Làng chài này đã hình thành và tồn tại trên dòng sông Sài Gòn hơn 40 năm qua. Thế nhưng dân làng chài nay ít người sống bằng nghề chài lưới vì sông chẳng còn cá tôm. Hàng ngày, họ lên bờ làm đủ việc như thợ hồ, bán vé số, lượm ve chai… để mưu sinh. Trên đoạn sông Sài Gòn thuộc phường 13, quận Bình Thạnh (TPHCM) hiện vẫn còn tồn tại một làng chài nghèo nằm ẩn mình giữa những tòa nhà hiện đại. Xóm chài ngụ cự nằm lọt thỏm ở khúc giữa cầu Bình Lợi cũ và mới. Nói là làng cho “oai” chứ thực ra đó chỉ là đoạn sông neo đậu những chiếc ghe gỗ chắp vá, phủ những tấm bạt, mái tôn phía trên để che mưa nắng. Cách đây 40 năm, những người dân từ miền Bắc di cư vào miền Nam rồi ở lại mé sống Sài Gòn đoạn ở cầu Bình Lợi. Ngày đó, cá tôm nhiều nên họ sắm ghe thuyền vừa làm phương tiện đánh bắt vừa làm nơi ở cho cả gia đình. Lâu dần, nhiều người cũng tìm tới neo đậu rồi biến nơi đây thành xóm chài đông đúc tới hàng chục gia đình. Cuộc sống của những ngư dân dựa vào sông Sài Gòn mà sinh sống, nhưng càng ngày nước sông càng ô nhiễm, cá tôm không còn nhiều để đánh bắt nên các gia đình bắt đầu di tản lên bờ thuê nhà trọ ở, tìm công việc mới. Hiện tại, chỉ còn ba hộ với 8 nhân khẩu vẫn còn bám trụ lại. “Cá tôm đã không còn, nhiều hộ đã bán ghe lên bờ thuê nhà trọ để ổn định hơn”, ông Ba Chúc, ngư dân xóm chài chia sẻ. Xóm chài với ba hộ gia đình nằm trên sông Sài Gòn, đoạn giữa hai cầu Bình Lợi mới và cũ. Ngày trước, khi cá tôm còn nhiều các gia đình đều mưu sinh dựa vào việc đánh bắt tôm cá. Sau này, tôm cá ít nên ngoài việc đi đánh bắt, họ phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Minh (55 tuổi) đang ngồi trên ghe chờ đi chở hàng thuê cho khách. Chị Năm vừa tranh thủ cùng chồng chạy ghe đi mấy chục km đánh được mớ cá làm bữa trưa cho gia đình. Cuộc sống của những ngư dân ở xóm chài thiếu thốn đủ thứ, nhưng họ sống gắn bó và thường hay giúp đỡ nhau những lúc khó khăn Ông Chứng (50 tuổi) sống một mình trên chiếc ghe cũ với mấy con chó làm bạn. Lâu lâu, em gái ông Chứng ở trên bờ xuống thăm và mang cho ông ít gạo và thức ăn. “Ghe mua đã lâu lắm rồi, tôi chỉ mua ít miếng tôn về che chắn ở tạm. Mỗi lần mưa to gió lớn, cứ như muốn cuốn phăng cả người và “nhà” xuống sông”. Ông Chứng vừa hạ tấm bạt che mưa, vừa nói chuyện. Bà Hinh làm sạch mấy con cá chồng vừa đi đánh về để nấu bữa trưa. Những hôm đánh được cá, gia đình bà có thêm thức ăn còn không thì họ đi dọc sông hái ít rau dại về luộc lên ăn cho qua. Chiếc ghe chật hẹp, vừa là nơi ở cũng là nơi nấu nướng và sinh hoạt của gia đình ông Ái. Gia đình ông Nguyễn Văn Ái (53 tuổi) có ba thế hệ cùng sống trên ghe. Vợ và con ông ban ngày lên bờ đi làm thuê, ông chỉ ở nhà nấu cơm chờ vợ con về ăn. Những lúc rảnh rỗi, ông Ái chèo ghe đi lượm ve chai trên sông để bán. Ông Ba Chúc là ngư dân lâu năm và có tiếng ở khu vực này vì ngoài đánh cá ông còn kiêm thêm công việc vớt xác, cứu người. Gần 40 năm qua, hai vợ chồng ông đã cứu, vớt gần 300 người bị tai nạn và tự tử trên sông. Chiều lại, ông Chúc cũng như cánh đàn ông ở xóm chài đều tắm mình dưới sông. Phụ nữ thì múc nước sông lên, che chắn một góc trên ghe để tắm. Những chiếc ghe cũ chắp vá, mỗi lần mưa gió họ lại phải tháo chạy lên bờ trú nhờ nhà dân vì sợ gió cuốn cả người lẫn ghe xuống sông. Dù nghèo khó, nhưng những ngư dân xóm chài rất chú trọng chuyện thờ cúng. Dưới ghe không có chỗ, họ tìm một vị trí cao trên bờ rồi đặt bàn thờ để nhang khói mỗi ngày. Vợ chồng ông Chúc đã lấy nhau gần 40 năm, có 5 người con nhưng các con đều đã lên bờ thuê nhà trọ ở. Ghe vợ chồng ông Ba Chúc có lẽ là hiện đại nhất ở xóm chài, vì ông bà xin bắt được điện trả tiền hàng tháng từ một hộ dân gần đấy. Cuộc sống thiếu thốn, ai cũng muốn được lên bờ nhưng vì điều kiện khó khăn nên họ chấp nhận ở lại. Theo Dân trí