Vào mỗi đêm trăng sáng, khi tiếng trống vừa cất lên, đầu đội bờm lân, mình ẩn trong những tấm lụa thêu thùa kim sa lấp lánh, họ lại tạm quên đi con người thường ngày và sẵn sàng một lần bước lên những giàn mai hoa thung Hari Won – Trấn Thành nức nở vì “người bí ẩn” múa lân trên mai hoa thung Kỳ lân Chợ Lớn: Nghĩa đường nhí 19h, đêm Rằm cuối cùng của tháng Chạp. Trăng rõ vành vạch rãi vàng qua tán me già xuống những viên gạch màu đỏ nung, đọng trên những chiếc vảy rồng láng cóng vừa được sơn cách đây không lâu của khuôn chùa Bà (Q.11, TP.HCM). Cạnh đó, tiếng trống dội đi khắp con xóm nhỏ từ cách đó ba bốn ngôi nhà đã nghe rõ mồm một. Những đêm trắng sáng ấy, cũng là lúc đoàn lân Hùng Dũng lại cùng nhau luyện tập. “Điều gì khiến anh em có thể đi cạnh nhau tới giờ?”. Tôi hỏi. “Vì quen hơi!!!”. Tất cả nhìn nhau. Phì cười. Nữa cuộc đời trên mình lân Dưới tán me, Chảy ngồi cột lại đôi giày múa. Đôi Thượng Đình chưa tới trăm ngàn, Chảy tự chế bằng cách bọc ngoài một lớp bao tay và dán thêm miếng kim sa màu trắng bạc. Rất tỉ mỉ. Chảy năm nay 27 tuổi. Người nhỏ, ốm rọc xương trong cái quần múa có thêu thùa những đường lông viền màu đỏ đã 8 năm ở đoàn Hùng Dũng. Ban ngày anh làm thợ vải, tiền vừa đủ nuôi một gia đình nhỏ: Vợ và hai con trai. Đêm đêm để được đi múa, Chảy phải dắt theo thằng lớn 3 tuổi, “còn đứa nhỏ 10 tháng nữa, mình vợ em chăm không xuể.” – anh bảo. Múa lân-sư-rồng là một phong tục truyền thống vào mỗi dịp Tết đến xuân về của người Hoa tại Sài Gòn. Đầu tháng Chạp, khi tiếng trống “cắc tùng cắc tùng tùng” vang vang khắp phố phường ở các quận 5, 6, 8, 10, 11 đã mang theo những không khí năm mới đi khắp nẻo đường người Hoa. Họ tin rằng: Lân-sư-rồng tượng trưng cho may mắn, tài lộc và đem lại nhiều phúc cho gia chủ vào ngày đầu năm. Thế nên để dẫn lân về nhà, người Hoa sẽ treo những bao lỳ xì đỏ trước cửa, nghệ sĩ múa phải vượt qua những đỉnh núi từ giàn mai hoa thung nhằm bắt lấy đồng tiền may mắn như lời chúc tấn tài tấn lộc. Cứ thế, con lân, cái trống và ông thần tài thổ địa thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Hoa. Hiện nay, tại Sài Gòn đã có hơn 100 đoàn lân sư rồng hoạt động. Trong đó, Hùng Dũng Đường là một trong những đoàn lân tên tuổi lớn của người Hoa quận 5. Thành lập vào năm 1985, hơn 30 năm trong nghề, nhiều thế hệ lân-sư-rồng trong đoàn đã lớn lên như Chảy. Đều là những chàng trai ở độ tuổi hai mấy, thế nhưng họ đã dành gần như cả cuộc đời cho múa lân. Ban ngày tất bật với trăm nghề mưu sinh. Chỉ những đêm buông xuống, đầu đội bờm lân, mình ẩn trong những tấm lụa thuê thùa kim sa lấp lánh, họ lại gác lại con người thường ngày để sẵn sàng bước lên những giàn mai hoa thung. “Anh em múa lân cốt chỉ để giữ cái đam mê trong lòng mình thôi.” – Anh Kiên (33 tuổi, chủ đoàn) lên tiếng. Kiên theo đoàn lân từ năm lên 5. Sau khi cha anh đột ngột qua đời, một mình anh đã đứng lên giữ gìn cái tên Hùng Dũng Đường. Tuy múa lân không còn được ưa ái như xưa, ngay cả Kiên cũng không nghĩ sẽ sống được từ nghề gia truyền. Nhưng nói bỏ, anh lắc đầu hùi hụi. “Ngày xưa, lân sư rồng chỉ có một vài đoàn lớn. Thời đó, múa lân được người ta kính trọng và nhiều nghệ sĩ có thể làm nên ăn ra. Tết làm sao mà thiếu lân được chớ. Vừa nghe tiếng pháo nổ đì đùng, tiếng trống xuân dội là trẻ con, người lớn đổ ra đường xem lân. Vui lắm. Giờ thì người có người không, bày đủ trò tập kỹ may ra còn kiếm được 200 nghìn tiền ngày công, hên nữa thì nhận thêm tiền lỳ xì nhiều gia chủ tốt tính treo trên cao”. Cạnh đó, Dũng (20 tuổi) đang thắt lại dây đai lưng đỏ cũ màu. Cũng sợi đai ấy hơn 10 năm tì vào hông Dũng để lại vô số những vết chai. Cứng ngắt. “Hồi còn đi học, chưa kịp về nhà đã chạy theo sư phụ đi tập lân đến khuya khoắt, quần áo dơ hết. Má hổng cho em theo lân. Bà sợ khổ lại nguy hiểm, gảy tay chân nhà nuôi hổng nổi. Đánh bầm tím em cũng chịu, chớ hổng đi theo lân sao em chịu được. Ngủ mà còn mơ mình gõ trống, tay nhịp nhịp nữa mà anh.” – Dũng nhớ lại. Vậy mà, thắm thoắt giờ Dũng đã 20 tuổi. Cậu chưa bao giờ nghĩ từ cái ngày còn nhỏ nhìn thấy thích thích đến khi bị những tiếng trống xuân mê hoặc, gan lỳ bước trên giàn mai hoa thung, cậu đã có 10 năm lớn lên trên lưng những con lân đủ màu đỏ vàng ở đoàn Hùng Dũng. Đó là một nửa cuộc đời của cậu. Có lần tôi hỏi Dũng lý do cậu giành cả cuộc đời cho bộ môn nghệ thuật này. Dũng cười hì hì: “Chắc là do em té nhiều quá nên chai lỳ.” Chẳng ai trong đoàn Hùng Dũng rõ tại sao lại yêu lân. Đều như Dũng, ai hỏi, họ bảo: Đam mê. Vì không mấy ai chấp nhận bám đuổi một cái nghiệp chẳng làm nên đồng tiền, lại sẵng sàng đánh đổi tính mạng để mua vui cho mọi người như vậy. Vũ điệu dưới trăng Đêm 20 tháng Chạp, tôi quay lại gặp đoàn lần nữa với lời hứa hẹn sẽ có một bài viết về đoàn. Anh em lúc đầu ái ngại, nhưng sau dần dà cũng đồng ý. “Không phải để nổi tiếng đâu anh, để họ hiểu hơn về lân thì tốt quá.” – Long (27 tuổi), một tay đánh trống lên tiếng. Dũng và Chảy vừa tới sân chùa. Cậu đi chở hàng Tết, ra khỏi nhà từ 5h sáng, quần quật tới tận tối khuya chưa kịp lót gì vào bụng lại tụ tập anh em luyện tập. “Ăn giờ là lên giàn ra ngược hết á anh…”. Bao nhiêu đêm đi múa, Dũng vẫn phải giữ cái bụng đói đó. Trước múa, Dũng thắt lại cái đai lưng màu đỏ ngay hông theo hình chiếc nơ. Chảy sẽ đứng sau nắm vào cái đai lưng ấy, chắc chắn. Đó là điểm mấu nối hai người với nhau. Dũng bưng một con lân màu vàng đội lên đầu, phủ sau lưng một tấm vải ánh những hạt kim sa lấp lánh. Tôi nhớ Chảy từng bảo: Khi vải khoác lên người, bên trong ấy chỉ còn tối mịt. Múa lân thì như người không mắt, bay nhảy hay búng người đều phải dựa vào cảm giác. Đúng thật! Tùng…tùng…tùng… Tiếng trống vừa cất lên, con lân vàng vừa cuối đầu chào sân, vừa lượn qua lượn lại dưới những cây mai hoa thung chông chênh được sắp xếp theo hình quả núi. Rồi phốc. Chảy bê cả người Dũng lên đầu, bay thẳng lên một đoạn cao mét rưỡi, bằng thân người. Sức nặng làm tay cậu nổi những đường chỉ thấy rõ. Tiếng trống đánh từ cái dùi gỗ vọng lại giữa bốn bề bức tường được trạm rồng ngày càng dữ dội hơn. Cả hai búng người qua trên những chiếc đĩa chỉ đủ chống một chân. Tới đoạn cao nhất 2.5 mét, nhấc bỗng đầu lân lên cao 4 mét vung điệu chim người. Rồi xoay lại, Dũng chốc ngược người xuống đất. Ánh trăng dát vàng lên những sợi vảy, và cái đuôi màu kim sa láng cóng tung bay. Tôi vẫn nhớ về những về cái Tết cũ. Nghe tiếng pháo nổ từ đêm 30 đã thấy Tết về khắp nơi. Sau này, khi pháo cấm đốt, có lẽ tiếng trống xuân của những đoàn lân mới là âm thanh thân thuộc nhất. Ngày đó, sáng mồng một đã nghe râm rang tiếng trống đi qua ngõ. Tụi con nít xấm xít vòi mẹ bộ đồ mới, lon ton chạy theo cái đuôi lân láng cóng, tay vỗ đôm đốp, mắt cười him híp. Không khí Tết cứ theo con lân vàng ánh kim sa, ông địa bụng phệ, và niềm vui của tụi trẻ con đi khắp xóm làng bình dị như thế. Nhưng để hiểu về họ thì thật sự đến tận bây giờ, qua những ngày sống với Hùng Dũng tôi mới cảm nhận được. Chảy kể: Tập với nhau tận 3 năm, anh em gắn kết như gia đình. Ấy thế mà lúc cãi nhau cũng căng như dây đàn. “Ai lại về nhà nấy, không nói không rằng. Hôm sau quay lại thì anh em chẳng nhắc lại chuyện cũ nữa, bỏ qua hết. Có như thế mới gắn bó đến tận bây giờ”. Nhiều lần đoạn trật nhịp, Dũng té nhào xuống đất, tay Chảy với không kịp. Hai anh em rơi từ cây chống 1m8. Nghe tiếng bịch. Rõ đau. Vậy mà, cả hai vẫn cười hì hì. Bao nhiêu năm đứng giàn mai hoa thung, Dũng đếm không xuể bao nhiêu lần bị như thế. Nhẹ thì trật giò, bong gân. Nặng thì gãy tay, chân, cổ. Mới cách đây vài tháng, cũng bay trên trụ mai hoa thung 2.5 mét, em té ngửa. Chụp X quang bác sĩ chỉ thấy một mảng đen do máu tụ, má bắt phải ở nhà 1 tháng lận. Cơ mà vừa đi được, em lại theo lân. Ở nhà bức rức lắm, nghe tiếng trống em chịu hổng nổi. Dũng bật cười. Lỳ lắm mới theo nghề được. Lên đó bủng rủng chân tay sợ chết thì còn làm ăn gì được nữa. Những cái tết chưa bao giờ trọn vẹn Tết là thời gian làm nên ăn ra của nhiều đoàn lân tại thành phố. Từ 30 tháng Chạp, anh Kiên đã phải lo sắp xếp lại lịch múa cho các anh em trong đoàn. Nhiều năm liền lịch dày kín, cả đoàn vẫn chưa biết đến mùi vị của những ngày Tết là thế nào. Vì để ra sân khấu, cách đó nhiều tháng ròng, họ phải luyện tập bài múa mỗi đêm đến tận những ngày 28, 29. Đúng giao thừa, đoàn lại tiếp tục lên đường. Tôi hỏi: Có Tết năm nào dám bỏ lân ở nhà đón cùng gia đình?. Tất cả anh em đều lắc đầu. “30 năm nào cũng lọ mọ ra khỏi nhà từ 5 giờ sáng, má còn ngủ. Lúc về quá 10h đêm, chỉ kịp ăn với má chén cơm lại phải nằm nghỉ. Theo lân tận 15 Giêng, hết Tết…”. Dũng nói rồi bỏ lửng câu. Ra ngồi ở cái nệm lót đã rách mui, cậu rít một điếu thuốc nhả khói bay lơ lững. “Nghề này là vậy mà anh. Ngày vui của người ta là ngày làm việc của mình”. Chảy kể. “Có hôm 30 rồi mà em còn nhảy xe tải theo đoàn. Đi tỉnh lẻ là Tết cứ ở trên xe cùng anh em thôi, ông già đi tìm, đang khè khè ngủ đã bị xách tai kéo về. Vậy chớ một hai bữa, em cũng lại nhảy xe đi tiếp”. 22 giờ, đêm 20 tháng Chạp, gió lạnh suốt đêm. Mồ hôi nhễ nhại chảy dài trên mặt, qua kẽ mắt rát rạt. Trời dần khuya, tất cả anh em lại lụi cụi dọn thùng trống, cây mai hoa thung. Cởi chiếc quần múa, Dũng mặc lại chiếc quần cộc màu xanh qua bẹn đùi vào phụ một tay. Ít ai nghĩ rằng, thằng Dũng xuề xòa đó mới nãy vẫn còn bay lượn trên không trung trong những bộ lân-sư-rồng kim sa lấp lánh cơ chứ. – Cái nợ xây cho má ngôi nhà đón Tết đến bao giờ mới thành hiện thực hả Dũng? – Một người trong đoàn hỏi. Dũng cười cười. – Đang để dành chút chút. Ăn 15 ngày, còn 15 ngày dành dụm cho má chớ… Rồi cậu im lặng. – 30, mùng 1, mùng 3, mùng 4, 5, 6,… tới tận Rằm Giêng luôn nha mấy đứa.” – Kiên dặn lại. Dũng nhìn, cậu cười với tôi: Quen rồi anh. Đây là năm thứ 10 Dũng không đón Tết cùng má, cũng là ngần ấy năm cậu vào đoàn lân Hùng Dũng. Nhưng mơ ước xây nhà cho má thì cậu chưa biết khi nào mới thành hiện thực. Theo saostar