mà chỉ cần hỏi giá rồi chọn chỗ ưng ý. Hiện khu phố làm chìa khóa, sửa ổ khóa có khoảng 10 “thùng” đồ nghề cũng là gian hàng của thợ làm nghề. Nhiều lứa thợ giỏi hiện đang làm nghề tại nhiều nơi khác đều được đào tạo tại “lò” này . “Hiện tại, thợ làm khóa không còn phân bố rải rác nữa mà được phường tập trung hết về đây – đoạn đường Phùng Hưng tiếp giáp với đường Trần Hưng Đạo, Q.5 tạo thành một khu mà nhiều người gọi là “Phố làm chìa khóa”” – anh Lưu Kim Hùng (26 tuổi, ngụ Q.5) cho biết. Nói là “Phố làm chìa khóa” thì chắc ai cũng nghĩ sẽ có những cửa hiệu, bảng hiệu “hoành tráng” nhưng không, thợ khóa nơi đây chỉ có một xe đẩy, một thùng đồ nghề, một chiếc máy tiện. Ngoài dòng chữ quảng cáo “có máy cắt chìa khóa”, phía trước được che chắn bằng những cây dù tạm bợ, san sát bên đường luôn có 1-2 người túc trực vẫy khách, chào mời: “Cắt chìa không anh/chị?”. Cắt chìa, tức là “đánh” chìa khóa mới, thay cho cái chìa cũ đã bị mất, hoặc làm thêm chìa mới để “sơ cua”, phòng khi mất chìa. Anh Lưu Kim Khuê (31 tuổi, ngụ Q.5) chia sẻ: “Làm nghề này không tốn tiền thuê mặt bằng, chỉ cần có thùng đồ nghề là mở được “tiệm”. Hàng tháng nộp ít tiền thuế cho phường, điện thì câu từ nhà dân ở đối diện. Nhiều tiệm gần nhau, tuy cạnh tranh cao nhưng dễ làm ăn hơn”. Những mẫu chìa khóa thô. Anh Lưu Kim Hùng (26 tuổi) chủ hiệu khóa Hùng Ký đã 3 năm làm nghề. “Không phải nghề của kẻ tham!” Nghề khóa tuy rất nhẹ nhàng, phù hợp với mọi lứa tuổi nhưng không phải ai làm cũng được và giỏi nghề. Muốn vào nghề trước hết người thợ phải có tính nhẫn nại, có một tí tò mò và ham học hỏi. Đặc biệt, người làm nghề lương tâm phải trong sạch, không có tính gian tham. Hiện nay, thợ khóa tại đây đa số là thợ trẻ rất năng động và hăng hái, nhưng kinh nghiệm lại thiếu. Kinh nghiệm ở đây không phải trình độ mà là kinh nghiệm trong việc nhận biết đâu là khách hàng thật và đâu là khách hàng gian. Ông Tâm Ký cho biết: “Một số kẻ gian hay nhập vai khách hàng để thuê thợ khóa đến nhà mở cửa để ăn trộm. Kể cả tôi, thời còn trẻ cũng vài lần bị công an mời lên “làm việc”. Muốn làm một thợ khóa chân chính người thợ phải biết cảnh giác từ chối những phi vụ mờ ám, mặc dù số thù lao được đề nghị hấp đẫn”. Nhận học trò là điều tối kỵ của nghề này, bởi họ đâu biết những học trò này là ai? Phẩm chất con người họ ra sao? Nên hầu như họ chỉ truyền nghề cho người thân trong gia đình. Mà nếu có nhận học trò bên ngoài thì người học trò đó cũng “trầy vi tróc vảy” mới được truyền nghề. Để làm được một chiếc chìa khóa đúng mẫu người thợ phải hết sức tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ. Người thợ đang mở ổ khóa cho khách hàng. “Có hai chàng trai đến bái sư học nghề của một ông thợ khóa nhưng ngặt nỗi ông chỉ nhận một người. Thế là ông thầy dắt hai chàng vào nhà của khách xem ông mở khóa két sắt. Sau một lúc quan sát, ông hỏi hai chàng trai “Trong két có gì vậy?”. Anh thứ nhất: “Dạ, không biết ạ!” và anh thứ hai nhanh nhảu đáp: “Xời, chẳng có gì ngoài đống giấy tờ”. Vậy là ông chọn anh thứ nhất, vì nhận thấy anh này chỉ chú ý đến công việc chính mà mắt không láo liêng quan sát thứ khác” – một mẩu chuyện mà ông Tâm Ký kể cho người viết bài này nghe để hiểu thêm về nghề thợ khóa. Nghề nào cũng vậy, cũng phải tuân theo quy luật đào thải “Tre già thì măng mọc”. Lớp thợ khóa sau này nổi lên rất nhiều thợ giỏi vì được đào tạo bài bản, chứ không đào tạo theo lối truyền nghề, kiến thức không đồng đều, đồ nghề thợ khóa cũng phải tự tạo trước khi “nhập môn” và khởi nghiệp. Ông Tâm Ký ví von: “Khi nào con người mất đi lòng tham thì nghề làm khóa mới suy tàn. Bởi lẽ, tôi tham, anh tham, nó tham, tất cả chúng ta đều tham thì thế giới này vẫn phải xài khóa, còn xài khóa thì chúng tôi vẫn có thể ung dung kiếm sống bằng nghề này”. Đó là cái nghề không mấy vẻ vang nhưng lại giúp được mọi người chống lại lòng tham bằng cái ổ khóa bảo vệ được trộm cắp và giúp mọi người giải quyết sự rắc rối khi bị mất cái chìa để mở ổ khóa. Tại TP.HCM về phía Chợ Lớn có hẳn một đoạn đường tập trung nhiều thợ làm khóa. Theo nguoitieudung