Những “cô lái đò” cuối cùng trên sông Sài Gòn


Cái nghề “tiều sông” giúp bà nhạy bén nhận ra nhu cầu qua lại của con người bằng đường thủy. Bà cải tiến lại chiếc xuồng ba lá, lắp thêm máy nổ công xuất lớn và chuyển nghề.

Video: Những người nữ lái đò năm xưa ở Sài Gòn

Loạt ảnh: Phố cổ Hội An hóa thành sông, dân chèo thuyền đưa đón khách tham quan

Nhưng bà biết rằng, nghề lái đò không hề đơn giản, nhiều người đã đùa cợt và nói với bà rằng, phụ nữ sẽ không thể kiểm soát một con đò giữa muôn trùng sóng vỗ như vậy…

1. Dưới con rạch Tân Thuận (quận 7), bà Lê Kim Hiền (55 tuổi) đã có thâm niên trên 30 năm gắn liền với con sông, bến nước. Phơi nắng dầm mưa ngần ấy năm, nhưng bà Hiền vẫn giữ được vẻ đẹp mặn mòi. Đôi mắt bà xanh biếc, hàng lông mi cong vút cộng thêm sở thích trang điểm nên bà luôn xuất hiện hoàn hảo trước mũi đò. Ở bến, người ta phong cho bà là hoa khôi.

Thời tuổi trẻ, cô gái Kim Hiền vào nghề lái đò bằng cách theo người anh rể phụ đò tại bến đò Mỹ Cảnh (quận 4). Bến đò Mỹ Cảnh ngày đó như cái chợ nổi, dân buôn từ miệt Cần Giờ, Nhà Bè, Cần Giuộc (Long An) đổ về rất đông.

Đó được xem là thời hoàng kim của nghề đưa đò, vì khi đó cầu đường chưa phát triển, người dân đi lại bằng đường sông rất nhiều. Các bến đò hoạt động tấp nập, người xuôi kẻ ngược, từ buôn thúng bán bưng đến thương hồ, khách bộ hành..

Con đò nhỏ bé giữa những tòa nhà cao tầng.

Con đò nhỏ bé giữa những tòa nhà cao tầng.

Công việc của bà Hiền chỉ là phụ cột dây neo thuyền hay thu tiền của khách. Lâu dần, bà Hiền mon men làm quen với máy nổ và chân vịt. Rồi cứ thế, bà cầm lái ngon lành, thuần thục.

Cô gái lái đò Kim Hiền năm ấy vừa tròn 15 tuổi nhưng đã am tường và thông thuộc các luồng lạch. Các tay đò rẽ nước chạy mỏi tay, một ngày chạy dọc một ngày chạy ngang.

Ngoài 20 tuổi, bà Hiền lấy chồng, từ giã con đò lên cạn. Nhưng cũng chỉ được vài năm, chồng con đề huề, bà không chịu nổi cảnh bươn chải ở đất liền lại quyết định xuống đò. Từ đó, bà xem con đò như mái nhà thân thương, ấm áp của mình. Con cái trưởng thành, bà vẫn bám riết lấy dòng sông, mặc cho gia đình khuyên nhủ.

Ở bến đò này, bà Huỳnh Thị Mun (65 tuổi) được xem là lão làng với thâm niên ngót nửa thế kỷ cầm chèo. Nắng gió sóng nước làm tóc bà quăn lại, da bà xám nâu, rắn chắc. Những đặc điểm ấy khiến bà không thể lẫn với người trên bờ.

Sinh ra và lớn lên tại bến đò Tân Thuận này, cả cuộc đời bà Mun chỉ quẩn quanh bên con nước đôi bờ nhánh sông Sài Gòn. Ngày trẻ, bà làm nghề vớt củi trên sông. Gia tài của bà là chiếc xuồng ba lá mỏng manh, mỗi ngày bà vươn mình lùng sục khắp con sông vớt từng thanh củi mang lên bờ bán.

Cái nghề “tiều sông” giúp bà nhạy bén nhận ra nhu cầu qua lại của con người bằng đường thủy. Bà cải tiến lại chiếc xuồng, lắp thêm máy nổ công xuất lớn và chuyển nghề. Nhưng bà biết rằng, nghề lái đò không hề đơn giản, nhiều người đã đùa cợt và nói với bà rằng, phụ nữ sẽ không thể kiểm soát một con đò giữa muôn trùng sóng vỗ như vậy.

Trong trí nhớ của bà, sông Sài Gòn những tháng năm xa ngái bình yên đến lạ. Dù thênh thang rộng lớn, luồng lạch nước xiết nhưng chưa bao giờ đánh úp được con ghe của bà. Bà hiểu sông như hiểu chính cuộc đời mình.

Bà nhớ lại: “Con ghe của tui nhỏ xíu, cũ rích mà chở khách cứ băng băng qua sông Sài Gòn sang bờ Thủ Thiêm. Nước sông Sài Gòn ngày đó chảy không bất thường như bây giờ do không bị hút cát hoặc lấn bờ”.

Bà Hiền điều khiển con đò vượt qua các chướng ngại vật.

Bà Hiền điều khiển con đò vượt qua các chướng ngại vật.

Tay lái của bà vững chắc như cánh đàn ông, dường như bất chấp tuổi tác. Những ngày sóng lớn, đò của bà vẫn hiên ngang rẽ nước mà không hề nao núng.

Ngồi trên con đò lão luyện ấy, bất cứ ai cũng đều có cảm giác yên tâm. Do tuổi cao, có thời điểm bị bệnh, bà Mun gác đò lên bờ. Cả đời gắn bó với con nước, bà đã không thể chịu nổi nỗi nhớ. Vậy là bà xuống sông với suy nghĩ: “Sẽ chạy khi nào sức tàn lực kiệt thì thôi”.

2. Trải qua bao mùa giông bão, triều lên, con sông Sài Gòn chứng kiến nhiều vụ lật tàu, chìm sà lan. Mới đây nhất, rạng sáng ngày 4/7/2018, trên sông Sài Gòn phía gần bờ Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2), một chiếc sà lan chở cát đã đụng với một tàu container khiến chiếc sà lan bị chìm, hai người mất tích sau đó được xác định tử vong.

Rồi trước đó hai tháng, chiếc ghe có tải trọng 106 tấn chạy trên Kênh Tẻ, hướng cầu Tân Thuận đi Lò Gốm. Trên ghe chở theo 3 người và 94 tấn vôi. Khi đến đoạn qua phường Tân Kiểng (quận 7), chiếc ghe bất ngờ bị nước tràn vào khoang máy rồi chìm dần. 3 người trên ghe nhanh chóng nhảy xuống nước, bơi vào bờ.

Nơi xảy ra tai nạn chỉ cách vài bước chân là tới bến đò của bà Mun, bà biết hết những sự việc xảy ra trên sông nhưng cũng chỉ biết “găm” vào trí nhớ để tự răn dạy bản thân và cảnh báo những bạn đò khác cẩn thận. Đó là những vụ tai nạn giao thông đường thủy, ở đây, cánh lái đò còn chứng kiến nhiều vụ nhảy cầu quyên sinh.

Ám ảnh nhất là mùa World Cup vừa rồi. Cứ rạng sáng thi thoảng lại nghe tiếng “ùm” một cái từ thành cầu Tân Thuận. Lúc ấy nhiều người còn chìm trong giấc ngủ, chỉ có người ở bến đò và những người buôn bán ở khu chợ ven sông gần đó biết. Nghe để thêm xót xa vậy thôi chứ không thể làm gì hơn.

Khi chạy ra thì chỉ còn đụm nước sủi lên hoặc chẳng thấy gì nữa, người đã chìm nghỉm trôi dạt đi tận đâu. Những ngày chứng kiến cảnh đó, bà Mun bần thần hết tâm can, bà lái đò trong cảm giác vô thức. Rồi ít hôm lại nghe người ta vớt được cái xác trôi dạt gần bến đò. “Cái thế giới ở dưới gầm cầu này tưởng bình yên mà đâu có phải”- bà Hiền trải lòng.

Chiếc vô lăng êm dịu lướt sóng.

Chiếc vô lăng êm dịu lướt sóng.

Trầm ngâm bên mạn đò nhìn ra sóng nước dập dềnh, bà Mun buông lời: “Con sông này mấy năm nay bị đất “ăn” nhiều lắm. Ngày nào chúng tôi cũng chạy qua khu nhà giàu ven sông. Biệt thự, du thuyền nhà hàng ăn uống giữa sông tấp nập. Nghĩ phận lái đò như mình đời nào được lên con thuyền lấp lánh ánh đèn kia”.

Nhìn những người phụ nữ lái đò giữa mênh mông sóng nước, một tay điều khiển máy nổ, một tay nắm chắc cần lái chỉnh hướng vừa nhỏ bé lại vừa kiên cường. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng khi thời điểm này đang vào mùa mưa bão, nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng giông lốc gây thiệt hại không nhỏ tài sản có giá trị của người dân.

Chúng tôi hỏi bà Mun: “Bà có gặp tai nạn đò ngang lần nào?”. Bà nheo mắt, vén đôi sợi tóc bay trước mặt trả lời đầy tự tin: “Tai nạn thì chưa nhưng sự cố thì có. Nhiều khi ra giữa dòng gặp phải chiếc tàu chở hàng khổng lồ quạt sóng đẩy đò mình dạt ra. Nếu không vững tay lái thì bị lật như chơi. Lật đò chúng tôi không sợ vì đều bơi rất tốt, chỉ lo cho khách thôi”.

Khi thời tiết bất thường thì việc lưu thông trên các chuyến đò là rất nguy hiểm, mọi tình huống xấu nhất đều có thể xảy ra. Theo quan sát của chúng tôi, hành khách đi đò rất e ngại việc mặc áo phao, vì thời gian lưu thông trên đò thường rất ngắn

Khách đi đò thường là khách bộ hành từ quận 7 sang quận 2 hoặc Nhà Bè.

Khách đi đò thường là khách bộ hành từ quận 7 sang quận 2 hoặc Nhà Bè.

Xóm đò Tân Thuận từ ngày quy hoạch phố xá, các khu ổ chuột ven kênh trở thành những dự án biệt thự hào nhoáng trong tương lai đã có nguy cơ xóa sổ.

Bây giờ chỉ là nơi neo đậu tạm thời của vài chị em làm nghề lái đò đưa khách sang sông còn sót lại sau hàng chục năm thịnh vượng của các xóm đò quận 4, quận 7 có tuổi đời xấp xỉ với một kiếp người ở thành phố này. Nghĩ về ngày phải gác mái chèo giã từ nghề, bà Hiền, bà Mun đều không khỏi ngậm ngùi. Chắc hẳn trong ký ức của họ, dòng sông con đò là trọn vẹn và duy nhất.

Bà Mun cho biết, bến đò là một phần lịch sử của dòng sông, của cư dân hai bên bờ. Những bến đò một thủa hồng hoang, đã được ghi chép trong sách về mảnh đất Sài Gòn này hầu hết đã không còn như những gì đã viết bởi tốc độ đô thị hóa ở vùng ngoại ô quá nhanh. Có lẽ, đây sẽ những người phụ nữ chèo đò cuối cùng của con sông Sài Gòn.

Theo cstc


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: