Mỗi tình nguyện viên ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (quận 5) trực ca 8 tiếng hoặc 12 tiếng, liên tục tiếp nhận và vận chuyển 120-140 bình oxy. “Bình cuối cùng rồi, nay giao ca lúc 22h nhé”, một nhân viên y tế nhìn đồng hồ rồi nói vọng lại với tình nguyện viên Nguyễn Minh Quân (20 tuổi, ngụ quận 4). Sau tấm kính chắn giọt bắn và lớp khẩu trang, gương mặt của Quân lấm tấm mồ hôi. Cậu nhanh chóng thu xếp đồ đạc, bàn giao công việc với ca sau và chuẩn bị kết thúc ngày làm việc kéo dài 8 tiếng. Nguyễn Minh Quân đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ vận chuyển oxy tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ngày 31/7, Quân trở thành một trong 5 tình nguyện viên được Thành Đoàn TP.HCM cử đến hỗ trợ khoa Dược, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Vài ngày qua, Minh Quân và cả nhóm lặp đi lặp lại các nhiệm vụ: tiếp nhận bình oxy, chuyển tới giường bệnh F0 và thu hồi bình cũ về điểm tập kết. Sau ca trực dài 8 tiếng, hai cánh tay cậu tình nguyện viên nặng trĩu do liên tục mang vác nặng. Song, Minh Quân nói rằng niềm vui khi được giúp sức cho lực lượng tuyến đầu khiến cảm giác mệt mỏi vơi đi nhiều. “Mình vẫn đang đi học nên sẽ làm việc ở bệnh viện từ 13h đến 22h. Công việc vất vả, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm từ F0 nhưng mình rất vui vì có cơ hội thể hiện trách nhiệm với cộng đồng”, nam tình nguyện viên nói. Chuyển 120-140 bình oxy tới giường bệnh F0 Chia sẻ với Zing, Minh Quân cho biết cậu lập tức đăng ký tham gia nhóm vận chuyển oxy tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ngay khi Thành Đoàn TP mở đơn tuyển. Trước đó, cậu từng nhận nhiều nhiệm vụ hỗ trợ công tác chống dịch khác trên địa bàn thành phố như trực chốt kiểm soát dịch bệnh, khu cách ly, điều phối ở những điểm lấy mẫu và tiêm chủng cộng đồng. Lần này, Minh Quân mong muốn được hỗ trợ lực lượng tuyến đầu nhiều hơn, nhường cơ hội làm tình nguyện ở vòng ngoài cho nhiều bạn trẻ khác dù biết rằng nhiệm vụ mới có rủi ro cao hơn. Minh Quân cho biết “bí quyết” để vận chuyển hàng trăm bình oxy nặng 50-60 kg là nghiêng nhẹ rồi lăn bình. “Mình đáp ứng đủ tiêu chí về sức khỏe, hoàn thành tiêm chủng mũi vaccine đầu tiên nên lập tức đăng ký vào nhóm vận chuyển oxy tại bệnh viện. Gia đình mình cũng lo lắng lắm, nhưng luôn thấu hiểu và ủng hộ việc làm vì cộng đồng của mình”, Minh Quân cười, nói. Trần Nam Anh – cán bộ ở Trường Đoàn Lý Tự Trọng (TP.HCM), người điều phối và phụ trách – cho biết nhóm tình nguyện viên vận chuyển oxy được thành lập dựa trên yêu cầu hỗ trợ của bệnh viện. “Nhằm tiếp ứng lực lượng vận chuyển oxy cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, chúng tôi chọn ra 5 bạn trẻ đáp ứng đủ tiêu chí về sức khỏe (thể chất tốt, đã tiêm một mũi vaccine), có tinh thần trách nhiệm. Đặc biệt, các bạn cần có ý thức về thời gian để người bệnh nhận được oxy đúng lúc”, anh nói. Anh Nam Anh cho biết 5 tình nguyện viên được chọn phải tham gia buổi tập huấn cấp tốc, phối hợp hoạt động với các nhân viên phòng Công tác Xã hội của bệnh viện. Minh Quân nói với Zing rằng các tình nguyện viên thường trực ca 8 tiếng hoặc 12 tiếng, tùy vào lịch trình cá nhân. Mỗi ca trực gồm 6-7 người, gồm tình nguyện viên và nhân viên bệnh viện, liên tục tiếp nhận và vận chuyển 120-140 bình oxy nặng 50-60 kg. “Bình oxy chỉ nhẹ hơn mình có vài kg, lại phải chuyển từ điểm tập kết tới từng khoa theo nhu cầu sử dụng nên cũng khá vất vả. Mấy anh em thường lăn bình lên xe đẩy rồi đem đi, nhưng cũng tùy vào tình hình thực tiễn. Bí kíp là nghiêng bình rồi lăn nhẹ để đỡ tốn sức hơn nhiều”, cậu cười, nói. Giấc ngủ vội trên giường carton bệnh viện Từ trực chốt phong tỏa ở nhiều “điểm nóng” trên địa bàn thành phố, Mạc Tư Khoa (28 tuổi, ở quận Bình Tân) quyết định chuyển sang hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Trả lời Zing, anh cho biết nhiệm vụ mới yêu cầu trách nhiệm cao hơn, cũng mang nhiều rủi ro hơn do tiếp xúc gần với các F0. “Ngay buổi hướng dẫn đầu tiên, các anh chị nhân viên y tế giải thích rõ nguy hiểm mà chúng mình phải đối mặt, cũng như chỉ bảo chi tiết cách vận chuyển bình oxy. Dù biết nhiệm vụ lần này khó khăn hơn trước, mình vẫn tình nguyện tham gia”. Kíp trực đêm mà Khoa tham gia thường tranh thủ chợp mắt trên những chiếc giường làm từ bìa cứng hoặc băng ghế dài ở phòng khám. Khoa luôn cố gắng hoàn tất lịch trình cá nhân vào buổi sáng, tới bệnh viện lúc 22h để chuẩn bị vào ca trực đêm. Những ngày qua, do số lượng F0 tăng nên nhu cầu sử dụng bình oxy của người bệnh cũng tăng đáng kể. Công việc của nhóm cũng vì thế mà bận rộn bất kể ngày đêm. Khoa kể trong mỗi ca trực, tổ điều phối sẽ cập nhật thời gian xe chở oxy tới và đi cho nhóm nắm bắt, cân đối thời gian làm việc. Ví dụ, nếu chuyến xe chở oxy tới bệnh viện lúc 20h, các thành viên sẽ có mặt tại điểm tập kết và nhanh chóng chuyển bình tới các khoa có nhu cầu. Khi nhận tin xe chở bình rỗng sẽ cập bến lúc 2h, cả nhóm lại tiếp tục thu hồi vỏ rỗng, chuyển xuống điểm tập kế trước đó một tiếng đồng hồ. Công việc vất vả, nhịp độ làm việc liên tục nên các thành viên ca đêm thường tranh thủ chợp mắt giữa những khoảng nghỉ ngắn ngủi. Không giường, mền hay gối, họ chỉ ngủ vội trên loạt băng ghế, hoặc giường carton đặt ở phòng khám. “Nhiều khi mệt quá, mình ngủ mà quên cả tháo kính chắn giọt bắn hay khẩu trang. Nghĩ lại thì đeo vậy cũng tốt, giữ an toàn cho bản thân ngay cả khi đang ngủ”, Khoa dí dỏm nói. Với anh, điều đáng sợ hơn cả tiếp xúc với các F0 nằm trên giường bệnh chính là nghe tiếng còi hụ từ xe cứu thương giữa đêm trực. “Nhìn cảnh xe cấp cứu ra vào bệnh viện liên tục, nghe tiếng còi báo kéo dài khiến mình cảm nhận rõ thành phố này đang ‘không khỏe’. Cũng vì thế mà mình càng muốn góp sức nhiều hơn, hy vọng sớm đưa cuộc sống bình thường về với mọi nhà”. Theo Zing News