Tài xế “Huy búp bê” dũng cảm bắt cướp để bảo vệ khách đi xe buýt hay chiếc ôm của cô gái Kơ Puih Thoan trên phố đi bộ đã truyền năng lượng đầy lạc quan cho mọi người. Những ngày cuối cùng của năm 2022 đang trôi qua rất nhanh. Sau hai năm trải qua nhiều đợt phong tỏa vì đại dịch, đây là năm đầu tiên người dân TP.HCM được trở lại cuộc sống bình thường. Giữa khó khăn vẫn còn kéo dài sau dịch, người dân trong thành phố vẫn lan tỏa năng lượng tinh thần sống đẹp, với nhiều câu chuyện ấm lòng trước những tấm gương san sẻ vật chất lẫn năng lượng tinh thần cho cộng đồng. Tài xế Huy búp bê bắt trộm cướp, móc túi trên xe buýt Anh Lê Xuân Huy, tài xế tuyến buýt 86 (tuyến Công viên 23-9 – Nhà Bè) được nhiều người quý mến vì tấm lòng nghĩa hiệp. Vị tài xế nhiều lần được Công an TP.HCM và Công ty Vận tải trao tặng bằng khen nhờ thành tích chống trả nhóm cướp, bảo vệ tài sản cho người dân. Anh Huy quê ở An Giang, bắt đầu làm nghề lái xe vào năm 2017. Trong hơn 5 năm trong nghề, anh đã có hơn 20 lần tham gia bắt cướp giật, móc túi, bảo vệ tài sản cho khách đi xe. Anh kể với Zing rằng trước đây anh từng nặng tới 96 kg, thân hình quá khổ và nặng nề. Nhưng chỉ vì muốn đuổi theo cướp, anh đã quyết tâm giảm cân bằng được. Nam tài xế còn có biệt danh khác là “Huy búp bê”, bởi một dịp lễ hay ngày đặc biệt, anh thường mua quà là búp bê, móc khóa và hoa để tặng cho những vị khách đi trên chuyến xe của mình. Tài xế Huy chuẩn bị quà cho khách đi xe mỗi dịp lễ trong năm. Anh Huy chia sẻ rằng dịp 8/3 năm nay, anh đã chi khoảng 7 triệu đồng để mua 300 bông hồng cùng chocolate, móc khóa, gương mini… tặng những hành hành khách nữ. Dù có những người nói anh “bao đồng”, vị tài xế cho rằng thực tế đó là cách anh tìm niềm vui và ý nghĩa cho bản thân. Trước đây, khi còn làm ở ngân hàng, anh thường nhận nhiệm vụ mua quà cho khách và đối tác. “Tôi luôn có một khoản cố định gửi về cho vợ con ở quê, chỉ mua quà bằng tiền chi tiêu cá nhân còn lại. Bớt vài bữa nhậu để dành tiền mua quà mà có thể mang niềm vui cho người khác”, anh Huy bày tỏ. Dịp Giáng sinh lần này, anh cũng dành tiền mua đồ trang trí hình cây thông Noel và nhiều gấu bông để tạo không khí lễ hội. Nhiều khách lên chuyến xe này là học sinh, sinh viên và trẻ em rất thích thú chụp hình check-in. Kơ Puih Thoan Kơ Puih Thoan, cô gái 20 tuổi với khuôn mặt đầy vết sẹo bỏng, đã khiến nhiều người xúc động khi xuất hiện trong sự kiện “ôm miễn phí” trên phố đi bộ Nguyễn Huệ đêm 20/10. Đó là lần đầu tiên Thoan tham dự một sự kiện như thế, và chính cô cũng bất ngờ bởi được nhiều người dành sự yêu thương đến vậy. Dù rất hồi hộp vào lúc đầu, gái quê Gia Lai đã mạnh dạn tháo khẩu trang để nở nụ cười và trao cho mọi người những chiếc ôm ấm áp. Thoan trao cho mọi người cái ôm ấm áp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Thoan kể biến cố ập đến vào năm 4 tuổi, khi cơn hỏa hoạn bất ngờ lúc cô đang ở trong chòi canh rẫy của gia đình. Thoan bị bỏng nặng, một số phần trên cơ thể biến dạng. Trải qua nhiều tháng điều trị ở bệnh viện tỉnh, sau đó phải chuyển lên viện Chợ Rẫy ở TP.HCM, cô may mắn thoát cơn nguy kịch, nhưng phải sống cả đời với những vết sẹo. Cô gái 20 tuổi lớn lên với mặc cảm tự ti, bị bắt nạt vì ngoại hình khác biệt. Nhưng Thoan đã vượt lên ám ảnh về vẻ ngoài, ngày càng tự tin hơn và muốn chứng minh sự đặc biệt của bản thân. Sau khi nghỉ học, Thoan tập tành quay video đăng lên mạng và bán hàng online. Cô nhập hàng với số lượng ít, bán cho những bạn trẻ, người quen xung quanh. Tuy nhiên, tiền lời ít ỏi cũng không đủ cho cô trang trải cuộc sống. Cô nói rằng có đam mê rất lớn với những thứ liên quan đến thời trang, làm đẹp. Nhưng biết gia đình khó khăn, Thoan không dám xin mẹ tiền để mua quần áo, cô tự “chế” lại những món đồ cũ, được người khác cho. Từ khi rời quê lên TP.HCM làm việc đầu năm nay, cô đã kết thêm nhiều bạn mới, thường xuyên tham gia các hoạt động cùng bạn bè. Cô tự tin khoe những bức hình làm mẫu, tham gia các hoạt động và trò chuyện cởi mở về bản thân. Thoan khiến ba mẹ và những người quen bất ngờ vì thay đổi từ tính cách đến vẻ ngoài. Thoan tự tin hơn với chính mình ở hiện tại. Định nghĩa hạnh phúc của người phụ nữ mắc ung thư Lim Tường Vy (38 tuổi, hiện kinh doanh tại TP.HCM) là gương mặt truyền cảm hứng và năng lượng tích cực cho cộng đồng tham gia Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV). Phát hiện bệnh cách đây gần một năm, Tường Vy sang Singapore thăm khám và quyết định tiến hành hóa trị từ cuối tháng 4. Đến nay, cô đã trải qua 8 lần hóa trị và cuộc phẫu thuật để bảo tồn ngực. Chị Tường Vy lan tỏa năng lượng tích cực cho mọi người bằng cách chia sẻ câu chuyện của chính mình. Suốt thời gian đó, cô luôn giữ tinh thần lạc quan, nỗ lực chiến đấu hết mình. Cô may mắn khi được sự ủng hộ và chăm sóc tận tình của chồng, mẹ và chị gái. Nữ doanh nhân đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội, với mục đích lan tỏa tinh thần lạc quan, đồng thời cũng được nhận rất nhiều sự khích lệ từ mọi người. “Lúc đó, tôi chợt nghĩ hóa ra câu chuyện của mình cũng có ý nghĩa, cũng có thể chạm đến cuộc đời của một ai đó. Mọi người cứ nghĩ bệnh tật là phải giấu nhưng biết đâu câu chuyện của mình cũng có thể giúp được người khác thì sao”, Vy kể với Zing. Sau nhiều khó khăn, cô nhận ra hạnh phúc thật sự là những điều rất đơn giản. “Tôi sống chậm hơn nhưng an yên, hiểu mình và thông cảm cho người khác nhiều hơn”. Người phụ nữ 38 tuổi nói rằng bệnh tật cũng khiến cô tìm thấy khoảng lặng, có cơ hội sắp xếp lại cuộc đời mình. ‘Giải oan’ cho Gen Z Tác giả của cuốn sách “Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age” (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực. Theo: Zing news