Công việc mót sắt ở đô thị Sài Gòn được coi là mệt nhọc không kém phu mỏ. Không đơn thuần là nhặt, gom, họ phải dùng nhiều dụng cụ, máy móc. Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, hiện vẫn tiếp tục giải toả và tiến hành thi công. Giữa đại công trình, nhiều căn nhà đã được tháo dỡ, do đó, các loại máy móc đào đất, xe ben liên tục đổ đất và để lại những mẩu sắt thép vụn, cũ. Từ đây xuất hiện nhiều người làm nghề mót sắt hàng ngày. Họ tập trung tới từ các tỉnh miền Tây, Bình Dương và cả TP HCM, mang theo đến khu đô thị Sài Gòn này rất nhiều đồ nghề như máy dò kim loại, búa, thuổng, cuốc, cưa… Để tìm thấy sắt, dụng cụ không thể thiếu là máy dò kim loại. Khi những ngôi nhà, công trình bị tháo dỡ, xe ben đổ đất, xà bần vào công trình, những người mót sắt sẽ dùng máy để rà khắp khu vực tìm kiếm. Họ đập tan những cột, mảng bê tông có lõi sắt bên trong. Công việc của họ không khác gì như người đập đá, phu mỏ. Nhiều mảng bê tông, dầm nhà dài lớn nằm sâu dưới đất. Người mót sắt phải đào, đập và cưa thành từng khúc nhỏ rồi đem lên mặt đất. Một tay cầm máy dò, một tay dùng cuốc đào những mảnh sắt vụn nằm nông trên mặt đất khi máy báo tín hiệu có kim loại. Khi máy dò phát tín hiệu mạnh, tức là phía dưới có mẫu sắt lớn. Họ phải mất hàng giờ để đào những hố lớn, sâu có khi đến 2 m. Việc một mình đem những tấm sắt nặng vài chục kg lên khỏi mặt đất không hề đơn giản Sau khoảng hơn 1 giờ đào hố bên mé sông Sài Gòn (thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm), ông Nguyễn Văn Lính (60 tuổi, ngụ phường An Khánh, quận 2) thu lượm được một quả đạn pháo nặng hàng chục ký. Người thợ tóc muối tiêu cho biết, trước đây ông làm nghề lặn tìm kim loại dưới sông Sài Gòn. Hơn 4 năm trước, khi khu vực Thủ Thiêm bắt đầu giải toả, ông chuyển lên tìm kim loại trên bờ từ những căn nhà tháo dỡ, bến tàu cũ. Ngoài những mẫu kim loại thường thấy, những người mót sắt còn tìm thấy nhiều bộ phận vũ khí nằm sâu dưới lòng đất. Trong ảnh: Một băng đạn súng M16 vỏ bị tét, gỉ nhưng đạn vẫn còn nguyên băng được người mót sắt tìm thấy bên bờ sông thuộc phường Thủ Thiêm, quận 2. Giữa nắng gắt đầu giờ chiều, sau hơn 1 giờ đồng hồ đào hố sâu gần 1 m, dài hơn 3 m, ông Đinh Xuân Hải (48 tuổi, ngụ huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) mới đưa được tấm vỉ sắt loại có lỗ tròn dùng lót đường dài khoảng 3 m, bị tét, gỉ dính đầy bùn lên mặt đất. Những mảnh sắt, dây cáp cũ, gỉ nặng từ hàng trăm kg hoặc chỉ nhỏ bằng ngón tay đều được thu lượm và đem bán. Mỗi kg sắt cũ bị gỉ chỉ có giá 4.000 đồng. “Trung bình mỗi ngày, một người kiếm được 200.000-300.000 đồng, ngày trúng mánh có thể được cả triệu đồng. Song, không ít ngày họ chỉ kiếm được vài chục nghìn”, ông Lính, cho biết. Người đàn ông trong ảnh tên Hải. Hàng ngày, từ sáng sớm ông lỉnh kỉnh đồ đạc, dụng cụ chạy xe máy khoảng 40 km tới khu vực Thủ Thiêm để làm việc. Sau một ngày đào bới, ông đem bán ở những vựa ve chai quanh khu vực và trở về nhà ở Bình Dương. “Gần 20 năm gắn bó với nghề cực nhọc này. Những mảnh kim loại sắc nhọn, gỉ sét rất nhiều lần cứa vào tay, chân ứa máu, dễ gây nhiễm trùng”, ông Hải chia sẻ. Giữa cái nắng như thiêu như đốt, giữa những bãi đất rộng thênh thang của khu đô thị, những người mót sắt vẫn lầm lũi, hì hục đào, đập tìm kiếm, góp nhặt những đồng tiền ướt đẫm mồ hôi. Uống những ngụm nước mát lạnh dưới cái nắng thiêu đốt của mùa hè. Với ông Nguyễn Văn Chính (48 tuổi, ngụ phường An Khánh, quận 2), làm nghề mót sắt tuy cực nhọc nhưng lại rất thoải mái, tự do, không gò bó như đi làm thuê cho người ta. Nhiều năm qua ông nuôi được cả gia đình 5 nhân khẩu, có hai người con sắp tốt nghiệp đại học và cao đẳng. “Những khi hì hục đào, đập những mảng bê tông, tìm lượm được những mảnh sắt cũ, dù lớn hay nhỏ, ngoài mang lại thu nhập, chúng còn đem lại cho tôi niềm vui, giá trị cuộc sống. Tôi sẽ tiếp tục làm nghề này đến khi các con trưởng thành, khi đó tha hồ mà nghỉ ngơi”, ông Chính cười. Nguồn: zing